Phận người dưới tán cao su

Từ một loài thực vật ngoại lai, cây cao su bước vào đời sống kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa và góp phần dựng lên một mạng lưới quan hệ phức hợp giữa chính quyền thuộc địa, người dân bản xứ, môi trường tự nhiên và bệnh tật.

Người phu cao su tại đồn điền An Lộc. Ảnh:  J. Boyer/TL

Không chỉ ở Việt Nam mà trong nhiều quốc gia thời kỳ thuộc địa, cây cao su là một món hời cho ngân quỹ của chính quyền thực dân, thậm chí người ta còn gọi mủ cao su là “vàng trắng”, bên cạnh “vàng đen” (than đá). Cuộc du ngoạn qua các vùng đất của cây cao su, dưới bàn tay tính toán của các đế quốc, đem lại hoa lợi cho họ nhưng mặt khác làm thay đổi chóng mặt các quốc gia thuộc địa du nhập loại cây này. 

Góp phần làm nên những mẻ “vàng trắng” cho chính quốc là bàn tay lao động cần mẫn của những phu phen đồn điền, và cả sinh mệnh của họ. Cây cao su, nhân vật chính trên sân khấu kinh tế thuộc địa, trên thực tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhân vật thứ chính khuất lấp dưới tán lá. Mối quan hệ cây – người đó đã được định hình trong một lát cắt lịch sử.

Dòng di cư của người nông dân châu thổ Bắc bộ 

Những dòng người di chuyển trong đại dịch COVID-19 đã vén màn cho chúng ta thấy phần nào bức tranh phân bố lao động từ Bắc vào Nam, theo sức hút của những khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TPHCM… Nhưng không phải ở thế kỷ 21, lực lượng lao động từ các tỉnh thành phía Bắc mới Nam tiến. Từ thế kỷ 17, những người Việt đầu tiên đã tới Gia Định khai khẩn, định cư, lập thôn ấp. Xu hướng thiên di này liên tục diễn ra sau nhiều thế kỷ, khi thì tự phát, khi thì theo sự huấn dụ, cưỡng bức của triều đình, đã cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào và góp phần đem lại sự phát triển của vùng đất phía Nam.  

Quá trình dịch chuyển của những người nông dân đồng bằng Bắc Bộ, từ nơi mình và cha ông tồn tại tới một nơi chốn, một hệ sinh thái khác biệt, là chiến lược sinh tồn của họ, mỗi khi rơi vào cảnh bí bách sinh kế. Trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ”, học giả Pháp Pierre Gourou từ năm 1936 đã tính toán mật độ dân số vùng này lên tới 430 người/km2 và dự đoán vào cuối thế kỷ 20, mức tăng dân số sẽ lên tới 900 người/km2. “Qua phân tích mối quan hệ giữa ruộng đất, lao động hộ gia đình và cơ hội việc làm, có thể hiểu được sức ép kinh tế lên hộ gia đình nông dân đã đẩy họ tới quyết định di chuyển”, giáo sư Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) đã khái quát về lý do vì sao người nông dân phải bỏ xứ đi làm ăn xa, trong khi người ta vẫn mặc định không gian sống của họ chỉ quẩn quanh sau lũy tre làng. Trên thực tế, nếu cùng lắm, cảm hứng xê dịch dẫn lối nhà văn Nguyễn Tuân tham gia đoàn làm phim “Cánh đồng ma” và tới Hương Cảng vào năm 1938 thì mưu cầu sinh nhai còn đưa đôi chân người nông dân đi xa hơn. “Ở làng tôi, xưa nay đã có nhiều người đi phu mộ Nam Kỳ, Cao Miên, đi Tân Thế giới – các đảo thuộc địa Pháp ở châu Đại dương và Nam Mỹ. Mỗi phen hàng họ nghề giấy, nghề lụa ế ẩm, người ta bỏ làng đi mộ phu là thường. Từ đời các cụ đã thế. Lắm người đi nhất, ấy là mấy năm kém đói…” như lời kể của nhà văn Tô Hoài về chuyện làng ven đô của ông giữa những xô dạt xã hội ở ghi chép “Đi mộ phu”, in trong tập ký sự “Chuyện cũ Hà Nội”.

