Nghiên cứu và sáng tạo theo kế hoạch
Trung Quốc đang phấn đấu để trở thành một cường quốc khoa học, Chính phủ nước này đầu tư rất nhiều tiền của cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại đang thiếu cái mà họ thực sự cần có.
Kexue Dao mệnh danh là hòn đảo khoa học. Nói chính xác thì đây là một bán đảo, và bán đảo này ở nằm hồ Shushan, thuộc Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc). Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) bố trí riêng tại bán đảo tương đối xa xôi và tĩnh lặng này với 5 Viện Vật lý và trên một nghìn nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật làm việc. Hợp Phì là một thành phố hạng hai điển hình ở Trung Quốc (TQ) nhưng xét về khía cạnh nghiên cứu khoa học thì thành phố với 5 triệu dân này lại thuộc nhóm đầu bảng ở nước này. Tại đây có tới nửa tá trường đại học, trong đó có ba trường được chọn để phục vụ chương trình đặc biệt của Chính phủ. Ngoài ra còn có ba phòng nghiên cứu cấp quốc gia, tóm lại, về nghiên cứu và đào tạo thì có lẽ Hợp Phì chỉ thua mỗi thủ đô Bắc Kinh.
Theo cách nhìn của phương Tây thì nghiên cứu khoa học ở TQ dường như có vẻ mơ hồ, viển vông, kiểu như họ đang làm ở Kexue Dao. Điều này sẽ phải thay đổi vì TQ phấn đấu đến năm 2050 trở thành “Cường quốc khoa học hàng đầu thế giới”. Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào nêu khẩu hiệu: zizhu chuangxin – “Sáng tạo độc lập”. Từ năm 1999 đến nay, đầu tư của TQ vào lĩnh vực nghiên cứu tăng hằng năm 20%. Năm 2008, mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học của TQ đã đứng thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên nếu so với GDP thì khoản ngân sách này của TQ vẫn thuộc diện nhỏ: năm 2007, tỉ lệ này chỉ có 1,5% trong khi ở Hoa Kỳ tỷ lệ này là 2,6% và ở Đức là 2,5%. Nhưng TQ dự kiến sẽ vượt lên hàng đầu vào năm 2020.
Niềm tự hào của Kexue Dao là Viện Vật lý Plasma. Cán bộ kỹ thuật TQ miệt mài, cặm cụi làm việc trên một quả trứng bằng thép cao 11 mét, trên cùng là lá Quốc kỳ Trung Hoa. Khi quả trứng khổng lồ này đi vào hoạt động thì nhiệt độ ở quả trứng thép này, thực chất đây là lò phản ứng tổng hợp nhiệt hạch, sẽ lên đến trên 100 triệu độ C. Các nhà vật lý TQ muốn khai thác năng lượng sạch, như nguồn năng lượng vô tận sản sinh trên Mặt trời. Người TQ đặt tên cho lò phản ứng này là “Experimental Advanced Superconducting Tokamak” – viết tắt là East.
Luo Guang-Nan, Phó Trưởng ban nghiên cứu Tokamak nói: “Chúng tôi rất tự hào về công nghệ của mình”. Luo từng bảo vệ luận án tiến sỹ ở Nhật Bản và cộng tác nghiên cứu khoa học ở Đức. Ông nói: “Chúng tôi sử dụng cuộn siêu dẫn, nhờ đó lò phản ứng sẽ hoạt động lâu hơn”. Ngay cả lò phản ứng thí nghiệm quốc tế Iter, trong năm nay sẽ được lắp đặt ở Pháp, cũng sử dụng cuộn dây tiết kiệm năng lượng này. Ông Lou cho rằng: “Chúng tôi là địa bàn thử nghiệm quan trọng nhất phục vụ dự án Iter”. Nói như vậy có phần hơi cường điệu, nhưng Luo và các đồng nghiệp của ông đang phấn đấu tiếp tục mở rộng lò phản ứng. “Sẽ đến lúc East thực sự đứng đầu bảng trên thế giới” đó là đánh giá của nhà nghiên cứu Joachim Roth làm việc tại Viện Vật lý Plasma ở Garching, thuộc Viện Max-Planck (Đức).
