Những lịch sử “nhỏ”, “ngắn”, “hẹp” hay khủng hoảng của sử học ?

Khoa học lịch sử tại nhiều quốc gia đang đối mặt với câu hỏi liệu nó có đang trong cuộc “khủng hoảng” (?). Không phải vì các nghiên cứu không có thành tựu, mà ngược lại, nguyên nhân nằm ở chính sự phát triển ngày càng chuyên sâu của ngành. Kết quả là những công trình nghiên cứu có chất lượng chuyên môn cao, nhưng chỉ bao quát các vấn đề và khung thời gian “nhỏ, ngắn, hẹp”.

Tiếp cận lịch sử dài hạn với tư cách là một trường phái, bắt đầu từ giới sử học Pháp, với sử gia Fernand Braudel. Một trong những thành tựu của trường phái này là việc nghiên cứu “long eighteenth century” hay “Thế kỷ XVIII mở rộng”. Ảnh: Một số công trình về “Thế kỷ XVIII mở rộng”.

Những lịch sử nhỏ và ngắn này bắt đầu thịnh hành từ những năm 70 của thế kỷ XX. Không phải ngẫu nhiên, vì bắt đầu thời điểm mở cửa của các trung tâm lưu trữ, tư liệu số hóa bắt đầu gia tăng, vai trò của máy tính trong việc truyền tải dữ liệu… khiến cho hệ thống tư liệu lịch sử trở nên đa dạng, và việc nghiên cứu lịch sử “lớn và dài” trở nên khó khăn hơn. Khi tiếp cận tư liệu dễ dàng hơn thì phạm vi nghiên cứu của sử gia sẽ bị thu hẹp lại trong khoảng vài thập kỷ. Một khảo sát vào  năm 2013 với 8,000 luận án tiến sĩ lịch sử được viết tại Mỹ từ những năm 1880 cho thấy: Vào năm 1900, bình quân các luận án tiến sĩ ngành lịch sử ở Mỹ khảo sát khoảng niên đại 75 năm. Đến năm 1975, con số này còn 30 năm (Schmidt 2013). Không chỉ giới hạn phạm vi thời gian, các nghiên cứu còn thu hẹp trong phạm vi không gian địa lý và đối tượng tiếp cận. Xét từ góc độ khoa học, điều này là xu thế tất yếu và bình thường của sự phát triển chuyên sâu, phân ngành, chuyên ngành… như diễn ra ở nhiều ngành khoa học khác. Thành tựu của nó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên càng đi sâu vào các vấn đề chi tiết, các lí thuyết phức tạp, các khái niệm trừu tượng, khoa học lịch sử càng mất đi vai trò xã hội và thu hẹp khả năng kết nối với công chúng. Trước kia, các sử gia là một phần của hệ thống chính trị. Tiếng nói của họ, dù không can thiệp trực tiếp về mặt chính sách, nhưng góp phần định hình nên nền văn hóa chính trị chốn cung đình, đặc biệt là tầm ảnh hưởng của họ đối với người cầm quyền, và những người làm chính sách. Một khi các sử gia quá quan tâm vào các chi tiết mà quên mất những câu hỏi lớn của thời đại, họ đánh mất cơ hội góp phần “làm nên lịch sử” trong chính thời đại của mình. Bởi vì nghiên cứu lịch sử càng chuyên sâu và đối tượng khảo sát càng nhỏ hẹp thì công trình lịch sử càng ít “khách hàng” và sự quan tâm của công chúng càng giảm đi. Không phải vì chất lượng nghiên cứu không cao hay xã hội thờ ơ với quá khứ, mà bởi bản thân các tri thức “sâu” và “chuyên” đó gặp khó khăn trong kết nối với công chúng, các mối quan tâm xã hội, và người cầm quyền. Phần lớn trong số họ không có đủ thời gian, “nhiệt huyết” (và cũng không có nhu cầu) để đọc những chuyên khảo chuyên sâu. Không riêng Việt Nam, đó là thách thức của giới học thuật toàn cầu. Điều thứ hai, quan trọng hơn là việc tập trung vào các lịch sử nhỏ và chi tiết làm sử gia “lạc lối” trong tư duy ngắn hạn và các vấn đề rời rạc mà thiếu sự kết nối với những câu hỏi lớn, tầm nhìn dài hạn, và bức tranh toàn cảnh. Các sử gia vì thế đã đánh mất thế mạnh của mình trong việc đưa ra cái nhìn có tính lịch sử xuyên suốt cho các vấn đề của xã hội đương đại. Như đã đề cập, nhiều vấn đề về tương tác giữa con người với tự nhiên, thiên tai, quản trị xã hội, xung đột xã hội… là sản phẩm của các quá trình lịch sử lâu dài. Mỗi lát cắt ngắn hạn chỉ là một phần của diễn trình đó, và chúng cần được kết nối với nhau trong một tổng thể. Sự kết nối này không chỉ cung cấp mô hình bao quát phổ rộng với nhịp điệu thăng trầm của tiến hóa xã hội, mà còn, như Winston Churchill nói, “chúng ta càng nhìn sâu vào quá khứ bao nhiêu thì càng nhìn xa về tương lai bấy nhiêu”.