Tượng đài những người phu đồn điền cao su Dầu Tiếng, Bình Dương.

Những dòng chảy di cư đến vùng đất Nam kỳ vào những năm 1910 đã được thúc đẩy bằng một động lực mới: ở vùng Đông Nam Bộ, người Pháp đã lập nên các đồn điền rộng lớn, sau khi di thực thành công cây cao su vào năm 1897. Cho đến ngày nay, những đặc tính linh hoạt của loại polymer tự nhiên được trích xuất từ cây cao su và được xử lý lưu hóa vẫn khiến người ta cảm thấy kinh ngạc, như lời TS. Nguyễn Anh Nghĩa “sự đàn hồi, bền dẻo, kết dính, chống mài mòn, không thấm khí, chống nước, cách điện, cách nhiệt, hệ số ma sát cao trên bế mặt khô, thấp trên bề mặt ướt…”. Những đặc tính ấy cho phép cao su có mặt ở muôn nơi, từ lốp xe, linh kiện trong động cơ, giày dép, gối nệm, bao cao su, keo dán, găng tay… và mở ra một thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su rộng lớn toàn cầu. Vì vậy thật dễ hiểu động cơ nào đằng sau việc chính quyền thuộc địa thực thi một loạt chính sách khuyến khích người Pháp lấy đất, phá rừng, lập đồn điền, mở mang đường xá…

Hàng loạt đồn điền được lập nên ở vùng đất Đông Nam Bộ, nơi hội tụ quá nhiều điều kiện thuận lợi cho canh tác cây cao su (lượng mưa trung bình hằng năm 1.600 – 2.800 mm/năm, nhiệt độ 25 – 27 oC; vùng đất thấp…), tuy nhiên lại là nơi không dồi dào về nguồn nhân lực như khu vực đồng bằng sông Hồng. Thật vậy, có thể thấy điển hình cho sự chênh lệch dân số hai miền: vào năm 1930, dân số Nam Kỳ là 5,472 triệu người còn dân số Bắc Kỳ là 9,036 triệu người. 

Nhu cầu lao động khiến người Pháp kích hoạt những dòng di cư mới, qua những tờ thông báo mộ phu đi Nam Kỳ và Cao Miên dán khắp các tỉnh phía Bắc. Nhà văn Tô Hoài đã ghi lại hành trình của những người nông dân trở thành phu phen trong các đồn điền cao su:”Từ các nơi, họ xuống sở mộ ở Hải Phòng, xuống tàu thủy lênh đênh nhiều ngày rồi cập bến Sài Gòn, “ở tạm các nhà ‘Tân đáo’ xóm Chiếu bên Khánh Hội. Lúc nào xóm Chiếu cũng nhong nhóng cả nghìn người đợi đi. Các sở cao su ở Dầu Tiếng, Quảng Lợi, Đất Đỏ, Lộc Ninh, ở Thủ Dầu Một, ở Tây Ninh và đồn điền Chúp bên Kông Pông Chàm xuống lấy người”. 

Ở nơi đăng ký mộ phu, người nông dân không khỏi háo hức trước cả chục điều kiện như mơ mà các thông báo tuyển mộ nêu trong những dòng chữ có “mỗi chữ to bằng nửa đốt ngón tay” đập vào cặp mắt ngây thơ của người biết chữ. Về điều kiện sinh hoạt thì “gạo phát, đồ dùng rẻ, muốn thổi nấu lấy thì được ăn”, “có chỗ ở và nhỡ ốm đau có quan thầy thuốc trông nom không mất tiền”, về thu nhập “khi đã biết công việc lấy nhựa sẽ được hưởng thêm 0,50 đồng một ngày”, “lương năm đồng một ngày” với “giờ làm việc theo sắc lệnh của thanh tra lao động Việt Nam và Pháp”, về các điều kiện ưu đãi khác thì hứa hẹn “lúc đi được lĩnh không mất tiền một bộ quần áo, chăn, áo tơi, nón, chiếu”, “gia đình có con nhỏ có thể đem đi được”, “tiền tàu đi về sở chịu cả”…

