Người Tarahumara
Người Tarahumara ở Mexico đã thoát khỏi tay của những kẻ chinh phục Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI. Nhưng liệu họ có thể tiếp tục tồn tại trước sự tấn công của sự hiện đại?
Tập tục truyền thống
Người Tarahumara vốn là những người rụt rè và kín đáo, sống cách xa nhau trong những ngôi nhà làm bằng gạch sống hoặc bằng gỗ, họ cũng sống cả trong hang hoặc những ngôi nhà lẻ loi nằm dưới các vách đá trồi ra, lấy chính những vách đá đó làm mái. Họ thường nấu một loại rượu từ ngô do chính họ trồng tại các mảnh ruộng nhỏ. Trong các dịp lễ hội, họ tụ tập nhau lại, chuyền tay nhau thứ rượu ngô này. Mỗi người làm vài tợp rượu từ chiếc bình làm từ nửa quả bầu khô cho tới khi giọng nói của họ liến thoắng, đầu óc mơ màng, tinh thần kích động hoặc gục người xuống đất để ngủ.
Đôi dép da truyền thống huarache |
Phụ nữ Tarahumara truyền thống người mặc váy và đội khăn trên đầu |
Họ thực sự là những người có khả năng đi bộ rất dẻo dai, bởi từ nhiều đời nay, họ chỉ dùng đôi chân làm phương tiện đi lại, qua các con đường mòn nhỏ hẹp nối liền các hẻm núi với nhau. Rarámuri có nghĩa là “người chạy bộ” hoặc “người giỏi đi bộ” và họ được biết đến nhiều với biệt tài hay trêu chọc những người Mỹ “siêu đi bộ”. Thú vị là Rarámuri luôn là người chiến thắng với những đôi dép truyền thống có tên huarache, kể cả đôi khi họ dừng lại giữa đường để hút thuốc, chờ đợi và cũng để trêu ngươi người Mỹ.
Các Rarámuri coi công việc của họ là cần thiết để tồn tại nhưng không coi trọng những giá trị đạo đức bên trong của nó, và họ đặt công việc xuống hàng nghĩa vụ tinh thần thứ yếu, như các vấn đề khác của tâm hồn. Nền kinh tế truyền thống của người Rarámuri được thực hiện qua phương thức trao đổi, không dùng tiền mặt. Họ có một từ để chỉ điều này mà không thể dịch trực tiếp sang tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh: “kórima”. Theo một người phụ nữ Tarahumara, mở lòng bàn tay của mình ra có thể hiểu theo cách của một chabochi là cầu xin sự thương hại. Người ta sẽ không cảm ơn bạn vì đồng xu mà bạn đã cho, mặc dù, kórima ngụ ý là trách nhiệm phân phối sự giàu có vì lợi ích của tất cả mọi người.
Các Rarámuri cũng ăn nhiều Maruchan, một thứ mì ăn liền Nhật Bản đóng gói trong các hộp nhựa xốp. Rồi bạn cũng thấy trên đường đi các giấy bạc bọc khoai tây rán, vỏ chai nhựa Coca-Cola 1 lít và vỏ bia lon Tecate. Nếu dành sáu giờ, với một chiếc xe hai cầu bán tải lặn lội đi về phía xa xôi nhất của một hẻm núi của người Tarahumara, lòng vòng quanh con đường đất đổ nát bẩn thỉu ẩn mình bên dưới các vách đá thẳng đứng, bạn sẽ đến được điểm cao và xa nhất, bạn sẽ nhìn thấy Mặt trời và những làn khói uốn lượn, bay lên từ những ống khói phía xa xa, tai bạn sẽ nghe vang vang âm thanh của tiếng trống nghi lễ đến từ một nơi nào đó ở phía dưới. Tiếp tục con đường đi bộ, bạn có thể nhìn thấy hai chai soda rỗng và chiếc bồn rửa bỏ đi của một Maruchan nào đó. Đây quả là những thứ có ích đối với một chabochi lãng mạn trong quá trình lang thang tìm hiểu nơi này… Theo các con số thống kê mới nhất của Chính phủ, hiện có 106.000 người Tarahumara sống ở Mexico và con số này khiến họ trở thành một trong số các nhóm thổ dân có dân cư lớn nhất ở khu vực Bắc Mỹ. Phần lớn trong số họ vẫn còn sống tách biệt trong các khu vực hẻo lánh ở Mexico như Copper Canyon, nhưng khu vực này cũng như hình ảnh của người thổ dân da đỏ Tarahumara thường được ký họa nguệch ngoạc trong túi đồ của khách du lịch (“Họ sống một cuộc sống đơn giản và không bị các công nghệ hiện đại quấy rầy”, một người đã viết như vậy trên mạng), những miêu tả chưa chắc đúng với hiện thực và dễ khiến người khác hiểu nhầm.
