Nhà toán học Laurent Schwartz: Người bạn thiên tài của Việt Nam

Khoảng một năm trước, tôi đã viết về những trí thức và nhà hoạt động Mỹ phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến Laurent Schwartz, người đã dành một phần quan trọng cuộc đời mình ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do.

Nhà toán học Laurent Schwartz (1915-2002).

Việt Nam đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi. […]
Đấu tranh vì tự do của đất nước là cuộc chiến dài nhất của đời tôi.
[…] Tôi là một người Việt Nam.
Khi gặp một người Việt hoặc nghe người Việt nói trên xe buýt,
tôi cảm thấy hạnh phúc dâng trào không giải thích được, mặc dù tôi không biết ngôn ngữ đó.
Dây tình cảm của tôi rung lên vì đất nước ấy.
Laurent Schwartz,
trích trong Một nhà toán học vật lộn với Thế kỷ của mình


Khoảng một năm trước, tôi đã viết về những trí thức và nhà hoạt động Mỹ phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam1. Hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ đến Laurent Schwartz, người đã dành một phần quan trọng cuộc đời mình ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do2. Là một nhà toán học nổi tiếng, ông được trao Huy chương Fields năm 1950 cho công trình nghiên cứu về lý thuyết phân bố. Ông là người đóng góp chính cho nhóm Nicolas Bourbaki, thành lập năm 1934, với mục đích diễn đạt lại các chủ đề về ngôn ngữ của học hiện đại như lý thuyết tập hợp, đại số, cấu trúc liên kết và giải tích. Ông được bổ nhiệm làm giáo sư Đại học Bách khoa Paris năm 1958, cũng là năm tôi tốt nghiệp tại trường nên không may mắn được học ông. Ông là tấm gương trí thức tiêu biểu gắn bó cả đời đấu tranh cho hòa bình và các giá trị nhân văn mà ông tin tưởng. Nhớ đến ông là cơ hội để ta suy nghĩ về nội hàm và giới hạn của cam kết đạo đức trí thức như vậy.

Laurent Schwartz sinh năm 1915 khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất mới bắt đầu và chỉ mới ba mươi tuổi khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc năm 1945. Trong khoảng thời gian đó, năm 1917, Cách mạng Nga đã lật đổ chính quyền đế quốc, đưa những người Bolshevik lên nắm quyền; năm 1918, Đế quốc Áo-Hung nằm bên bờ sụp đổ; năm 1919, Hiệp ước Versailles đánh dấu kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, buộc nước Đức phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại và khơi dậy trong lòng người dân nước này cảm giác bất công cũng như mong muốn trả thù vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ hai; năm 1922, Liên Xô thành lập dưới thời Lênin và khi ông qua đời, năm 1924, Stalin lên nắm quyền, bắt đầu cuộc Đại thanh trừng năm 1934; năm 1933, Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức và khởi xướng chính sách bành trướng hiếu chiến, thôn tính Áo năm 1938, xâm lược Ba Lan năm 1939, dẫn đến việc Anh và Pháp tuyên bố Chiến tranh Thế giới thứ hai; cuối năm 1941, Hitler ra lệnh xâm lược Liên Xô và quân đội Đức cùng đồng minh chiếm hầu hết châu Âu và Bắc Phi; năm 1945, quân đội Mỹ và đồng minh đánh bại quân đội Đức và Hitler tự sát; trong khi đó, từ năm 1941 đến năm 1945, Đức quốc xã và những lực lượng hợp tác với chúng đã sát hại một cách có hệ thống khoảng sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu do Đức chiếm đóng, khoảng 2/3 dân số Do Thái ở châu Âu. Quá nhiều hỗn loạn và bạo lực đã để lại dấu ấn sâu sắc với chàng trai trẻ Laurent Schwartz, ảnh hưởng lớn tới định hướng cuộc đời ông.

Cuốn sách nổi tiếng của Schwartz về lý thuyết phân bố.