Roth, một nhà vật lý Plasma, từ lâu đã hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Hợp Phì. Ông nói “Những gì đang diễn ra ở đấy quả thật khó tưởng tượng nổi”. Năm 2002, lần đầu tiên ông đến thăm hòn đảo khoa học này, hồi đó ở đây còn có một lò phản ứng cũ, thuộc diện bỏ đi của Nga, nhưng vẫn còn có thể hoạt động và đủ tốt để người ta có thể tìm hiểu, làm quen và tập dượt. Từ đó đến nay ngân sách dành cho các phòng nghiên cứu của TQ đã tăng gấp đôi, nhà nghiên cứu người Đức nở nụ cười vẻ thèm thuồng: “Đây là tốc độ tăng trưởng mà chúng tôi chỉ dám nghĩ đến trong mơ”.
Tự do cho nghiên cứu
Hiện nay, các nhà nghiên cứu TQ đã có lượng bài đăng trên các tạp chí chuyên đề nhiều hơn tổng số bài báo đồng nghiệp của họ công bố ở tất cả các nước khác, trừ Hoa Kỳ. Năm 2005, ông Rao Zihe, Phó Giám đốc Viện Vật lý Sinh học thuộc CAS đã nói: “Khoa học cũng có thể như Thế vận hội. Cách đây vài chục năm, chúng tôi đoạt được rất ít huy chương. Tại Athen, chúng tôi có được 32 huy chương vàng trong khi Hoa Kỳ đạt 35. Lúc đó, ai mà biết được năm 2008 chúng tôi sẽ được bao nhiêu? Nhưng thực tế đã xảy ra thế nào? “Các vận động viên TQ đã gặt hái được 52 huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh trong khi Mỹ chỉ đoạt được 36 cái”.
Nhưng liệu người ta có thể lên kế hoạch lập thành tích trong khoa học như đối với thể thao? Liệu với việc tìm mọi cách để phát hiện tài năng, tập luyện không nề hà gian khổ, cực nhọc và với nghị lực phi thường, người ta có thể giành thắng lợi trong khoa học? Đối với các vận động viên thể thao thì tấm huy chương vàng Olympic cũng tương tự như giải thưởng Nobel với nhà nghiên cứu. Người TQ vô cùng khát khao chờ đợi ngày một đồng bào của họ được tặng giải thưởng đầy danh giá này. “Thi thoảng, khi một người TQ ở hải ngoại được giải thưởng này, thì sự khát khao mong đợi lại càng day dứt hơn”, nhà báo Raymond Zhou đã từng viết như vậy trên China Daily online. Năm ngoái, ông Charles Kao, người đã sinh ra tại Thượng Hải, hiện mang hộ chiếu Hoa Kỳ và Anh Quốc được giải thưởng về Vật lý. Người ta có thể thấy người TQ thực ra có khả năng để đạt được thành tích cao nhất trong khoa học, nhưng “vì một lý do nào đó, vì một cái gì đấy nên chúng ta luôn bị thua thiệt. Tôi nghĩ đó là do lỗi hệ thống của chúng tôi”.
Để nghiên cứu thì người ta cần có tự do đến mức độ nào? Ở TQ, tự do trong nghiên cứu được thỏa mãn đến đâu? Và tài năng thực sự của các nhà khoa học TQ như thế nào? Trước khi có thể trả lời được những câu hỏi này, cần phải làm rõ về sự đa dạng và phong phú của TQ. Bất kể người ta nói gì về đất nước này, thì ở một nơi nào đó trên đất TQ lại cho thấy điều ngược lại. Điều này cũng thể hiện rõ trong nghiên cứu. “Chất lượng nghiên cứu không những chỉ khác biệt rất lớn giữa vùng này với vùng kia. Ngay giữa các viện thuộc một trường đại học cũng có thể có sự khác biệt rất lớn”, đánh giá của ông Armin Krawisch, Giám đốc Trung tâm Trung – Đức về hỗ trợ khoa học thuộc Cộng đồng Nghiên cứu Đức (DFG) ở Bắc Kinh.
Nghiên cứu khoa học hàng đầu ở TQ thường chỉ diễn ra ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một vài thành phố khác như Thâm Quyến hoặc Hợp Phì. Các nhà nghiên cứu TQ có thành tựu xuất sắc trong một số lĩnh vực như khoa học vật liệu, công nghệ nano, hóa phân tích, vật lý và ở một số bộ môn về sinh học như nghiên cứu về bộ gene. Cho đến nay, TQ khá mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, mãi đến gần đây nghiên cứu cơ bản mới bắt đầu vươn lên.
