Nửa nhân loại sẽ thiếu nước
Dẫu cộng đồng quốc tế có liên tục cam kết, số lượng người không tiếp cận được nguồn nước vẫn ngày càng gia tăng. Hiện trên thế giới có tới 1,1 tỉ người đang phải chịu cảnh thiếu nước và 2,6 tỉ người không được sử dụng các dịch vụ nước sạch. Nếu tình hình không có gì thay đổi, trong vòng từ 20 đến 30 năm tới, hơn một nửa dân số Trái đất có nguy cơ sống trong cảnh thiếu nước. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại vào thế kỷ 21.
Bất bình đẳng toàn diện!
Tuy nhiên, dường như nguồn tài nguyên quý giá này có vẻ rất dồi dào. Mỗi năm, có tới 40.000 km3 nước lưu chuyển trên các đại lục. 6,5 tỉ dân địa cầu sử dụng khoảng 30.000 km3 nước mỗi năm. Như vậy, mỗi người dân có thể được cung cấp khoảng gần 7000 m3 nước. Thế nhưng, xin nhớ rằng chúng ta không thể sử dụng hết tất cả lượng nước lưu chuyển trên thế giới bởi nếu làm như thế, môi trường nước, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng môi trường sống và thanh lọc môi trường, sẽ bị tổn hại.
Thêm nữa, nguồn tài nguyên này phân bố không đều trên bề mặt Trái đất. Thật vậy, 60% trữ lượng nước ngọt trên thế giới tập trung ở lãnh thổ của chín quốc gia: Brazil, Nga, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Colombia và Peru. Trên lãnh thổ châu Á, nơi sinh sống của gần 60% dân số thế giới, chỉ phân bố 30% lượng nước ngọt toàn cầu.
Tỉ lệ trữ lượng nước trung bình tính theo quốc gia và theo đầu người cũng rất khác biệt nhau (dao động từ 1 đến 20.000). Các quốc gia thuộc vùng tam giác rộng lớn trải dài từ Maroc đến Sudan qua Pakistan gồm hơn 20 nước nằm ở Bắc Phi, Trung cận Đông và Trung Á thiếu nước trầm trọng. Trung bình mỗi người dân ở các nước này chỉ tiếp cận được khoảng 1.000 m3 nước ngọt mỗi năm, tức họ phải chịu cảnh “thiếu nước kinh niên”.
Ngoài ra, mức sống người dân càng tăng, số lượng trang thiết bị gia đình giúp việc sử dụng nước được dễ dàng càng nhiều thì nước càng bị lãng phí. Người châu Âu hiện nay tiêu thụ nước sinh hoạt gấp 8 lần ông bà của họ. Tính trung bình, một người dân Sydney sử dụng 1.000 lít nước sạch mỗi ngày, một người Mỹ sử dụng 600 lít và một người châu Âu tiêu thụ từ 100 đến 200 lít, trong khi đó, tại một số quốc gia đang phát triển, mức tiêu thụ nước của mỗi người dân chỉ khoảng 20 lít mỗi ngày.
Do vậy, nhất thiết phải giảm thất thoát trong quá trình truyền dẫn nước; ở các nước nghèo, tỉ lệ này có thể lên đến 50%! Hiện nay, chỉ 55% lượng nước khai thác được thực sự sử dụng; 45% còn lại hoặc bị thất thoát trong quá trình truyền dẫn nước sạch, tiêu nước hoặc bốc hơi khi tưới cây.
Tiếp cận nguồn nước: một vấn đề mang tính chính trị
Tháng giêng năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố công trình nghiên cứu do hai nhà khoa học của họ tiến hành. Hai nhà khoa học này đề nghị: từ nay đến năm 2015, cộng đồng quốc tế dành những khoản đầu tư mới để cung cấp nước sạch và các dịch vụ nước sạch cho một nửa số dân đang phải chịu cảnh thiếu nước trên toàn thế giới, tức ½ trên tổng số 1,1 tỉ người không được tiếp cận với nước sạch và ½ trên tổng số 2,6 tỉ người không được sử dụng các dịch vụ nước sạch căn bản.
