Người khổng lồ về gene

Monsanto có lẽ là một trong các tập đoàn bị coi là tượng trưng cho cái ác, cái vô cùng xấu xa tồi tệ vì những nhà khoa học Mỹ làm việc tại tập đoàn này là những kẻ muốn chế ngự cả tạo hóa!   Khi tới tham quan Monsanto người ta có cảm giác như đang có mặt tại một khuôn viên một trường đại học nào đó ở Mỹ: sau khi qua khu vực kiểm tra an ninh, khách bước vào một tòa nhà rộng rãi, bề thế cao ba tầng phía sau là bãi cỏ xanh rờn được chăm sóc rất chu đáo và cạnh đó là những bãi đỗ xe rộng rãi, trật tự. Trụ sở của Monsanto đặt tại St. Louis thuộc bang Missouri, người ta đã chọn lựa rất kỹ lưỡng vị trí này vì thành phố này ở ngay trung tâm vành đai ngũ cốc Bắc Mỹ.

Đối với giới chỉ trích, trong đó ở Đức cũng có nhiều người kịch liệt công kích, lên án Monsanto, người ta coi người khổng lồ về công nghệ gene này là một sự công nghiệp hóa đáng ghê sợ. Nhiều người tiêu dùng có cảm giác rờn rợn, ghê ghê khi nghĩ đến việc phải ăn những sản phẩm biến đổi gene do Monsanto tạo ra. Vấn đề này bám dai dẳng và làm tổn hại thanh danh của tập đoàn này.
Theo ông Hugh Grant, người đứng đầu tập đoàn Monsanto: “Những điều thiên hạ đàm tiếu về chúng tôi nhất là trên mạng Internet thực ra không thể so sánh với sự hài lòng của những người nông dân  khi họ thụ hưởng những thành quả của chúng tôi”. Ông tin chắc rằng chỉ có thể thông qua cây trồng biến đổi gene mới có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho loài người đang có xu hướng tăng nhanh như hiện nay.
Hằng năm, Monsanto đầu tư khoảng 800 triệu USD cho nghiên cứu để có thể sớm đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, năm ngoái, khi giá lương thực, thực phẩm tăng đột biến làm cho dư luận thế giới hoang mang, lo lắng, Chính phủ Đức đã quyết định tăng chi phí cho nghiên cứu nông nghiệp lên 40 triệu Euro.
Khi đi dọc các phòng thí nghiệm khách tham quan có cảm giác được tiếp cận trực tiếp với tương lai: những người làm thí nghiệm đeo kính bảo hộ quan sát các chuỗi DNA trên màn hình, đằng sau các tấm kính cánh tay robot tự động nhón từng hạt giống đặt vào máy phân tích. “Xin mời các vị tạt qua nơi này”, cô Kathy Sehnert nói và mở cánh cửa vào một cái hành lang dài dường như vô tận thuộc  Chesterfield Research Facility của tập đoàn. Trong một căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông có một loạt kệ để song song nhau và trên các kệ này là vô vàn chậu cây nhỏ xíu.
Tất cả các chậu cây này đều nối với hệ thống cấp nước. Ánh sáng nhân tạo tràn ngập căn phòng và ở trong phòng người ta cảm thấy ấm áp dễ chịu. “Chúng tôi có thể mô phỏng bất kể vùng khí hậu nào trên thế giới trong căn phòng này. Chúng tôi quyết định lúc nào là ngày, khi nào là đêm, cho mưa hay để hạn. Nhờ vậy chúng tôi có thể phát triển từng loại cây thích hợp cho từng vùng”. Cô Kathy Sehnert tỏ ra hài lòng và tự tin.  Trên danh thiếp của cô có hàng chữ “Biotechnology Educator”, đó là nghề của cô, cô giới thiệu với khách hàng tiềm năng hoặc những người quan tâm sơ bộ về những thí nghiệm đang được thực hiện tại đây. Cô có dáng vẻ thân thiện, cởi mở như bà hiệu trưởng một trường đại học nhưng ở cô cũng toát ra niềm tin mạnh mẽ vào những ý tưởng của vị lãnh đạo tập đoàn Hugh Grant. Cô tin tưởng không lâu nữa có thể giới thiệu với khách tham qua về những giống cây trồng quý giá hơn để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống đói nghèo trên thế giới này. 