Giữa quảng cáo và thực tại bao giờ cũng là một khoảng cách bởi “cái nhà mộ phu ở Hải Phòng chỉ là nơi đi mua người để ăn hoa hồng của các đồn điền, khéo khoác lác bịp trên giấy thông báo thế”, dẫn đến cú sốc đầu tiên trong đời làm phu “đồn điền này có thể tuyển chồng, không tuyển vợ, và có cho đem theo con hay không tùy người ta. Chồng đi Chúp trên Cao Miên, vợ đợi đi Đất Đỏ. Trong tay chủ hãng, người cu li như cá nằm trên thớt rồi”.

Những người cu li ấy, thực chất là nguồn sinh lực chủ đạo cho những đồn điền cao su bạt ngàn…

Giữa những giọt mủ sinh lời 

Đơn đặt hàng của các nhà công nghiệp châu Âu, đặc biệt là Michelin, khiến các đồn điền cao su ở Nam Kỳ trở thành các cỗ máy cung cấp cao su thô hằng năm. Đó là những mỏ vàng trắng mà trữ lượng tưởng chừng như vô hạn, khi có thể khai thác lâu dài từ 30 đến 40 năm (cho đến lúc cây hết vỏ cạo), dẫu các chủ đồn điền thường phải chờ tới 6, 7 năm mới có thể khai thác. Ví dụ, trong giai đoạn đầu thế kỉ, Yersin bắt đầu thu được thành quả vào năm 1905 từ những cây cao su trồng từ năm 1897.

Thật trùng khớp, đây cũng là quãng thời gian mà chính quyền thuộc địa miễn thuế cho các chủ đồn điền, những người sở hữu các diện tích đất ở những quy mô khác nhau – loại nhỏ nhất có diện tích nhỏ hơn 5 héc ta, cây cao su vốn được coi là bổ sung hoa lợi cho thu nhập gia đình bên cạnh các khoản hoa lợi khác; loại thứ hai do một người cai Việt Nam quản lý và vài nhân công, thuộc về một vài người giàu có bản địa; loại thứ ba thuộc về chủ Pháp hoặc do một người châu Âu được thuê quản lý; loại lớn nhất có diện tích hơn nghìn héc ta, nằm ở xa trung tâm đô thị và do một công ty có trụ sở ở Sài Gòn hoặc Paris điều hành. 

Nhưng dẫu thuộc về chủ nào thì những vùng đất cao su này vẫn cần bàn tay con người vun xới và khai thác thường nhật. Theo ghi chép của nhà văn Tô Hoài, ở đồn điền Dầu Tiếng của hãng Michelin, “hãng bổ đầu mỗi phu phải trông nom, sửa sang, cạo mủ hai hàng chín trăm cây cao su. Đến mùa cạo, sáng sớm chạy hai lần đôi bên hơn bốn trăm cây. Một lần đặt chén và cạo. Một lần trút mủ vào xô, rồi xách ra xe ô tô đậu đầu rừng”. Một người bạn cùng làng với ông đã liệt kê công việc quanh năm từ sáng đến chiều với 12 loại việc, phần lớn là công việc thổ mộc đào lỗ, làm đất, làm đường, đắp đê, cuốc líp…

Khách du lịch tham quan di tích đồn điền cao su Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Trần Anh/KT&ĐT

Kết quả của những lao động ấy là sự thịnh vượng của những chủ đồn điền. Theo Annuaire – hồ sơ ghi chép về tình hình sản xuất mủ cao su tại Đông Dương, tại các trang trại quy mô nhỏ của người bản xứ như ông Võ Văn Vê ở Gia Định với tổng diện tích 30 héc ta, thu hoạch được năm tấn mủ cao su khô và đem lại nguồn thu là 5.000 đồng Đông Dương mỗi năm. Tại các trang trại quy mô vừa của người Pháp, con số này còn lớn hơn nhiều. Ví dụ, từ trang trại rộng 500 héc ta, một chủ đồn điền 46 tuổi sống cùng vợ, bảy con, hai cháu, một tài xế, ba người hầu ở gần Biên Hòa đã kiếm được tổng thu nhập 75.400 đồng Đông Dương, trong đó 72.000 đồng từ mủ cao su, 1.000 đồng từ lúa gạo, 2.400 đồng từ thuê phòng. Việc ông ta phải trả 24.000 đồng nhân công cho phép chúng ta hình dung ra đồn điền này phải thuê khoảng 160 cu li, nhưng có thể ít hơn nếu tính lương cai và những người quản lý đồn điền khác, vốn hưởng lương cao hơn gấp nhiều lần. 

