Obama tuyên chiến với nạn “phá bĩnh bằng sáng chế”

Tổng thống Barack Obama vừa tuyên bố đã đến lúc phải mạnh tay với “sự phá bĩnh bằng sáng chế” (patent trolling), nhưng làm thế nào để xác định ai là kẻ “phá bĩnh” đây?

Patent Troll – tạm dịch là “phá bĩnh bằng sáng chế” – là tiếng lóng để chỉ một công ty vớ vẩn nào đó thu mua các bằng sáng chế mà Văn phòng cấp bằng Sáng chế và Thương hiệu (USPTO) Hoa Kỳ đã cấp lần đầu tiên cho ai khác chứ không phải cho công ty đó. Sau đó, kẻ phá bĩnh “khẳng định” bản quyền sáng chế bằng cách đe dọa sẽ kiện các doanh nghiệp vi phạm chúng. Đa phần doanh nghiệp bị dọa kiện chấp nhận giải quyết bên ngoài tòa án và phải nộp lệ phí bản quyền khủng đến mức có thể làm doanh nghiệp lụn bại.

Ví dụ, một “kẻ phá bĩnh” chiếm hữu một bằng sáng chế liên quan đến mạng không dây đã gửi thư đến 8.000 quán cà phê, nhà bán lẻ, và khách sạn yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi vì những cơ sở này cung cấp cho khách hàng của họ kết nối mạng không dây Wi-Fi miễn phí. Lại có trường hợp kẻ phá bĩnh yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải mua giấy phép vì kẻ đó có bằng sáng chế cho việc sử dụng các ứng dụng để mua hàng trực tuyến. Năm 2011, Trường Luật của Đại học Boston ước tính các doanh nghiệp đã phải chi đến 29 tỷ USD để đối phó với những kẻ phá bĩnh bằng sáng chế.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một loạt biện pháp mà ông hy vọng cuối cùng sẽ chấm dứt được nạn “phá bĩnh bằng sáng chế”. Mặc dù việc xác định những kẻ phá bĩnh có thể không dễ dàng chút nào.

Obama tuyên bố, tiền phải dành để chi vào việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và công ăn việc làm. Vì vậy Nhà Trắng đang yêu cầu Quốc hội buộc USPTO trong vòng sáu tháng tới phải thu hẹp phạm vi tác động của bằng sáng chế để mọi lĩnh vực của đời sống không thể bị phá bĩnh nữa. Obama cũng muốn ngăn chặn việc đòi bản quyền sáng chế đối với người sử dụng công nghệ, ví dụ như quán cà phê, mà chỉ được đòi hỏi đối với nhà sản xuất, chế tạo mà thôi. Nhà Trắng cho biết kẻ phá bĩnh phải xưng danh tính rõ ràng, không cho phép che giấu “lạm dụng kiện tụng và khai thác việc thỏa thuận [bên ngoài tòa án]” nấp sau các công ty vỏ bọc.

Alan Schoenbaum, cố vấn pháp luật cho Công ty lưu trữ web Rackspace ở San Antonio, Texas, nhận xét: “Đây là một bước tiến táo bạo của Tổng thống Obama, và nếu những đề nghị lập pháp này được ban hành, một sân chơi công bằng sẽ được thiết lập.” Theo Schoenbaum, điều quan trọng là những thay đổi mà Obama tạo ra phải làm cho kẻ phá bĩnh phải trả giá khi bị thua tại tòa án. Về bản chất, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ không cân bằng. Tại Anh chẳng hạn, người thua kiện bao giờ cũng phải trả tiền. “Điều đó giúp giảm số vụ kiện vớ vẩn xuống mức tối thiểu. Tuy nhiên, ở Mỹ hiếm khi kẻ thua cuộc phải trả tiền.”

Làm thế nào để xác định những kẻ phá bĩnh? Schoenbaum nói: “Nhiều cách lắm, kẻ phá bĩnh không hề phát minh, thực hiện hoặc phát triển bất cứ thứ gì cả. Khoảng từ 70 đến 90% bằng sáng chế của họ liên quan đến phần mềm hoặc phương pháp kinh doanh, và trong hầu hết các trường hợp, bằng sáng chế [bị đem ra làm vì] là phi lý.”

Nhưng Gregory Aharonian ở San Francisco, “một khắc tinh của bằng sáng chế”, người từng bác đi nhiều bằng sáng chế bằng cách chỉ ra sự trùng hợp ý tưởng của chúng với các sáng chế đã có từ trước, lại nghĩ rằng chuyện xác định kẻ phá bĩnh khá phức tạp. “Obama sẽ rất khó khăn để đối phó với vấn đề định nghĩa kẻ phá bĩnh,” ông nói, chủ yếu do một số công ty công nghệ lớn cũng hành xử như kẻ phá bĩnh khi họ nắm giữ những bằng sáng chế quá chung chung hoặc quá chuyên biệt mà họ chưa bao giờ khai thác sử dụng. “Bất cứ ai nắm giữ một bằng sáng chế phi lý, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng là kẻ phá bĩnh.”

Hành động duy nhất để có thể đè bẹp hiện tượng phá bĩnh bằng sáng chế là phải cải thiện đáng kể chất lượng bằng sáng chế, Aharonian phát biểu. “Điều làm mọi người tức tối không phải là mưu mô chiếm giữ bằng sáng chế, mà là những thứ rác rưởi cũng được tuyên bố là sáng chế!”

    XH  dịch theo New Scientist

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)