Những điều tương tự cũng đang diễn ra ở Kexue Dao. Tại đây có ba viện nghiên cứu phục vụ ứng dụng (quang học, cơ khí chính xác, máy thông minh và công nghiệp tái sinh) cạnh đó có hai viện làm nghiên cứu cơ bản (vật lý plasma và vật lý chất rắn). Phòng thí nghiệm từ trường cao là một cơ sở nghiên cứu còn rất mới mẻ, nơi các nhà nghiên cứu ứng dụng và cơ bản cùng nhau làm việc. Viện này mới được thành lập trên đảo khoa học cách đây hai năm. Có thể trong tương lai, bộ mặt nghiên cứu khoa học của TQ cũng sẽ tương tự như tại nơi đây.
Lượng và chất
Tuy nhiên, trước sau thì đường hướng phát triển nền khoa học TQ vẫn do Chính phủ quyết định. Cụ thể, Chính phủ quyết định sẽ tập trung nghiên cứu ở những lĩnh vực nào. Kế hoạch phát triển khoa học trong vòng 15 năm tới đề cập đến 20 “siêu dự án”. “Các cán bộ quản lý khoa học TQ cho rằng họ đã nhận thức được rằng “Sáng tạo là thứ không thể do cấp trên áp đặt, chỉ đạo” Tuy nhiên, trên thực tế họ lại vẫn đang phải làm việc theo kiểu đó, bà Linda Jakobson, một chuyên gia về TQ đã viết như vậy trong công trình nghiên cứu Innovation with Chinese Characteristics của bà. Chính phủ trước hết vẫn ưu tiên hỗ trợ cho các lĩnh vực mà Chính phủ hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất: tức là để giải quyết một vấn đề gì đó hay để gây thanh thế theo quan niệm: “Các nhà khoa học TQ làm khoa học không phải vì khoa học. Mà các nhà khoa học cần làm những việc có ích”.
Và vì các quan chức làm khoa học muốn kiểm tra kế hoạch do họ vạch ra được thực hiện đến đâu, nhưng thường thì họ lại không thể đánh giá được chất lượng nghiên cứu nên họ đánh giá nghiên cứu khoa học theo số lượng. Gần như là số lượng các bài báo về các công trình nghiên cứu có ý nghĩa quyết định đối với việc phong học hàm, học vị, cấp phát ngân sách và đề bạt. Nhưng thường thì chất lượng nghiên cứu không đi đôi với số lượng các công trình. Điều này thể hiện ở chỗ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học TQ ít được trích dẫn hơn so với các đồng nghiệp ở những nước khác. Trong lĩnh vực vật lý, TQ đứng hàng thứ tư thế giới về số lượng các công trình được công bố, tuy nhiên về số lượng trích dẫn đối với từng bài báo thì chỉ đạt vị trí 65”.
Một khi quá chú trọng đến số lượng thì dễ nảy sinh tệ nạn như như sao chép, làm giả hay tự tạo số liệu. Để tìm hiểu về vấn đề này, Bộ Khoa học TQ đã tiến hành lấy ý kiến của trên 6.000 nhà nghiên cứu. Kết quả tuy không được công bố, nhưng khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, tạp chí chuyên đề Nature tiết lộ khoảng một phần ba số người được hỏi ý kiến thú nhận họ đã trí trá, gian lận trong nghiên cứu khoa học. Một công trình điều tra cho thấy, theo ước đoán thì thị trường viết thuê các bài báo khoa học ở TQ trong năm 2009 lên tới 100 triệu Euro – nhiều gấp năm lần so với năm 2007. “Chính phủ đã ý thức được vấn đề này”, Armin Krawisch thuộc DFG nói. Hồi tháng 2, Chính phủ đã công bố dự thảo về cải cách giáo dục và đề nghị các nhà khoa học góp ý kiến. Các vị chủ nhiệm khoa sinh học trường Đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa đã gửi tới Thủ tướng nước này một bức thư, trong đó họ yêu cầu Nhà nước dành cho họ quyền tự chủ như Nhà nước đã từng dành những quyền đó cho giới doanh nhân trong những năm 80”.
Lỗi do giáo dục?
Nhưng những khó khăn lại bộc lộ sớm hơn nhiều, ngay từ ở trường phổ thông. Cho đến nay học sinh TQ vẫn phải học thuộc lòng rất nhiều. “Chúng tôi sản xuất các thí sinh theo kiểu dây chuyền thuộc tầm cỡ thế giới, nhưng lại bóp nghẹt mọi sự sáng tạo của họ”. Raymond Zhou thuộc China Daily đã nhận định như vậy. “Phương pháp học tập máy móc đã khiến chúng tôi hầu như không thể trở thành những người đi tiên phong và những người lãnh đạo trong khoa học. Muốn làm được việc đó, người ta phải dám có chủ kiến riêng của mình. “Những phương pháp này ít nhiều là tàn dư của hệ thống thi cử thời phong kiến, nó đòi hỏi thí sinh phải nai lưng học gạo, cạnh đó theo truyền thống Khổng giáo, học sinh phải làm theo những gì mà ông thầy bảo ban, dạy dỗ”.