Vậy là từ một loài thực vật ngoại lai, cây cao su trở thành một trong những nguồn thu quan trọng ở Nam Kỳ, bên cạnh lúa gạo, bởi giá cả trên thị trường không ngừng biến động. Theo cuốn “100 năm cây cao su ở Việt Nam” của ông Nguyễn Văn Vinh thì vào năm 1909, giá cao su trên thị trường London là 15 franc/kg đã tăng lên hơn gấp đôi, 34,50 francs/kg vào năm sau. Đó là lý do người Pháp không ngừng mở rộng diện tích trồng cây cao su, ngay ở thời điểm diễn ra Chiến tranh Thế giới Thứ nhất: năm 1914, tổng diện tích là 14.000 héc ta và khi kết thúc chiến tranh là năm 1918 là 20.000 héc ta. Theo thời gian, diện tích vẫn được mở rộng mãi ra. Theo số liệu ghi chép của Annuaire thì giữa năm 1930 và 1936, diện tích này được nâng lên từ 40.750 héc ta đến 44.663 héc ta còn sản lượng mủ thu được tăng gấp đôi, từ 6.500 tấn đến 15.600 tấn. 

Trong từng cân mủ cao su khô, sau khi sơ chế và xử lý lưu hóa ban đầu, được chất lên tàu thủy chở sang chính quốc, không có khuôn mặt hay nhân dạng của những người phu đồn điền nhưng lại được tưới tắm bằng những giọt mồ hôi, và thậm chí là sinh mệnh của họ.

Phạm vi không ngừng được mở rộng của các đồn điền cao su trong không gian mới đòi hỏi một nguồn lao động dồi dào tương ứng, ví dụ giữa năm 1925 đến năm 1929, có trung bình khoảng 17.000 phu được tuyển dụng mỗi năm, dẫn đến tổng số 70.000 phu đồn điền trong năm 1930, một cái đỉnh nhân lực trong quá trình phát triển các đồn điền cao su thời Pháp thuộc. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến những dòng người di chuyển lớn và liên tục từ phía Bắc vào. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng không đủ đáp ứng nhu cầu ở các đồn điền cao su nên ngoài người nông dân châu thổ Bắc Kỳ và người Nam Kỳ ở tại chỗ, còn có cả người Thượng ở Tây Nguyên xuống, vốn là những người rất thạo việc phát rừng, trồng cây. Vào thời kỳ đó, cả Đông Nam Á là một nguồn cung cao su lớn cho thế giới nên nhu cầu nhân công rất lớn, và rất có thể, chứng kiến những dòng người dịch chuyển khắp khu vực.

Trong từng cân mủ cao su khô, sau khi sơ chế và xử lý lưu hóa ban đầu, được chất lên tàu thủy chở chính quốc, không có khuôn mặt hay nhân dạng của những người phu đồn điền nhưng lại được tưới tắm bằng những giọt mồ hôi, và thậm chí là sinh mệnh của họ.

Sốt rét và ngược đãi 

Những dòng người di chuyển trên quy mô lớn, những cuộc khai khẩn đất đai, phá rừng lập đồn điền và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ công cuộc khai thác cao su đã làm thay đổi diện mạo vùng đất Đông Nam Bộ, đặc biệt là môi trường sinh thái. 

