“Nhỏ” là “Lớn”
Việt Nam hiện có 53 thư viện công cộng, chưa kể đến hàng trăm thư viện chuyên ngành và đa ngành cũng như thư viện của các tổ chức phi chính phủ. Đây là mảnh đất khá “màu mỡ” để các công ty tin học đưa ra các phần mềm và giải pháp thư viện:
– Thư viện kĩ thuật số VeBrary: Phần mềm do công ty Lạc Việt phát triển. VeBrary theo chuẩn nghiệp vụ quốc tế và quốc gia về công nghệ thông tin và thư viện; giải quyết triệt để vấn đề tiếng Việt. Hỗ trợ tiếng Việt và đa ngôn ngữ.
– Giải pháp thư viện điện tử công ty CMC: công ty có 4 dòng sản phẩm cho ngành thư viện là Hệ quản trị thư viện điện tử tích hợp iLib; Phần mềm thư viện số Dlib; Hệ quản trị thư viện điện tử SmiLib; Phần mềm CD-Pub.
– Quản lý thư viện điện tử eLib: Phần mềm của Công ty VNnetsoft được tích hợp trên mạng Intranet/Internet có thể điều tra và thống kê được những lĩnh vực mà độc giả quan tâm cũng như nhận được các ý kiến phản hồi của độc giả. Người đọc có thể sử dụng toán tử logic để tổ hợp các điều kiện tìm kiếm đó hay tìm kiếm bằng cách sử dụng các ký tự đại diện (willcard character) cho phép có thể đưa ra các yêu cầu tìm kiếm mở, tìm kiếm gần đúng.
– Thư viện kĩ thuật số Greenstone: Sản phẩm của dự án New Zealand Digital Library của Đại học Waikato (http://witchbaby.info-science.uiowa.edu/cgi-bin/library) được UNESCO và Human Info NGO phổ biến. Đây là phần mềm nguồn mở được cung cấp theo thỏa thuận của GNU General Public License. Greenstone hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt trong các cơ quan của UNESCO và thư viện trong các trường đại học.
– Libol (LIBrary OnLine): Bộ phần mềm giải pháp thư viện điện tử – thư viện số của Công ty Tinh Vân. Libol giúp các thư viện: Tin học hóa tiến trình công việc; Số hóa tài nguyên; Cá nhân hóa hoạt động khai thác; Toàn cầu hóa kết nối liên thư viện; Đa dạng hóa dịch vụ; Chuẩn hóa nghiệp vụ…
Tuy nhiên việc số hóa ở các thư viện phần lớn cũng mới chỉ ở mức quản lý dữ liệu mà chưa số hóa được nội dung.
Theo ông Phạm Hồng Giang, trưởng phòng phát triển Libol Công ty Tinh Vân, “khách hàng lớn” của những công ty phát triển phần mềm thư viện lại là những thư viện nhỏ. Còn “khách hàng nhỏ” lại là những thư viện lớn. “Họ cũng thích mua phần mềm của nước ngoài.”- Ông Giang nhận xét.
———-
Quét chụp sách tự động với sản phẩm BookDrive |
Dù lượng dữ liệu số đang không ngừng tăng lên thì lượng dữ liệu phi số vẫn còn vô cùng lớn. Chúng là hàng triệu cuốn sách được viết và in trước kỷ nguyên số hiện đang nằm phủ bụi trên giá trách tại hàng trăm ngàn thư viện trên khắp thế giới. Số hóa hết những ấn phẩm này đòi hỏi chi phí và nhân công không hề nhỏ. Sản phẩm BookDrive của hãng Atiz được phát minh nhằm giảm thiểu cả hai yếu tố trên. Hoạt động hoàn toàn tự động, BookDrive có công xuất quét chụp lên tới 248 trang màu trên giờ hoặc 500 trang đen trắng trên giờ cho độ phân giải 100 dpi.