Nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam

Thí nghiệm trị bệnh bằng tế bào gốc Một lô chuột nhắt trắng bị chiếu xạ với liều 900R. Thông thường, lô chuột này sẽ chết sau 6 ngày; nhưng nếu được tiêm tế bào gốc, chuột có thể sống tới một tháng. Đó là kết quả thí nghiệm mới nhất của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng (ĐH KHTN Hà Nội) đứng đầu. "Trước đó chúng tôi đã phân lập, nhân nuôi và duy trì tế bào gốc phôi chuột được 4 tuần. Từ một vài chục tế bào gốc ban đầu, chúng tôi đã nhân lên được hàng vạn tế bào"- TS Hùng cho biết. Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu đã phân lập và nhân nuôi đạt đến mật độ 106 tế bào /ml, sau đó họ tiêm dung dịch có tế bào gốc này vào ven đuôi chuột.

Vì sao tế bào gốc lại giúp lô chuột thí nghiệm bị chiếu xạ sống lâu hơn? “Tia R phá hủy các chức năng sinh học, đặc biệt các tế bào máu và mô tạo máu. Nhưng tế bào gốc được tiêm vào chuột đã có tác dụng phục hồi mô máu”- TS Hùng giải thích. “Khi tủy xương bị tổn thương thì lách tham gia vào quá trình tạo máu, thay thế một phần chức năng của tủy xương. Với lô chuột được tiêm tế bào gốc, chúng tôi đã thấy sự thay đổi cấu trúc hiển vi của mô lách – các tế bào gốc phôi đã thực sự biệt hóa thành các tế bào gốc tạo máu”
“Tế bào gốc là những tế bào cơ sở cho tất cả các cơ quan, mô và tế bào trong cơ thể. Chúng giống như những con chíp vi tính còn trắng, có thể được đặt chương trình để thực hiện một số nhiệm vụ chuyên hóa nào đó. Trong điều kiện thích hợp, tế bào gốc bắt đầu phát triển thành các mô và cơ quan chuyên hóa. Đặc tính này khiến tế bào gốc trở thành lĩnh vực đầy hứa hẹn trong việc cung cấp các tế bào cho điều trị bệnh suy giảm chức năng, như alzheimer, ung thư, pakinson, tiểu đường typ-1, các bệnh về tim mạch…”- TS Hùng giải thích thêm.
Nghiên cứu trên của TS Hùng nhằm chứng minh khả năng trị bệnh của tế bào gốc. Tuy nhiên từ thí nghiệm đến trị bệnh thực sự cho người là cả một chặng đường dài, có thể phải mất hàng chục năm nữa. Trên thế giới, việc nghiên cứu tế bào gốc để trị bệnh bắt đầu từ khoảng 30 năm trước và đến nay đã có những kết quả ban đầu (như ghép tủy để trị bệnh máu trắng).
Mấy năm trước, nhóm nghiên cứu do TS Hùng đứng đầu cũng đã thành công trong nghiên cứu “Tạo gà Ác tiềm khảm Lương phượng bằng vi tiêm tế bào gốc phôi”. Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào gốc phôi của gà Lương phượng, tiêm vào trứng chứa đĩa phôi của gà Ác tiềm. Giống gà mới chưa từng được tạo ra trước đó mang đặc điểm của cả hai dòng. “Theo thần thoại Hy Lạp, con vật khảm – Chimera – là còn vật đầu sư tử, mình dê, đuôi rồng. Trong sinh học, con vật khảm có cơ thể là hỗn hợp các tế bào từ hai hay vài cơ thể khác nhau cùng loài hay khác loài. Trong thực nghiệm, có thể tạo cơ thể khảm bằng cách ghép hai phôi vào nhau cho phát triển thành một cơ thể, ghép bộ phận của phôi này vào phôi khác, hoặc ghép tế bào cơ thể này vào cơ thể khác”- TS Hùng cho biết. “Các tế bào gốc sinh dục có ý nghĩa lớn cho công nghệ tạo động vật chuyển gene, vì khi nuôi cấy tế bào gốc, người ta có thể thao tác gene với chúng, thí dụ như khi ghép được các gene mã cho các protein quý vào sau promotor của gene albumin lòng trắng trứng, người ta có thể biến gà mái thành một nhà máy sản xuất protein dược liệu”.
Hiện trên thế giới đã có nhiều công ty lớn chuyển hóa về công nghệ sản xuất protein dược liệu từ trứng gia cầm như Avigenics, Viragen, TranXenoGen. Theo công ty Avigenics, sản xuất protein dược liệu từ trứng gà là phương pháp tốt sản xuất protein dược liệu tốt nhất hiện nay, “Ngay cả công ty PPL của Ian Wilmut (“cha đẻ” của cừu Dolly) cũng chuyển từ cloning cừu sang đối tượng gia cầm”- TS Hùng nói.