Công trình nghiên cứu này đặc biệt có giá trị. Nó nhấn mạnh rằng do thiếu các dữ liệu cập nhật, đáng tin cậy về lượng nước tiêu thụ thực tế của các quốc gia đang phát triển nên không thể nào ước tính chính xác lượng kinh phí phải bỏ ra hiện nay để đầu tư cho các hệ thống cung cấp nước sạch. Do vậy, cần có một cái nhìn tương đối về số tiền mà các quốc gia hứa hẹn sẽ chi ra nhân ngày Quốc tế vì nước sạch (22/03 hằng năm).
Từ hơn chục năm nay, nước luôn là vấn đề được đề cập nhiều nhất trong các chương trình nghị sự quốc tế: “Từng ấy tỉ con người không được tiếp cận với nguồn nước, từng ấy người chết vì thiếu nước sạch mỗi năm. Nếu không hành động, sang năm, số người tử vong còn tăng lên; do vậy, cần phải huy động X tỉ USD để chấm dứt tấn thảm kịch này, v.v.” Những lời kêu gọi kiểu ấy rốt cuộc đã giết chết mọi suy nghĩ, mọi cách nhìn nhận thực tế và mọi ý thức mang đậm tính chính trị của vấn đề này. Không thể giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên thế giới chỉ bằng những hành động nhân đạo đơn thuần được.
Ngoài ra, số tiền các nước trên thế giới chi hằng năm để duy trì hoạt động của hệ thống cung cấp nước và đầu tư cho các hệ thống này cũng thiếu tính tin cậy. Theo ước tính, khoản này dao động từ 500 đến 800 tỉ USD. Nhìn vào con số ấy, có thể nhận thấy cộng đồng quốc tế “có lẽ sẽ phải” nỗ lực như thế nào mới tài trợ đủ kinh phí để giúp người dân trên toàn thế giới tiếp cận với nước sạch và các dịch vụ nước sạch.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh con số 500 đến 800 tỉ USD ấy với sự khai thác quá mức, sự lãng phí quá đáng nguồn tài nguyên đang cạn kiệt này thì chừng ấy tiền bỏ ra để giúp những người nghèo nhất trên thế giới tiếp cận với nguồn nước quả thật chẳng nghĩa lý gì. Chỉ cần 50% số cổ tức trả cho cổ đông của các công ty lớn nhất nước Pháp vào năm 2007, tức khoảng 20 tỉ Euro, đã đủ giúp một nửa trong số hàng tỉ người phải chịu cảnh thiếu nước và hàng triệu người chết vì thiếu nước được tiếp cận với nguồn nước và các dịch vụ nước sạch.
Do vậy, vấn đề giúp những người nghèo nhất tiếp cận với nước sạch không chỉ đóng khung trong khuôn khổ các hoạt động nhân đạo. Nó còn là một vấn đề mang tính chính trị. Không có nước sạch để sử dụng là một trong những bất công tàn nhẫn nhất đang giày xéo hành tinh chúng ta nên mỗi Nhà nước, mỗi chính quyền địa phương cần có trách nhiệm giúp người dân của mình tiếp cận với các dịch vụ tối thiểu đó.
Công trình nghiên cứu mới của WHO về kinh phí bỏ ra để đầu tư cho hệ thống cung cấp nước sạch
Năm 2000, tại
Mục tiêu giảm đi một nửa số người không tiếp cận được nguồn nước và các dịch vụ nước sạch rất hay bị chỉ trích. Thế nhưng từ năm 2000, cộng đồng quốc tế đã xem đây là một mệnh lệnh cần phải tuân thủ và đã ước tính số tiền bỏ ra để đầu tư cho các hệ thống cung cấp nước sạch.
Bằng cách phân tích các số liệu sẵn có về lượng nước và các dịch vụ nước sạch được các hộ gia đình sử dụng vào năm 1990, 2004 và có tính đến tốc độ gia tăng dân số, các nhà khoa học của WHO đã tính được số người cần được cung cấp nước sạch và dịch vụ nước sạch để mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 10 trở thành hiện thực. Họ lấy năm 2005 làm mốc, rồi cộng thêm số dân gia tăng mỗi năm vào đó. Chi phí để đầu tư và duy trì hoạt động cho các công trình nước sạch được chia theo đầu người. Từ các số liệu sẵn có của các quốc gia, WHO chia thế giới thành 11 khu vực phát triển. Về phần chi phí tài chính, nó bao gồm chi phí hoạt động, bảo trì, thay thế các hệ thống hiện có, lắp đặt các dịch vụ mới và cả chi phí xây dựng chương trình. Ngoài ra, báo cáo của WHO còn nhấn mạnh sự cần thiết của các công trình nghiên cứu về giá cả ở cấp độ quốc gia trong việc dự báo chính xác.
