Phân tích các ấn phẩm y sinh học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế 2002-2006

Y sinh học là một trong những lĩnh vực khoa học “nóng” trên thế giới hiện nay, vì sự tiến triển cực nhanh của các bộ môn như di truyền học và công nghệ sinh học. Có thể nói không ngoa rằng đa số các hoạt động khoa học đời sống (life science) ngày nay đều có định hướng phục vụ cho y khoa. Vấn đề đặt ra là giới khoa học Việt Nam làm việc trong ngành y sinh học đã có đóng góp gì cho y văn thế giới và mức độ đóng góp ra sao. Theo tôi biết, chưa có một phân tích nào trả lời câu hỏi này. Vì thế, tôi tiến hành một phân tích dựa trên các bài báo y sinh học xuất phát từ Việt Nam đã được công bố trên các tập san quốc tế trong vòng 5 năm qua (tính từ 2002 đến 2006).


Số liệu được thu thập từ các tập san trong danh sách của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information, hay ISI) theo phương pháp được mô tả trong phần Chú thích [2]. Viện này được thành lập từ năm 1961 và có nhiệm vụ hệ thống hóa tất cả các bài báo trên các tập san có hệ thống bình duyệt và được giới khoa học chuyên ngành chấp nhận; do đó việc thống kê các bài báo tương đối chính xác.

Ấn phẩm y sinh học trong tổng thể hoạt động khoa học ở Việt Nam
Trong thời gian từ 2002 đến 2006, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 2.469 bài báo khoa học trong hệ thống tập san ISI, hay tính trung bình là 494 bài / năm. Như vậy so với thời gian trước đó 2004, năng suất khoa học Việt Nam có phần tăng đáng kể (ước tính khoảng 45%) trong vài năm sau này. Đó là một con số đáng mừng.
Tuy nhiên, khi so sánh tổng số bài báo khoa học với các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, và Philippines, thì số lượng ấn phẩm của ta chỉ cao hơn Philippines, nhưng thấp hơn so với các nước khác (Xem chi tiết Bảng 1). Chẳng hạn như trong cùng thời gian, Singapore công bố được 27.956 bài (cao hơn Việt Nam 11 lần) và Thái Lan 11.429 bài (cao hơn Việt Nam 4,6 lần). Ấn phẩm khoa học của Malaysia cũng cao hơn Việt Nam gấp 2,8 lần (6.909 so với 2.469 bài).

Khoảng một phần ba (n = 830 bài) trong tổng số 2.469 bài báo khoa học của các tác giả từ Việt Nam liên quan đến ngành y sinh học. Tỉ lệ bài báo y sinh học của Việt Nam cao hơn Singapore (23%), Malaysia (22%), Philippines (29%) và Indonesia (31%), nhưng thấp hơn Thái Lan (44%). Qua con số này, có thể nói rằng Việt Nam và Thái Lan khá “mạnh” về lĩnh vực y sinh học so với tất cả các nước trong vùng.
Phân tích theo từng năm (Bảng 2) cho thấy một xu hướng đáng mừng: ngoại trừ năm 2006 số lượng bài báo y sinh học từ Việt Nam liên tiếp gia tăng. Tính trung bình mỗi năm số lượng bài báo y sinh học từ Việt Nam tăng khoảng 20 (hay khoảng 16%) mỗi năm. Tuy nhiên, trong cùng thời gian số lượng ấn phẩm từ Singapore cũng tăng xấp xỉ 138 bài / năm (hay 14%), hay Thái Lan tăng 98 bài / năm (12%). Ấn phẩm y sinh học từ các nước như và Indonesia và Philippines không thay đổi đáng kể trong vòng 5 năm qua.

Nội lực và hợp tác
Trong tổng số 830 bài báo y sinh học từ Việt Nam, chỉ có 19 bài (tức 2%) là hoàn toàn các tác giả Việt Nam đứng tên. Nói cách khác, chỉ có 2% các ấn phẩm y sinh học trên trường quốc tế từ Việt Nam là do “nội lực”; phần 98% còn lại là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, hoặc thực hiện ở nước ngoài.
Nước nào có nhiều hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y sinh học? Phân tích địa chỉ của tác giả cho thấy hai nước có tỉ lệ cộng tác lớn nhất là Mĩ (21%) và Nhật (19%). Các nước khác cũng có mức độ hợp tác đáng kể là Anh, Úc, Pháp và Thuỵ điển, với mỗi nước chiểm một tỉ lệ xấp xỉ 10%. Tình trạng này gần như giống nhau ở tất cả các nước khác trong khu vực, trong đó Mĩ và Nhật vẫn là hai đối tác khoa học hàng đầu ở các nước như Thái Lan và Malaysia. Riêng Singapore, nước hợp tác nhiều nhất là Mĩ (chiếm 17% tổng số bài báo y sinh học), tiếp theo là Trung Quốc (7,4%), Anh (6,5%) và úc (5,7%).