Cha Laurent Schwartz là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng; có nguồn gốc Do Thái, ông đã nuôi dạy ba người con trai mà Laurent là con cả, là những người không theo đạo. Mẹ của ông là con gái của một giáo sĩ Do Thái, anh trai của bà là Robert Debré, người sáng lập UNICEF và là cha của Michel Debré, Thủ tướng Pháp dưới thời de Gaulle từ năm 1959 đến năm 1962. Cậu bé Laurent là một học sinh xuất sắc, cả về các môn xã hội và toán học; hai nhà toán học nổi tiếng người Pháp, Jacques Hadamard, em ruột của mẹ ông, và Paul Lévy, sau trở thành bố vợ ông, đã ảnh hưởng đến định hướng của ông. Ông tốt nghiệp đại học3 năm 1937 và ngay sau đó phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tại ngũ ba năm trong thời kỳ chiến tranh; ông kết hôn với vợ, là bạn học đại học, vào năm 1938 và cậu con trai đầu lòng ra đời năm 1943. Sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, được hỗ trợ bởi chế độ Vichy, gây nguy hiểm cho sự sống còn của họ, buộc họ phải sử dụng danh tính giả và ẩn náu ở vùng nông thôn. Điều đáng kinh ngạc là ngay sau khi những năm tháng đau khổ này kết thúc, vào năm 1944-1945, ông đã nảy ra ý tưởng về lý thuyết phân bố, tổng quát hóa khái niệm hàm cho các đối tượng như “hàm” Heaviside và Dirac, vốn đã quen thuộc với các nhà vật lý nhưng thiếu nền tảng toán học trầm trọng. Lý thuyết này đã mở đường cho nhiều tiến bộ trong nghiên cứu biến đổi Fourier và phương trình đạo hàm riêng.

Khi chiến tranh kết thúc, gần một thế kỷ sau khi phong trào xã hội nổi lên ở châu Âu hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp, di sản của nó đã tạo ra một bối cảnh chính trị rất đa dạng. Những ý tưởng hào phóng chi phối sự ra đời của phong trào ấy hóa ra lại khó đưa vào thực tế; hai cuộc chiến tranh thế giới liên tiếp đã chứng minh tính không tưởng của một phong trào quốc tế vô sản và thực tế của việc thực thi quyền lực, những tội ác mà nó gây ra, đã cho thấy khoảng cách giữa những giấc mơ ngây thơ và những gì con người có thể tạo ra từ chúng. Chính trong bối cảnh như vậy, Laurent Schwartz đã phát triển hoạt động chính trị của mình, theo đuổi chủ nghĩa Trotsky ngay từ năm 1931 và cuối cùng năm 1947 quyết định rằng nó đã xa rời với thực tế. Sau đó, ông hầu như không theo bất kỳ đảng phái chính trị nào mà trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa chống thực dân, cội nguồn cảm hứng cho hành động của ông.

Được trao Huy chương Fields năm 1950, danh tiếng của ông trên trường quốc tế tăng lên nhanh chóng. Sau khi được bổ nhiệm tại các trường Đại học Grenoble và Nancy, ông chuyển đến Paris năm 1952, đầu tiên giảng dạy tại Sorbonne và năm 1958 tại Bách khoa Paris. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa giảng dạy và biến Bách khoa Paris thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và toán học xuất sắc. Những thành tựu của ông đã được chính phủ ghi nhận, nhiều thập kỷ sau, chính phủ đã đề nghị ông làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đánh giá các trường Đại học Pháp.

Trước năm 1965, thời điểm đánh dấu sự leo thang Chiến tranh Việt Nam khi Tổng thống Johnson ra lệnh ném bom miền Bắc, sự ủng hộ của Laurent Schwartz đối với sự nghiệp giải phóng Việt Nam mới chỉ giới hạn ở những tuyên bố chính trị cùng với những người bạn theo chủ nghĩa Trotsky chống lại sự chiếm đóng của Pháp. Thay vào đó, cuộc đấu tranh cho chính nghĩa của người Algeria đã chi phối hành động của ông vào đầu những năm sáu mươi. Algeria giành được độc lập từ Pháp vào năm 1962, sau một cuộc chiến chết chóc làm chia rẽ và tổn thương người dân Pháp. Năm 1957, một nghiên cứu sinh người Pháp tên là Maurice Audin rời Algeria, dự định thực hiện luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Schwartz, đã bị người Pháp bắt, tra tấn và sát hại vì là một người cộng sản. Schwartz thành lập Ủy ban Audin yêu cầu làm rõ sự việc xung quanh cái chết của anh ấy và khởi xướng nên một phong trào phẫn nộ trong dân chúng, với các cuộc biểu tình tuyên bố là “cuộc nổi dậy của các trường đại học”. Năm 1960, cùng với 120 trí thức Pháp khác, Schwartz đã ký một bản tuyên ngôn long trọng tuyên bố quyền của thanh niên Pháp về mặt đạo đức được nổi dậy chống lại cuộc chiến tranh Algeria. Điều này dẫn đến việc ông bị sa thải khỏi chức vụ giáo sư tại Bách khoa Paris trong một năm, 1962-1963, thời gian ông sống ở New York.

