Nhiệt độ và độ ẩm có thể làm tăng lây lan bệnh giun sán  

Khi khí hậu thay đổi, nhiệt độ không phải là yếu tố duy nhất tác động đến sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu mới được công bố trên Ecology Letters, độ ẩm cũng đóng một vai trò quan trọng.

Nguy cơ nhiễm giun sán cư trú ở đường ruột (a, c, e) và dạ dày (b, d, f) trung bình trong quá khứ (1981-2000, a, b) và những thay đổi phần trăm dự kiến ​​trong ngắn hạn (2041–2060, c, d) và trong dài hạn (2081–2100, e, f) theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 4.5. Nguồn: phys.org

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà nghiên cứu ở Đại học bang Pennsylvania dẫn đầu đã phát triển một mô hình để tìm hiểu các loài giun sán ký sinh, đặc biệt là những loài lây nhiễm sang vật nuôi và động vật hoang dã, phản ứng với những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm như thế nào, đồng thời các biến số này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và phát sinh những điểm nóng lây nhiễm trong tương lai ra sao. 

Giun sán ký sinh, đặc biệt là những loài lây truyền qua đất, rất phổ biến và lây nhiễm cho khoảng 25% dân số toàn cầu, theo WHO. Đây cũng là nguồn truyền nhiễm chính ở động vật, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, các nghiên cứu về khí hậu và bệnh truyền nhiễm thường quan tâm các bệnh do vật trung gian truyền bệnh như muỗi và ve. Ngoài ra, khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh truyền nhiễm, hầu hết đều tập trung vào nhiệt độ chứ ít khi quan tâm đến độ ẩm. 

Vòng đời của giun sán lây nhiễm qua đất có hai giai đoạn: giai đoạn sống tự do ở dạng trứng và ấu trùng trong môi trường, giai đoạn trưởng thành bên trong vật chủ. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu ảnh hưởng của khí hậu đến giai đoạn đầu tiên.

Họ thu thập dữ liệu về ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm đến trứng và ấu trùng của chín loài giun sán thường lây nhiễm ở vật nuôi và động vật hoang dã. Dựa vào vị trí trú ngụ trong vật chủ, họ chia thành hai nhóm: giun sán sống trong dạ dày và giun sán sống trong ruột. 

Từ những thông tin này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình toán học để tìm hiểu quá trình nở, phát triển và tỷ lệ chết của từng nhóm giun sán phản ứng với nhiệt độ và độ ẩm như thế nào. Sau đó, họ sử dụng mô hình này để xem xét nguy cơ lây nhiễm trong quá khứ và tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau trên khắp Nam, Trung và Bắc Âu. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy không phải tất cả các loài ký sinh đều hành xử giống nhau. Những loài cư trú trong ruột chịu ảnh hưởng mạnh do nhiệt độ, có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở mức nhiệt 50 độ F. Trong khi đó, giun sán cư trú trong dạ dày phản ứng mạnh với độ ẩm, đạt cực đại khi độ ẩm từ 80% trở lên.

Khi xem xét chu kỳ lây nhiễm trên khắp châu Âu, các nhà nghiên cứu phát hiện trong quá khứ, nhóm giun sán ký sinh trong ruột đạt đỉnh điểm lây nhiễm một hoặc hai lần vào mùa xuân và mùa hè, còn nhóm giun sán ký sinh trong dạ dày đạt đỉnh lây nhiễm một lần.

Họ cũng tìm hiểu sự thay đổi theo không gian. Trong lịch sử, Bắc Âu có nguy cơ lây nhiễm thấp. Nhưng trong tương lai, các nhà nghiên cứu nhận thấy các điểm nóng lây nhiễm sẽ dịch chuyển về phía bắc, do khí hậu ở khu vực miền trung và miền bắc ngày càng ấm áp còn khu vực phía nam sẽ có thời tiết khô hạn và nhiệt độ khắc nghiệt hơn. 

Về lâu dài, họ dự đoán các quốc gia Scandinavi sẽ có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất về cả hai nhóm giun sán, tăng 100% đối với các loài giun sán đường ruột và 55% đối với các loài dạ dày, so với phần còn lại của châu Âu. Sự gia tăng nguy cơ lây nhiễm theo vĩ độ từ trung bình đến cao có thể làm tăng nguy cơ đồng nhiễm vì nhiều loài giun sán có thể phát triển cùng nhau.

Những phát hiện này có thể giúp chúng ta phát triển các chiến lược kiểm soát phòng ngừa và quản lý vật nuôi tốt hơn. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe con người vì trong số các nhóm ký sinh trùng được nghiên cứu, có một số loài cũng ảnh hưởng đến con người.□

Thanh An lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2024-02-temperature-humidity-future-transmission-parasitic.html

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)