Nghiên cứu ứng dụng vật liệu từ- Cái nghiệp của TS Nguyễn Hồng Quyền

Có thể nói không ngoa, nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu từ để có được những sản phẩm công nghệ có giá trị thiết thực với cuộc sống thực sự là cái nghiệp của TS.Nguyễn Hồng Quyền, Viện Khoa học Vật liệu-Viện KH&CN Việt Nam.

DẤN THÂN VÀO THỰC NGHIỆM

Mái tóc điểm bạc, khuôn mặt xám đen lột tả nét khắc khổ, bao phen thăng trầm không ít sóng gió trong cuộc đời làm khoa học của ông-TS.Nguyễn Hồng Quyền. Thoạt nhìn người ta dễ tưởng ông là một nông dân đích thực vì không có được “phong độ” của một người làm nghiên cứu. “Thời gian tôi lang thang trong nhà xưởng nhiều hơn là ở phòng thí nghiệm”, TS.Quyền nở nụ cười hóm hỉnh rồi bông đùa.
Sinh ra ở một làng quê nghèo xứ Thanh, làng ông thậm chí không có đất cấy. Người dân nơi đây chỉ biết trồng dừa rồi đem đổi lấy thóc để sinh sống. “Nhà đông anh em nên nghèo lắm, gạo không có, đến bữa ăn bố mẹ tôi thường độn một bát cơm với ba bát gốc rau muống. Túng thiếu là vậy nhưng anh em tôi vẫn được học hành đầy đủ”, TS.Quyền tâm sự. Không phụ lòng tin của bố mẹ, anh em ông đều học giỏi. Người anh cả học ĐHSP có nhiệm vụ dìu dắt các em.
Đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn miền Bắc, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Quyền được Nhà nước cử sang Cộng hòa liên bang Đức học đại học. Bỡ ngỡ trước một nơi hoàn toàn khác biệt trong khi đó tiếng Đức lại “zê-rô” nhưng ông đã cố gắng bằng mọi cách để sớm thích nghi bắt nhịp với môi trường học thuật mới. “Tôi đã chọn vật lý kim loại, chỉ có theo đuổi khoa học thực nghiệm khi về nước mới mong triển khai được ứng dụng”, TS. Quyền nói. Kết thúc 5 năm học, khăn gói về nước trong bối cảnh B52 đánh phá Hà Nội dữ dội và theo lời mời của GS.Nguyễn Văn Hiệu, ông về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện KH&CN Việt Nam).
Đến 1977, Nguyễn Hồng Quyền trở lại nước Đức làm tiến sỹ về siêu dẫn. “Tất cả chỉ là sự chuẩn bị ban đầu. Nếu làm siêu dẫn khi trở vể nước rất khó triển khai vì phải đòi hỏi trang bị cơ sở vật chất tối tân như những phòng sạch”, ông nói. Không dấn thân vào những lĩnh vực nghiên cứu cao siêu, sau khi nắm bắt  yêu cầu thực tiến của đất nước ông quyết định bước chân vào nghiên cứu triển khai. “Năm cuối tôi liền chuyển hướng quan tâm sang lĩnh vực vật liệu từ. Làm vật liệu từ ở trong nước thời kỳ đó tuy không tốt lắm nhưng cố gắng sẽ đưa vào ứng dụng được”, TS.Quyền tự tin.

Khác với nhiều người chạy theo hướng hàn lâm để có bài báo công bố quốc tế, đối với TS.Nguyễn Hồng Quyền, ông chỉ mong những sản phẩm của mình được triển khai trực tiếp vào cuộc sống trở thành “ngô, khoai, sắn”.
CHÁN NGHIÊN CỨU VỀ… LÀM VƯỜN