Thí dụ bản thân Copper Canyon, hoặc Barranca del Cobre, cũng chỉ là hai trong số cả tá các hẻm núi lớn nằm ở một phía của Sierra Madre. Một vài hẻm núi còn sâu hơn cả Grand Canyon. Và các hoạt động của chabochi như buôn bán, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, đang có tác động lớn tới những hẻm núi này. Ngành công nghiệp gây nghiện phát triển bằng việc người ta sử dụng các hẻm núi để trồng cần sa và thuốc phiện, khiến các gia đình Tarahumara từ bỏ các cánh đồng ngô, đậu và bí. Chính phủ nỗ lực để làm đường và cung cấp sách giáo khoa cho cộng đồng người Tarahumara, nhưng cũng mang tới các loại rượu tequila rẻ tiền, những kẻ côn đồ có súng trong người, và chatarra, thứ mà người Mexico gọi là đồ ăn nhanh, và hàng hóa chất đầy trên giá của các cửa hàng tạp hóa không có điện. Những người đàn ông Tarahumara truyền thống đeo những dải băng đầu rộng, cuộn khăn ngang hông và đi chân trần ngay cả khi thời tiết đóng băng, nhưng nhiều người giờ mặc quần jean, đội mũ cao bồi, và áo da nhuộm, những thứ dường như hợp hơn với thắt lưng của họ. Hầu hết phụ nữ Tarahumara vẫn còn đội các khăn choàng đầu, mặc váy dài vải in hoa, vải gấp nếp màu sặc sỡ hay váy kiểu sò điệp lượn sóng màu lam trông như tấm rèm cửa. Nhưng một số người giờ cũng đã bắt đầu mặc quần jean xanh.
Dấu ấn hiện đại
Sân bay thương mại đầu tiên của khu vực dự kiến sẽ được xây dựng tại Creel, trung tâm khai thác gỗ trước đây. Đây chính là nơi tạo nguồn kinh tế của vùng và có tuyến đường sắt hoành tráng chạy ngang qua thị trấn. Các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ tiên lượng sẽ có một sự bùng nổ trong xây cất khách sạn để đáp ứng dòng du khách đến đây ngày càng đông. Các quan chức tại Chihuahua, bang Mexico, nơi bao trùm hầu hết các lãnh thổ Tarahumara, được các nhà đầu tư tư nhân gạ gẫm xây dựng các khu phức hợp ở các hẻm núi bao gồm các nhà nhảy bungee (trò chơi mạo hiểm, nhảy từ trên độ cao lớn, chân buộc vào dây gắn với nhà nhảy), một cây cầu cạn duyên dáng, các khách sạn và một “ngôi làng Ấn Độ” ở khu vực xa xa phía Tây, cạnh đường sắt để phục vụ các loại hình du lịch “tôn giáo, lễ hội và trang phục truyền thống”, nơi hiện giờ đã tràn ngập khách du lịch với những người bán hàng Tarahumara. Những người này chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bán các giỏ đan và đồ vải dệt, những đồ mà họ nghĩ rằng du khách thích. Đó là những đứa bé chưa đến tuổi đi học, hoặc thậm chí đủ tuổi đi học nhưng cả ngày vẫn lượn lờ ngoài đường để bán đồ lưu niệm, tay cầm vài cái vòng bện, mồm luôn lặp đi lặp lại câu nói đầu tiên tiếng Tây Ban Nha mà chúng chưa bao giờ được học một cách nghiêm chỉnh: “Compra?-Có muốn mua không?”.
Chạy đua với người Tarahumara là trò chơi ưa thích của nhiều du khách khi tới Sierra Madre |
Kế hoạch phát triển Copper Canyon chứa đầy những điều không chắc chắn và gây tranh cãi. Việc xây dựng sân bay đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần, và người ta đưa ra các lý do về môi trường, đặc biệt là khi toàn bộ khu vực Sierra phải hứng chịu các chu kỳ hạn hán. Nhưng còn có một lý do khác lớn hơn, gần hơn với những thảm kịch có thể sẽ xảy ra ở khắp khu vực này của người Tarahumara, như chính cái tên gọi của nó. Có hay không có sân bay thì cái hiện đại của người Mexico cũng đang ập đến nơi này, tác động đến nền văn hóa bản địa vốn từ lâu nay hoàn toàn không bị ảnh hưởng của bên ngoài. Một dân tộc bản tính hiền hòa đã bị người ngoài, những người tự cho mình khái niệm rằng phải đem văn minh tới nơi này, tràn đến làm vấy bẩn. Nhưng tất cả những cái đó đều nhanh chóng bị những người dân sống ở những hẻm núi này bác bỏ.