Lĩnh vực nghiên cứu

Bảng 3 cung cấp thông tin về 10 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu cho từng nước dựa vào các bài báo y sinh học trong thời gian 2002-2006. Qua các số liệu này, có thể thấy gần 1 phần 5 các ấn phẩm y sinh học Việt Nam tập trung vào lĩnh vực y tế công cộng và môi trường. Các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và dược học cũng chiếm một tỉ lệ khá cao (mỗi lĩnh vực chiếm khoảng 12%). Các nghiên cứu về công nghệ sinh học và ứng dụng sinh học hay sinh học phân tử chỉ chiếm khoảng 7% tổng số bài báo từ Việt Nam.
Tình hình trên rất khác với Thái Lan, nơi mà các nghiên cứu về dược học và dược phẩm chiếm hàng đầu (chiếm gần 13% tổng số bài báo y sinh học), sinh hóa và sinh học phân tử (~12%) và miễn dịch học (11%). Singapore, có lẽ do trình độ khoa học khá hơn, nên các nghiên cứu sinh hóa và sinh học phân tử của họ đứng đầu (với tỉ lệ ~16% tổng số bài báo). Điều đáng chú ý là các nghiên cứu y học lâm sàng và nội khoa của Singapore đứng hàng thứ 2 (chiếm 9% tổng số bài báo y sinh học), trong khi đó lĩnh vực nghiên cứu này không đứng trong hàng “top 10” ở các nước Đông Nam Á khác.

Chất lượng nghiên cứu
Về chất lượng tập san khoa học, phân tích chi tiết thêm cho thấy các bài báo y sinh học Việt Nam thường xuất hiện trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng (impact factor hay IF) tương đối thấp. Năm tập san công bố các bài báo nghiên cứu thuộc lĩnh vực y sinh học của Việt Nam nhiều nhất là American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (IF= 2,5) đăng 29 bài (3.5%); Journal of Clinical Microbiology (IF=3,5), 25 bài (3%); Tropical Medicine & International Health (IF=2,6), 24 bài (3%); International Journal of Tubeculosis and Lung Disease (IF=2), 19 bài (2.3%); và Chemical and Pharmaceutical Bulletin (IF=1.3), 17 bài (2%).

Có thể nói rằng sự có mặt của y sinh học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Thật vậy, ở bất cứ chỉ tiêu khoa học nào (như số lượng ấn phẩm khoa học, số chuyên gia có uy tín trên trường quốc tế, vị thế, v.v…) thì nước ta kém xa so với Thái Lan, Singapore, Mã Lai và thậm chí kém hơn cả Indonesia. Chỉ tính riêng trong ngành y sinh học, trong thời gian 5 năm (2002-2006), số lượng ấn phẩm khoa học từ nước ta chỉ bằng 9% so với Singapore, 22% so với Thái Lan, 36% so với Mã Lai, v.v…
Một điều đáng quan tâm hơn nữa là số lượng ấn phẩm khoa học từ nguồn nội lực, tức không cần đến hỗ trợ từ nước ngoài còn cực kì kém, chỉ chiếm 2% trong số các công trình được công bố trên các tập san quốc tế.

