Nhà khoa học chất nông dân
Thoạt nhìn, với chiếc áo bay sờn vải, chiếc quần kaki bạc màu ống thấp ống cao, vóc người vạm vỡ hẳn ai cũng nghĩ, đây đích thực là một “trai làng” mà không phải là một “nhà nghiên cứu nông nghiệp”. Nhưng người ta phải đáng nể, vì ở độ tuổi đó, Vũ Hồng Quảng, Viện nghiên cứu lúa-ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, đã “lọt” vào lớp người đầu đàn tạo ra những cây lúa lai hai dòng đầu tiên “made in Việt Nam”.
Sinh ra trên mảnh đất thuần nông Phú Xuyên, nhìn đâu cũng chỉ là lúa, Vũ Hồng Quảng đã kịp “bén duyên” với cây lúa từ khi nào không hay. Để rồi từ cái duyên hướng anh vào nghiệp…lúa.
Nhà nghèo, “bát cơm” nuôi sống cả gia đình chỉ còn biết trông chờ vào những gánh lúa thu hoạch ngoài ruộng. Như bao đứa trẻ nghèo khác, là con cả trong gia đình, sau mỗi buổi học, cậu bé Quảng lại hăng hái giúp bố mẹ việc đồng áng. Tuy vất vả là vậy, nhưng Quảng luôn đạt kết quả xuất sắc trong học tập. “Người nông dân vất vả lắm. Làm lụng tối ngày, nếu được mùa thì cũng chỉ đủ ăn còn nếu mất mùa do thiên tai, sâu bệnh phá hoại thì… Mình là người nông dân nên thấm thía rất rõ điều đó”, anh thổ lộ. Tốt nghiệp PTTH Phú Xuyên A, anh đã chọn ĐH Nông nghiệp I như là nơi gửi gắm uớc mơ hằng ấp ủ trở thành một nhà khoa học nông nghiệp, để mong sau này có thể tạo ra những giống cây trồng thời gian thu hoạch ngắn, năng suất cao và kháng bệnh tốt cho những con người hằng ngày phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Bước chân vào giảng đường ĐH Nông nghiệp I, Vũ Hồng Quảng đã chọn chuyên ngành giống cây trồng. “Lang thang” khắp các vườn cây, “nếm” nhiều loại trái lai tạo chàng sinh viên “thuần nông” này thầm khâm phục những người thầy đi trước đang lao động lặng lẽ để làm phong phú thêm những loại cây trồng mới cho đất nước. Nhưng vì nhà nghèo, bố mẹ lại yếu hay đau ốm, ngoài thời gian học trên giảng đường, thực nghiệm trên những thửa ruộng, vườn cây, Quảng lại tranh thủ đi làm thêm đủ mọi việc từ gia sư đến làm và buôn bán cây giống. Có những lúc nghịch cảnh cuộc đời dồn anh vào bế tắc. Khi là sinh viên năm thứ 3, nhà đã nghèo, mẹ và em gái lại nằm viện càng làm cho cuộc sống của mọi người trong gia đình trở nên khốn đốn. “Thời gian đó tâm lý thật nặng nề, làm sao học tốt nhưng vẫn lo chữa bệnh cho mẹ và em”, anh bộc bạch. Vừa học vừa làm như vậy nhưng năm học nào Quảng cũng dành được học bổng, số tiền không lớn nhưng cũng tạm đủ giúp anh trang trải chi phí học tập và gửi tiền phụ giúp bố mẹ và các em.
Tình yêu với cây lúa không giữ chân “chàng trai Cầu Rẽ” ở lại với ngành cây trồng. Dưới sự dìu dắt của người thầy, PGS.Nguyễn Văn Hoan, Vũ Hồng Quảng quyết tâm dấn thân vào nghiệp… lúa. Anh tâm sự, “Khó khăn mình gặp phải không thấm thía gì so với những gian khổ mà thế hệ người thầy đi trước trải qua. Bởi vậy, không có lý do gì mà mình không vượt qua được”. Và niềm tin như được cộng hưởng khi người bố nhắn nhủ lúc cậu con trai được quyết định giữ lại trường, “Làm gì thì làm, người nông dân đã vất vả nhiều rồi, hãy toàn tâm toàn sức góp phần nhỏ giảm bớt khó khăn cho người nông dân”. Còn như người thầy hướng dẫn anh thường khuyên, muốn trở thành một nhà khoa học nông nghiệp thì trước hết phải là một người nông dân. Với bản thân Quảng, anh tự thấy mình may mắn vì từ nhỏ đã có được cái khí chất đặc sệt nông dân vốn giản dị, cần cù và chất phát. Những ai lần đầu tiên gặp anh chắc khó mà phân biệt được đâu là một cán bộ nghiên cứu trẻ, đâu đích thực là một “trai làng” chân chất. Chính vì vậy nên mới xảy ra những tình huống “cười ra nước mắt”.
Có lần “thăm” ruộng về, với chiếc áo bay sờn vải, chiếc quần kaki bạc màu ống thấp ống cao, chân lấm đầy bùn đất, bước vào cổng trường bị bác bảo vệ “mời” ra ngoài. Phân bua mãi, cuối cùng người bảo vệ mới lưỡng lự nhận ra anh là cán bộ của trường nên… cho qua cổng. Rồi một lần khác, Quảng hý hoáy chở mạ giống từ ĐH Nông nghiệp I lên Ba Vì, nhiều người nông dân cứ ngỡ anh kia chở mạ cho… vợ cấy.