Sự xáo trộn về mặt sinh thái và phân bố lao động đã đưa những căn bệnh truyền nhiễm mới đến vùng đất này. Một trong số đó là bệnh sốt rét, vốn là căn bệnh đặc hữu của các khu vực rừng thiêng nước độc, hiếm khi xuất hiện ở đồng bằng, nay dịch chuyển xuống những vùng đất thấp. Lịch sử đã chứng minh, việc người Pháp xây dựng tuyến đường sắt nối Hải Phòng – Vân Nam trong gần một thập kỷ, từ năm 1901 đến năm 1910, đã đưa người nông dân châu thổ sông Hồng tới làm việc trong những khu vực có bệnh lưu hành, dẫn đến nhiều ca phơi nhiễm. Một bác sĩ người Pháp tham gia khám chữa bệnh trên một phần tuyến đường sắt này, đoạn giữa Yên Bái và Lào Cai, từ năm 1904 đến 1905 đã ghi nhận: trong mùa mưa, trên đoạn đường dài có 45km, tỷ suất bệnh của công nhân là 57% và gần 90% số ca này là sốt rét. Khi kết thúc công việc, mà thời đó gọi là hết hạn công ta, những người phu mang trong mình mầm bệnh sốt rét và trở thành những vật chủ mới, giống như mang virus SARS-CoV 2 từ nơi có dịch COVID trở về làng. Do đó trong hai năm 1905-1906, ở Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Đông đã xảy ra sốt rét, thậm chí năm 1913, một cơn bùng phát dữ dội chạm đến nhiều làng ở Sơn Tây. 

Các biện pháp phòng chống của Viện Pasteur Đông dương đưa ra đều hướng đến xử lý môi trường và quá đắt đỏ với các chủ đồn điền, những người sẵn sàng chấp nhận tỉ suất nhiễm bệnh hoặc chết ở một mức độ nhất định như một chi phí của công việc.

Điều tương tự đã xảy ra ở Đông Nam Bộ. Những toán phu làm việc trong các đồn điền ở đây đã góp phần vào việc gia tăng phân bố tỷ suất mắc sốt rét trên bản đồ toàn cầu thời thực dân. Các nhà nghiên cứu không có dữ liệu người mắc bệnh ở giai đoạn đầu ở các đồn điền, điều đó cũng phản ánh một phần là ở giai đoạn đầu, có thể chủ đồn điền và chính quyền thực dân có thể coi đó là bệnh “thời khí”, không đáng để tâm. Tình trạng này chỉ được chú ý hơn vào cuối những năm 1910, khi bùng phát sốt rét ở vùng Đất đỏ phía Đông Nam Kỳ, tất cả phu phen đều bị nhiễm, và do đó có nhiều người bị chết. Điều này dẫn đến nguy cơ thiệt hại mùa thu hoạch mủ cao su.  

Khi đó, những tranh cãi về nguyên nhân mắc bệnh mới bùng lên trong giới chủ đồn điền và chính quyền. Người Pháp buộc phải quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu cơ chế mắc bệnh, sự tác động của môi trường sinh thái lên chu kỳ sinh trưởng của các loài muỗi… hơn là đổ tội cho chủng tộc hoặc thói quen vệ sinh. Họ phát hiện ra rằng, dịch sốt theo mùa xuất hiện tại một số vùng ở ĐBSCL gây ra sốt rét ở thể nhẹ, hay còn gọi là sốt rét Vivax. Sốt rét cũng xảy ra ở khu vực ven biển, tại cực Nam với nhiều ca sốt ác tính. Tuy nhiên vùng đất đỏ chính là nơi diễn ra dịch bệnh quy mô lớn, đòi hỏi phải có điều trị, ví dụ vào năm 1927, trong giai đoạn mở rộng diện tích trồng. Năm này, Viện Pasteur Sài Gòn cũng bắt đầu lấy mẫu máu để xác định người mang ký sinh trùng gây bệnh, số lượng người mắc tăng lên do lượng phu đồn điền nhập viện. 

