Nghiên cứu điều trị bỏng bằng công nghệ sinh học

Bên cạnh cấp cứu, điều trị phục hồi chức năng, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ sau bỏng, việc nghiên cứu khoa học, trong đó nghiên cứu điều trị bỏng bằng công nghệ sinh học, là một trọng tâm hoạt động của Viện Bỏng Quốc gia và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

“Không có nghiên cứu bỏ ngăn kéo”
24 tháng Chạp vừa qua, một vụ nổ gas ở Hưng Nguyên, Nghệ An khiến 42 người bị thương, 35 người được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia. Những ngày Tết, đội ngũ bác sĩ, y tá vẫn tất bật, đích thân GS Lê Năm, Viện trưởng Viện Bỏng Quốc gia chỉ đạo việc chữa trị. Đến nay hơn 20 bệnh nhân trên đã được ra viện, số còn lại đang được ghép da.

 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đến thăm và chúc Tết gia đình GS Lê Năm- Viện trưởng Viện Bỏng QG

Đó chỉ là câu chuyện “thường ngày” ở Viện Bỏng Quốc gia. Hằng năm, Viện Bỏng tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhân bỏng do đủ các nguyên nhân, mức độ khác nhau. “Hơn nửa số bệnh nhân bỏng là trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là nước sôi, sau đó đến lửa, điện. Đặc biệt bỏng tăng mạnh vào mùa hè, nhất là bỏng điện do trẻ thả diều, câu cá dưới đường điện cao thế… Và 1/4 số bệnh nhân nhập viện bị bỏng sâu” – TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng hành chính tổng hợp đồng thời là người điều hành các đê tài nghiên cứu của viện, cho biết –  “Trước đây những ca bỏng sâu rất dễ tử vong, do hồi đó thiếu những loại thuốc đặc hiệu. Thuốc nhập khẩu rất hiếm và đắt”.
Có lẽ hơn đâu hết nhu cầu nghiên cứu, tìm ra những loại thuốc tốt, dễ sản xuất, giá thành phù hợp lại đặt ra hằng ngày, hằng giờ như ở đây. Vì thế cùng với việc chữa trị, nghiên cứu khoa học được xem là một hoạt động trọng tâm ở Viện Bỏng Quốc gia. GS Lê Năm cho biết: “Hơn 70% số thuốc của Viện là kết quả của các đề tài nghiên cứu. Viện chúng tôi hầu như không có những nghiên cứu bỏ ngăn kéo”.
Trước kia, bệnh nhân bị bỏng 60% coi như chắc chắn tử vong. Còn hiện nay, Viện đã cứu được những ca bị bỏng tới 80%.

Nghiên cứu thành công nguyên bào sợi và tạo được tấm nguyên bào sợi nuôi cấy và điều trị vết bỏng (Bước âầu áp dụng đeìeu trị thành công trên 80 bệnh nhân bỏng

Không chỉ giúp điều trị bệnh nhân trong Viện, sản phẩm nghiên cứu của Viện Bỏng Quốc gia còn được dùng rộng rãi ở nhiều bệnh viện trong cả nước. Phòng thí nghiệm ĐH Oxford đã kiểm nghiệm và đánh giá rất tốt loại thuốc Maduxin do Viện sản xuất. Eupoline – loại thuốc còn mạnh hơn Maduxin  do Viện chế tạo đã được Anh và Đức đặt hàng.