Lorena Olivas Reyes, người y tá hơn 35 tuổi tại phòng khám San Rafael thuộc thị trấn Sierra Madre nói các bệnh nhân người Tarahumara của cô thường mắc chứng bệnh chabochiado, theo tiếng bản địa có nghĩa là “huyết áp cao”. Cô có thể sử dụng tiếng Tây Ban Nha để giải thích các thuật ngữ y học cho bệnh nhân của mình rằng họ, những người chabochi đang phải chịu căn bệnh alta presión. Lorena có dáng người cao lớn, xương gò má cao và dày, tóc đen dài tới eo được vấn gọn gàng khi làm việc. Lúc nào nhìn thấy cô tại phòng khám, tôi cũng thấy cô nổi bật, di chuyển nhanh nhẹn giữa các bệnh nhân nữ người Tarahumara mặc váy dài truyền thống.
Lorena di cư lần đầu tiên từ nơi cô lớn lên, một hẻm núi dựng đứng của người Tarahumara, khu định cư có tên Guagueyvo khi cô mới 13 tuổi. Cô đã phải bò, theo đúng nghĩa của nó vì lúc đó vẫn chưa có đường nhựa và lối thoát duy nhất ra khỏi hẻm núi đó chính là con đường độc đạo chạy dọc theo hẻm núi. Bởi cô thích học và lớp học kế tiếp của cô lại nằm trong một ngôi trường cách nơi cô ở vài giờ đi bộ.
Các tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đã mang Thiên chúa giáo đến Sierra Tarahumara vào những năm 1600, nhưng khoảng một thế kỷ sau đó, họ đã bị trục xuất hết ra ngoài. Những căng thẳng chính trị khiến người Tây Ban Nha đuổi tất cả các thành viên Thiên chúa giáo đến từ Tân Tây Ban Nha. Nhưng rồi qua thời gian, các giáo sĩ Dòng Tên đã trở lại vào năm 1900. Các hoạt động tôn giáo của người Tarahumara đã diễn ra chồng lấn nhau quyết liệt, Công giáo đã hòa trộn với đức tin cổ, và giờ đã chiếm ưu thế tại nhiều nơi ở Sierra Madre.
Đời thường
Đó là ngày thứ năm của Semana Santa, hay còn được gọi là Tuần Thánh, những ngày trước lễ Phục Sinh đánh dấu thời gian thiêng liêng nhất trong năm đối với người Tarahumara. Những thứ diễn ra ở các hẻm núi trong Semana Santa chắc hẳn sẽ làm những người ngoại đạo Thiên chúa giáo giật mình, nhất là khi lần đầu họ tới đây. Thí dụ như hình nộm Judas sẽ khiến một người mới đến băn khoăn liệu có cho phép trẻ nhỏ được xem hay không, hay người Pharisee – những người Do Thái đạo đức của thời kỳ kinh thánh, đóng vai những người chạy thi, gõ trống, nhảy múa, uống rượu và đánh nhau. Đó là những cảnh tượng hùng tráng và những người đàn ông đôi khi vẽ mặt và điểm các chấm trắng lên khắp cả thân trên, màu trắng tương phản rất mạnh với màu da đỏ của thổ dân nơi đây. Những lễ hội kéo dài trong suốt Tuần Thánh hằng năm thu hút hàng nghìn du khách tới Sierra.
Trong nhà bếp của Lorena, chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn dài, ăn loại bánh ngô nhỏ, nóng mà mẹ cô, Fidencia nướng trên bếp và thả xuống một chiếc đĩa nhựa.
“Thế vũ hội ra sao rồi?”, Lorena hỏi.
“À, người Pharisee dẫn đầu bị ngã và gẫy chân”, Fidencia trả lời.
Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà Fidencia đã học tại trường tiểu học của Rarámuri, cách cái hang nơi cô sinh sống vài giờ đi bộ. Chồng của bà Catarino Olivas Mancinas. Ông ta xuất thân là một người thợ mỏ, từ một gia đình không phải là người Tarahumara, đến Sierra Madre từ một nơi rất xa. Ngôi nhà mà ông sở hữu là một trong những ngôi nhà đẹp nhất ở Guagüeyvo: với những phòng ngủ rộng, trải thảm bởi những đứa cháu của ông cũng sống ở đây, sàn nhà bê tông, hành lang với chiếc ghế dài di động. Ngôi nhà cũng có một tấm pin Mặt trời nhỏ, đủ để chiếu sáng vài chiếc đèn vàng khi bóng tối phủ xuống. Một con đường nối tới Guagüeyvo cuối cùng cũng đã được xây dựng cách đây 3 năm, nhưng mặt đường bẩn thỉu của nó cũng chỉ đủ để đặt các cột điện, và những cột điện này giờ vẫn chưa hoạt động. Fidencia nói là điện sẽ sớm tới nơi đây và khi đó, Lorena sẽ mang tới cho bà một chiếc tủ lạnh.