Những nghiên cứu khác
Công nghệ tế bào gốc của Việt Nam hiện còn một khoảng cách khá xa so với trình độ các nước tiên tiến. Vậy trở ngại nào khiến công nghệ này ở Việt Nam chưa thực sự phát triển? “Khó khăn nhất là phương pháp nuôi cấy tế bào gốc”- TS Hùng cho biết- “Chúng tôi có thể mua được thiết bị, hóa chất, tài liệu. Nhưng phương pháp thì nước ngoài không chuyển giao. Như tôi làm cho ban biên tập tạp chí “Asian – Australian Journal of Animal Science” mà khi hỏi các đồng nghiệp nước ngoài cũng không được.”
Ở Việt Nam, cùng nghiên cứu về tế bào gốc còn có nhóm nghiên cứu của TS Bùi Xuân Nguyên (Viện Công nghệ Sinh học). Nhóm nghiên cứu này đã thành công trong việc nhân bản phôi sao la. Năm 1998, nhóm nghiên cứu đã giữ lại một số mẫu tế bào từ con sao la được kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã cứu khỏi tay săn trộm. Không tìm được sao la cái để lấy trứng, họ đã lấy trứng bò, tách nhân và cấy tế bào sao la vào trứng rỗng. Qua quá trình sàng lọc, kích thích phát triển thành phôi, nhóm nghiên cứu đã tạo ra rất nhiều phôi sao la nhân bản và đông lạnh chúng ở -1960C. Trong tương lai, Viện Công nghệ Sinh học còn bảo tồn nhiều nguồn gene quý hiếm khác.
Ngoài ra còn những hướng nghiên cứu khác về tế bào gốc, như nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Thuận. Hiện TS Nguyễn Văn Thuận đang làm tại Phòng thí nghiệm Genomic Reprogramming thuộc trung tâm RIKEN-CBD (Nhật Bản). Genomic Reprogramming, hiểu theo tiếng Việt là “tái biệt hóa gene đã được biệt hóa”. Thông thường, tế bào gốc biệt hóa thành một loại tế bào như tế bào da, gan, tim… và chỉ tạo ra đúng lại tế bào đó. Nhưng ngày nay người ta đã biết một tế bào đã biệt hóa vẫn có thể tái biệt hóa (Reprogramming) để trở lại thành những tế bào gốc. Nếu nghiên cứu này thành công, người ta sẽ không cần phải sử dụng phôi nhân bản của người để tạo ra tế bào gốc.
“Nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam đang rất được chú trọng” – TS Hùng đánh giá. “Việc tổ chức Hội nghị Sinh học Sinh sản Châu Á với sự trình diễn kỹ thuật nhân bản vô tính của các nhà sinh học hàng đầu Châu Á tại Hà Nội cũng khuấy động sự quan tâm của công chúng tới lĩnh vực này.”
ảnh trên: TS Nguyễn Mộng Hùng với sinh viên

Việt Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)