Nhiệt độ nóng hơn có làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng?

Trong nghiên cứu gần đây “Nhiệt độ nóng hơn có làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng?”(1), nhóm nghiên cứu của TS. Đặng Hoàng Hải Anh đã tiến hành phân tích các dữ liệu từ Bản đồ Toàn cầu về Nghèo đói theo khu vực (GSAP), qua đó cho thấy nắng nóng làm tăng tỉ lệ đói nghèo.

Nhiệt độ tăng 1oC tỉ lệ nghèo tăng 9,1%

“Chẳng có gì cả”, “không có cá, không có nước tưới ruộng, trâu cũng khốn khổ vì thiếu nước” – một người phụ nữ ở Yên Bái kể với hãng thông tấn AFP (Pháp) hồi tháng sáu, về việc nắng nóng và hạn hán đang khiến nguồn sinh kế từ đánh bắt cá và làm ruộng trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Tháng bảy, AFP – một trong ba hãng thông tấn lớn nhất thế giới, tiếp tục đưa thêm phóng sự về những người nông dân ở miền Bắc, miền Trung Việt Nam phải chuyển sang cấy lúa ban đêm. Khi nhiệt độ ban ngày thường xuyên vượt quá 400C, những người nông dân từ ngoại thành Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… ra đồng từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm, hoặc từ 3 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Dù trời tối khiến năng suất bị giảm, nhưng nắng nóng khiến nông dân “đầu hàng” việc làm ruộng vào ban ngày, giữa ba tháng hè nóng nhất trong lịch sử mà thế giới từng trải qua.

Mặc dù ai cũng dễ dàng hình dung nắng nóng khắc nghiệt bủa vây làm các nhóm nghèo – thường phải lao động ngoài trời nhiều như nông dân, xây dựng, shipper… nhưng còn ít nghiên cứu đo lường, chứng minh được nắng nóng làm gia tăng thêm tình trạng đói nghèo hay bất bình đẳng ở mức độ nào. TS. Đặng Hoàng Hải Anh, học giả thỉnh giảng cấp cao trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết, đến nay vẫn còn rất ít nghiên cứu về mối liên hệ giữa nắng nóng và đói nghèo ở cấp độ toàn cầu do còn thiếu dữ liệu về đói nghèo ở nhiều quốc gia, nhất là khu vực nghèo trong một khoảng thời gian đủ dài, để có thể sử dụng các mô hình lượng hóa đánh giá. Đặc biệt càng thiếu dữ liệu địa phương trong mỗi quốc gia. Nếu chỉ thực hiện các nghiên cứu phân tích đói nghèo cấp quốc gia mà bỏ qua những khác biệt ở cấp địa phương, sẽ dẫn đến việc không tìm ra được mối quan hệ mật thiết, thực sự, giữa nghèo đói và điều kiện khí hậu – thứ vốn rất khác biệt giữa các địa phương, các khu vực.

Để giải bài toán này, trong nghiên cứu gần đây “Nhiệt độ nóng hơn có làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng?”(1) bên cạnh việc sử dụng dữ liệu lịch sử khí hậu (gồm nhiệt độ và lượng mưa) từ Trung tâm Dự báo Thời tiết tầm trung châu Âu (ERA-5), nhóm nghiên cứu của TS. Đặng Hoàng Hải Anh đã phân tách dữ liệu 1.594 địa phương thuộc 134 quốc gia từ năm 2003 đến 2019 cho thấy nắng nóng có tác động lớn hơn chúng ta hình dung rất nhiều. Vì chỉ cần nhiệt độ “nóng thêm 1oC sẽ dẫn tới tỉ lệ đói nghèo bình quân đầu người tăng lên 9,1% và chỉ số bất bình đẳng Gini tăng lên 1,4% (theo ngưỡng nghèo hiện nay là 1,90 USD/ngày)”. Ảnh hưởng của nắng nóng khắc nghiệt hay việc nóng lên toàn cầu, trở nên “bức thiết và cấp bách”, TS. Đặng Hoàng Hải Anh nói. Tác động này có thể ảnh hưởng đến những thành quả giảm nghèo phải mất nhiều năm mới có được. Để so sánh và hình dung rõ hơn, có thể nhìn vào ví dụ của Việt Nam, chúng ta đã mất một thập kỷ mới giảm được hơn 10% tỉ lệ nghèo.

