Những vị khách đáng nhớ của Obsnink

Không lâu sau khi đi vào vận hành, nhà máy điện hạt nhân Obsnink đã trở thành “thánh địa Mecca” của những người quan tâm đến ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Obsnink là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới nối lưới điện quốc gia. Nguồn: Rosatom

Đó là những phái đoàn cấp cao của nhiều quốc gia do các nhà lãnh đạo, các chính trị gia nổi tiếng, những người mong muốn và sẵn sàng tìm hiểu một cách trực tiếp về nhà máy điện hạt nhân, những tiềm năng của nó cũng như những triển vọng mà nó có thể mang lại; và các đoàn gồm các nhà khoa học và kỹ thuật mong muốn biết tới từng chi tiết về nhà máy cũng như các phái đoàn từ nhiều tổ chức quốc tế với mục đích học hỏi. Trong hàng nghìn phái đoàn đến Obsnink có một số vị khách để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.

Phái đoàn của các chuyên gia kỹ thuật điện của Anh do B. F. J Showland, một cố vấn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Anh (UKAEA) dẫn đầu. Họ là những người quan tâm đến từng chi tiết của nhà máy điện hạt nhân và các phương thức vận hành chúng. Đó là kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng với kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên đất nước mình của họ sau này (Anh là một trong những quốc gia nghiên cứu và phát triển công nghệ nguồn trên thế giới). Các vị khách đã viết những dòng sau trong sổ lưu niệm của nhà máy: “Phái đoàn của UKAEA bày tỏ sự ngưỡng mộ công trình do giáo sư Blokhintsev và các cộng sự thực hiện cùng lòng biết ơn với sự hiếu khách của họ. Chúng tôi mong ước được tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình với Liên Xô trong tương lai” (ngày 18/11/1955).

Đoàn gồm các nhà khoa học CHDC Đức do R. Rompe dẫn đầu cũng tới Obsnink vào năm 1955. Họ chia tay nhà máy với những lời ghi lại cảm nghĩ: “Phái đoàn của chúng tôi tới nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới này, gửi những lời chúc mừng nhiệt thành nhất tới các nhà khoa học, các kỹ sư và các công nhân về việc hoàn tất một công trình lớn lao cho hòa bình. Kể từ thời điểm đó, G. Hertz, một nhà vật lý Đức nổi tiếng, đã duy trì mối hợp tác với chúng tôi trong nhiều năm. Tôi luôn cho rằng các phương thức quản lý nghiên cứu của chúng tôi (và nhiều nơi khác) vẫn còn nhiều khiếm khuyết, ông cũng nghĩ chúng còn xa mới đạt tới sự hoàn hảo. G. Hertz đã viết trong sổ lưu niệm: “Tôi đã nghe và đọc nhiều về các nhà máy điện hạt nhân; những gì tôi chứng kiến ở đây đã vượt quá mọi sự mong chờ của tôi…”. Sau đó, lò phản ứng thực nghiệm đầu tiên cho nghiên cứu vật lý hạt nhân đã được xây dựng ở Đức với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các tổ chức của Liên Xô.

Tháng 6/1955, Jawaharlal Nehru và con gái ông là Indira Gandhi đã tới Obsnink; hộ tống họ còn có đại sứ Ấn Độ tại Liên Xô K. Menon và đại diện của Chính phủ Xô viết A. I. Mikoyan. Đây là trải nghiệm nghi thức ngoại giao đầu tiên của tôi. Nehru trông có vẻ mệt mỏi nhưng chúng tôi ấn tượng sự sáng suốt của ông, có thể cảm nhận được chiều sâu của tâm hồn và trí tuệ của con người này. I. Gandhi được khắc sâu trong ký ức tôi với vẻ duyên dáng, nhu mì và giản dị. J. Nehru hỏi lý do vì sao chúng tôi lại sử dụng nước nhẹ cho lò phản ứng trong khi Homi Bhabha lại sử dụng nước nặng (vốn rất đắt đỏ) trong dự án hạt nhân ở Ấn Độ1. Vì vậy, tôi phải vận dụng cả các chi tiết kỹ thuật để giải thích. Sau đó, hứng thú với vấn đề ứng dụng hạt nhân, J. Nehru đã tới thăm viện của chúng tôi, khi ấy, tất cả các nhà nghiên cứu trong viện đều rời khỏi phòng thí nghiệm để đón chào ông. Ông Nehru rất ấn tượng về sự trẻ trung của tập thể nhà nghiên cứu và nhận xét tất cả các thành viên này đều còn rất trẻ, ông còn hỏi liệu viện là nơi chuyên về đào tạo hay nghiên cứu. Tôi trả lời viện của chúng tôi thuần túy là nghiên cứu. Trong cuộc trò chuyện với Nehru, tôi nói chúng tôi biết rất rõ về các nhà vật lý Ấn Độ, những người đã có nhiều đóng góp cho nền khoa học hiện đại thế giới, biết về các nhà văn Ấn Độ, trước hết là R. Tagore, người vốn được nhiều độc giả Xô viết ngưỡng mộ. Tôi cho rằng việc kết hợp giữa sự phát triển ở mức độ cao từ thời cổ đại của văn hóa Ấn Độ với khoa học và kỹ thuật tiên tiến sẽ đưa quốc gia này tới sự phát triển rực rỡ. Nghe vậy, Nehru hồi đáp: “Chúng tôi đang phát triển theo đúng cách thức này; dẫu sao, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của chúng tôi là vượt qua nghèo đói, nạn mù chữ và bệnh dịch”. Trước khi ra về, Nehru còn để lại bút tích: “Tôi vui mừng khi có cơ hội tìm hiểu lò phản ứng của các bạn, và tôi hoàn toàn bị cuốn hút: nó trao cho tôi một cơ hội để nhìn thấy tương lai, vốn mới được mở ra trước chúng tôi”.

