Những “Thung lũng Silicon” trên thế giới

Khái niệm “Thung lũng Silicon” có thể được hiểu là nơi nuôi dưỡng khả năng đổi mới công nghệ, ươm tạo phát minh, tạo ra những sản phẩm công nghệ và có khả năng liên kết dễ dàng với những “Thung lũng Silicon” khác để trở thành một hệ thống thực sự cho những ý tưởng được hưng thịnh, hình thành môi trường kinh doanh năng động và nhạy bén. Những yếu tố cơ bản để hình thành nên một “Thung lũng Silicon” là: phải có một nguồn nhân lực chất xám cao; xây dựng trên một địa điểm lý tưởng; có các trường đại học hoặc trung tâm nghiên cứu tạo nguồn nhân lực và phát minh công nghệ mới; và một yếu tố không thể thiếu là tiền bạc. Ngày nay, mô hình “Thung lũng Silicon” đang được nhân rộng trên phạm vi toàn cầu. Rất nhiều quốc gia đều mong muốn có được một “Thung lũng Silicon” cho riêng mình.

Bangalore-Thung lũng Silicon thứ hai thế giới
Bangalore được coi là trung tâm công nghệ của Ấn Độ và được ghi nhận là thành phố dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ, vượt trên cả nhiều thành phố của Mỹ, Nhật và Đông Nam Á. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà của nhiều công ty đa quốc gia và công ty Ấn Độ. Vậy điều gì đã làm cho Bangalore được coi là “Thung lũng Silicon” thứ hai thế giới? Đó chính là công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm. Theo đánh giá, thành phố công nghệ này đóng góp khoảng 36% trong tổng xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ.
 

Với nguồn tài nguyên nhân lực khổng lồ, nhiều công ty đa quốc gia đổ xô về đây xây dựng đại bản doanh của mình, tiến hành hàng loạt các hoạt động R&D. Không chỉ có những “ông lớn” như IBM, Microsoft, Intel, HP, EMC, Google, Trilogy, Cisco, Dell, Yahoo, NetApp, Covansys, Sun, Adobe…mà cả những công ty của Ấn Độ như TCS, Infosys, Wipro cũng xúc tiến xây dựng những trung tâm R&D.
Khoảng 250 công ty đa quốc gia công nghệ cao và 1500 công ty phần mềm đóng đô ở Bangalore đã thu hút một lượng lớn tài năng Ấn Độ với điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn. Ngày càng nhiều những tài năng công nghệ thông tin của Ấn Độ ở khắp nơi trên thế giới trở về Bangalore làm việc. Ước đoán, có khoảng 40% tài năng công nghệ thông tin Ấn Độ tập trung ở trung tâm công nghệ này.
Công nghệ thông tin luôn là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất Ấn Độ và đã góp phần tăng tốc nền kinh tế quốc gia. Nguyên Thủ tướng Ấn Độ A.B.Vajpayee từng tuyên bố “Ấn Độ sẽ trở thành siêu cường về công nghệ thông tin và đi đầu trong kỷ nguyên công nghệ thông tin”. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, chính phủ Ấn Độ đã đầu tư xây dựng những trung tâm đào tạo và nghiên cứu về công nghệ thông tin để cung cấp nguồn nhân lực, đồng thời thu hút những nhà đầu tư nước ngoài đến đóng đô ở đây. Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) đã xếp Bangalore vào một trong bốn trung tâm công nghệ tốt nhất thế giới.

Z-Park-Trung tâm kinh tế tri thức của Trung Quốc
Z-Park (Zhongguancun Science Park) được mệnh danh là Công viên khoa học Stanford của Trung Quốc. Cũng giống như Thung lũng Silicon của Mỹ, Z-Park là sản phẩm của sự phát triển nền kinh tế thị trường. Chính phủ Trung Quốc coi đây như là một nơi thử nghiệm sự tự do hóa nền kinh tế quốc gia, và tạo môi trường thuận lợi cho triển khai những dự án mạo hiểm công nghệ cao. Z-Park là khu công nghệ cao lớn và lâu đời nhất trong tổng số 53 khu công nghệ cao quốc gia của Trung Quốc. Thực tế, đây là một khu liên hợp gồm 7 công viên và bao phủ hơn 100 km2. Ngày nay, Z-Park là đại bản doanh của hơn 18,000 công ty, trong đó có hơn 15,000 công ty nước ngoài. Có thể thấy những công ty máy tính hàng đầu của Trung Quốc như Founder, Legent cũng như nhiều tập đoàn nước ngoài như Microsoft, Siemens, NEC, Goolge, Adobe…đang hiện diện ở đây.
Ngay kề Z-Park là những viện nghiên cứu và trường đại học danh tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Viện Khoa học Quốc gia Trung Quốc. Trong khuôn viên của khu công nghệ cao này, những tòa nhà mới được xây dựng với phương tiện nghiên cứu hiện đại sẽ hình thành nên vườn ươm công nghệ hàng đầu thế giới.
Những tập đoàn đa quốc gia và những công ty đại lục đã tiến hành xây dựng hàng loạt trung tâm R&D biến Z-Park trở thành trung tâm kinh tế tri thức số một của Trung Quốc. Các hoạt động R&D trong nhiều lĩnh vực đã và đang tạo ra những công nghệ mới và sản phẩm cung cấp cho thị trường toàn cầu. Năm 2006, tổng thu nhập của Z-Park đạt 85.75 tỷ USD và xuất khẩu đạt 12.6 tỷ USD. Tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm trước, chỉ tính riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt tổng thu nhập 45 tỷ USD.
Trong tương lai, khu công nghệ cao này đang hướng tới trở thành công viên khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới.

