Nước- vấn đề toàn cầu

Nếu không có gì thay đổi, chỉ trong vòng một thế hệ nữa, nghĩa là từ khoảng năm 2030, trên phạm vi toàn thế giới sẽ trở nên khô hạn. Vấn đề quản lí nguồn nước, nước ngọt, trong lục địa sẽ là vấn đề chính quyết định sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự lãng phí nước, sự ô nhiếm cũng như sự căng thẳng về nước (water stress), cách này hay cách khác sẽ tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.

Tình thế ngày càng đáng lo ngại.
Nước vừa là một nguồn tài nguyên thiết yếu đối với con người vừa là nguồn tài nguyên đặc biệt, sự phân bố của nó không hề tương ứng với những nhu cầu đang ngày càng tăng của con người. Trong tổng lượng nước của toàn thế giới, có tới 97% là nước mặn, và trong số 3% nước ngọt có thể sử dụng, có tới 70% tồn tại dưới dạng băng ở hai vùng cực và tuyết trên những đỉnh núi cao. Nước ngọt có thể sử dụng chỉ chiếm 1% tổng lượng nước toàn cầu. Về mặt địa lí, sự phân bố của nước là không đồng đều. 15% lượng nước ngọt toàn cầu được giữ tại khu vực Amazon. Ngay trong khu vực Địa trung hải, các nước giàu về tài nguyên nước (Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kì, Nam Tư cũ) chiếm tới 2/3 lượng nước toàn khu vực. Tình trạng này dẫn đến sự phân hóa những nước giàu và nghèo tính theo tỉ lệ tài nguyên nước trên đầu người: giao động từ chưa đến 100m3/năm đến 10.000m3/năm. Dưới ngưỡng 1000m3/năm/đầu người những căng thẳng bắt đầu xuất hiện và ngưỡng thiếu nước được xác định ở mức 500m3/năm. Không những thế lượng nước lại có sự phân bố không đồng đều theo thời gian. Có một sự mất cân đối về lượng nước giữa mùa khô hạn và mùa mưa và giữa các năm.
 

Trong vòng một thế kỉ vừa qua, trong khi dân số toàn cầu tăng lên ba lần thì mức tiêu thụ nước đã tăng lên sáu lần, trong đó nông nghiệp tiêu thụ tới 75% lượng nước ngọt toàn cầu và nhu cầu tưới tiêu của nông nghiệp lại không ngừng tăng lên cùng với sự phát triển dân số. Ngay cả những nước có khí hậu ôn hòa như Pháp thì lượng nước dành cho nông nghiệp cũng chiếm tới 30% tổng lượng nhu cầu. Tiêu thụ ở những thành phố lớn cũng không ngừng tăng lên. Ở đó có một kẻ tiêu thụ mới nhưng cũng vô cùng tham lam: du lịch. Tính trung bình, một khách du lịch trong một khách sạn hạng sang tiêu thụ từ 500 đến 800l nước/ngày, gấp nhiều lần mức tiêu thụ của cư dân bản địa. Kèm theo là các dịch vụ giải trí và vệ sinh. Một sân golf hằng năm tiêu thụ khoảng 10.000m3 nước cho một ha, tương đương với một diện tích trồng trọt trong nông nghiệp. Thêm vào đó thủy điện và công nghiệp cũng là những kẻ tiêu thụ nước với số lượng lớn. Cùng với những tác động xấu đến sinh thái và văn hóa – xã hội ở các khu vực nhà máy.
Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước đã dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm môi trường nước. Theo một thống kê của chương trình phát triển liên hợp quốc thì 85% lượng chất thải sản phẩm của công nghiệp và sinh hoạt con người được đưa thẳng vào môi trường không qua xử lí gây ra ô nhiễm môi trường nước, và ngày càng trở nên trầm trọng cùng với quá trình hiện đại hóa.
Một nguy cơ lớn khác là sự lãng phí nước. Trên thế giới hiện nay, mức độ áp dụng các biện pháp hiện đại trong tưới tiêu là hết sức không đồng đều thế nên nhu cầu nước phục vụ cho nông nghiệp giao động trong một biên độ rất lớn từ 2.000 đến 2.000m3/ha/năm và có tới 70% lượng nước dành cho nông nghiệp bị lãng phí. Ở những thành phố lớn, 50% lượng nước bị thất thoát dọc đường ống. Trong khi đó thì các đập dự trữ nước lại luôn bị thất thoát qua con đường bốc hơi. Ở Ai Cập, mỗi năm người ta mất 10 tỷ m3 nước ở đập Assouan, nghĩa là 12% lưu lượng nước của sông Nil.
Tình hình trên càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc quản lí tài nguyên nước đòi hỏi phải có những cơ quan quản lí chuyên trách, có tính cách liên vùng và liên quốc gia. Vậy mà hiện nay, đó lại chính là khâu còn thiếu. Hơn thế nữa, một chính sách tiết kiệm nước bằng giá cả thông qua việc quy định một mức giá bao hàm tất cả mọi thứ chi phí về sử dụng nước vẫn còn chưa được phổ biến. Càng ngày, người ta càng nhận thấy rằng không thể có một giải pháp thực sự cho vấn đề nước nếu không có sự tham gia tài chính trực tiếp của các đối tượng sử dụng.

Những giải pháp cấp bách, châu Âu và nước Pháp.

Trước những thực tế trên, một cuộc khủng hoảng nước có tính toàn cầu trong khoảng hai mươi năm tới hoàn toàn không phải là một sự cường điệu nếu không có những cái thiện thực sự có tính cách mạng hệ thống khai thác và tiêu thụ nước. Cần phải làm sao để sử dụng ít nước đi nhưng vẫn bảo đảm được nước tưới tiêu, công nghiệp cũng như sinh hoạt. Điều này đòi hỏi cùng với việc nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới làm giảm thiểu thất thoát nước, tái chế, chống ô nhiễm và đặc biệt một nỗ lực đáng kể trong việc giáo dục và thay đổi hành vi, cần có những giải pháp có tính tổng thể và dài hạn về vấn đề nước, trong đó sự hợp tác quốc tế là rất cần thiết để có thể hỗ trợ được các nước nghèo.
Trong cuộc tìm kiếm những giải pháp có tính tổng thể cho vấn đề nước toàn cầu, Liên minh châu Âu có thể được xem như một hình mẫu trong việc hợp tác quốc tế về bảo vệ tài nguyên nước với những Hiệp định khung có hiệu lực cho tất cả 27 nước thành viên. Trong Liên minh châu Âu, những nghiên cứu cũng như những thành quả thực tế trong quản lý nước và hợp tác khoa học và kĩ thuật cũng như Trợ giúp công cộng và phát triển đa phương của Pháp đã được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận và áp dụng: mô hình quản lí nước toàn bộ lưu vực sông, sự liên kết và nhượng bộ giữa các đơn vị quản lí và sử dụng nước, cơ cấu phối hợp quản lí và cung ứng dịch vụ phối hợp công – tư, mạng thông tin quốc gia về tài nguyên nước và hệ thống đào tạo nghề nước với Trung tâm quốc gia đào tạo nghề nước ở Limoges-La Souterraine. Có thể nói, tính đặc sắc của kinh nghiệm Pháp thể hiện ở tính liên kết và thỏa hiệp giữa các đơn vị tiêu thụ nước, hệ thống quản lí hiện đại và hữu hiệu tài nguyên nước, thương mại hóa các dịch vụ liên quan đến nước, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến nguồn tài nguyên nước và sử dụng nước.
(Tổng hợp từ bài viết của của Jean Francois Donzier tại website của Văn phòng quốc tế về nước)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)