 
Thiết bị tuyển nổi

Sau 5 năm “mài đũng quần” nơi xứ người với tấm bằng tiến sỹ, TS.Nguyễn Hồng Quyền về nước trong hoàn cảnh ngành vật liệu từ còn vắng bóng. “Thời đó Đại học Tổng hợp cũng đang phát triển hướng nghiên cứu này nhưng chỉ mang tính hàn lâm, sản phẩm là các bài báo quốc tế chưa thể đem ứng dụng ngay”, ông cho biết. Mạo hiểm một thân một mình đi theo hướng nghiên cứu hoàn toàn còn “lạ nước lạ cái”, ông tự bỏ tiền túi gây dựng nhà xưởng, bắt tay sản xuất vật liệu từ. Ban đầu ông sản xuất vật liệu từ dùng cho loa với công suất 5 tấn/tháng. “Loại vật liệu này thế giới làm được mười phần không cho chất mới nên tôi nảy ra ý tưởng pha thêm tạp chất để nâng lên 12%, bù vào phần kém công nghệ trong nước. Làm như vậy, xét chung thì chất lượng sản phẩm vật liệu từ “made in Việt Nam” tương đương với thế giới”, TS.Quyền cho biết.
Để biến sản phẩm của mình thành hàng hóa, làm ra loa thiết kế bán ra thị trường, ông đã liên kết với Nhà máy Thiết bị bưu điện sản xuất các loại loa. Nhưng do cạnh tranh gay gắt trong khi ông lại đơn thân độc mã nên chỉ còn cách “đấu đầu” để tồn tại. Không thể cộng sinh với đối tác trước, TS.Quyền thành lập công ty, bỏ tiền túi sản xuất 5000 chiếc loa mang vào Nam bán. “Sôi hỏng bỏng không”, những chiếc loa ế ẩm nhưng ẩn trong đó là bao mồ hôi công sức nghiên cứu tìm tòi khiến ông không khỏi chùn lòng. Một mình lẽo đẽo lang thang hết nơi này nơi khác dò la, ông tìm đến những “trùm” bán loa để rồi cuối cùng nhận được lời khuyên “không nên làm theo mẫu cũ”. Thời đó, dân chợ trời khắp trong Nam ngoài Bắc đều biết đến ông với biệt hiệu “Quyền loa”.
“Tuy mọi việc gian nan là vậy nhưng thành công của tôi là đã làm ra sản phẩm từ cấp thấp. Và cũng nhờ bài học về làm loa đã dấn đến những thành công sau này khi bắt tay sản xuất vật liệu từ cấp cao-chế tạo các nam châm cao cấp”, TS. Quyền cho biết.
Dường như số phận không chiều lòng ông khi Viện Khoa học Việt Nam tiến hành cải tổ biên chế đưa một số biên chế dư thừa của Viện về công ty. Đang làm “tướng” bống nhiên giáng xuống làm lính. Do người tiếp quản không hiểu sâu và có kinh nghiệm nên công ty…phá sản. Chán nản, ông “về vườn” trồng cây cảnh…bán.
“LÀM ỨNG DỤNG PHẢI MẠO HIỂM…”

Có lẽ TS. Quyền không thoát khỏi nghiệp nghiên cứu khi cái duyên khoa học lại…bén. Đến năm 1997, đoàn cán bộ khoa học của Việt Nam sang thăm các viện nghiên cứu Trung Quốc, GS.Nguyễn Văn Hiệu ưu ái dành cho ông một suất. Vốn đam mê vật liệu từ, khi đoàn dừng chân ở viện nghiên cứu từ làm nam chân của nước bạn ông đã bị…hút hồn ngay tắp lự. Tình yêu khoa học như được sống lại trong con người ông. Không chần chừ, ông xin trưởng đoàn được ở “lì” lại viện nghiên cứu này mặc cho đoàn tiếp tục đi thăm các viện nghiên cứu khác. Mê mẩn bên những thỏi nam châm, bao tiền bạc mang theo ông bỏ ra mua hết rồi đem về nước tìm cách ứng dụng.
Không theo vết xe đổ, bỏ lại vườn cây cảnh với bao công sức cắt tỉa uốn nắn để trở về với…nghiệp khoa học, ông bắt tay chuyển hướng ứng dụng loại vật liệu mới với chất lượng gấp 10 lần vật liệu cũ. “Ứng dụng triển khai đầu tiên là làm máy phát điện cho vùng sâu vùng xa. Tôi cũng thất bại vì không thuyết phục được người ta mua. Nhưng may có một công ty của Canada nghe đến sản phẩm của chúng tôi liền mua hết để họ lại đem bán lại cho các nước trong khu vực với giá gấp…6 lần”, TS.Quyền cho biết.
Từ đây, ông và các đồng nghiệp tiếp tục phát triển các sản phẩm ứng dụng cao cấp, đó là làm ra các thiết bị tuyển từ trong chế biến khoáng sản. “Những vật liệu nam châm đất hiếm ẩn chứa những ứng dụng tiềm năng lớn. Ngoài việc khai thác khả năng biến cơ năng thành điện năng, tôi nhận thấy khả năng chuyển từ dạng cơ năng này sang dạng cơ năng khác vẫn chưa được chúng ta khai thác triệt để. Chính vì vậy tôi liền nảy sinh ý tưởng chế tạo ra máy tuyển từ. Những chiếc máy này có thể giúp tiết kiệm 100 triệu đồng tiền điện mỗi năm trong khi đó giá thành lại giảm 25% so với nhập nội” – TS. Quyền nói – “Lần đầu tiên trong nước một loại vật liệu nam châm đất hiếm NdFeB với tính chất siêu mạnh được khai thác trên khía cạnh ứng dụng”.  Ngày hôm nay, những chiếc máy tuyển từ của ông đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng như chế biến Ilmenit, Crômit; chế biến nguyên liệu cho ngành gốm sứ, thủy tinh cao cấp và vật liệu chịu lửa.