Laurent Schwartz là tấm gương trí thức tiêu biểu gắn bó cả đời đấu tranh cho hòa bình và các giá trị nhân văn mà ông tin tưởng. Nhớ đến ông là cơ hội để ta suy nghĩ về nội hàm và giới hạn của cam kết đạo đức trí thức như vậy.

Năm 1966, phẫn nộ trước sự tàn bạo của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Schwartz đã thành lập và chủ trì Ủy ban ủng hộ nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của các trí thức có uy tín thuộc cánh tả, chủ yếu là các nhà văn và nghệ sĩ. Sau cuộc đàn áp bằng can thiệp quân sự của Nga năm 1956 ở Budapest, đảng cộng sản Pháp suy yếu và nhiều trí thức đã rời bỏ đảng: đảng cộng sản không hỗ trợ nhiều cho ủy ban. Schwartz lập luận rằng người dân Việt Nam là “nạn nhân của một cuộc diệt chủng thực sự, của các vụ đánh bom, sử dụng chất độc hóa học, ngạt khí vì không chịu khuất phục dưới sự cai trị của một thế lực ngoại bang”. Thận trọng để tránh những áp lực có thể xảy ra của Liên Xô hoặc Trung Quốc, ông đã ủng hộ một số hành động hỗ trợ nhân đạo, chẳng hạn như cuộc họp vào tháng 5/1966 có tên “Sáu giờ cho Việt Nam”, được nhiều người ủng hộ thành công. Ủy ban ngày càng trở nên quan trọng và trở thành CVN (Comité Vietnam national hay Ủy ban Quốc gia Việt Nam) với sự hỗ trợ đặc biệt của Jean-Paul Sartre và người đoạt giải Nobel Vật lý Alfred Kastler. Trong ba năm, họ đã tổ chức nhiều sự kiện thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và CVN trở thành tổ chức chính phản đối chiến tranh, tham vọng của nó là “cam kết vô điều kiện hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và hòa bình”. Tháng 9/1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc mừng CVN cho những hành động vì hòa bình của tổ chức.

Năm 1967, Bertrand Russell, nhà logic học nổi tiếng và đoạt giải Nobel Văn học, khi đó đã 94 tuổi, người cùng với Albert Einstein sáng lập phong trào Pugwash ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, đã đề nghị Jean-Paul Sartre và Laurent Schwartz tham gia tòa án để điều tra và đánh giá sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, được gọi là “Tòa án Russell4. Jean-Paul Sartre là chủ tịch. Sau hai phiên họp, lần đầu tiên ở Thụy Điển và sau đó ở Đan Mạch, Tòa án đã kết luận rằng Hoa Kỳ đã phạm nhiều tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sau đó đã bị chỉ trích vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bài Mỹ thái quá gây ra cảm xúc lẫn lộn trong cách người ta tiếp nhận nó. Ngay sau đó, Schwartz được mời đến miền Bắc Việt Nam, ông đã ở đó ba tuần vào Mùa hè năm 1968. Tại Hà Nội, ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trao đổi với họ lần lượt trong một và ba giờ đồng hồ. Họ nói với ông rằng Việt Nam sẽ tập trung để chiến thắng trong cuộc chiến, sẽ không nhân nhượng và sẽ yêu cầu đàm phán chỉ nên bàn đến việc chấm dứt tất cả các vụ ném bom ở khắp mọi nơi.

Laurent Schwartz ở Việt Nam. Nguồn: Family Archives (https://bhavana.org.in/autobiography-laurent-schwartz/)

Tháng 5/1968 đánh dấu bởi cuộc nổi dậy của sinh viên ở Pháp khiến de Gaulle sụp đổ, tác động lớn đến đời sống chính trị của đất nước. CVN, cho đến lúc đó đang nhận được sự hỗ trợ ngầm từ chính phủ, bắt đầu chào đón các thành viên của Jeunesse Communitye Révolutionnaire (JCR, Thanh niên Cộng sản Cách mạng) vào hàng ngũ của mình, những người ủng hộ việc sử dụng bạo lực, khiến một số thành viên ủy ban rút lại sự ủng hộ của họ. Laurent Schwartz không còn hy vọng CVN có thể phát triển thành một phong trào vì hòa bình và không còn nhìn nhận nó là đứa con của mình. Tuy nhiên, vào năm 1971, ông đã cố gắng đoàn kết các trí thức cánh tả trong một phong trào ủng hộ không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Campuchia, tuy nhiên không mấy thành công.