Với khuôn mặt “đặc sệt”nông dân, anh phấn khởi “khoe”: “Mình đang đạt được ước mơ. Có được cơ hội “chung lưng” với bà con rồi”.
Chắp cánh “Cây lúa Việt”
Trong căn phòng làm việc ngổn ngang là bì thóc giống, những chồng tài liệu và cả…những đoạn tre, gỗ thừa giữa khuôn viên mới của Viện Nghiên cứu lúa đang trong giai đoạn xây dựng. Không gian làm việc của những nhà khoa học nông nghiệp thật đơn sơ như chính con người họ, nhưng cũng đầy đủ những “nông cụ” như bao nhà nông sau lũy tre làng. Với mái tóc “điểm bạc”, làn da rám nắng nhìn anh già hơn nhiều so với tuổi đời và tuổi nghề. Vũ Hồng Quảng nở nụ cười hiền hậu và bông đùa, “Vì phải nghĩ làm thế nào trị bệnh bạc lá cho cây lúa nên tóc cũng bị “bạc lá” như thế đấy”.
Vũ Hồng Quảng đã tập trung vào nghiên cứu về gen tương hợp rộng phục vụ chọn tạo lúa lai hai dòng. Anh cho biết, “Muốn nâng cao năng suất phải sử dụng gen này để có thể lai xa”. Hiện tại, anh đã đạt được kết quả trong việc chuyển gen tương hợp rộng vào dòng bố mẹ. Rồi hướng tới chuyển gen kháng bệnh bạc lá vào dòng mẹ và dòng bố để tạo ra lúa lai kháng bệnh bạc lá. “Bệnh bạc lá đang trở thành một bức xúc lớn trong ngành nông nghiệp vì nó hạn chế việc gieo cấy các giống lúa lai trong vụ mùa”, Vũ Hồng Quảng cho biết. Đặc biệt, gần đây anh có được kết quả nghiên cứu ban đầu trong việc sử dụng một nhóm gen cho năng suất lúa siêu cao. Nghiên cứu này sẽ mở ra một hướng mới: sản suất giống lúa năng suất siêu cao, tạo giống lúa có thể sản xuất trong vụ mùa ở Đồng bằng Bắc bộ và miền Trung kháng được bệnh bạc lá. Anh phấn khởi, “Trên cơ sở nguồn gen cho năng suất cao, chất luợng lúa tốt thì đến 2009 có thể đưa ra sản xuất diện rộng”.
Trong quá trình nghiên cứu và triển khai các tổ hợp lúa lai, anh đã phải lặn lội nhiều nơi, trèo đèo lội suối khắp các tỉnh từ vùng núi, trung du phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, xuống các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng rồi ngược vào các “miệt ruộng” Nam Bộ. Anh cho biết, “Cũng giống như người đi khai hoang vậy. Phải đi thì mới biết được giống lúa phù hợp với từng vùng đặc trưng của đất nước”. Nhiều khi, chỉ cần một cú điện thoại báo có “sự cố kỹ thuật” cần xử lý gấp là phải khăn gói lên đường ngay tắp lự. Có lần, khi nhận được tin vùng núi Bắc Hà việc nhân dòng mẹ không đậu hạt, Vũ Hồng Quảng vội bắt xe lên đường. Đến nơi đã là 8 giờ tối, vùng núi vắng tanh, màn đêm đặc quánh mà vẫn còn xa địa chỉ cần đến hơn 30 kilômét, lại cộng thêm cảnh đường xá heo hút nên chỉ còn biết thuê xe ôm “trèo” lên “vùng xử lý” nằm ở độ cao đến 900 mét so với mực nước biển.
Trước bài toán sản xuất lúa lai diện rộng, Trung Quốc đã có vùng sản xuất hạt lai F1 là đảo Hải Nam cho nên yêu cầu cấp bách đặt ra là Việt Nam cũng phải hình thành một vùng như thế để cung cấp giống cho toàn bộ hệ thống sản xuất lúa lai cả nước. Và thế là anh lại khăn gói lên đường, lặn lội vào tận Sóc Trăng. Vũ Hồng Quảng cho biết, “Sóc Trăng có thể trở thành “đảo Hải Nam” của Việt Nam bởi vì: Khí hậu và nhiệt độ ở đây phù hợp (luôn luôn trên 25oC) nên sẽ là vùng sản xuất lúa lai an toàn; diện tích đất canh tác rộng có thể tổ chức sản xuất lớn; người dân nơi đây bản chất là tổ chức hàng hóa nên dễ dàng tiếp nhận khi chuyển giao công nghệ sản xuất hạt lai F1”.
Cùng với PGS.Nguyễn Văn Hoan, “sản phẩm” đầu tay của Vũ Hồng Quảng là giống Việt lai 20 (VL20), giống lúa lai quốc gia đầu tiên ở Việt Nam được công nhận. “Vạn sự khởi đầu nan”, những tổ hợp lúa lai khác liên tục được tạo ra trong sự tìm tòi, sáng tạo và đam mê cây lúa của nhà khoa học nông nghiệp trẻ này như Việt lai 24, Việt lai 45, Việt lai 50. Những giống lúa lai này đã dần tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân, tạo nên một “phong trào” sản xuất lúa lai cả nước.
Chặng đường phía trước đang rộng mở cho nhà khoa học trẻ Vũ Hồng Quảng trên hành trình xây dựng thương hiệu cho cây lúa Việt Nam.