Tất nhiên cô Sehnert không mở cửa tất cả các phòng thí nghiệm. Nhưng những nơi mà chúng tôi được phép bước vào, chúng tôi đều chứng kiến những nhà khoa học đang say sưa, miệt mài làm việc và họ sẵn sàng trả lời khách tham quan về những công việc mà họ đang làm như chọn những giống cây chịu hạn cao hoặc những giống cây có sức đề kháng với sâu bệnh vv…  
Trên mái nhà là những nhà kính rộng rãi. Khi vào những ngôi nhà kính này người ta phải đeo kính bảo hộ. Tại đây có các giống ngô khác nhau, ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau và từng cây, từng cây đều được đeo biển, đánh số. Đây là các giống ngô biến đổi gene.
Theo lời ông Hugh Grant  thì: “Tại Hoa Kỳ trên 90% diện tích đậu tương và trên 70% diện tích trồng ngô đều sử dụng các giống biến đổi gene. Người nông dân Mỹ tín nhiệm các sản phẩm của Monsanto vì chúng đem lại năng suất cao”.
Trả lời câu hỏi tại sao tâp đoàn lại có hợp đồng buộc người nông dân hằng năm phải mua giống của Monsanto? Ông khẳng định: “Điều này không bất lợi mà có lợi cho người nông dân. Với bản cam kết này họ thường xuyên nhận được những giống mới có năng suất cao hơn của chúng tôi”.
Dường như thời gian đang ủng hộ các doanh nghiệp như Monsanto. Hiện nay hằng năm xuất hiện những diện tích rộng lớn chuyên trồng các giống biến đổi gene. Có thể nói cây trồng biến đổi gene đang ở thế thượng phong.
Tương lai sẽ ra sao? Bạn có thể nhận được câu trả lời tại hội chợ nông nghiệp tổ chức hằng năm mang tên “Farm Progress Show”. Đây là một hội chợ  có tầm vóc to lớn diễn ra tại miền Trung Tây nước Mỹ.  Các đại gia ngành nông nghiệp giới thiệu những công trình sáng tạo mới của mình. Chuyên gia ngành nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để tìm hiểu, học hỏi. Các tập đoàn nông nghiệp lớn có hướng dẫn viên nắm vững chuyên môn sẵn sàng giới thiệu với khách bằng ngôn ngữ của đất nước họ về các loại cây trồng mang tên công nghệ cao.
“Mời các vị  xem các cây đậu tương này” Robb Fraley đon đả nói với khách tham quan. Ông là  “Chief Technology Officer” của Monsanto. “Chúng tôi đã lồng ghép một gene vào giống đỗ tương này. Gene này sản sinh axit béo Omega-3. Các vị đều biết chất béo có lợi cho hoạt động của quả tim như thế nào? Trong thiên nhiên chỉ có ở cá, có nghĩa là phải ăn cá mới có  axit béo Omega-3. Trong tương lai chúng tôi sẽ có khả năng sản xuất dầu đậu tương có chứa axit béo  Omega-3. Chúng tôi đã trao đổi với giới công nghiệp và người ta đã nghĩ đến việc tung ra thị trường loại sữa chua cũng như  các loại thực phẩm khác có axit béo Omega-3 trong vài năm tới”.
Fraley còn giới thiệu loại ngô mới mang tên “Smartstax”, cây ngô này cao tới 2,50 mét. Loại ngô này chứa tám loại gene khác nhau. Trong đó có ba loại gene chuyên kiểm soát các loại côn trùng hoạt động trên mặt đất, ba loại gene khác kiểm soát các loại tuyến trùng hại bộ rễ. Ngoài ra còn có một vài gene trừ cỏ “Round up” và “Liberty Link”. Điều rất tuyệt là loại ngô này có năng suất cực cao.
Đôi mắt của ông Fraley bừng sáng khi ông say sưa nói: “Các vị hãy nhớ lại, giống ngô công nghệ sinh học đầu tiên được áp dụng  năm 1997, khi đó giống ngô này chỉ có thêm một gene. Còn cây ngô này có tới tám gene. Trong tương lai chúng tôi sẽ lồng ghép loại gene chịu hạn và thêm một số gene khác nhằm tạo ra năng suất cao hơn nữa”. Cuối cùng ông nói: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chỉ ít năm nữa người nông dân sẽ sử dụng các giống ngô mới chứa thêm 15, thậm chí 20 loại gene khác nhau”.   
XUÂN HOÀI (Spiegel 19.4.09)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)