Chiếc tủ lạnh cũng là thứ đáng nói. Nó màu đen và nhẵn bóng, là sở hữu của Lorena và hiện đang được đặt trong nhà bếp của cô ở San Rafael, nơi đã có vài con đường trải nhựa và phần lớn ngôi nhà đã có điện và hố xí hiện đại. Đã một năm rồi Lorena và Fidencia mới gặp lại nhau và dù vậy, sự đoàn tụ vẫn có điều gì đó dè dặt. Fidencia nghiêng người về phía Lorena, gật đầu và chìa má nhận nụ hôn nhẹ từ cô con gái. Giờ thì Fidencia đã ngồi ngay cạnh Lorena và cả hai đều làm bánh, rồi đưa lên bếp. Bột làm bánh ngô là từ ngô thu hoạch từ vụ trước đó.
Những chiếc bánh ngô khá dày và có vị rất ngon. Fidencia sáng nay đã bắt gà từ chuồng ra, làm thịt và chặt nhỏ gà ra bỏ vào xoong. Quanh bếp ngào ngạt mùi thơm của gia vị, thịt và súp rau. “Ông có biết tôi làm cách nào để thoát khỏi mệt mỏi khi làm việc hay không”, Lorena hỏi tôi. “Đó là bởi tôi luôn tự nhủ: mẹ tôi vẫn còn khổ hơn tôi rất nhiều”, cô nói.
Một linh mục Dòng Tên đã nói với tôi: việc mở rộng mạng lưới đường giao thông đã khiến những người Tarahurama không còn phải đi bộ nữa và họ đã mất dần khả năng đi bộ rất bền của mình trên những đoạn đường rất dài. Và trong khi mồm còn ngậm đầy bánh ngô dưới ánh sáng lập lòe của chiếc bếp lò, tôi bỗng mường tượng đến cảnh khi điện được đưa tới Guagüeyvo, kế tiếp đến sẽ là các nút đèn điện, những đồng hồ điện tử, máy sấy tóc, chiếc tủ lạnh mới màu đen, các chương trình TV với những quảng cáo đồ mỹ phẩm, xà bông xen lẫn ở giữa… Tôi hỏi Fidencia xem phản ứng của bà thế nào, khi có người đột nhiên đem tất cả những thứ đó tới nhà của bà. Bà ngừng nhìn cô con gái, quay sang phía tôi một chút rồi trả lời với cái giọng trầm, nhưng nhẹ nhàng như thể bà đang xem thử tôi có phải là một thằng ngố hay không: “Cái đó tốt đấy chứ”, bà nói.
Trường học, đường xá đã được mở tại các vùng hẻo lánh ở Sierra Madre |
Phong cảnh tuyệt vời đã thu hút nhiều du khách và nhà đầu tư tới Sierra Madre |
Liếc sang phía Lorena, tôi thấy cô đang cố giữ vẻ lịch sự của người Tarahuhmara, để nhịn cười. Sự kiện Sierra Madre là địa điểm chiến lược đẩy lùi được sự tấn công của người Tây Ban Nha cách đây nhiều thế kỷ giờ có thể coi là một thành quả, nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng đối với người Tarahurama. Tổ tiên của họ không phải là những kẻ nhát gan hay những người ưa chuộng hòa bình. Lịch sử đã nhiều lần cho thấy có những cuộc bạo loạn giữa những người Tarahumara ở các vùng phía ngoài và các trung tâm mỏ, nơi những kẻ thực dân sử dụng họ như các nô lệ và bắt họ phải sống theo lối của người Âu châu. Nhưng như một dân tộc có sức sống mãnh liệt, người Tarahumara vẫn tồn tại ở khắp nơi nhờ cái mà một thầy tu miêu tả là “động cơ trốn thoát”, và để diễn tả điều này, ông chụm hai tay vào nhau, nhẹ nhàng lách người từ bên dưới lên như thể một con cá trượt trên khe đá.