Paul-Louis Simond, người tiếp nối công việc của Yersin khi phát hiện ra con đường lây truyền dịch hạch từ chuột sang người, đã lập bản đồ sốt rét ở Việt Nam vào năm 1907 và chỉ ra các điểm mắc bệnh là “vùng đất thấp, mật độ dân số cao và canh tác nông nghiệp” và “những vùng núi cao, bao phủ bởi rừng và diện tích đất chưa canh tác”. Những nơi hứa hẹn sinh lợi cho chính quyền thuộc địa cũng chính là những nơi chờ đợi các bác sĩ tới can thiệp. Thực tế chỉ vài năm sau đã diễn ra đúng như dự đoán của Simond. Năm 1914, một bác sĩ ở Tây Ninh ghi lại “Có thể nói rằng hầu hết các ca nhập viện hoặc tư vấn đều mắc sốt rét”. Đồn điền Bù Đốp ở Thủ Dầu Một báo cáo 237 phu trong tổng số 1.050 phu làm việc đã chết trong sáu tháng đầu năm 1927 và tỉ lệ chết trong số các ca nhiễm là 45%. Các đồn điền như Bù Đốp, nằm sâu trong vùng đất đỏ là nơi hứng chịu những cơn bùng phát nguy hiểm nhất, hầu như mọi đồn điền đều có phu bị nhiễm. 

Các biện pháp phòng chống của viện Pasteur Đông Dương đưa ra đều hướng đến xử lý môi trường và quá đắt đỏ với các chủ đồn điền, những người sẵn sàng chấp nhận tỉ suất nhiễm bệnh hoặc chết ở một mức độ nhất định như một chi phí của công việc. Một số chủ đồn điền có chút lương tâm hơn thì nỗ lực giảm bớt lượng phu chết và mắc bệnh thông qua diệt ổ muỗi và điều trị bằng ký ninh. Và từ năm 1909, chính quyền Pháp thuộc bắt đầu lập Dịch vụ Ký ninh (Quinine Service). Tuy vậy, không chỉ đắng mà vị thuốc này cũng không hoàn toàn thần kỳ và có người đã kháng thuốc. 

Điều đáng nói là trong thời kỳ này, chủ yếu các kết luận về nguyên nhân gây bệnh đều đổ lỗi cho chính người phu, cho rằng họ không đủ năng lực kiểm soát sức khỏe của mình. Không có kết luận y khoa nào cho thấy có sự liên hệ giữa tình trạng lao lực do nghèo đói, bị đánh đập với tình trạng dễ mắc sốt rét. Theo ghi chép của Tô Hoài, từ tài liệu của một người làng từng nhiều năm đi phu “gạo đỏ như màu củ nâu do hãng phát, mà cũng không đủ ăn. Thức ăn chỉ có cá khô. Thịt heo mỗi tháng hai kỳ. Không phải thịt heo mà chỉ có xương và da heo. Tranh nhau mua, hết không được thì thôi”. Các thảm họa mà họ phải đối mặt “ở Phú Miêng có các ông cai 54, 53, 27, ba ông này đánh chết người là thường, đánh dập lá lách không có gì can hệ, con người [bị] chặt tay ngay trước mặt các ông cũng khá. Số người trốn vào rừng bị hùm beo ăn thịt uổng mạng thì luôn luôn”. Những ai cáo ốm đi nhà thương mà “xem ra không phải là ốm thì bắt về sở cúp ba ngày làm không công không gạo, sáng sớm ra sân điểm chạy, năm hôm rồi đưa một lượt roi quất vào đầu óc mình mẩy rồi mới được đi làm”…

Tình trạng “Cao su đi dễ khó về…” rút cục chỉ được vãn hồi sau ngày đất nước thống nhất. Trang lịch sử đau thương này, dù nay đã được khép lại trong “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh, vẫn chứa đựng nhiều tham khảo có giá trị về một mảnh ghép trong bức tranh di cư Việt Nam thế kỷ 20, một minh chứng về mối quan hệ giữa bệnh dịch với môi trường, và gợi mở rất nhiều bài học khác.□

——————

Tài liệu tham khảo chính

“Di cư, đói nghèo và phát triển”. Nguyễn Văn Chính. NXB Khoa học xã hội. 2021

“Malaria, Colonial Economics and Migrations in Vietnam”. Annick Guénel (CNRS-Lasema). 4th Conference of the European Association of Southeast Asian Studies. Paris. 2004

“Profits or People? Rubber plantations and everyday technology in rural Indochina”.Michitake Aso. Modern Asian Studies. 2011

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)