Đây cũng chính là tình hình chung cho các nước vùng Đông Nam Á. Hầu hết các tập san quốc tế mà các nhà khoa học Thái Lan và Singapore (hai nước có số lượng ấn phẩm y sinh học hàng đầu trong vùng) đều có chỉ số ảnh hưởng thấp (dưới 2). Gần 8% các bài báo của Singapore thường được công bố trên tập san địa phương của Singapore (tập san Annals Academy of Medicine Singapore, có trong hệ thống ISI) với chỉ số ảnh hưởng chỉ 0.7! Nói cách khác, Singapore và Thái Lan tuy có nhiều bài báo khoa học nhưng chất lượng của các bài báo đó — tính trung bình — có phần thấp hơn chất lượng các bài báo từ Việt Nam.
Các trung tâm nghiên cứu y sinh học hàng đầu
Vì phần lớn nghiên cứu y sinh học từ nước ta tập trung vào lĩnh vực y tế công cộng và dịch tễ học, cho nên không ngạc nhiên khi thấy khoảng 9% các bài báo y sinh học từ Việt Nam xuất phát từ Viện vệ sinh dịch tễ trung ương (Hà Nội) (Bảng 4). Nhưng điều đáng chú ý là hai trong số 10 trung tâm “sản xuất” các bài báo y sinh học từ Việt Nam lại có địa chỉ nước ngoài: Đại học Oxford (chiếm gần 8% các bài báo) và Viện Pasteur (5%). Thật ra, Đại học Oxford và Viện Pasteur hợp tác với Viện vệ sinh dịch tễ trung ương. Cũng có thể nói rằng hai đơn vị này mới chính là trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam!
Tình hình ở Thái Lan và Singapore khác hẳn với tình hình ở nước ta. Ở Thái Lan và Singapore, tất cả “top 10” trung tâm nghiên cứu đều có địa chỉ địa phương. Ở Thái Lan, gần 36% các bài báo y sinh học xuất phát từ Đại học Mahidol, kế đến là Đại học Chulalongkorn (~18%) và Đại học Chiang Mai (10%). Ở Thái Lan, các công trình nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore (hay NUS) chiếm gần phân nửa các công trình nghiên cứu y sinh học của nước này. Ngoài ra, điều đáng chú ý là các trung tâm nghiên cứu y sinh học hàng đầu của Singapore tập trung ở các bệnh viện, như Bệnh viện Đa khoa Singapore (14%), Bệnh viện thuộc Đại học Quốc gia Singapore (~10%), Bệnh viện Tan Tock Seng ~6%).
Ngay cả ở các nước như Indonesia, Malaysia và Philippines, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu đều là các đại học địa phương. Chỉ có ở Việt Nam, nơi mà đại học y khoa đóng vai trò rất khiêm tốn trong nghiên cứu y sinh học. Thật ra, Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí không nằm trong hàng top 10 các trung tâm nghiên cứu y sinh học với ấn phẩm khoa học quốc tế!

Chú thích: số phần trăm tính trên tổng số bài báo y sinh học trong thời gian 2002-2006.

Các tác giả hàng đầu
Phân tích các tác giả hàng đầu (top 10) cho thấy một xu hướng thú vị. Trong số 10 tác giả hàng đầu các bài báo y sinh học ở Việt Nam có đến 4 tác giả người nước ngoài: cụ thể là JJ Farrar (Trung tâm nghiên cứu bệnh nhiệt đới, Đại học Oxford, Anh) và NJ White (Đại học Mahidol, Thái Lan) và PJ De Vries (Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới, Hà Lan) và NPJ Day (Đại học Oxford). Bài báo của 4 tác giả này chiếm gần 18% tổng số bài báo y sinh học từ Việt Nam trong thời gian 2002-2006. Hai tác giả Farrar và White đứng hàng đầu và hàng hai về lượng bài báo, kế đến là tác giả TT Hiền (tức bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh), NTN Lan, TQ Binh, TTH Chau, HT Long, và NH Phu, với mỗi người công bố khoảng 16 đến 18 bài, tức khoảng ~2% (ngoài TT Hien công bố 40 bài) với các tác giả nước ngoài.
Trong số tác giả “top 10” của Thái Lan, NJ White là người đứng đầu với 135 bài báo y sinh học (chiếm 2,6% tổng số bài báo từ Thái Lan), kế đến là các tác giả Thái Lan mỗi tác giả công bố khoảng 1 đến 2% tổng số bài báo. Ở Singapore, tất cả các tác giả top 10 đều là người bản xứ, và mỗi tác giả chỉ “chiếm” khoảng 1% so với tổng số bài báo từ nước này. Tất cả các tác giả top 10 của Malaysia cũng là người bản xứ. Nhưng ở Indonesia và Philippines, có khoảng 2 đến 3 tác giả top 10 là người nước ngoài, chủ yếu do hợp tác quốc tế.