Vào nửa cuối những năm bảy mươi, giới trí thức phương Tây đã trải qua một cảm giác thất vọng mạnh mẽ đối với chủ nghĩa cộng sản và nhiều người đã quay lưng lại với việc ủng hộ Việt Nam trong việc thiết lập hòa bình dân tộc ở trong nước. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã thường xuyên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa giải dân tộc sau khi đất nước thống nhất, đã phải đối mặt với những trở ngại cần có thời gian để vượt qua. Cuộc đấu tranh chống lại những định kiến và phân biệt đối xử, để thúc đẩy tinh thần cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, để cùng nhau hướng tới tương lai hóa ra lại khó khăn hơn nhiều so với những gì người ta hy vọng. Thuyền nhân và các trại cải tạo đã khiến nhiều người không còn ủng hộ Việt Nam. Tuy nhiên, Laurent Schwartz đã không ngừng giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phát triển và tiến bộ. Mùa thu năm 1976, ông cùng với vợ tổ chức một loạt bài giảng cho các giáo viên tài năng của Việt Nam. Ông đã trở lại nhiều lần, với mục đích tương tự, vào năm 1979, 1984 và 1990, theo lời mời của Đại học Bách khoa Hà Nội và UBKH&KTNN (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Năm 1978, ông đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả tự do cho 18 tù nhân đã từng phục vụ dưới chế độ Sài Gòn và 7 người trong số họ đã được toại nguyện. Ông khuyến khích, với thành công, đại học Bách khoa Paris phát triển giao lưu với Việt Nam. Ông ủng hộ Ủy ban Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTVN), do nhà vật lý thiên văn Henri Van Regemorter thành lập. Từ chuyến thăm Việt Nam năm 1967 của nhà toán học Alexander Grothendieck, cựu học trò của Laurent Schwartz và sau này là người đoạt huy chương Fields, đến việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán Việt Nam (VIASM) tại Hà Nội năm 2010 nhân dịp Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields, cộng đồng các nhà toán học Pháp và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ thân thiện và gần gũi với di sản của Laurent Schwartz5.

Laurent Schwartz không bao giờ ngừng trung thành với niềm tin của mình và hoạt động chính trị của ông tiếp tục tìm ra những nguyên nhân mới để đấu tranh, chẳng hạn như lên án cuộc chiến tại Afghanistan của Liên Xô năm 1979 và cuộc chiến của Nga tại Chechnya. Với tư cách là thành viên của Ủy ban các Nhà toán học, ông đã làm việc để hỗ trợ các trí thức gặp khó khăn ở Liên Xô, Maroc và Uruguay. Ông nói: “Các nhà toán học mang tính chặt chẽ của lập luận khoa học vào cuộc sống hằng ngày. Khám phá toán học mang tính đột phá, luôn sẵn sàng phá vỡ những điều cấm kỵ và rất ít phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người ngày nay có xu hướng coi các nhà khoa học, dù là nhà toán học hay không, là những người ít quan tâm đến các tiêu chuẩn đạo đức, có hại, giam cầm trong tháp ngà của họ và thờ ơ với thế giới bên ngoài. Ủy ban các Nhà Toán học là một minh họa tuyệt vời cho điều ngược lại.

Laurent Schwartz mất ngày 4/7/2002, hưởng thọ 87 tuổi.