Dublin-Công viên công nghệ của châu Âu
Dublin được coi là trái tim kinh tế của Ireland và viên ngọc của châu Âu. Ngày nay, thành phố này không chỉ là trung tâm tài chính, thương mại mà còn là đại bản doanh của công nghiệp công nghệ cao. Chính điều này đã làm cho Ireland vươn lên trở thành nước xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Thế giới đã biết đến quốc gia này như là “Thung lũng silicon” của châu Âu.
Trong khi rất nhiều công ty đang chuyển ra ngoài lãnh thổ châu Âu, thì ngược lại, cũng có nhiều “ông lớn” chuyển đến đóng đô ở Dublin như Intel, Google, Yahoo, eBay, Amazon…và tạo cho Ireland nhiều dấu ấn đặc sắc của công nghệ cao. Đây là một nơi vừa mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn đối với những công ty đa quốc gia, 7 trong số 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã hiện diện ở đây. Có hơn 1000 công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Ireland, trong đó khoảng một nửa là các công ty Mỹ, và khoảng một phần ba số công ty tiến hành R&D. Hiện tại cũng có khoảng 210 công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực IC ở Ireland thu hút khoảng 100,000 lao động.
Phần lớn các công ty đa quốc gia sử dụng Ireland như là cơ sở ở châu Âu của họ. Chính điều này đã giúp ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở đây tăng trưởng nhanh chóng. Hiện tại, Intel là nhà sử dụng lao động tư nhân lớn nhất ở Ireland với 5500 nhân viên. Google cũng chọn Dublin là cơ quan đầu não của họ ở châu Âu và đây cũng là hoạt động lớn nhất của tập đoàn này bên ngoài nước Mỹ với đội ngũ nhân viên đến từ hơn 40 nước.
Dublin đang hưng thịnh và đầy kiêu hãnh về tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu và GDP lớn hơn bất cứ một quốc gia châu Âu nào khác. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm lên đến 0.04% GDP của nước này. Dublin tiếp tục tỏa sáng và tự tin để biến Ireland trở thành “Thung lũng Silicon” của châu Âu.

Công viên khoa học Hsinchu-“Thung lũng Silicon” của Đài Loan
Thường được ví von là “thành phố của gió” và nổi tiếng với những đặc sản như thịt băm viên và mì gạo, Hsinchu nổi nên mạnh mẽ với Công viên Khoa học Hsinchu (HSP)-“Thung lũng Silicon” của Đài Loan. Công viên khoa học này được xây dựng vào năm 1980, bao phủ 1100 ha và ngày nay trở thành ngôi nhà lớn của gần 400 công ty công nghệ cao. Những lĩnh vực tập trung chủ yếu ở HSP bao gồm bán dẫn, máy tính, viễn thông và công nghiệp quang điện tử. Ngoài ra, nơi đây còn là trụ sở của nhiều công ty công nghệ sinh học và y dược. Lân cận công viên này bao gồm những viện nghiên cứu và trường đại học thanh thế như Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), Đại học Quốc gia Thanh Hoa, Đại học Quốc gia Chiao Tung là nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho công viên khoa học.
Ngày nay, HSP được coi là một trong những địa điểm quan trọng nhất thế giới trong lĩnh vực chế tạo các linh kiện bán dẫn, và là ngôi nhà của hai nhà sáng lập ngành bán dẫn đứng đầu thế giới là TSMC và UMC. Những công ty như PS và ASE đang tạo ra những tiến triển lớn lao trong việc sản xuất ra những chip điện tử dùng trong máy tính, điện thoại di động và tự tin chiếm lĩnh thị trường bán dẫn thế giới trị giá 227 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn như IBM, Dell, Compad, Texas Instrument đang là những khách hàng đặt mua những sản phẩm công nghệ thông tin của Đài Loan.
Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của HSP đạt 6.49%. Xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đã lên đến 8.85 tỷ USD. Với những thành quả đạt được, HSP đã đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của Đài Loan hơn 20 năm qua và trở thành mô hình công viên khoa học kiểu mẫu toàn cầu.
Tham khảo: http://www.businessweek.com
              http://www.digitaljournal.com

Đức Phường

Tác giả