Ngày nay học sinh chịu một áp lực rất lớn. Một cuộc thi có ý nghĩa quyết định đến số phận cả cuộc đời của họ. Các bậc phụ huynh thì đặt hết hy vọng vào đứa con duy nhất của mình, luôn cầu mong con của họ sẽ có một cuộc sống khấm khá hơn.
Nhiều học sinh đau ốm vì căng thẳng. Trường University College London đã tiến hành một cuộc khảo cứu đối với 2.000 học sinh TQ, một phần ba trong số này cho hay ít nhất trong một tuần các em bị đau đầu hoặc đau bụng một lần. 81% trong số các em được hỏi rất lo sợ về chuyện thi cử. Nói như vậy không có nghĩa là mọi sinh viên TQ chỉ biết học gạo mà không có đầu óc sáng tạo.
Thời gian qua, nền khoa học của TQ đã có sự nối mạng khá tốt ra bên ngoài. Nhiều giáo sư nước ngoài được mời giảng dạy ở các trường đại học TQ, các nhà nghiên cứu TQ hợp tác với các đồng nghiệp ở nước ngoài và nhiều cơ quan của TQ cùng với đối tác nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu. Ngay từ những năm 80, trong khuôn khổ chính sách mở cửa, sinh viên TQ đã được học tập đào tạo ở nước ngoài: năm 1985 mới có 5.000 học sinh TQ rời quê hương đi học ở nước ngoài, đến năm 2007, con số này lên tới 144.000.
Những sinh viên được đào tạo ở Hoa Kỳ, Anh Quốc và Đức có trọng trách đưa TQ trở thành một cường quốc khoa học. Chính phủ TQ dành cho họ thu nhập cao, nhà ở, các danh hiệu khoa học cao quý và một khoản ngân sách nghiên cứu rất hào phóng để lôi kéo họ về nước.
Nhà vật lý Pan Jianwei hồi hương năm 2008 và làm việc tại Hợp Phì sau 12 năm đèn sách và làm việc ở Áo và Đức. Ông đã đưa nhóm nghiên cứu của mình ở Đại học Khoa học và Công nghệ TQ lên đỉnh cao thế giới về vật lý lượng tử. Rõ ràng, những nhà khoa học hồi hương này đang làm thay đổi văn hóa trong phòng thí nghiệm. Một đồng nghiệp trước đây của ông là Časlav Brukner thuộc Đại học Wien, trong một cuộc hội nghị ở Bắc Kinh đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy học trò của ông Pan mạnh dạn nêu câu hỏi và tham gia thảo luận hết sức sôi nổi, đây là điều mà người ta thường ít thấy ở sinh viên TQ.
Thời gian gần đây, các học viên trẻ có bằng cử nhân và cao học về nước ngày càng nhiều hơn. Thường các nhà nghiên cứu bậc cao vẫn giữ vị trí của mình ở nước ngoài, nhiều người hồi hương làm việc trong ngành kinh tế. Tuy nhiên theo ước đoán thì hiện có tới 80% số người TQ học tập và đào tạo ở nước ngoài vẫn chưa về nước. Ông Jakobson cho rằng: ở hầu hết các lĩnh vực, những chuyên gia tài năng nhất vẫn chưa hồi hương.
Những người hồi hương thường có cảm giác xa lạ với kiểu làm việc ở trong nước và họ rất khó chấp nhận việc chính giới can thiệp vào lĩnh vực nghiên cứu. Đôi khi, họ còn tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Nhưng chính những đặc điểm này của họ có thể đã góp phần thúc đẩy sự thay đổi. Ông Gong Li, chuyên gia máy tính và đồng thời là người phụ trách của công ty Mozilla ở TQ đã thành lập một diễn đàn của những người làm khoa học hồi hương nhằm tạo ảnh hưởng đến Chính phủ.
Để thu hút được các nhà nghiên cứu xuất sắc nhất, TQ cần phải tiếp tục thực hiện đổi mới. Trong khi thời gian vẫn trôi đi và Chính phủ TQ tiến hành thay đổi thế giới khoa học của mình thì sẽ đến lúc nền khoa học toàn cầu khiến Trung Quốc thay đổi. Nền nghiên cứu của TQ không còn là một hòn đảo, thậm chí cũng không phải là một bán đảo nữa.
Xuân Hoài theo Zeit