Nơi gặp gỡ của lịch sử và ký ức

Nhà khoa học Marie Curie là giám đốc đầu tiên của Phòng thí nghiệm Curie tại Viện Radium, được xây vào năm 1914 phục vụ mục đích nghiên cứu về bức xạ và các ứng dụng trong điều trị ung thư. Ngày nay, văn phòng và phòng thí nghiệm, nơi bà Marie Curie làm việc trong 20 năm tiếp tục được bảo tồn trong bảo tàng Curie, là minh chứng cho những công việc nghiên cứu khoa học và y tế của Viện Radium và Quỹ Curie.


Một gia đình 5 giải Nobel

Sau khi Pierre và Marie Curie được trao giải Nobel Vật lý năm 1903 (cùng với Henri Becquerel), Pierre Curie được bổ nhiệm Giáo sư, và cả hai vợ chồng cuối cùng có thể rời nơi làm việc tồi tàn trong Trường Lý hóa Công nghiệp để đến một phòng thí nghiệm mới nơi Marie Curie được bổ nhiệm giám đốc nghiên cứu. Khi Pierre Curie qua đời năm 1906, Marie Curie được bổ nhiệm giảng viên (junior lecturer) và sau đó là giáo sư. Bà là người phụ nữ đầu tiên dạy học tại Đại học Sorbonne.

Marie Curie mong muốn xây dựng một phòng thí nghiệm lớn cho mục đích nghiên cứu về phóng xạ và những ứng dụng của nó trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, và y tế. Vì vậy, Viện Radium được ra đời. Nó được chia thành hai phần : Phòng thí nghiệm Curie, được lãnh đạo bởi Marie Curie và hoàn toàn dành cho nghiên cứu vật lý và hóa học ; phần thứ hai là Phòng thí nghiệm Pasteur được lãnh đạo bởi Bs Claudius Regaud, dành cho nghiên cứu sinh học và tác động y học của bức xạ. Năm 1911, Marie Curie được nhận giải Nobel thứ hai, lần này trong lĩnh vực hóa học. Cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất bùng nổ đúng lúc việc xây dựng Viện Radium hoàn thành. Khi đó, Marie Curie đích thân đứng giảng những lớp huấn luyện trị liệu bằng bức xạ, chính là những lớp học đầu tiên trong lịch sử ngành này. Khi chiến tranh kết thúc, Claudius Regaud tập trung vào việc nghiên cứu trị liệu ung thư bằng bức xạ, với sự giúp đỡ về mặt khoa học và kỹ thuật từ phòng thí nghiệm của Marie Curie.  

Những nỗ lực của Marie Curie và Claudius Regaud đã giúp hình thành Quỹ Curie vào năm 1920 nhằm gây kinh phí tài trợ các hoạt động của Viện Radium và đóng góp vào hoạt động nghiên cứu trị liệu ung thư.

Một trong những kết quả đạt được của Quỹ là việc xây dựng một phòng khám ở đường d’Ulm ngay gần điện Panthéon, mở cửa vào tháng 11 năm 1922. Năm 1932, một khoản tài trợ giấu tên đã giúp hình thành một số phòng thí nghiệm mới dành cho nghiên cứu sinh học, được đặt ngay phía sau phòng khám. Trong khi đó, Phòng thí nghiệm Curie tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vật lý và hóa học.

Năm 1934, không lâu sau khi Marie Curie qua đời, con gái bà là Irène và con rể là Frédéric Joliot-Curie khám phá ra bức xạ nhân tạo, phát kiến giúp họ giành giải Nobel Hóa học năm 1935.

Một địa chỉ của những hoài ức

Sau khi Frédéric Joliot qua đời năm 1958, những giám đốc tiếp nối tại Phòng thí nghiệm Curie mong muốn bảo tồn nguyên vẹn văn phòng giám đốc, là nơi làm việc của Marie Curie từ năm 1914 tới 1934, sau đó là André Debierne tới năm 1946, Irène Joliot-Curie tới năm 1956, và cuối cùng là Frédéric Joliot. Năm 1964, để kỷ niệm 30 năm phát kiến bức xạ nhân tạo, người ta lắp đặt trong sảnh ra vào Phòng thí nghiệm Curie một kệ trưng bày bằng kính đặt những thiết bị có giá trị lịch sử quan trọng nhất trong thời kỳ từ đầu tới thập kỷ 1930. Năm 1967, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Marie Curie, văn phòng và phòng thí nghiệm của bà, vốn được bảo tồn nguyên vẹn, đã được mở cửa tiếp đón một số khách mời ưu tiên. Tới năm 1981, phòng thí nghiệm hóa học của Marie Curie được khử xạ và tôn tạo nhờ tài trợ từ Hiệp hội Ung thư Pháp. Và từ năm 1992, bảo tàng mở cửa cho công chúng vào tham quan.

Năm 1995, kỷ niệm 75 năm Quỹ Curie, nước Pháp đưa tro cốt Pierre và Marie Curie vào điện Panthéon, và để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm phát kiến về bức xạ tự nhiên, phòng trưng bày các thiết bị thí nghiệm được tôn tạo và mở rộng. Ngoài ra bảo tàng còn được tăng cường thêm bộ sưu tập các vật dụng, văn bản, và kho lưu trữ về Marie Curie, Irène và Frédéric Joliot-Curie, trong đó đáng kể là những hiến tặng từ gia đình Curie, và những nỗ lực tham gia của Hội Curie et Joliot-Curie.

Bảo tàng Curie ngày nay

Bảo tàng Curie nằm trong tòa nhà cổ từng là Phòng thí nghiệm Curie của Viện Radium. Những bộ sưu tập ở đây giúp chúng ta truy cứu lại lịch sử về phóng xạ và những ứng dụng của nó, đặc biệt trong lĩnh vực y học. Trung tâm sử liệu của bảo tàng với kho di sản phong phú những thiết bị thí nghiệm, vật dụng, sách, văn bản lịch sử, bản thảo viết tay, các tài liệu hình ảnh và phim chiếu, chính là một kho lưu trữ giá trị về lịch sử gia đình Curie, Viện Curie (bao gồm kho lưu trữ về Viện Radium và Quỹ Curie), và rộng hơn là lịch sử về phóng xạ và cuộc chiến của con người chống lại bệnh ung thư.

Gần đây nhất, vào năm 2012, Bảo tàng Curie được tiếp tục tôn tạo nhờ khoản di sản để lại từ bà Eve Curie Labouisse, qua đời năm 2007 ở New York, là con gái út của Pierre và Marie Curie.

Đến nay, ngoài việc tiếp đón khách tham quan và tiếp tục công việc bảo tồn, bảo tàng vẫn phát triển thêm các bộ sưu tập, tiến hành những nghiên cứu trong các lĩnh vực lịch sử và bảo tàng học, tham gia vào các sự kiện khoa học và văn hóa.
        TT dịch
Nguồn tham khảo:  www.musee.curie.fr
* Bài viết theo đề nghị của Tạp chí Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)