Bình luận
Qua các số liệu vừa trình bày trên đây, có thể nói rằng sự có mặt của y sinh học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Thật vậy, ở bất cứ chỉ tiêu khoa học nào (như số lượng ấn phẩm khoa học, số chuyên gia có uy tín trên trường quốc tế, vị thế, v.v…) thì nước ta kém xa so với Thái Lan, Singapore, Mã Lai và thậm chí kém hơn cả Indonesia. Chỉ tính riêng trong ngành y sinh học, trong thời gian 5 năm (2002-2006), số lượng ấn phẩm khoa học từ nước ta chỉ bằng 9% so với Singapore, 22% so với Thái Lan, 36% so với Mã Lai, v.v…
Một điều đáng quan tâm hơn nữa là số lượng ấn phẩm khoa học từ nguồn nội lực, tức không cần đến hỗ trợ từ nước ngoài còn cực kì kém, chỉ chiếm 2% trong số các công trình được công bố trên các tập san quốc tế. Trong số 830 bài báo y sinh học trong thời gian 5 năm qua, chỉ có 395 bài (tức xấp xỉ 50%) do tác giả người Việt Nam đứng đầu, nhưng ngay cả trong số này, các tác giả chính và chịu trách nhiệm (responsible author hay correspondence author) vẫn là người nước ngoài. Nói cách khác, đại đa số — nếu không muốn nói tất cả 811 bài báo y sinh học từ Việt Nam từ nguồn hợp tác – các tác giả Việt Nam chỉ là “lính đánh bộ” và sở hữu tri thức vẫn là tác giả nước ngoài, dù chất liệu nghiên cứu là từ Việt Nam và của người Việt Nam! Tình trạng này tôi gọi là “hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù” [3].
Tình trạng khoa học nhảy dù này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn hiện diện ở các nước khác, và tỉ lệ 50% tác giả nước ngoài đứng tên đầu bài báo cũng từng thấy trước đây. Tính từ 1993 đến 1998, tập san British Medical Journal công bố 59 bài báo với sự hợp tác giữa các nhà khoa học các nước Tây phương và các nước đang phát triển; trong số này, 58% bài báo mà tác giả đứng đầu là các nhà khoa học Tây phương. Tỉ lệ khoa học nhảy dù ở tập san Lancet là 57% (trong số 82 bài báo). Trong thời gian trên, tập san Science công bố 6 bài báo hợp tác, và tất cả đều do các nhà khoa học Tây phương đứng tên tác giả đầu. Tập san có ảnh hưởng càng cao, tỉ lệ khoa học nhảy dù hay khoa học thuộc địa càng cao. Nói cách khác, các nhà khoa học Tây phương chỉ “tử tế” với các nhà khoa học địa phương chỉ khi nào các bài báo đăng trên các tập san có ảnh hưởng thấp, nhưng với các bài báo trên các tập san ảnh hưởng lớn thì họ dành quyền đứng tên tác giả đầu.
Tình trạng tác giả bài báo như vừa đề cập liên quan đến vấn đề nội lực và khả năng chuyên môn trong nghiên cứu y học ở nước ta. Phải công nhận một thực tế là các giáo sư và nhà khoa học nước ta chưa quen với nghiên cứu khoa học ở tầm cỡ quốc tế, chưa quen với các kĩ năng nghiên cứu khoa học quốc tế, và do đó, chưa thể tự thực hiện những công trình nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy đại đa số các nghiên cứu y học từ Việt Nam là do hợp tác với các đồng nghiệp Tây phương. Tuy nhiên, ở Thái Lan hay các nước trong vùng cũng có hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài, nhưng các nhà khoa học địa phương vẫn là những người dẫn đầu nghiên cứu và do đó tri thức vẫn thuộc về đất nước họ. Còn ở nước ta, các tác giả hàng đầu lại là người nước ngoài!
Xem qua các lĩnh vực nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam qua các ấn phẩm trên các tập san quốc tế, có thể nói rằng trình độ nghiên cứu y họ ở Việt Nam còn thấp. Thật vậy, phần lớn các nghiên cứu y học nước ta chỉ tập trung vào các vấn đề y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới; chỉ có 7% là các công trình liên quan đến sinh học phân tử. Trong 10 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu không có các nghiên cứu về gen và di truyền học hay nghiên cứu về nội khoa và y học lâm sàng. Nhưng đây cũng là tình trạng chung ở các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Riêng Singapore thì gần như ở một “đẳng cấp” khác, vì phần lớn nghiên cứu ở đây tập trung vào các công trình mang tính “công nghệ cao” như sinh học phân tử, sinh hóa, công nghệ sinh học, di truyền học, thần kinh học, ung thư học và y học lâm sàng.

Tại sao số lượng ấn phẩm y học (và khoa học nói chung) từ Việt Nam còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế?

Thứ nhất là nước ta thiếu một “văn hóa nghiên cứu khoa học”. Các đại học nước ta vẫn chưa xem nghiên cứu khoa học là một lí do để tồn tại, và do đó chưa quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Có lẽ đó chính là lí do giải thích tại sao các nước trong vùng, các đại học là những “nhà sản xuất” ấn phẩm khoa học cống hiến cho kho tàng y văn quốc tế, còn ở nước ta, phần lớn các nghiên cứu lại xuất phát từ các trung tâm y tế.
Ở nước ngoài, các bài báo trên các tập san quốc tế là tiêu chuẩn số 1 để phong chức giáo sư và phó giáo sư [4], và đó chính là một động lực mạnh mẽ nhất để các nhà khoa học phải nghiên cứu khoa học và không ngừng đi tìm cái mới trong y sinh học. Nhưng ở nước ta, các chuẩn mực đề bạt chức vụ giáo sư đại học vẫn chưa đặt nặng vào các công trình nghiên cứu tầm quốc tế, mà đánh đồng với các công trình trong nước một cách thiếu hợp lí.
Cần phải nhấn mạnh rằng một công trình nghiên cứu thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải bỏ thì giờ, tạm bỏ qua công ăn việc làm để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hi sinh một phần da máu cho nhà nghiên cứu. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cám ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lí của nhà nước.

Cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như là một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ y tế và Bộ khoa học) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn, và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y sinh học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng, chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lí hành chính, và do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước.

Thứ hai là vấn đề kinh phí. Ở nước ta phần lớn ngân sách cho nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam phần lớn xuất phát từ Bộ y tế và Bộ khoa học, công nghệ và môi trường, nhưng kinh phí còn quá thấp, nên chưa thể thực hiện những nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Có công trình nghiên cứu dịch tễ học qui mô trên hàng ngàn đối tượng mà kinh phí cũng chỉ 50 ngàn USD! Với một kinh phí như thế, không ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp trong nước phải hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài để tìm thêm nguồn kinh phí nghiên cứu.
Người viết bài này có cảm giác hình như các bộ liên quan đến khoa học và y tế vẫn chưa nhận thức rõ nhu cầu đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển như Thái Lan (và trước đó là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) đã sớm nhận thức vai trò của nghiên cứu cơ bản nên họ đã đầu tư nhiều vào các công trình này, và ngày nay họ đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Để khoa học Việt Nam vươn cao tầm quốc tế, không có con đường nào khác là cần phải tăng cường ngân sách nghiên cứu y sinh học, nhất là nghiên cứu cơ bản. Chỉ có các nghiên cứu cơ bản mới là đòn bẩy để phát triển cơ sở vật chất khoa học và qua nghiên cứu cơ bản chúng ta mới tạo được một đội ngũ khoa học gia với chuyên môn sâu cho nước nhà.
Ngoài ra, cách phân phối kinh phí là một vấn đề cần được xem xét lại. Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như là một cuộc đấu thầu xây dựng. Cơ quan chủ quản (Bộ y tế và Bộ khoa học) ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ đơn, và các cơ quan chủ quản xét duyệt. Nhưng nhu cầu nghiên cứu y sinh học phải xuất phát từ thực tế lâm sàng và cộng đồng, chứ không thể xuất phát từ cơ quan quản lí hành chính, và do đó nhiều đề tài nghiên cứu mà các bộ đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu y tế thực tế trong nước. Thật vậy, nhìn qua các đề tài nghiên cứu mà Bộ y tế ra thông báo trong năm nay, tôi thấy có hơn ba phần tư đề tài hoặc là không đem lại lợi ích lâm sàng cho người bệnh, hoặc là không thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay.
Thứ ba là vấn đề nhân lực. Thiếu kinh phí và thiếu phương tiện hiện đại chỉ là vấn đề mang tính “ngoại tại”, còn một nguyên nhân “nội tại” đáng quan tâm hơn là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn còn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các giáo sư hay nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Phần lớn các giáo sư cũng chưa quen với cách làm khoa học theo các chuẩn mực quốc tế. Có lẽ vì lí do này mà rất nhiều nghiên cứu y học ở Việt Nam còn quá nhiều sai sót và khả năng các công trình này xuất hiện trên các diễn đàn khoa học quốc tế rất thấp [5].
Theo thống kê năm 2000, chỉ có 15% thầy cô đại học có học vị tiến sĩ (một học vị cần thiết cho nghiên cứu khoa học độc lập), và trong số mang hàm giáo sư, phần lớn ở độ tuổi 60 – 65. Với một lực lượng yếu như thế, không ngạc nhiên chúng ta chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên trường quốc tế như là một tập thể. Trong khi đó thì số lượng sinh viên chịu dấn thân vào nghiên cứu khoa học còn quá ít, vì viễn ảnh về đồng lương dành cho các nhà khoa học quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nghèo nàn. Vì thế, ngay từ bây giờ nhà nước cần phải có chính sách thu tuyển nhân tài, nhất là giới trẻ, vào hoạt động khoa học và nghiên cứu khoa học. Cần phải khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp khoa học, và biến nghiên cứu khoa học thành một nghề nghiệp hấp dẫn.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong nghiên cứu y sinh học tầm quốc tế, các đại học và trung tâm nghiên cứu (kể cả bệnh viện) cần phải tuyển dụng các chuyên gia, giáo sư, hay giảng viên trẻ có tài năng thật sự, và tạo điều kiện cho họ (như thời gian và phương tiện nghiên cứu) và trao cho họ quyền tự do theo đuổi những ý tưởng nghiên cứu mà họ thích và có khả năng thực hiện. Cần phải có những hình thức khuyến khích tài chính cho các nhà khoa học có công trình trên các tập san quốc tế. Ở một số đại học tại các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, v.v… người ta thưởng khá nhiều tiền (lên đến hàng ngàn USD) cho các tác giả có công trình công bố trên các tập san quốc tế có uy tín cao. Ngay cả tại Úc, một số trường sẵn sàng tặng hàng ngàn đô-la cho các nhà nghiên cứu có công trình đăng trên các tập san với hệ số ảnh hưởng trên 10.

