Ông trở về

Ông đã trở về với bùn lầy, lau sậy, và những rừng già nóng ẩm của Việt Nam. Ông trở về nước, như một nghịch lý, lại như định mệnh. Có giàu sang như ở Pháp, ở Đức thì đó cũng chẳng phải là quê hương ông.

Chỉ trong nháy mắt, ông quyết định ngay việc trở về với một lời thưa “Dạ!”.

Ông rời nước ra đi năm xưa chí tại trời cao khoa học. Và ông đã trở thành một con đại bàng của thế giới công nghệ thời Thế chiến thứ Hai.

Cuối những năm 20, ông đã nghiên cứu những sản phẩm bứt mạnh khỏi sức hút của trái đất. Ông là kỹ sư trong ngành chế tạo máy bay của nước Đức. Những chiếc máy bay cường kích Messerschmitt từng gầm thét trên khắp các bầu trời châu Âu. Bom bay V1, V2 cũng nằm trong sự thách thức trí tuệ của ông.

Nước Đức của Hitler bại trận. Nước Pháp giang tay rước ông về Paris, vào ngành hàng không của Pháp.

Như duyên nợ ba sinh, năm 1946 Cụ Hồ sang Paris và gặp ông.

Chú về cùng tôi giúp dân, giúp nước nhé!

Dạ!

Tiếng “dạ” của Nam bộ ấy, nhẹ nhàng, thân thiết, cẩn trọng.

Và ông xếp vali, chào Paris, thành phố nhiều ánh sáng cùng những nẻo khuất tối. Tôi mường tượng ông đã thản nhiên vứt cuốn sổ lương qua cửa sổ, thả nó trôi luôn theo dòng sông Seine. Lương ông lúc bấy giờ là một khoản tiền rất lớn, so với mức sống của tất cả mọi người dân nhân Pháp. Chính phủ Pháp đã mua tài năng của ông với cái giá 10.000 USD/tháng (5.500 Franc) lúc bấy giờ tương đương với 22 lạng vàng.

Ông là người si mê khoa học. Si mê đến thế thì có thể quên tất cả sự đời. Nhưng ông là ông. Ngồi trong cái phòng thí nghiệm hiện đại của Paris, đáy lòng ông vẫn còn xanh cây lúa dưới chân bùn, và dìu dặt những Lý con sáo, Lý quạ kêu…

Được đánh giá như một ông hoàng của khoa học kỹ thuật mũi nhọn, nước Pháp khôn khéo nào có bao giờ dám động nhẹ đến cái nguồn gốc “An-nam” dân thuộc địa của ông đâu.

Nhưng Cụ Hồ đã gặp ông, ông đã gặp Cụ Hồ. Thế là hết cho thực dân Pháp.

“Dạ!”, và ông thu xếp vali. Một vali đầy ứ sách. Và mấy tấn sách khoa học còn lại, ông đóng gòm gửi ngay trên chiếc chiến hạm Dumont Durville của hải quân Pháp. Chiếc Dumont Durville ấy sẽ đưa Cụ Hồ (và ông) từ Pháp trở về cái nước An-nam có tên mới: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Chính quyền pháp, hải quan Pháp, tình báo pháp không lạ gì cái khối sách ông đóng thùng đưa xuống khoang tàu chiến ấy. Nhưng vào thời bấy giờ, theo kế hoạch chiến lược của nhiều tướng tài nước Pháp, việc đánh chiếm Việt Nam cũng chỉ cần một đến hai năm. Vì vậy, chắc có quan chức Pháp nghĩ rằng: khối sách khoa học đó có đưa về Hà Nội, thì chẳng mấy chốc cũng sẽ chuyển vào cái thư viện mà Pháp lập lại ở Đông Dương thôi. Đằng nào cũng chỉ mất một công chuyên chở.

Ai hay, tất cả khối trí tuệ phương Tây in thành chữ nghĩa đó đã theo ông lên rừng Việt Bắc, chiến khu của kháng chiến Việt Nam.

Vào rừng, ăn cơm với măng, ông đã chiêu tập môn sinh đi thu nhập gang vụn, sắt vụn đi cưa bom lấy thuốc. Ông giảng sách cho môn sinh học. Việt Nam phải có cách đánh của Việt Nam. Việt Nam cần có vũ khí hợp hoàn cảnh Việt Nam.

Thế là Bazooka, SKZ… Trần Đại Nghĩa ra đời. Những lô cốt của phòng tuyến thực dân nổ tung.
Ông có lẽ là người trí thức Việt Nam duy nhất mà khi còn sống, đã được Cụ Hồ viết bài báo khen đến cái chí, cái tâm cùng với sự nghiệp anh hùng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)