Sau khi phân tích, các nhà khoa học đã tính được số tiền cần phải đầu tư mỗi năm (từ 2005 đến 2014) để cụ thể hóa Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 10 biết rằng kinh phí đầu tư cho hệ thống nước sạch (chiếm 50,2%) cao hơn so với kinh phí đầu tư cho các dịch vụ nước sạch (chiếm 49,8%).
Như vậy, từ nay đến năm 2014, chỉ để một nửa số người không tiếp cận được nguồn nước có thể sử dụng nước sạch, thế giới sẽ phải chi 42 tỉ USD để đầu tư cho các hệ thống cung cấp nước sạch và 142 tỉ USD cho các dịch vụ nước sạch ở các quốc gia đang phát triển. Số tiền phải chi tổng cộng là 18 tỉ USD mỗi năm.
Ngoài ra, để duy trì các dịch vụ hiện có (đa phần ở các quốc gia phát triển còn ở các quốc gia đang phát triển, chỉ tầng lớp khá giả mới được hưởng lợi từ các cơ sở này), từ 2005 đến 2014, phải chi thêm 538 tỉ USD: 322 tỉ USD cho việc bảo dưỡng các hệ thống cung cấp nước và 216 tỉ USD cho các dịch vụ nước sạch, tức 54 tỉ USD mỗi năm.
Như vậy, tính tổng cộng hai khoản (xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch mới cho các quốc gia đang phát triển và bảo dưỡng các hệ thống hiện có, chủ yếu ở các quốc gia phát triển), trong giai đoạn 2005-2014, mỗi năm thế giới sẽ phải chi tới 70 tỉ USD.
Công trình nghiên cứu của WHO còn cho biết: đầu tư mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch đem lại lợi ích chủ yếu cho người dân nông thôn (64%), trong khi đó đầu tư duy trì các hệ thống sẵn có sẽ mang lại lợi ích cho người dân sống ở thành thị (73%). Và để chương trình cung cấp nước sạch cho người dân này được triển khai hiệu quả, cần chi thêm 10 đến 30% tổng kinh phí nói trên cho chi phí quản lý hành chính, xây dựng chương trình.
Các số liệu do WHO đưa ra có thể bị chỉ trích. Thế nhưng, công trình này xứng đáng được trân trọng, nhất là khi cộng đồng quốc tế thường có thói quen gói gọn vấn đề thiếu nước trong khuôn khổ nhân đạo mà không nhìn nhận nó theo góc độ chính trị.
Biến đổi khí hậu và ODA
Thêm nữa, con số 500 tỉ USD theo ước tính mà cộng đồng quốc tế “có lẽ sẽ phải” dành ra hằng năm để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng nước sạch được xem xét khi nguồn tài nguyên này ở mức độ tương đối ổn định như trong quá khứ. Ấy thế mà, nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy do khí hậu Trái đất biến đổi, chu trình của nước đã thay đổi một cách sâu sắc và những diễn tiến đã định hình ấy đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài nguyên nước. Do vậy, cần có những chương trình nghiên cứu mới để dự báo những vùng bị ngập úng, khô hạn, xác định trữ lượng nước và phân bổ nguồn nước dùng cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới tiêu trong nông nghiệp.
Không bao lâu nữa, những chiến dịch nhân đạo rình rang của ngày Quốc tế vì nước sạch chẳng thể nào che đậy những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Nó tác động lên cả các quốc gia giàu có và các quốc gia nghèo đói, thu hẹp hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Nếu như các nước giàu xem cuộc chiến chống lại hiện tượng Trái đất nóng lên là ưu tiên hàng đầu vì nó đe dọa an ninh quốc tế và an ninh của từng quốc gia phát triển vốn không muốn từ bỏ mô hình phát triển của mình như Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Javier Solana tuyên bố trước Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh này hôm 13 tháng 3 năm 2008 thì những kẻ theo chủ nghĩa vị kỷ ở các quốc gia giàu có tất yếu sẽ cắt giảm sao cho các khoản tiền mà cộng đồng quốc tế đã “cam kết” hỗ trợ để giúp người dân các nước nghèo tiếp cận với nguồn nước chỉ còn là mớ giấy lộn.