Nghĩ về nghề và nghiệp

Trong những số trước, hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Tia Sáng chúng tôi đã khắc họa một số chân dung các cộng tác viên đặc biệt đã gắn bó với tạp chí trong nhiều năm qua. Kỳ này, Ban biên tập tiếp tục gửi đến các bạn chân dung một nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, TS. Trần Trọng Dương.


Cả cái chữ “nghề” lẫn chữ “nghiệp” của tôi đều gói gọn trong một danh từ khô khan: “nghiên cứu”.

Có thần kinh mới đi làm nghiên cứu! Có người sẽ cho rằng tôi đang ngoa ngôn chi đây. Nhưng đây là một phát ngôn có thật. Phát ngôn ấy là dành cho chính tôi trong một chuyến đi điền dã khi tôi đến một ngôi chùa cổ đời Trần để khảo sát mỹ thuật. Tôi gặp được một vị sư trụ trì đang “hòa quang đồng trần” giữa một đám đông đệ tử già trẻ trai gái ngồi trong một căn phòng mịt mù khói thuốc và khản đặc tiếng karaoke. Vị sư đó đã mắng tôi sa sả khi tôi nói tôi đi nghiên cứu văn hóa Phật giáo; ông mắng rằng: “Phật là để tu, chứ không phải là để nghiên cứu; chỉ có thần kinh mới đi làm nghiên cứu.” Ông mắng tôi như vậy ba lần liền trong suốt cuộc nói chuyện. Tôi thì hồi đáp vị sư bằng điệu cười toe toét, vừa hồn nhiên và vừa an nhiên. Với không ít người, có khi đó là một sự xúc phạm; nhưng đối với tôi đó là một công án Thiền! Mình đã chẳng phải Phật tử thì chớ, lại còn nho nhe đi nghiên cứu Phật, thế chẳng phải là mò trăng đáy nước hay sao? Nhà Phật thì chủ trương xóa bỏ văn tự, “ý tại ngôn ngoại”; mình thì có biết mấy cái xác chữ Nho.

Dường như trên cả cái chữ “nghề”- một danh từ để trỏ công việc mưu sinh kia, đó còn là cái nghiệp. Cái nghề là cái mình chọn; cái nghiệp là cái đeo đẳng mình, là cái gắn bó với mình, là cái đày đọa mình, cũng là cái quyến rũ mình bằng sự đày đọa của nó. Nó nằm ngoài mọi quyền lực và quyền lợi, nằm ngoài sự cưỡng bách của cuộc sống và cơ chế. Nó là sự thôi thúc từ bên trong, nó là một ham muốn thuần túy lý tính, nhưng được xuất phát như một nhu cầu bản năng: tồn tại.