Sức hút nguyên sinh
Địa hình địa vật đã khiến vùng đất Tarahumara rất khó tiếp cận đối với những kẻ chinh phục, và chính nhờ điều này, người Tarahumara đã thành công trong việc đẩy lùi sự tấn công của những kẻ muốn cưỡng đoạt. Trên đỉnh và ở các hẻm núi nơi đây chứa nhiều bạc và khoáng sản khác và đã thu hút các thợ mỏ đến từ đầu thế kỷ 17. Rừng nguyên sinh thì hấp dẫn những kẻ khai thác gỗ, những kẻ đã triệt hạ biết bao cây cối và vào cuối những năm 1800, dưới sự chỉ huy của một kỹ sư người Mỹ, một đường sắt đã được xây dựng để chuyên chở các chiến lợi phẩm đi nơi khác. Các nỗ lực xây dựng cũng đã được đền đáp sau 80 năm làm việc, con đường sắt đã hoàn thành trải dài khắp Sierra Madre, vượt qua các cây cầu cao chót vót, xuyên qua nhiều đường hầm và thực sự đây là một kỳ tích của các kỹ sư đường sắt.
Ngày nay, các khối gỗ được chuyên chở bởi các xe tải (theo các nhà chỉ trích là với một số lượng không thể kiểm soát nổi, mặc dầu việc khai thác gỗ sẽ dẫn tới suy thoái rừng). Con tàu đường sắt chính hiện nay có tên là Chihuahua Pacifico, hoặc thân mật hơn là Chepe, chủ yếu để chuyên chở khách du lịch. Người Tarahumara và người dân địa phương khác thì hay sử dụng con tàu Chepe hạng 2, để đi ra thị trấn tìm việc hoặc làm hái quả thuê vào mùa vụ ở phía bên kia ngọn núi. Nhưng thu nhập chính của Chepe đến từ bên ngoài, từ người Mexico và những người ngoại quốc, những kẻ thường thò cổ ra ngoài cửa sổ các con tàu để ngắm nhìn những cảnh tượng hùng vĩ của các ngọn núi. Biểu tượng của Copper có lẽ không chỉ ở các mỏ khoáng sản, mà còn ở ánh sáng tuyệt đẹp của thiên nhiên chiếu lên những ngọn núi đá. Và cái nguồn tài nguyên có thể khai thác được này làm nhiều kẻ thèm muốn. Rất nhiều kẻ có tiền đang muốn sở hữu một phần cảnh tượng đẹp đẽ này, trong đó có cả kế hoạch phát triển thoát đói nghèo của Mexico. Đây quả là một cuộc chiến không công bằng.
Những đứa trẻ bán đồ thủ công tại Creel |
Sau 80 năm xây dựng, con đường sắt xuyên Sierra Madre đã hoàn thành, giúp đưa khoáng sản và gỗ của người Tarahumara đi nơi khác và đem du khách tới nơi đây |
Các học giả của Tarahumara nói văn hóa của họ có sức đề kháng đáng kể, chính vì điều đó mà trong nhiều thế kỷ họ đã tránh được ảnh hưởng của hết dòng xoáy chabochi này đến dòng xoáy chabochi khác. Cũng chính vì thế mà ngôn ngữ của họ có sức sống mạnh mẽ, niềm tin tôn giáo của họ rất mãnh liệt, và nhiều phụ nữ bản địa vẫn còn đeo khăn quàng cổ và mặc váy dài. Một lần tôi đã chứng kiến một cuộc đua của những người phụ nữ bên ngoài một khu đất Rarámuri lọt thỏm giữa thành phố Chihuahua, nơi hàng ngàn người Tarahumara di cư đến sinh sống tại các khu nhà ổ chuột san sát nhau. Người Tarahumara rất thích các cuộc chạy đua theo truyền thống dân gian Rarámuri, nơi người ta tụ tập nhau lại và dùng súc vật hoặc tài sản khác làm đồ cá cược. Cuộc đua của những người đàn ông trên các con đường dài đến kinh ngạc, họ đi dép huarache truyền thống hoặc để chân trần, chân liên tục đá một quả bóng hình cầu bằng gỗ cỡ quả bóng chày. Còn khi những người phụ nữ chạy, họ vừa quăng những chiếc vòng và bắt chúng bằng những chiếc gậy dài. Những cô gái và phụ nữ trẻ chạy băng băng trên đường phố Chihuahua, với các đôi dép huarache loẹt quẹt trên vỉa hè, váy lòe xòe dưới bắp chân của họ. Đằng sau là những khán giả cổ vũ, đó là những bà cô, dì hay bà ngoại của họ, rồi các đồ cá cược chất đống cao đến tận mái nhà như một gò đất với các đồ may thủ công Rarámuri lấp lánh.
Phía bên kia con đường là cả đống các ngôi nhà chen chúc nhau. Đó là nơi sinh sống của những giáo viên, những người thợ mộc, những người đứng đầu cộng đồng đáng kính trọng, những sinh viên chủ yếu thuộc ngành nhân chủng học và cơ khí công nghiệp… Nhưng người ta cũng thấy ở đó những người làm thuốc phiện, những đứa trẻ choai choai, đầu đội mũ lưỡi trai ngược, mồm luôn hét váng đường, những người thợ dán hồ và ăn mày, những cô gái có con từ khi mới 13 tuổi và những kẻ béo phì vì ăn uống quá độ và thường mắc phải bệnh alta presión.