Ở Việt Nam có khá nhiều tập san y học, nhưng không có tập san nào viết bằng tiếng Anh, và hệ thống bình duyệt cũng chưa hoàn chỉnh. Do đó, một trong những biện pháp thực tế nhất để nâng cao sự có mặt của nghiên cứu y học Việt Nam trên trường quốc tế là kiện toàn và kết nhập các tập san y học thành một tập san tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, với ban biên tập từ các giáo sư uy tín ở trong và ngoài nước.

Thứ tư là vấn đề tổ chức. Hiện nay, có thể nói là chúng ta đang có khá nhiều viện và cơ sở nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc trực thuộc các trường đại học, hoặc rải rác ở các Bộ, tỉnh, mà chức năng của các việc này nhiều khi chồng chéo một cách không cần thiết. Vì thế, việc làm cấp bách nhất là cần phải tổ chức và kiện toàn lại hệ thống các viện, các cơ sở nghiên cứu khoa học, và các trường đại học để tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất [vốn đã hạn chế] một cách tối đa, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Kinh nghiệm ở các nước Tây phương cho thấy, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học đều nằm trong hệ thống đại học; các nhà khoa học trong các viện này không chỉ làm nghiên cứu mà còn có nhiệm vụ giảng dạy, và do đó tiết kiệm được tiền bạc. Qua giảng dạy, các nhà nghiên cứu còn có cơ hội tuyển sinh viên để huấn luyện họ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sau này.
Thứ năm là vấn đề ngôn ngữ, hay nói cụ thể hơn là tiếng Anh. Ngày nay, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ khoa học quốc tế. Vào thập niên 1980s, trên 60% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh; hai mươi năm sau, con số này là trên 80% [6]. Trong lĩnh vực y sinh học, hiện nay hơn 90% các tập san sử dụng tiếng Anh. Trong khi đó, tiếng Anh lại là một điểm yếu của các nhà khoa học nước ta, do một phần lớn được đào tạo từ các nước Đông Âu trong thời gian trước 1975. Vì khả năng tiếng Anh còn quá nhiều hạn chế [6], cho nên dù một công trình nghiên cứu có ý nghĩa cũng khó mà xuất hiện trên các tập san y sinh học quốc tế. Tôi biết khá nhiều nghiên cứu từ Việt Nam rất thú vị, nhưng vì tác giả viết tiếng Anh quá nhiều sai sót nên ban biên tập đành phải “đau lòng” từ chối! Vấn đề tiếng Anh, mới đầu thoạt nghe qua tưởng như rất nhỏ, nhưng trong thực tế lại là một hàng rào cản trở rất lớn cho các đồng nghiệp trong nước.