Những lịch sử “dài” trả lời những câu hỏi “lớn”

Trong khi các câu hỏi lớn như quản trị nhà nước, tương tác giữa con người với môi trường, phân hóa xã hội và xung đột giàu-nghèo, phân chia nguồn tài nguyên, quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, quản lí các vùng dân tộc thiểu số, duy trì ảnh hưởng tại các nước láng giềng… dường như đang nằm trong tay các nhà kinh tế và chính trị học hơn là sử học, nghiên cứu lịch sử vì thế cần các sử gia tạo ra các lịch sử “dài” nhằm trả lời những câu hỏi “lớn”.

Tiếp cận lịch sử dài hạn với tư cách là một trường phái, bắt đầu từ giới sử học Pháp, nơi mà sử gia  Fernand Braudel ứng dụng để khảo sát các mối tương tác quanh vùng Địa Trung Hải trong hai thiên niên kỷ qua. Ông gọi đó là “la longue durée” hay tiếp cận lịch sử dài hạn. Một trong những thành tựu của trường phái này là việc nghiên cứu “long eighteenth century” hay “Thế kỷ XVIII mở rộng” ở châu Âu, bắt đầu từ 1688 và kết thúc 1815/1832. Thậm chí ở Pháp, các sử gia của chủ đề này được gọi là dixhuitièmistes (Các nhà “thế kỷ XVIII” học).

Một số học giả về Việt Nam trong những năm gần đây đã tìm cách đưa ra những phổ rộng trong tiếp cận lịch sử Việt Nam. Philippe Papin (1999) với “Việt Nam: hành trình một dân tộc” (Việt-Nam, parcours d’une nation) tìm cách xác lập lại các mối ràng buộc văn hóa, chính trị của Việt Nam với Đông Nam Á và Trung Hoa. Liam C. Kelley (2007) khảo sát ba thế kỷ bang giao Việt-Trung, John D. Phan (2012) về lịch sử tiếng Việt, Kathlene Baldanza (2016) về vấn đề biên giới Minh-Đại Việt, Keith Taylor (2013) về một lịch sử mới của người Việt Nam, và Christopher Goscha (2016) tìm cách định hình khái niệm “Việt Nam hiện đại”.