Bởi theo các kịch bản mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, chỉ trong vòng ba năm nữa, thế giới sẽ nóng lên “1,5oC” so với thời kỳ tiền công nghiệp(2). Và khoảng 25 năm sau đó, dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 1.5oC nữa. Nếu căn cứ theo các dự báo trên trên thì chỉ trong vài năm tới, tỉ lệ đói nghèo sẽ tăng thêm 13,6% chỉ riêng tác động của nắng nóng, chưa kể đến những yếu tố ảnh hưởng đến đói nghèo vẫn còn tồn tại dai dẳng từ trước đó.

Để dự báo dài hơn về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với đói nghèo, nhóm nghiên cứu tập trung vào hai kịch bản biến đổi khí hậu dự báo mức nhiệt tăng từ 2,6 đến 6,0oC vào năm 2099, dẫn đến tỉ lệ nghèo tăng từ 13,6 đến 31,1% và chỉ số bất bình đẳng tăng từ 1,2 đến 5,9%.

Kết quả nghiên cứu này cho chúng ta thấy thêm một thách thức rất lớn cho các chiến lược chống đói nghèo và giảm bất bình đẳng hiện nay, có thể phá vỡ những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Theo các kết quả nghiên cứu mới này, rõ ràng cần tính đến yếu tố nhiệt độ trong các chiến lược, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng ở cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia.

“Khoanh vùng” các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất

Từ ước tính về ảnh hưởng của nắng nóng lên đói nghèo và bất bình đẳng, nghiên cứu của nhóm cũng “khoanh vùng” các quốc gia gánh chịu hậu quả của nắng nóng lớn nhất. Tác động của nắng nóng diễn ra tiêu cực nhất ở các nước châu Phi cận Sahara và Nam Á – những khu vực vốn ở trong hố sâu nghèo đói lâu nay.

Là một quốc gia nhiệt đới nằm gần xích đạo, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo của khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nắng nóng. “Nhiệt độ thay đổi sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ nghèo, các hộ làm ngành nông-lâm-ngư nghiệp, các hộ sinh sống ở nơi dễ gánh chịu bão lũ, khô hạn. Nhìn chung, đây là các hộ dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp”, TS. Hải Anh cho biết.

“Khoanh vùng” còn cho thấy thấy nhóm các nước phát triển (như Mỹ, Trung Quốc) là những nước gây tác động nhiều hơn cả đối với việc xả thải ra môi trường, làm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, vậy nhưng những nước đang phát triển và kém phát triển mới chịu nhiều ảnh hưởng nhất. “Rõ ràng, các nước này cần phải được [các nước giàu] bồi thường và bồi thường nhiều hơn trước đây”.

“Nhưng để tính chính xác bồi thường như thế nào thì lại cần đến một nghiên cứu khác”. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng hy vọng kết quả của nghiên cứu sẽ trở thành một bằng chứng đầu tiên, thuyết phục trong cuộc thảo luận “bồi thường khí hậu” giữa các quốc gia.

Từ góc độ của một nhà kinh tế học, TS. Hải Anh cho rằng các chính sách trước mắt để giúp người nghèo ứng phó với nắng nóng cũng giống như những chính sách xóa đói giảm nghèo khác của chính phủ: miễn giảm viện phí, học phí; cho vay vốn với giá ưu đãi (hay thậm chí không lãi suất) để tái sản xuất… Nhưng quan trọng hơn, theo anh, vẫn cần có một giải pháp đồng bộ, hệ thống vì việc gia tăng nhiệt độ là một xu hướng lâu dài, khó có thể đảo ngược trong thời gian ngắn.

Khúc Liên

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)