Và sau cùng là các tập san khoa học Việt Nam chưa vươn đến tầm quốc tế. Một trong những lí do mà Thái Lan và Singapore có nhiều bài báo khoa học hơn Việt Nam là hai nước này có các tập san khoa học, kể cả tập san y sinh học địa phương, được viết bằng tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt và được Viện Thông tin Khoa học (tức ISI) công nhận. Chẳng hạn như Thái Lan có tập san Journal of the Medical Association of Thailand (tập san y học của hội y học Thái Lan), tập san ScienceAsia, và Singapore có tập san Annals Academy of Medicine Singapore là diễn đàn của các bác sĩ và nhà khoa học địa phương. Vì các tập san này được ISI công nhận, cho nên các bài báo ở đây được tính trong hệ thống của PubMed. Để được ISI công nhận các tập san này đã phải trải qua thời gian từ 5 đến 10 năm hoạt động và với những công trình có chất lượng, có qua bình duyệt (peer review).
Ở Việt Nam có khá nhiều tập san y học, nhưng không có tập san nào viết bằng tiếng Anh, và hệ thống bình duyệt cũng chưa hoàn chỉnh. Do đó, một trong những biện pháp thực tế nhất để nâng cao sự có mặt của nghiên cứu y học Việt Nam trên trường quốc tế là kiện toàn và kết nhập các tập san y học thành một tập san tiếng Anh, có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, với ban biên tập từ các giáo sư uy tín ở trong và ngoài nước. Trong giai đoạn đầu, tập san có thể chỉ xuất bản 2 tháng hay 3 tháng một lần, nhưng với những công trình nghiên cứu có chất lượng cao (tức là làm đúng phương pháp, ý tưởng mới, và diễn dịch một cách khoa học). Phải cố gắng sao cho 2 hay 3 năm sau tập san có trong danh bạ tập san của ISI.
Một vấn đề khác tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa quốc gia, cần phải đề cập đến ở đây là một số (nếu không muốn nói là nhiều) nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang nghiên cứu hay làm luận án ở nước ngoài và khi công bố ấn phẩm khoa học thường không ghi địa chỉ từ Việt Nam, mà chỉ ghi địa chỉ nơi họ đang theo học. Tình trạng này chẳng những không hợp lí (vì cá nhân nghiên cứu sinh xuất phát từ Việt Nam) mà còn làm ảnh hưởng đến năng suất khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế. Vấn đề này thoạt đầu mới nghe qua như là chuyện nhỏ, nhưng các đại học Tây phương xem là chuyện quan trọng đến nổi lãnh đạo trường có hẳn những văn bản và điều lệ chính thức yêu cầu các nhà nghiên cứu phải ghi rõ địa chỉ đại học hay viện nghiên cứu mà họ đang công tác hay đang giữ những chức vụ kiêm nhiệm. Do đó, các đại học Việt Nam cần phải khuyến khích, hay nói đúng hơn là yêu cầu, các nghiên cứu sinh của trường ở nước ngoài khi công bố bài báo trên các tập san quốc tế, ngoài địa chỉ của trường họ đang theo học, cần phải đề tên trường Việt Nam vào phần địa chỉ tác giả của bài báo.
Nhưng bất kể biện minh cách nào, bất kể dựa vào tiêu chuẩn nào, một thực tế đáng buồn là sự có mặt (hay đóng góp) của khoa học Việt Nam nói chung và y sinh học Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế còn cực kì khiêm tốn. Mức độ đó không hay chưa tương xứng với truyền thống khoa bảng của dân tộc. Một điều còn đáng quan tâm hơn là chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất sở hữu tri thức khoa học địa phương vào tay người nước ngoài. Chúng ta cần phải nâng cao sự có mặt của ngành y sinh học trên trường quốc tế để nâng cao uy thế khoa học của Việt Nam, và để thực hiện hoài bảo đó, chúng ta cần phải cải cách hệ thống hoạt động khoa học, hệ thống xuất bản ấn phẩm khoa học, và cải cách phải bắt đầu ngay từ hôm nay chứ không phải ngày mai.

“Tôi nghĩ môi trường y tế ở nước ta có nhiều chất liệu và đề tài nghiên cứu rất hay (tôi nói “rất hay”) và quan trọng. Những lĩnh vực như y học cổ truyền, tác dụng của các loại thảo dược địa phương, các làng ung thư, các bệnh nghề nghiệp, v.v… là những đề tài nghiên cứu mà nước ngoài rất khó mà có được. Đồng nghiệp trong nước hoặc là không thấy hoặc thấy mà không làm được. Không làm được là do thiếu được huấn luyện về phương pháp khoa học và kém tiếng Anh. Nhìn qua những nghiên cứu ở trong nước có thể thấy ngay nhiều yếu kém, sai sót về phương pháp, và do đó, các nghiên cứu này khó có thể công bố trên các tập san quốc tế.

Lấp vào khoảng trống đó là các đồng nghiệp phương Tây, khi đến Việt Nam họ phát hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu. Trong thực tế họ cũng đã có những hợp tác có ích với đồng nghiệp trong nước. Chỉ tiếc một điều là các hợp tác đó, theo tôi, vẫn chưa được công bằng và sòng phẳng. Tôi nói “chưa được công bằng” là vì phần lớn các đồng nghiệp trong nước đóng vai trò quá lu mờ, phụ việc cho đồng nghiệp phương Tây, dù chất liệu là từ Việt Nam. Thật ra, điều này cũng hiểu được vì nó xuất phát từ sự yếu kém về phương pháp học của ta, cho nên đứng về mặt công trạng khó mà cạnh tranh lại với các đồng nghiệp phương Tây. Hệ quả là tri thức và dữ liệu về Việt Nam lại nằm trong tay người phương Tây!