Nhưng xét ra, tôi cũng liều thật! Bản thân là Tiến sĩ ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm, tôi làm luận án về vấn đề ngôn ngữ và văn tự của các văn bản dịch thuật kinh điển Phật giáo qua trường hợp các dịch phẩm của sách Khóa hư lục thế kỷ XIV- XIX. Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại, tôi đang mở rộng mối quan tâm của mình đến nhiều ngành khác, từ lịch sử văn hóa, lịch sử kiến trúc, lịch sử mỹ thuật cho đến văn hóa dân gian, và nhân học biểu tượng. Hôm nay viết bài về văn học Phật giáo, ngày mai lại nghiên cứu về từ nguyên; đến ngày kia lại đọc về biển đảo. Tôi đang trở thành một kiểu người mà trước đây bản thân mình rất dị ứng- kẻ hay “chúi mũi” vào chuyên môn của những người khác! Rất có thể tôi là người đa đoan lắm mối; cũng có thể là kẻ tham việc tiếc công; càng có thể hơn nữa: tôi là một kẻ liều lĩnh không có chút liêm sỉ nghề nghiệp! Thế nào cũng được, đối với tôi quan trọng là công việc; và cái công việc phải được hiển thị qua các kết quả khoa học: các cuốn sách, các bài viết công bố trên tạp chí chuyên ngành, hoặc có thể đó chỉ là những bài báo. Mặc dù vẫn biết nghiên cứu Hán Nôm vốn đã là một thực thể đa ngành- liên ngành1, nhưng không ít bạn bè đã phản đối hoặc nhắc nhở một cách rất chân tình, rằng: “đa sự thì đa đoan”; hoặc “ông không cẩn thận thì trở thành ông biết tuốt, nát chuyện mà chẳng nên cơm cháo gì đâu”. Mỗi khi nhận được những lời khuyến cáo như thế tôi chỉ biết cười, và tự nhủ sẽ cố gắng hơn! Có khi có những lời nhận xét sau lưng: “Dương nó hỏng rồi!”, “sao nó dại thế!”. Cũng có khi có những lời khen trước mặt: “làm việc gì mà khiếp thế!” Mỗi lần như vậy tôi cũng lại cười: “giời đày ý mà!”
***
Hóa ra tôi là một kẻ bị giời đày! Phải lâu lắm sau khi vào nghề tôi mới nghiệm ra được điều này! Nhưng xét ra, sống ở trong đời, nếu mình không bị đày ải ở chỗ này thì cũng sẽ bị đày đọa ở chỗ khác. Có người thì vì tiền bạc, công danh, có người thì vì chức quan, quyền lực; thôi thì mình tự kỉ ám thị rằng vì khoa học. Khi còn là sinh viên mới ra trường, tôi mơ mộng trở thành nhà giáo đứng trên giảng đường đại học. Đến khi trở thành giảng viên thật, tôi nhận thấy nghề giáo ở nước mình cũng là cái nghề khổ sở, phải giảng đi giảng lại những điều không phải của mình, thậm chí những điều mình không cho là đúng! Làm giáo dục là anh phải đối diện với một hệ thống, với một cơ chế nghiêm ngặt dửng dưng của nó. Thế là vỡ mộng, thế là bỏ nghề! Tôi chuyển sang làm nghiên cứu; tự mình đặt ra cho mình những câu hỏi, tự mình giao cho mình đề tài, tự mình thực hiện nhiệm vụ, nghĩa là xác định tự mình giải ngân cuộc đời mình! Những đề tài nhiệm vụ của cơ quan đôi khi chỉ là sự cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế hoạt động xin cho có hạn định của nhà nước. Còn muốn làm công trình gì đó cho ra tấm ra món, thì phải tự xoay xở. Nghĩa là, tôi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, vừa phải lo kiếm sống với những khoản thu ngoài biên chế, vừa lo chuyện khoa học của cá nhân. Tôi thường gọi đó là “đòn gánh 3 trong 1”. Muốn làm được như thế thì phải tay năm tay mười, lì đòn cho đến lúc kiệt sức. Cũng may mà, nhìn sang xung quanh, thấy có những người đi trước còn lì đòn hơn mình; có không ít anh em bạn bè cũng lì đòn như mình. Thế là lại quay sang bắn tỉa nhau: “một lũ giời đày”!
Như trên đã nói, tôi luôn coi nghiên cứu như là một cái nghề, cao hơn là một cái nghiệp, và xác định rằng nghiên cứu là công việc là nhiệm vụ mà mình sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời. Phấn đấu học tập, nghiên cứu trong những điều kiện khó khăn của cuộc sống với những điều còn bất cập của cơ chế, tôi thấy việc nghiên cứu là một công việc nặng nề, kham khổ, song không vì thế mà thấy chán nản. Bởi tôi coi đó là thử thách để mình luôn tiến lên. 

Nhiều người trong xã hội hiện nay nghĩ, nghiên cứu- nhất là nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn là một công việc xa xỉ và vô bổ. Quan niệm đó không phải là không có những lý lẽ riêng, nhưng cực đoan và phiến diện. Với tư cách là một công dân, tôi thấy mình cần có tinh thần tự nhiệm của một người trí thức để góp phần thay đổi những tri thức của bản thân và xã hội về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tôi cũng nghĩ rằng, chỉ có con đường tri thức mới giúp con người Việt Nam, đất nước Việt Nam chúng ta tiến bộ và phát triển.
***
Làm việc, viết lách, nghiên cứu không phải chỉ là vì lý do mưu sinh, tôi luôn cố gắng tìm thấy những niềm vui trong công việc. Mỗi một bài nghiên cứu, một cuốn sách ra đời là một niềm hạnh phúc, một đam mê, một lạc thú tư duy mà không gì có thể thay thế được. Chính vì thế, trong năm năm qua, tôi đã dành được một số thành quả, với vài ba cuốn sách nghiên cứu đã xuất bản, và hơn bảy mươi bài nghiên cứu, bài viết đã công bố. Những kết quả ấy đã bước đầu được giới nghiên cứu trong và ngoài nước biết đến, và ít nhiều được xã hội quan tâm, khích lệ. Một chặng đường tuy không dài, nhưng trong đó chứa chất nhiều suy tư nhiều trăn trở đối với lịch sử và văn hóa nước nhà.

Năm 2011, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục tại Học viện Khoa học Xã hội (sau được in thành sách cùng tên năm 2012, NXB Từ điển Bách khoa). Công trình này nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt và lịch sử chữ Nôm từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19. Đây là kết quả đạt được sau tám năm nghiên cứu. Luận án, dựa trên các sử liệu và ngữ liệu, đã chứng minh được rằng, Tuệ Tĩnh- thiền sư- y sư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, là người đời Trần (khác với giả thuyết trước đây của GS. Hà Văn Tấn, GS. Đỗ Tất Lợi). Luận án cũng chứng minh được rằng, Tuệ Tĩnh với tác phẩm Thiền tông khóa hư ngữ lục là dịch giả có danh tính sớm nhất trong lịch sử. Bản dịch Khóa hư lục của ông là tác phẩm văn xuôi tiếng Việt duy nhất của thời Trần đến nay còn giữ được.

