Phá hủy đa dạng sinh học: Đại dịch sẽ xuất hiện thường xuyên hơn?

Các đại dịch trong tương lai sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới và dẫn đến cái chết của nhiều người hơn Covid-19, trừ khi có thay đổi trong cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các bệnh truyền nhiễm. 


Khói từ những đám cháy rừng bay qua một trang trại chăn nuôi gia súc ở bang Mato Grosso (Brazil) vào năm 2019. Nguồn: National Geographic

Tàn phá môi trường có liên quan tới bệnh tật

Phần lớn các dịch bệnh trên người đều bắt nguồn từ các virus trú ngụ trong các loài động vật hoang dã. Số lượng mầm bệnh tiềm ẩn này sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Một báo cáo của Tổ chức Liên chính quyền về nền tảng chính sách khoa học cho đa dạng sinh học và sinh thái (IPBES), Liên Hiệp Quốc, do 22 chuyên gia hàng đầu trên thế giới thực hiện, công bố vào ngày 30/10/2020 ước tính, có 1,7 triệu virus “chưa được phát hiện” đang tồn tại ở động vật có vú và các loài chim – trong đó, 540.000-850.000 loại virus có thể lây nhiễm sang người và gây ra bệnh tật. Đây cũng là kết quả của một hội thảo trực tuyến khẩn cấp do IPBES tổ chức kéo dài hàng tuần từ tháng 7/2020 nhằm thảo luận về mối liên hệ giữa suy thoái hệ sinh thái tự nhiên và gia tăng nguy cơ đại dịch.

Trung bình mỗi năm có năm loại bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang người – tất cả đều có nguy cơ bùng nổ thành đại dịch. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự xuất hiện của một số dịch bệnh từ thế kỷ trước: virus Ebola (từ dơi ăn quả); AIDS (từ tinh tinh); bệnh Lyme (do bọ ve) và virus Hendra (phát hiện lần đầu tiên tại trường đua ngựa Brisbane, Úc vào năm 1994). 

Sự gia tăng số lượng đại dịch không phải là điều ngẫu nhiên. Các hoạt động của con người đang gây sức ép lên môi trường và khiến con người tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật hoang dã. Chẳng hạn như dịch bệnh Ebola, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976, nhưng các đợt bùng phát xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Đợt bùng phát năm 2014-2016 đã giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi. Dù các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác bản chất lây truyền của Ebola, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nạn phá rừng có liên quan đến các đợt bùng phát trong giai đoạn 2004-2014. Nạn phá rừng đã chia cắt những cánh rừng thành từng mảnh nhỏ, điều này khiến các loài động vật hoang dã – vật chủ lây truyền Ebola tập trung lại với mật độ dày hơn, trở thành “hành lang” duy trì nguồn bệnh và mở rộng quá trình lây nhiễm. Sự phân mảnh rừng cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã dọc theo bìa rừng. 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Covid-19 là đại dịch toàn cầu thứ sáu kể từ Đại dịch cúm năm 1918, mặc dù bắt nguồn từ virus trên động vật, sự xuất hiện của Covid-19 hoàn toàn do các hoạt động của con người thúc đẩy, giống như mọi đại dịch khác. “Chẳng có bí ẩn to lớn nào về nguyên nhân của đại dịch Covid-19 – hoặc bất kỳ đại dịch hiện đại nào khác”, TS Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. “Các hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học, đồng thời dẫn đến nguy cơ đại dịch do tác động đến môi trường. Những thay đổi trong việc sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; buôn bán, sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã hủy hoại thiên nhiên và gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, mầm bệnh và con người. Đây là con đường dẫn đến đại dịch”.

Sự bùng nổ các đại dịch đã khiến nhiều người tử vong và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Báo cáo cho biết các đại dịch và bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người mới nổi khác có thể gây ra thiệt hại kinh tế hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tính đến tháng 7/2020, chi phí dành cho đại dịch Covid-19 ước tính lên tới 8-16 nghìn tỷ USD trên toàn cầu.

Phụ nữ và các cộng đồng bản địa là những đối tượng chịu thiệt hại đặc biệt do đại dịch. Nguyên nhân là do hơn 70% nhân viên xã hội và chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu là nữ, và các đại dịch trong quá khứ thường gây thiệt hại nhiều cho người dân bản địa, do sự cô lập về mặt địa lý.