Các học giả trong nước cũng tìm cách đặt Việt Nam trong những khung cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Có thể kể đến: GS. Nguyễn Văn Kim trong việc định vị Việt Nam trong khung cảnh các mạng lưới giao thương Đông Á và Đông Nam Á. PGS. Hoàng Anh Tuấn tìm kiếm vai trò của Việt Nam trong khung cảnh toàn cầu hóa của lịch sử thế giới sơ kỳ hiện đại, trong nỗ lực mà ông gọi là “khu vực hóa” và “quốc tế hóa” lịch sử dân tộc của Việt Nam (Regionalising National History, Internationalizing national history); hay nghiên cứu của TS. Đỗ Thùy Lan (2016) về các cảng thị Đàng Ngoài sơ kỳ hiện đại như một phần của Việt Nam trong giao thương quốc tế; TS. Phạm Lê Huy (2017) về tương tác tộc người và quyền lực vùng ở miền Bắc Việt Nam trong các thế kỷ mà vùng đất này nằm dưới cai trị của các đế chế Trung Hoa. … Đây chắc chắn là những thành tựu bước đầu cho một hướng nghiên cứu rộng mở với nhiều hứa hẹn. Thực tế, các sử gia hiện tại có đủ công cụ cho việc phát triển các lịch sử “dài” và trả lời các câu hỏi “lớn” bằng cách sử dụng công nghệ và các phương tiện hỗ trợ hiện đại. Ví dụ việc sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các kho dữ liệu liên quan giúp rút ngắn thời gian phân tích hệ thống số liệu, tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu bằng cách đưa chúng lên bản đồ. Dữ liệu lớn (Big Data) và các phần mềm hỗ trợ có thể tạo ra cuộc cách mạng trong nghiên cứu lịch sử nhờ vào ưu thế khai thác và xử lí hệ thống dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với các cách thức thủ công. Trong khi facebook, youtube, blogs, và các công cụ truyền thông khác đa dạng hóa phương tiện đưa tri thức lịch sử đến công chúng.  

Cuộc khủng hoảng của khoa học lịch sử?

Tranh vẽ người Đàng Trong*, in trong cuốn A Voyage to Cochinchina, John Barrow (trang 308). Nguồn: https://archive.org/details/voyagetocochinch00barr

Tầm quan trọng của sử học thời kỳ số hóa là nó cho phép sử gia tiếp cận các hệ thống tư liệu, số liệu, các kho lưu trữ hàng trăm triệu trang văn bản, phương tiện phân tích, xử lí mới nhằm đa dạng hóa các chủ đề nghiên cứu, bao gồm những vấn đề được công chúng và giới cầm quyền quan tâm, từ lịch sử năng lượng, lịch sử đồ ăn, lịch sử hệ thống nhà tù và hình phạt, lịch sử bệnh dịch… giúp con người cải tiến cách thức tổ chức xã hội, vận hành các hệ thống kinh tế, thiết chế chính trị… Nói cách khác, để kết nối tốt hơn với thực tiễn, công chúng và giới cầm quyền, khoa học lịch sử cần có tầm nhìn dài hạn, trả lời những câu hỏi lớn, phân tích các mô hình xã hội trong dài hạn, và tìm cách chuyển hóa các tri thức đó trong một xã ­­­hội số hóa.  

Một giải pháp cho sự kết nối này đang được thực hiện tại Đức và các nước phương Tây là đề tài nghiên cứu từ tiền thuế (và các quỹ phi lợi nhuận) thì không chỉ kết quả nghiên cứu mà toàn bộ hệ thống dữ liệu thu thập liên quan đến quá trình nghiên cứu sẽ được cung cấp công khai, miễn phí trên website của dự án. Đây rõ ràng là cách tiếp cận mới nhằm đưa tri thức khoa học, trong đó có nghiên cứu lịch sử đến gần hơn với công chúng và các mối quan tâm xã hội.

Nghiên cứu lịch sử không đơn thuần là để vinh danh quá khứ, quan trọng hơn là vai trò tri thức lịch sử trong việc giúp hiểu các vấn đề của hiện tại và tìm kiếm cách thức giúp con người tổ chức xã hội tương lai hiệu quả hơn. Nỗ lực của tiền nhân, không phải tất cả đều thành công. Sai lầm và thất bại của họ trước những thử thách của thời đại là bài học quý giá giúp con người hiện tại đưa ra những quyết định đúng đắn. Vì thế nếu cách hiểu về quá khứ bị giới hạn bởi những khuôn khổ lí thuyết hay tư tưởng có sẵn, tầm nhìn của sử gia sẽ bị giới hạn, và hậu thế sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng của người đi trước. Xã hội tương lai vì thế sẽ phải trả giá.