Một nhân vật cũng để lại ấn tượng với tôi là chủ tịch Hồ Chí Minh (ông đến đây vào tháng 7/1955). Phẩm chất kỳ diệu nhất ở nhà lãnh đạo này là ở chỗ, ông không chỉ là người có lòng nhân từ mà còn là người tử tế bậc nhất mà tôi biết. Thật khó mà hình dung ra con người trong trang phục giản dị đang đứng trước chúng tôi lại là một người đấu tranh không khoan nhượng trước quân xâm lược, vị lãnh đạo của một đất nước. Khi đi thị sát nhà máy, ông nói: “Đây là thực sự là tương lai của nhân dân tôi, chúng tôi phải làm bằng được!”. Sau đó, tôi nói với ông rằng V. I. Lenin cũng đã hết sức quan tâm đến điện khí hóa ngay trong những năm gian khó bậc nhất của đất nước Xô viết, dẫu nhiều ý kiến lúc đó cho rằng đây có thể chỉ là sự tưởng tượng. Giờ đây, chúng ta đều biết rằng sau nhiều khó khăn thì đất nước Xô viết cuối cùng đã bắt đầu công trình hòa bình này. Các công nhân của nhà máy điện hạt nhân Obsnink sau đó đã kể lại với chúng tôi, họ cảm thấy vinh dự khi chứng kiến sự ân cần và lịch thiệp của Hồ Chí Minh với tất cả mọi người, người mà tôi cũng nhận ra ngay lập tức điều đó ở ông. Thật vậy, ông mỉm cười với mọi người và luôn nhắc “anh cứ làm việc đi…”

Phòng điều hành của nhà máy điện hạt nhân Obsnink. Nguồn: Rosatom.

Trước khi ra về, Hồ Chí Minh còn dành thời gian viết vào cuốn sổ lưu niệm của nhà máy những dòng chữ đầy ý nghĩa: “Chủ nghĩa đế quốc dùng sức mạnh của nguyên tử để tiêu diệt con người. Chính quyền Xô viết dùng điện nguyên tử vì hạnh phúc của con người trên toàn thế giới. Lẽ tất yếu, nền hòa bình chung này sẽ chiến thắng”…

Sau khám phá chuỗi phản ứng phân hạch uranium, ý tưởng ứng dụng năng lượng nguyên tử đã trở nên rõ ràng hơn về nguyên tắc là có thể tạo ra điện bằng việc sử dụng nhiệt dư trong lò phản ứng hạt nhân. Chỉ có một điều mà chúng ta cần nhớ: chúng ta phải hình dung cách chúng ta có thể tạo ra một nhà máy được vận hành với độ an toàn phóng xạ, tin cậy và hiệu quả kinh tế. Nhiệm vụ của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới của Liên xô là đã tạo ra một đột phá và làm khả thi ý tưởng của việc sử dụng năng lượng nguyên tử theo mục đích hòa bình thành một nguồn lực xã hội. □   

Anh Vũ lược dịch 

Nguồn: http://elib.biblioatom.ru/text/pervaya-atomnaya-elektrostantsiya_2014/go,116/

* Bài viết được trích đoạn từ “Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế  giới” do D. I Blokhintsev xuất bản trên The issues of History Journal năm 1974, sau đó được Rosatom đưa vào tập ấn phẩm đặc biệt cùng tên, ra mắt vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nhà máy Obsnink năm 2014, đúng hai năm sau khi nhà máy chính thức ngừng hoạt động và chuyển sang phục vụ nghiên cứu, sản xuất đồng vị phóng xạ.

1. Lò phản ứng ở Obsnink dùng nước nhẹ để làm chất tải nhiệt còn graphit làm chậm neutron. Cũng vào thời điểm đó, lò phản ứng thực nghiệm của Ấn Độ đặt tại Trombay, Mumbai dùng nước nặng làm chất làm chậm neutron. Áp dụng công nghệ này, Ấn Độ có thể dùng uranium tự nhiên làm nhiên liệu mà không phải làm giàu.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)