Từ thuốc dân gian đến công nghệ sinh học
Từ xưa, dân gian đã dùng lá sến để đắp trị vết bỏng. Trên cơ sở đó, Viện Bỏng Quốc gia đã nghiên cứu quy trình sản xuất hàng loạt thuốc Cao lá sến (Maduxin) với đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả chữa trị. 10 năm liền, Maduxin là loại thuốc điều trị “chủ lực” của Viện. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu lá sến không phải sẵn. Loại lá này chỉ thu hoạch được theo mùa và ngày một hiếm dần do diện tích rừng bị thu hẹp. Và một nguồn nguyên liệu mới, vô cùng dồi dào được phát hiện có thể thay thế được lá sến: Cỏ lào. Cỏ lào vốn mọc hoang ở một số tỉnh miền Trung, trước kia tác dụng duy nhất của nó là làm phân xanh. Qua nghiên cứu, cỏ lào đã trở thành nguyên liệu cho thuốc Eupoline điều trị rất hiệu quả. “Mặc dù đã có tác dụng rất tốt, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để khử màu đen, làm thành thuốc mỡ, vì người châu Âu rất sợ bôi ‘cao’ lên vết thương” – TS Lượng nói. Bên cạnh tác dụng chữa bỏng, Eupoline còn chống viêm, phù nề.
Song nghiên cứu điều trị bỏng bằng công nghệ sinh học mới chính là hướng nghiên cứu trọng tâm để điều trị của Viện. Chính vì thế hai đề tài cấp Nhà nước mà Viện tham gia đều có nội dung nuôi cấy tế bào. Theo thống kê, khoảng 3% bệnh nhân bỏng nhập viện bị tử vong. Nếu bệnh nhân bỏng nhẹ, diện tích vết bỏng nhỏ, các tế bào xung quanh tự phát triển và dần dần phủ kín vết thương. Nhưng nếu trường hợp bỏng sâu thì buộc phải cấy ghép da. Trong đó có việc tìm kiếm các loại da thay thế da tự thân và màng sinh học thay thế da tạm thời trong điều trị. Mặc dù da tự thân là vật liệu lý tưởng, nhưng trong nhiều trường hợp, da tự thân không đủ đáp ứng hoặc thể trạng bệnh nhân không cho phép lấy… Vì vậy, việc tìm kiếm các loại da và màng sinh học thay thế da tạm thời trở thành phương pháp hiệu quả hơn cả. “Đối với diện bỏng sâu trên 50%, không thể lấy da ở những nơi khác trên cơ thể bệnh nhân ghép vào vùng vết thương. Chỉ còn cách sử dụng công nghệ mô để nuôi cấy thành những lớp tế bào, sau đó cấy ghép lên vết thương mới có cơ hội cứu chữa được” – TS Lượng cho biết. Ngoài chữa bỏng, nguyên bào sợi còn để điều trị những vết loét do chiếu xạ, các di chứng của tiểu đường… mà phương pháp điều trị truyền thống không làm được.
Nuôi cấy tế bào sợi đã khó, tìm ra được màng nền phù hợp cho tế bào sợi còn khó hơn, bởi loại màng nền “chính hiệu” rất đắt. Một tấm màng nền có diện tích bằng bàn tay (khoảng 100 cm2) có giá lên tới xấp xỉ 1.000 USD. Có lẽ chỉ rất ít số bệnh nhân của Viện (mà phần lớn ở nông thôn) có thể chi trả được. Mà không có màng nền thì rất khó có thể ghép tế bào nuôi cấy lên vết bỏng. Sau một thời gian tìm tòi, nhóm bác sĩ nghiên cứu của Viện nhận ra loại màng nền phổ thông Tegaderm cũng có tác dụng như loại màng nền “xịn”, giá thành 100cm2 chỉ khoảng 300.000 đồng. Đến nay, đã có hàng trăm bệnh nhân bỏng được cứu chữa bằng việc cấy ghép nguyên bào sợi.
Tiếp theo của nuôi cấy tế bào sợi là nuôi cấy tế bào sừng. Đây là quá trình đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và công nghệ cao hơn. Hiện Viện đang triển khai hợp tác với Singapore trong việc chuyển giao công nghệ này. Kết quả nghiên cứu ban đầu rất khả quan. “Nếu thành công, cấy ghép tấm nguyên bào sợi và tấm nguyên bào sừng với nhau, Viện Bỏng Quốc gia sẽ tạo ra được da nhân tạo” – TS Lượng nói. Ưu điểm của việc cấy ghép da nhân tạo là khả năng làm lành vết thương nhanh, hạn chế sẹo lồi, sẹo co kéo, hạn chế được những di chứng hoạt động bệnh lý, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Vì được nuôi cấy sẵn từ trước nên chỉ cần một hai ngày có thể đáp ứng được việc ghép da cho bệnh nhân mà không phải chờ đến vài tuần.
Sau thành công của việc nuôi cấy nguyên bào sợi và nguyên bào sừng, các bác sĩ nghiên cứu của Viện còn đang thử nghiệm nuôi cấy và cấy ghép tế bào giác mạc. GS Lê Năm cho biết, bên cạnh dự án lập ngân hàng mô, Viện sẽ còn đẩy mạnh nghiên cứu tế bào gốc. Với hai phòng thí nghiệm mới trị giá hơn 16 tỷ đồng do Bộ KH&CN đầu tư đang thử nghiệm và sẽ đi vào hoạt động vào giữa tháng 3 này, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu để điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia sẽ còn nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa.

Ảnh trên cùng: Kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị êệnh nhân nhiễm khuẩn nhiễm độc bỏng nặng

Đức Phường

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)