Những con cá vây tay cổ

Một ngư dân Indonesia vừa bắt được con cá vây tay (coelacanth), một loài cá cổ xưa mà trước kia được xem là đã tuyệt chủng cùng thời với khủng long.

Con cá vây tay này có chiều dài 131cm, cân nặng 51kg được ngư dân Yustinus Lahama và con trai của mình bắt được vào hôm thứ bảy tuần trước (19/5) tại vùng biển phía bắc tỉnh Sulawesi và giữ lại nuôi trong nhà. Sau đó người hàng xóm của Lahama cho biết đó là một con cá hiếm phải nuôi trong môi trường nước biển. Yustinus Lahama đã đem con cá trở ra biển và nuôi trong một cái lồng nhỏ, tuy nhiên con cá chỉ sống được có 17 giờ.
“Nếu như chúng ta đưa loài cá này ra khỏi môi trường sống của chúng (nằm sâu 60m dưới mực nước biển) thì chúng chỉ có thể sống cao lắm là 2 giờ đồng hồ. Tuy nhiên con cá này sống được tới 17 giờ. Chúng tôi đang tìm hiểu xem tại sao nó có thể sống lâu được như thế”, Grevo Gerung – Giáo sư khoa Thủy sản, trường ĐH Sam Ratulangi cho biết.
Năm 1998, một ngư dân Indonesia khác cũng đã bắt được 1 con cá vây tay ở vùng biển nước sâu phía bắc tỉnh Sulawesi.
Người ta đã phát hiện cá vây tay lần đầu tiên vào năm 1938 tại vùng biển Nam Phi. Trước đó, loài cá này được cho là đã tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm. Cá vây tay là loài cá ăn thịt, chỉ sống ở môi trường nước biển lạnh và ở độ sâu ít nhất 60m so với mực nước biển.

H.Hải (Theo Reuters, Xinhua)

Tác giả