Tại Guagüeyvo, tôi đã gặp một bác sĩ chabochi đang xem đồ thị về các trường hợp trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi. “60 ca như vậy đã được phát hiện hồi mùa xuân vừa rồi”, người bác sĩ nói. Sự kết hợp giữa sự nghèo khó, các mùa vụ thất bát, rồi việc cha mẹ sử dụng ngô để nấu rượu đã khiến trẻ con ở đây thường bị thiếu ăn.
“Cuộc sống của người Tarahumara đã thay đổi rất nhiều trong vòng 20 năm nay so với 300 năm về trước”, một tu sĩ Creel có tên Pedro Juan de Velascp Rivero cho biết. Ông là một tu sĩ thuộc Dòng Tên ở Sierra và nằm trong số những người đứng giữa người Tarahumara và chabochi. Một số người trong số này nói tiếng Rarámuri rất tốt và họ nằm trong số những người Mexico chỉ trích rất nhiều ảnh hưởng của văn hóa chabochi lên người Tarahumara. Bên ngoài văn phòng du lịch, khó có thể tìm một ai đó ở Chihuahua thực lòng tin về kế hoạch phát triển tổng thể của Copper Canyon, với việc xây dựng những tòa nhà hiện đại bằng thép và kính trong các hẻm núi hay với kích cỡ thị trường du lịch đầy triển vọng, như trên tiêu đề của một tờ rơi quảng cáo: 7,2 triệu du khách đến từ Mỹ và 5,5 triệu du khách đến từ Mexico. Nhưng tôi đã nghe các chabochi và một số ít người Tarahumara nói rằng khu vực này sẽ sử dụng gói kích thích kinh tế, bằng việc xây dựng các cơ sở du lịch và một sân bay thương mại. “Nghèo khó không phải là điều tốt, nhất là khi người ta sống trên những hẻm núi tuyệt đẹp, với những phong cảnh mê hồn”, chủ một khách sạn ở Creel nhiệt thành nói.
Nhưng những người tu sĩ đáp trả: các công việc như dọn dẹp khách sạn, nơi thường treo các bức tranh Tarahumara ở sảnh chính, rõ ràng chẳng phải là cái gì tiến bộ. “Đừng nhầm tưởng là những dự án này giúp đỡ người Tarahumara”, de Valasco nhăn mặt nói. “Họ thu hút du khách chỉ để cho cái hầu bao của họ ngày càng to lên thôi”. Và “một ngôi làng Tarahumara” thực sự là một lời nói dối trắng trợn. Một giỏ khí cầu lơ lửng trên hẻm núi quả thật là một hình ảnh gì đó mạo phạm. Và cần nhớ đây là một khu vực không có nước. Như vậy, một khách sạn mới sẽ sử dụng lượng nước nhiều hơn số lượng của cả một gia đình Tarahumara dùng trong một năm. Thứ mà Chính phủ cần làm, thay vì đầu tư xây dựng các khách sạn, có lẽ nên là xây phương tiện mang nước sạch cho toàn bộ người Tarahumara. Chắc chắn điều này sẽ có nhiều lợi ích hơn là tạo ra một ngôi làng nhân tạo trong đó người ta có thể mua và bán nhiều thứ không cần thiết lắm.
Lễ hội
Trong màn đêm ở Guagüeyvo, vào đêm trước ngày Thứ sáu Tốt lành, người ta tụ tập phía bên ngoài nhà thờ, cách nhà mẹ của Lorena khoảng nửa dặm (800m), qua một ruộng lúa và một dòng suối chảy qua khe đá. Tiếng trống lễ hội sẽ không dừng lại, nó sẽ tiếp tục suốt đêm, thỉnh thoảng ngơi nghỉ một chút nhưng sẽ kéo dài liên tục trong suốt 51 giờ đồng hồ.
Các nhà nhân chủng học, những người Tarahumara ở các cộng đồng khác và những người thân trong nhà bếp của Fidencia đã giải thích nghi lễ Semana Santa cho tôi, mà những lời giải thích này chẳng hề trùng lắp. Thí dụ những tiếng trống chẳng hạn, nó bắt đầu nổi lên vào thời điểm ba tuần trước lễ Semana Santa, ở mọi nơi tại Sierra Madre. Và một giọng nói mềm mại của phụ nữ trong buổi ăn trưa tại một ngôi trường Rarámuri nói với tôi rằng những âm thanh của trống giúp Thiên Chúa khỏi ngủ gà ngủ gật, vì ma quỷ hay đến gần nơi đây vào thời điểm này của năm.
