Nước trên Trái Đất và Mặt Trăng có cùng nguồn gốc
Nước trong đá nham thạch ở Mặt Trăng rất giống với nước trên Trái Đất, một nhóm nghiên cứu của Mỹ khẳng định khi phân tích đồng vị của chúng.
Lượng nước trên mặt trăng được tìm thấy là rất thấp. Nhóm nghiên cứu do Alberto Saal đứng đầu đã phân tích chất lỏng trong các hạt thủy tinh nhỏ tồn tại trong khoáng vật Olivin của nham thạch mặt trăng và đã cho kết quả, các hạt này có mật độ 60 phần triệu (ppm) nước. Mặc dù nước có ý nghĩa rất lớn sự sống, nhưng Cơ quan hàng không vũ trụ Nasa lại không cho rằng, trên Mặt Trăng tồn tại sự sống.
Từ trước tới nay, các nhà khoa học tin rằng, trong sự hình thành của Mặt Trăng, tất cả các chất dễ bay hơi, đặc biệt là hydro sẽ bay hơi hoàn toàn. Theo giả thuyết, Mặt Trăng xuất hiện rất sớm trong Hệ Mặt Trời, sau một cuộc va chạm cách đây khoảng 4,5 tỷ năm của Tiền Trái Đất với một vật thể. Cuộc va chạm này làm bắn ra một mảnh của Trái Đất, và cùng với vật chất tàn tích của cuộc va chạm đã hình thành nên Mặt Trăng. Một phần động năng của cuộc va cham chuyển thành nhiệt, nhiệt này sẽ làm cho các vật chất nhẹ bay hơi hết. Vì thế, nhận định về sự tồn tại nước trong nham thạch trên Mặt Trăng của các nhà khoa học rất gây ngạc nhiên.
Nhóm các nhà khoa học đã phân tích thành phần đồng vị của nước trong nước trên Mặt Trăng. Nghiên cứu này rất khó khăn do lượng nước phân tích rất ít ỏi và vì thế, phép đo có thể sai số lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ của đồng vị bền của hydro là Deuteri (hay còn gọi là hydro nặng) với hydro trong nước Mặt Trăng phù hợp với tỷ lệ đồng vị trong nước trên Trái Đất, cũng như trong nước của thiên thạch giàu carbon Chondrite. Theo Alberto Saal, nước trên Mặt Trăng có từ 4,5 tỷ năm trước đây, tức là từ khi hình thành Mặt Trăng. Kết quả này cũng mở ra câu hỏi, làm sao lượng nước này có thể “sống sót” dưới sức nóng ghê gớm của sự hình thành Mặt Trăng.
Diệu Hoa dịch