Ghi nhớ cam kết của Laurent Schwartz đối với hòa bình và các quyền cơ bản của con người khiến chúng ta nghĩ về vai trò của trí thức, và đặc biệt là các nhà khoa học, đối với sự tiến bộ của xã hội loài người. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cảm thấy kính trọng sâu sắc đối với các nhà khoa học đã thực hiện cam kết như vậy. Tiêu biểu cho hành động của các nhà khoa học vì hòa bình là tuyên bố Erice được viết vào tháng 8/1982 bởi P.A.M. Dirac, Piotr Kapitza và A. Zichichi như lời kêu gọi các chính phủ ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, và từ đó đã được khoảng 10.000 nhà khoa học trên khắp thế giới ký tên. Sau khi tuyên bố rằng “Văn hóa yêu thương tạo ra công nghệ hòa bình, văn hóa thù hận tạo ra công cụ chiến tranh. Tình yêu và thù hận sẽ luôn tồn tại, […] bây giờ văn hóa yêu thương buộc phải chiến thắng”, nó tiếp tục: “Các nhà khoa học muốn dành toàn bộ thời gian của họ để nghiên cứu lý thuyết hoặc thực nghiệm các quy luật cơ bản của tự nhiên, trong mọi trường hợp không nên phải chịu đựng cho lựa chọn tự do này, chỉ nghiên cứu khoa học thuần túy. Tất cả các chính phủ nên thực hiện mọi nỗ lực để giảm thiểu hoặc loại bỏ cấm đoán tự do thông tin, ý tưởng và con người. Những hạn chế như vậy làm tăng sự nghi ngờ và thù địch trên thế giới”. Đóng góp của Erice trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh đã được công nhận rộng rãi và Trung tâm Erice kể từ đó đã trở thành một trung tâm khoa học vì hòa bình với các hội thảo hằng năm về Những Vấn đề Khẩn cấp của Hành tinh được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên đoàn các Nhà khoa học Thế giới.

Tuy nhiên, đồng thời, cam kết như vậy cũng đặt ra câu hỏi về giới hạn của nó. Một người có thể đi bao xa? Giới hạn đỏ không được vượt qua thường rất khó xác định. Còn về sự bất tuân cam kết như vậy của nhà cầm quyền thì sao? Khi nào chủ nghĩa yêu nước đáng khen ngợi biến thành chủ nghĩa dân tộc sô vanh? Các bạn đừng yêu cầu tôi đưa ra câu trả lời, việc đặt những câu hỏi như vậy đã là một bước tiến tốt cho người đọc suy nghĩ về câu trả lời mà họ có thể đưa ra. Ngay cả khi, về mặt cá nhân, tôi tin rằng tồn tại những giá trị nhân văn phổ quát đáng để đấu tranh, tôi sẽ bị cho là kiêu ngạo khi áp đặt niềm tin như vậy cho người khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một sự nghiệp cao cả đáng để đấu tranh có thể được tất cả các trí thức nhất trí tán thành: đó là cuộc chiến chống lại sự thiếu hiểu biết.□

Phạm Ngọc Điệp dịch
—-

Chú thích:

1 Những người Mỹ phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam? http://tiasang.com.vn/dien-dan/nhung-nguoi-my-phan-chien-trong-chien-tranh-viet-nam-ky-1/ và http://tiasang.com.vn/dien-dan/nhung-nguoi-my-phan-chien-trong-chien-tranh-viet-nam-ky-cuoi/

2 Liên quan đến bài viết hiện tại, cụ thể là:

https://bhavana.org.in/autobiography-laurent-schwartz/, K. Chandrasekharan , The Autobiography of Laurent Schwartz

https://mathshistory.st-andrews.ac.uk/Biographies/Schwartz/, Laurent Moise Schwartz (March 1915, July 2002)

https://www.workersliberty.org/story/2017-07-26/four-lives-laurent-schwartz, M. Thomas, The four lives of Laurent Schwartz

https://www.cairn.info/revue-bulletin-de-l-institut-pierre-renouvin-2016-2-page-87.htm, P. Journoud, Des savants français contre la guerre du Vietnam. De l’anti-impérialisme à la construction d’une paix positive

https://books.openedition.org/editionscnrs/30201?lang=en, P. Journoud, Laurent Schwartz et le Vietnam: la «perte de l’innocence»

https://newpol.org/laurent-schwartz-the-vicissitudes-of-an-internationalist/, Dan La Botz, Laurent Schwartz: The Vicissitudes of an Internationalist

3 Chính xác hơn là từ Ecole Normale Supérieure, tức là hai năm đào tạo sau khi tốt nghiệp trung học, một chương trình giáo dục đại học đặc biệt của Pháp, tương ứng với đại học ở các nước khác.

4 https://en.wikipedia.org/wiki/Russell_Tribunal

5 http://www.asiapacific-mathnews.com/02/0204/0033_0034.pdf, Lê Dũng Tráng, A Brief Account On the Relationship between SMF and VMS

 

 

Tác giả