Khi tôi cố hỏi Fidencia điều này, cô trả lời bằng một giọng châm chọc kiểu người chabochi và nhún vai: “Điều đó có thú vị không nhỉ”. “Chúng tôi đánh trống bởi vì đến lúc đó phải đánh trống”, cô nói sẵng. Người Pharisee thì vẽ lên thân thể của họ, những chiến binh truyền thống thường đeo lên mình các thanh gươm gỗ, trên trái nhà họ ở thường vẽ hình Chúa và Đức mẹ, hình nộm rơm của Judas – có hình thù rất kỳ lạ mà bạn có thể không nhận ra…, đây là những yếu tố biểu hiện của Semana Santa xuất hiện ở khắp nơi tại Sierra Madre, trước khi Dòng Tên tới với những câu chuyện đóng đinh trên thánh giá trong những lễ cầu mùa màng thuận lợi, tinh thần vượt lên quỷ dữ và lòng sùng đạo, người dân ở đây đã thờ thần mưa, thần Mặt trời và Mặt trăng.
Có lúc chờ đến khi không có đàn ông, tôi đã thử lén hỏi tại sao hình dạng của Judas lại kỳ lạ đến vậy, và kết quả là tất cả phụ nữ trong phòng đều ré lên cười. Nhưng có vẻ không ai chắc chắn về câu trả lời. Một nữ tu đang đến thăm nơi đây cho biết bà đang tập hợp các ý tưởng để làm sao cho Judas trông có dáng càng lố bịch càng tốt. “Hãy nhớ rằng, ông ta là một kẻ phản bội”, nữ tu nói. “Và ông ta sắp bị đốt cháy”.
Giờ thì Mặt trăng đã tròn vành vạnh và tôi bắt đầu đi ngang qua ruộng lúa. Tôi mặc một chiếc váy và quấn một chiếc khăn rằn sặc sỡ lên đầu để che tóc, với ý định xuất hiện ở đó với dáng vẻ cẩn trọng. Còn Lorena, người vẫn mặc bộ đồ jean của ban ngày nhìn tôi đến gần và nói: “Ông ăn mặc cẩn thận quá nhỉ, tốt đấy”.
Du khách ngày một tăng khiến người ta đề ra kế hoạch phát triển toàn diện Sierra Madre, chủ yếu là xây dựng khách sạn, khu vui chơi giải trí. Nhưng điều này lại ảnh hưởng tới bản sắc văn hóa của người Tarahumara |
Cho đến nay, tàu hỏa vẫn là phương tiện chủ yếu để du khách tới nơi ở của người Tarahumara |
Cô lại trở vào nhà, bước ra với chiếc váy và chiếc khăn trên người, nhưng chiếc khăn chỉ buộc như một dải băng quấn đầu, chứ không phủ dưới cằm của cô. Vì chúng tôi đi bộ dưới ánh trăng hướng về phía nhà thờ, nơi những người anh em họ của Lorena đang đánh trống da dê và nhảy múa giữa dòng người uốn lượn rồng rắn, chân của cô đạp trên sỏi đá với đôi giày thể thao. “Tôi không đi dép huarache bởi sỏi đá chọc vào chân tôi”, cô nói.
Hấp thụ những thứ mới lạ theo một cách nào đó là điều rất dễ, người phụ nữ có di sản văn hóa lai căng này đang phải đấu tranh với bản sắc riêng của mình. Cha của Lorena đã có mặt ở sân nhà thờ, đang nhắm mắt mơ màng thổi cây sáo gỗ của người Tarahumara, mặt vẽ hình các nhành hoa nho. Ông là một người đàn ông gày gò, da đen, bắt tay tôi khi tôi đến nhưng không nói. Sau một lúc nhìn chằm chằm vào mặt tôi, ông bỗng nhiên cất lời: “Ông đã ở đâu khi Tòa tháp đôi sụp đổ?”. Sau khi nghe trả lời của tôi (lúc đó tôi ở nhà, tại California), ông nghiêng đầu chào và hỏi liệu tôi đã biết Osama bin Laden hiện ở nơi nào không, rồi tiếp tục thổi sáo. Ông và người em song sinh của ông là những người phụ giúp trực tiếp cho các lễ hội Samana Santa. Họ là những người vẫn còn thuộc về Guagüeyvo, còn Lorena thì không còn nữa bởi cô và 3 đứa con của cô muốn những thứ mà mảnh đất xa xôi cách biệt giữa những hẻm núi này, với các trường tiểu học sơ sài không thể đáp ứng được. Sau khi cô trở thành y tá, cô trở lại quê nhà trong vòng 5 năm, làm việc tại cơ sở y tế bé nhỏ mà Nhà nước xây dựng ngay cạnh trường học Guagüeyvo. Những người dân ở đây muốn cô ở lại, nhưng cô thì không. Giờ thì cô không còn có những chiếc váy Rarámuri vừa với mình nữa rồi.