Mark Twain nói rằng “lịch sử không lặp lại nhưng chúng thường diễn ra một cách đồng điệu”. Chính vì thế, nhiều bài học từ quá khứ có thể thực sự hữu dụng cho xã hội đương đại. Năm 2016, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc loay hoay với việc cắt giảm hơn 7,000 các loại giấy phép hành chính (thống kê của Vnexpress), và người ta cho đó là vấn đề của nền hành chính hiện đại. 183 năm trước, dưới triều Minh Mệnh (1833), vị vua nhà Nguyễn khi đi thăm kho lưu trữ văn bản hoàng cung đã phải thốt lên rằng: văn bản quá nhiều, quá phức tạp, chất đống lên thì cao đến cột nhà, trâu vận chuyển văn bản cũng phải toát mồ hôi (Đại Nam thực lục, II, q. 148). Chúng ta không rõ liệu trâu có toát mồ hôi? Tuy nhiên sự kết nối lịch sử và vấn đề hành chính liên quan đến văn bản là có thật. 450 năm trước tại triều Lê Thánh Tông (1466), vị hoàng đế và quần thần đã phải đau đầu vì văn bản hành chính quá nhiều, ùn ứ không kịp xử lí. Những gì diễn ra trong gần 500 năm (1466, 1833, 2016) chắc chắn không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên của lịch sử mà là kết quả của một truyền thống thực hành chính trị, nơi mà sự hiểu biết lịch sử có thể là chìa khóa cho những vấn đề đau đầu ở hiện tại.

Khoa học lịch sử không khủng hoảng. Nó cho thấy ví dụ của một ngành khoa học xã hội chưa sẵn sàng vận hành và truyền tải tri thức trong một xã hội số hóa. Sử gia cần tìm những cách tiếp cận mới đa dạng, thực tiễn, và cập nhật hơn với các kênh truyền thông để đưa kết quả của mình tới công chúng – những người chưa bao giờ quay lưng lại với lịch sử. Vấn đề là cần đưa môn khoa học này gắn với thực tiễn, gần với những cách tiếp cận của công chúng và giới làm chính sách và gắn những khảo sát lịch sử với các câu hỏi của hiện tại. Để làm điều đó, cần hướng tới những cách tiếp cận đa dạng về quá khứ và chấp nhận những góc nhìn khác biệt.

Tham khảo
Benjamin Schmidt, ‘What Years Do Historians Write About?’, Sapping Attention (9 May 2013).
David Armitage and Jo Guldi. 2014. The History Manifesto. Cambridge University Press.
Fernand Braudel, ‘History and the Social Sciences: The Longue Durée’ (1958), in Braudel, On History (trans.) Sarah Matthews (Chicago, 1982).
Philippe Papin. 1999. Viêt-Nam, parcours d’une nation. Paris, La Documentation Française, Asie Plurielle.
Nguyễn Sử. 2017. Lịch sử thư pháp Việt Nam. Hà Nội: Nhã Nam-Thế Giới.
Trần Quang Đức. 2013. Ngàn năm áo mũ. Hà Nội: Nhã Nam-Thế Giới.
http://www.historyandpolicy.org

Đính chính:
BTV đã nhầm lẫn khi chú thích bức ảnh * là: Tranh vẽ người Đàng Trong thế kỷ 17 của Cristoforo Borri (1585 – 1632), một cố đạo người Ý sang Trung kỳ vào khoảng 1618. Khi về Roma, năm 1631, ông cho xuất bản quyển sách in đầu tiên của châu Âu nói về Trung kỳ của Việt Nam.
Chú thích đúng là: Tranh vẽ người Đàng Trong, in trong cuốn A Voyage to Cochinchina (trang 308), John Barrow.

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)