Máy tuyển từ tang trống kép

Không chỉ dừng ở đây, trước bối cảnh tồn chứa và sử dụng than xỉ thải ra môi trường trong các ngành năng lượng như thủy điện đang trở thành vấn đề bức xúc. Bài toán đặt ra cho các nhà quản lý, kinh tế và nhà khoa học trong nước là làm sao biến loại chất thải này thành vật liệu có giá trị cho ngành công nghiệp đồng thời giải quyết vấn đề môi trường. “Hiện nay mỗi ngày Nhà máy nhiệt điện Phả Lại sử dụng 10.000 tấn than và thải ra 3000 tấn tro xỉ, và như vậy, hàm lượng tro xỉ chưa cháy hết chiếm khoảng 24%. Quá cao không đảm bảo yêu cầu”, TS.Quyền cho biết. Trước đó, Nhà máy này cũng đã tốn không ít tiền bạc nhập công nghệ và thuê chuyên gia nước ngoài nhưng rồi cũng thất bại vì công nghệ không phù hợp nên đành mất cả chì lẫn chài. Ngay lập tức, TS.Quyền bắt tay vào nghiên cứu thiết bị chế biến tro bay. Do lựa chọn đúng công nghệ phù hợp với nguồn nguyên liệu nơi sản xuất nên thiết bị do ông chế tạo đạt tiêu chuẩn ngoài mong đợi. “Với công nghệ chế biến tro bay do chúng tôi làm lần đầu tiên trong nước chất thải của ngành nhiệt điện được chế biến triệt để thành sản phẩm tro bay có hàm lượng MKN thấp hơn 6%, tạo ra một loại phụ gia bê tông rất có giá trị không thể thiếu trong các công trình thủy điện lớn như Sơn La, và sản phẩm phụ gia là than chưa cháy hết có hàm lượng MKN nhỏ hơn 60% làm nguyên liệu cho công nghệ nung gạch và xuất khẩu”, TS. Quyền hồi hởi. Sau thành công này, nhiều nơi biết đến ông và cũng từ đó nhiều hợp đồng được ký kết.
Nhưng có lẽ thành công lớn nhất mà ông không nói ra chính là nhà khoa học đã chủ động tiếp cận thành công, bắt tay chặt chẽ giữa doanh nghiệp. “Mô hình liên kết giữa chúng tôi-doanh nghiệp theo tỷ lệ góp vốn nhà khoa học 30%, doanh nghiệp 70%, điều này cho phé pnhững nghiên cứu ứng dụng có được môi trường để…sống”, TS.Quyền cho biết. Theo ông, muốn thành công phải chấp nhận mạo hiểm. Chỉ khi nhà khoa học chủ động bắt tay với doanh nghiệp thì kết quả nghiên cứu mới nhanh đi vào sản sản xuất.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)