“Tôi là một phụ nữ bản xứ”, Lorena nói với tôi vào lúc khuya của đêm đó, khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Chúng tôi vẫn trăn trở với cái ý niệm của bản sắc, thứ mà người ta có để phân biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác và tại sao mọi thứ lại dễ dàng mất đi đến thế. Khi nào thì các nỗ lực bảo tồn một văn hóa bản địa được bắt đầu để thu hút những cá nhân, theo một định nghĩa lãng mạn nào đó, về đúng cái văn hóa mà họ đáng được hưởng?
Lorena hoàn toàn không có hứng khởi trước kế hoạch phát triển Copper Canyon. Công việc dọn phòng theo cô không phải là thứ mà người dân ở đây trông đợi, cô nói. Và cô cảm thấy chút buồn tủi khi nhìn thấy những người bán các món đồ thủ công Rarámuri mong chờ du khách mua hàng của họ, và những người da trắng thi nhau chụp ảnh họ. Tuy nhiên, những lý lẽ của cô hoàn toàn chỉ là cảm tính: họ không kiếm đủ tiền từ những công việc đó. Lẽ ra, họ phải bán những thứ đó với giá đắt hơn. Và con cái của họ phải được đến trường, họ cũng nên ngăn chặn thói quen dạy những đứa trẻ uống rượu.
Những chiếc bánh ngô truyền thống của người Tarahumara |
Trong một ngôi nhà của người Tarahumara |
Một cây nến lẻ loi đang cháy chập chờn trong phòng của Lorena, nơi tôi và hai đứa con trai của cô đang ngồi. Lúc đó vào khoảg nửa đêm. Chúng tôi không còn nghe thấy tiếng trống nữa. “Tôi cảm thấy thật thanh bình khi tôi đến đây”, Lorena thì thầm. Rồi bỗng nhiên cô nói: “Tôi sắp làm lễ mừng sinh nhật con trai tôi 6 tuổi. Tôi sẽ nói với các em gái của tôi rằng tôi muốn họ tới buổi lễ đó. Tôi muốn họ rời khỏi đây, có thể chỉ trong vài ngày và muốn họ nhìn thấy đời sống đô thị ngoài kia nhộn nhịp như thế nào”. Hai người mà cô nhắc tới là hai cô em gái, họ trẻ hơn cô và cũng đã từng đi học. Giờ thì họ đang sống ở quê nhà cùng bố mẹ. Cô lớn đã có 3 con, nhưng cha của những đứa trẻ lại có một gia đình khác ở Guagüeyvo.
Họ cũng có thể là các y tá nói được hai thứ tiếng và làm việc tại các phòng khám, Lorena lại thì thầm. “Ở đây, họ chẳng có gì cả”.
Hình nhân Judas bị đốt vào sáng Thứ bảy. Các thùng rượu ngô được lôi ra ngoài, sẵn sàng chờ mở để uống vào rạng sáng, rồi món xúp hầm ngô với thịt dê và thỏ được bẫy trước đó vài ngày. Thức ăn được đựng trong các thùng chứa lớn, đặt bên ngoài một ngôi nhà, ở một vị trí cao hơn nhiều so với nhà của Lorena. “Tôi có thể đi cùng anh về nhà vào chiều nay nếu như anh uống quá nhiều rượu và không tìm thấy đường về nữa”, một trong số người em họ của Lorena vừa chìa cho tôi đĩa xúp thịt hầm với một bầu rượu ngô, vừa lịch sự nói. “Nhưng cả tôi chắc cũng sẽ say khướt cho mà xem”. Rồi tất cả mọi người đều đi bộ hướng tới phía nhà thờ. Hình nộm được đưa ra bãi đất trống, với một chiếc mũ bóng chày đen đặt trên đầu và khoảng nửa tá đàn ông say rượu ngã dúi dụi vào nó, đấm đá vào nó, cấu xé chân tay nó ra. Cuối cùng, ai đó ném một que diêm vào Judas và cả hình nộm bốc cháy, chả còn gì cả, trừ tro tàn và các mảnh rơm cháy đen. Những người đàn ông say rượu loạng choạng lùi lại, thở hổn hển.
Ai đó kêu lên: “Ahora qué hacemos?”.
Lorena phá lên cười. Cô nhìn sang tôi, nhún vai và lặp lại câu hỏi này: “Ahora qué hacemos?-Chúng ta làm gì tiếp nhỉ?”.
Hoàng An dịch National Geographic