Trên cơ sở nghiên cứu đó, cuối năm 2011, tôi đã công bố bài viết “Phật thuyết có phải là dịch phẩm Nôm thế kỷ 12?” trên tạp chí Ngôn Ngữ. Từ góc độ từ vựng học lịch sử, văn tự học lịch sử, bài viết đã chứng minh rằng, sách Phật thuyết (hiện đang lưu trữ tại Pháp, vốn trước nay được coi là một tác phẩm đời Lê sơ) là dịch phẩm văn xuôi bằng tiếng Việt sớm nhất trong lịch sử. Đây đồng thời là tác phẩm duy nhất của thời Lý còn lại cho đến nay qua bao biến cố lịch sử. Nếu như giả thuyết này đúng, thì sách Phật thuyết đã lấp đầy khoảng trống về lịch sử tiếng Việt trong suốt mười thế kỷ, từ thời Lý đến nay.

Những hố khảo cổ ngôn từ đã xới lên, tôi tiếp tục nghiên cứu về tiếng Việt thế kỷ 15 với cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển (A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese, NXB Từ điển Bách khoa, 495 trang) – cuốn từ điển tác gia, từ điển chuyên thư đầu tiên về Nguyễn Trãi2.

Từ việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, lịch sử tiếng Việt, tôi đã mở rộng nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Năm 2011, tôi cùng một số tác giả khác công bố bài “Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu)” đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (02-2011.Tr.115-137). Bài này trên cơ sở khảo sát sử liệu từ thế kỷ 9-10-11, chúng tôi (cùng với GS. Trần Ngọc Vương và TS. Nguyễn Tô Lan) đưa ra giả thuyết rằng, Đường Lâm- quê hương của Ngô Quyền- Phùng Hưng, không phải ở Sơn Tây mà có khả năng cao là ở châu Đường Lâm thời Đường (tức Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An ngày nay). Năm 2013, tôi công bố cuốn sách “Kiến trúc một cột thời Lý” (NXB Hồng Đức. 2013). Đây là các công trình rất quan trọng lý giải về kiến trúc một cột thời Lý. Chúng tôi cho rằng, chùa Một Cột không phải là chùa, mà là một dạng kiến trúc nhất trụ mô phỏng núi Tu Di trong thế giới quan nhà Phật. Chùa Một Cột chỉ là một dạng kiến trúc Liên Hoa Đài tiêu biểu thời Lý nhằm hiện thực hóa thế giới quan Phật giáo qua đồ hình Mandala. 

Còn nhiều nghiên cứu khác nữa, mà chúng tôi, do khuôn khổ của bài viết này, chưa thể kê chi tiết hết ra ở đây. Có nghiên cứu về Đinh Bộ Lĩnh cho thấy ông không hẳn là người “dẹp loạn 12 sứ quân” mà chỉ là “một sứ quân nổi loạn đầu tiên và đã giành chiến thắng” trước các sứ quân khác của nhà Ngô. Có nghiên cứu về văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn (khắc năm 618) để soi sáng khoảng 60 năm lịch sử của đất Cửu Chân- Giao Chỉ vào cuối thế kỷ 7 đầu thế kỷ 8… Những nghiên cứu lịch sử ấy đã đưa ra nhiều kết quả khác/ thậm chí trái ngược so với những hiểu biết chúng của chúng ta đối với lịch sử của mảnh đất này. Đôi khi vì những kết luận quá mới, các bài viết ấy không thể nào tránh được những phản ứng trái chiều, thậm chí phản đối, hoặc buồn hơn là quy kết.

Nhưng tôi nghĩ, một người làm nghiên cứu, chỉ có nhiệm vụ nói lên sự thật lịch sử từ những cứ liệu khách quan. Với một người làm nghiên cứu, thì nghiên cứu tốt, nghiên cứu có trách nhiệm là một biểu hiện của lòng yêu nước và của sự liêm chính. Tôi hiểu rằng, yêu nước mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có. Chỉ có điều, không nên dùng lòng yêu nước của mình để phủ định những điều tương tự ở người khác. Tôn trọng nhau và tin tưởng ở nhau ấy là một điều kiện tối thiểu để trí thức xích gần lại với nhau hơn!

Với những kết quả bước đầu đạt được, năm 2012, TS. Trần Trọng Dương đã được Nom Preservation Foundation của Hoa Kỳ trao giải Young Nom Scholar Award, cho những nỗ lực trong nghiên cứu về Chữ Nôm của người Việt.
———-
1Trần Trọng Dương. http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/97186/han-nom-hoc-khoa-hoc-lien-nganh-de-phat-trien-dat-nuoc.html; Thời điểm đăng tải: 16/11/2012  15:31 GMT+7.
2http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=4&News=7558\Và những nhận định khác trong http://www.vietlex.com/ngon-ngu-hoc/147-TU_DIEN_TAC_GIA_ DAU_TIEN_VE_NGUYEN_TRAI

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)