 

Thay đổi mối quan hệ với môi trường

Trước thực tế này, các quốc gia đã tìm nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu nguồn gốc lây lan đại dịch, các chính phủ trên thế giới chủ yếu tập trung vào việc ứng phó – thông qua phát hiện sớm, ngăn ngừa lây lan và hy vọng vào sự phát triển nhanh chóng của vaccine và thuốc. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy, “đây là một con đường chậm chạp và không chắc chắn, trong lúc người dân trên toàn cầu đợi có vaccine, chi phí con người đang tăng lên, những sinh mạng mất đi, bệnh tật, suy thoái kinh tế và mất kế sinh nhai đang tiếp tục diễn ra”.

Cách tiếp cận này cũng gây ra suy thoái về đa dạng sinh học, chẳng hạn, dẫn đến việc tiêu hủy số lượng lớn các loài động vật được xác định mang mầm bệnh. Sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002-2004, hàng chục nghìn động vật hoang dã ở Trung Quốc đã bị tiêu hủy, đến nay loài dơi tiếp tục bị thảm sát sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nhìn từ những kinh nghiệm trong quá khứ, báo cáo của IPBES đã đề xuất cách tiếp cận bền vững và giải quyết vấn đề tới tận gốc rễ hơn, bao gồm việc thành lập một hội đồng quốc tế để giám sát hoạt động ngăn chặn đại dịch; dành các nguồn kinh phí để bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục. Các chuyên gia hy vọng, những thay đổi về mặt thể chế này sẽ giúp hạn chế sự bành trướng của các ngành công nghiệp đang tàn phá rừng như sản xuất dầu cọ, khai thác gỗ và chăn nuôi gia súc.

Họ ước tính, để triển khai toàn diện chiến lược nhằm giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai sẽ tiêu tốn khoảng 40-58 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp các quốc gia giảm bớt thiệt hại kinh tế do các đại dịch gây ra lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

“Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng là hiểu được quy mô hành động mà chúng ta phải thực hiện”, Lee Hannah, một nhà khoa học ở Tổ chức bảo tồn quốc tế (Hoa Kỳ) cho biết. “Đây không phải là việc nỗ lực thêm một bậc nữa mà là tín hiệu cho chúng ta thấy mình phải hành động ở cấp độ cao nhất từ trước tới nay”. TS Enric Sala ở National Geographic Society, một tổ chức giáo dục và khoa học phi lợi nhuận có trụ sở ở Hoa Kỳ bổ sung: “Chúng tôi cần sự đồng thuận của tất cả các quốc gia. Đặc biệt là những quốc gia sở hữu những vùng hoang dã lớn nhất còn sót lại trên Trái đất, không chỉ là nguồn đa dạng sinh học lớn mà còn là những giải pháp tự nhiên tuyệt vời nhất để giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Ba mươi quốc gia đã cam kết hỗ trợ “Chiến dịch vì Thiên nhiên” (do Hiệp hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ phối hợp với hơn 100 tổ chức bảo tồn trên thế giới khởi xướng) với mục tiêu bảo vệ 30% đất và biển trên toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, Brian O’Donnell, giám đốc chiến dịch cho biết, vẫn còn nhiều việc cần thực hiện để đi đến cam kết thực tế. Đền tháng 5/2021, các quốc gia sẽ nhóm họp về Công ước Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc nhằm đề xuất các chiến lược hành động để thực hiện mục tiêu này.

Việc triển khai các kế hoạch này đang gặp khó khăn, một phần do Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, O’Donnell cho biết, việc chậm trễ một năm cũng tăng thêm rủi ro. Bên cạnh đó, “chúng ta vẫn chưa thấy các cam kết tài chính thực tế để bảo tồn thiên nhiên mặc dù các chính phủ đang chi một số tiền lớn nhằm thúc đẩy điều này”, ông nói. Ngoài hạn chế về mặt kinh phí, O’Donnell cho biết, một rào cản lớn là thiếu sự hỗ trợ của các quốc gia đang diễn ra nạn phá rừng nghiêm trọng, chẳng hạn như Brazil.

O’Donnell hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ là một “hồi chuông cảnh tỉnh lớn” cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên. “Chỉ số ít nghe thấy tiếng chuông báo động”, ông nhận xét, tuy nhiên, “quá nhiều người vẫn đang mộng du”.

Bên cạnh việc chỉ ra giá trị của thế giới tự nhiên và động vật hoang dã, Hannah hy vọng báo cáo mới này sẽ giúp các bên liên quan thấy rằng sức khỏe con người là lý do bắt buộc để bảo tồn thiên nhiên. “Có một lý do ích kỷ để làm những việc này, đó là bảo vệ chính chúng ta”, Hannah nhận xét.□

Thanh An tổng hợp
Nguồn: https://www.ipbes.net/pandemics

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)