Nhiều cây hơn không phải lúc nào cũng làm Trái đất mát hơn

Nghiên cứu mới của GS. Christopher A.Williams, nhà khoa học môi trường ở trường sau đại học về địa lý, ĐH Clark (Hoa Kỳ) phát hiện ra nạn phá rừng ở Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu như mọi người thường nghĩ; trái lại, ở một số nơi, nó còn giúp Trái đất mát hơn. GS. Williams và cộng sự đã xuất bản bài báo “Climate Impacts of U.S. Forest Loss Span Net Warming to Net Cooling” trên tạp chí Science Advances vào ngày 12/2 vừa qua. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực về quản lý và chính sách liên quan đến rừng để giảm thiểu biến đổi khí hậu.


Sự chuyển đổi diện tích rừng từ năm 1986 đến năm 2000. Nguồn: Christopher A. Williams

Rừng hấp thụ CO2 trong không khí, lưu trữ trong gỗ và đất, làm chậm sự tích tụ khí nhà kính trong khí quyển. Tuy nhiên, đây không phải là tác động duy nhất của rừng với khí hậu. GS. Williams cho biết, một số khu vực rừng tối hơn khác phần khác, khiến chúng hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt trời hơn và giữ nhiệt, một quá trình được gọi là “hiệu ứng albedo”. “Chúng tôi nhận thấy ở một số vùng ở Hoa Kỳ như vùng núi phía Tây, nhiều rừng hơn thực sự khiến Trái đất ấm hơn khi xem xét toàn bộ tác động khí hậu, bao gồm cả hiệu ứng carbon và albedo”, GS. Williams cho biết.

Nghiên cứu do chương trình Hệ thống Giám sát Carbon của NASA tài trợ với hai khoản tài trợ. Nhóm nghiên cứu của Williams, gồm TS. Huan Gu, nhà khoa học dữ liệu ở Công ty The Climate Corporation và TS. Tong Jiao, đã phát hiện ra trên diện tích bằng ¼ diện tích Hoa Kỳ, mất rừng gây ra tình trạng giảm nhiệt liên tục vì hiệu ứng albedo lớn hơn hiệu ứng carbon. Họ cũng phát hiện ra, mất rừng ở phía Đông sông Mississippi và ở các bang ven biển Thái Bình Dương gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, trong khi mất rừng ở vùng núi phía Tây giáp Canada và phía Tây dãy núi Rocky có xu hướng dẫn đến giảm nhiệt.

Trước đây các nhà khoa học đã biết, việc tăng cường độ che phủ rừng không thể coi là giải pháp để làm mát hành tinh hoặc giảm thiểu hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng một cách rộng rãi. “Nếu chúng ta không xem xét cả hiệu ứng carbon và albedo, các sáng kiến ​​trồng cây quy mô lớn, chẳng hạn như Sáng kiến ​​2 tỷ cây của Canada và chiến dịch Trồng một tỷ cây của The Nature Conservancy, có thể dẫn đến kết cục đặt cây ở những vị trí phản tác dụng đối với việc làm mát hệ thống khí hậu”, GS. Williams cho biết.

“Vấn đề cốt yếu là đặt đúng cây vào đúng vị trí”, GS. Williams nhận xét. “và các nghiên cứu như của chúng tôi có thể giúp xác định nơi có khả năng làm mát tốt nhất”.

Hằng năm, trên 48 tiểu bang vùng hạ của Hoa Kỳ, khoảng một triệu mẫu Anh rừng đang bị chuyển đổi thành các khu vực không có rừng; nguyên nhân chủ yếu là do sự mở rộng và phát triển của vùng ngoại ô. Nhóm nghiên cứu của GS. Williams phát hiện ra tác động khí hậu thực của 15 năm mất rừng tương đương với khoảng 17% lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch trong một năm của Hoa Kỳ.

Họ đã dùng vệ tinh viễn thám tiên tiến để mang lại góc nhìn chi tiết và xem xét vấn đề, vốn trước đây chủ yếu bằng các mô hình máy tính. Họ đã xác định chính xác các vị trí mất rừng và nhận dạng nơi đó sẽ trở thành gì trong tương lai – đô thị, nơi canh tác nông nghiệp, đồng cỏ, cây bụi, hoặc một cái gì đó khác. Sau đó, họ định lượng lượng carbon sinh khối rừng thải ra khí quyển và lượng ánh sáng Mặt trời bổ sung được phản xạ ra ngoài không gian. Bằng cách so sánh hai tác động này, họ đo lường tác động thực của việc phá rừng đối với hệ thống khí hậu.

Các bộ dữ liệu và phương pháp mới được sử dụng trong nghiên cứu của GS. Williams cho thấy các công cụ có sẵn để tính đến hiệu ứng albedo. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tạo ra các bộ dữ liệu có thể ứng dụng thực tế để chia sẻ với các nhà quản lý đất đai và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới trong vòng một hoặc hai năm tới, góp phần đảm bảo những nỗ lực trồng cây của họ tập trung vào đúng nơi và mang lại hiệu quả như dự kiến.□

 

Thanh An dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2021-02-trees-cooler-planet-geographer.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)