Nói về phuơng pháp tôi có nhận xét rằng nhiều thầy cô trong nước còn quá bảo thủ lắm, và sự bảo thủ của họ có thể gây tác hại nên năng suất khoa học của giới trẻ. Có lần tôi nói chuyện về các mô hình nghiên cứu mới trong y khoa, có người nói rằng “Những gì thầy nói, chúng em rất thích; những phương pháp mới em cũng nghe qua và thấy người ta làm như thế, nhưng nếu chúng em ứng dụng các phương pháp đó, thầy cô em sẽ không biết và đánh trượt chúng em!” Thoạt đầu mới nghe qua tôi cứ tưởng là chuyện đùa, vì làm sao có chuyện thầy cô chống lại những phương pháp chuẩn được. Ấy thế mà một lần khác, lại có một ý kiến y như thế, và qua trao đổi nhiều người khác tôi mới biết đó là một thực trạng ở trong nước. Có em nói với tôi: “Thôi, xin lỗi thầy, chúng em làm theo cách cũ cho chắc ăn.” Với thế hệ mới mà họ làm như thế thì làm sao chúng ta khá được. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy và văn hóa khoa học, và sự thay đổi này phải bắt đầu từ người thầy, người hướng dẫn luận án. Các thầy cô cần phải học cách nói “Tôi không biết”, chứ không nên vì không quen với cái mới mà làm cản lại sự tiến bộ và tiếp cận cái mới của giới trẻ. Ở nước ngoài chúng tôi thường nói với nghiên cứu sinh như thế này: “Chúng tôi muốn em sau khi tốt nghiệp tiến sĩ phải là chuyên gia của vấn đề, là người thầy dạy lại chúng tôi về vấn đề mà em nghiên cứu”. Bây giờ nghĩ lại cách nói đó cũng giống như cách nói của ông bà ta “Con hơn cha, nhà có phúc” vậy.”

——————–

Chú thích:
[1] Xem bài “Nhìn lại 10 năm công bố ấn phẩm khoa học Việt Nam: các nhà khoa học nghĩ gì qua những bài báo đăng trên tạp chí quốc tế?” của Phạm Duy Hiển, Tạp chí Hoạt động Khoa học, số tháng 1 năm 2006, web: http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2033
[2] Tôi sử dụng công cụ tìm kiếm dữ liệu Web of Science thuộc hệ thống ISI Web of Knowledge v3.0, với từ khoá mã nước là Vietnam OR Viet Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand. Sau khi thu thập được tổng số các bài báo thuộc các ngành, tôi tuyển chọn vào ngành y sinh học (biomedical sciences) bằng các sử dụng công cụ “refining” để chọn lọc các bài báo theo chủ đề có liên quan đến ngành y sinh học (loại trừ ngành độc tố học). Toàn bộ các số liệu thu thập được truy xuất ra tập dữ liệu gốc để tính toán.
[3] Xem bài “Làm khoa học kiểu nhảy dù” của Nguyễn Văn Tuấn, đăng trên Tia Sáng, số tháng 6 năm 2007.
[4] Trong ngành y khoa, để xét đề bạt giáo sư trong các đại học Tây phương, ngoài các tiêu chuẩn về giảng dạy, tài trợ nghiên cứu và phục vụ xã hội, một tiêu chuẩn quan trọng số 1 là số lượng và chất lượng bài báo khoa học của ứng viên. Theo một qui định gần như “bất thành văn”, muốn được đề bạt lên “assistant professor” (giáo sư dự khuyết) ứng viên phải có từ 3-5 bài báo khoa học; một associate professor (phó giáo sư) phải có từ 15 bài báo khoa học trở lên (trong số này 5 bài phải là tác giả đầu); và một professor (giáo sư) phải có từ 50 bài báo trở lên (và trong số này phải là tác giả đầu của 20 bài). Đây chỉ là những tiêu chuẩn rất chung chung và có thể nói là tối thiểu. Cố nhiên, các tiêu chuẩn này còn tùy thuộc vào trường đại học và chuyên môn, cho nên không ai có thể đưa ra một qui định chính xác được.
[5] Xem bài “Nghiên cứu y học ở Việt Nam: đặc điểm, thiếu sót và sai sót” của Nguyễn Văn Tuấn, đăng trên Tạp chí Thời sự Y học của Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, số tháng 1, 2 và 3 năm 2007.
[6] Large A. The foreign language barrier. Deutsch, London: 1983.

——————————-
Trong hoạt động khoa học, các tập san khoa học là những tờ báo xuất bản định kì, có thể là mỗi tuần một lần, mỗi tháng, hay mỗi 3 tháng, thậm chí hàng 6 tháng một lần. Mục tiêu chính của các tập san khoa học là chuyên chở thông tin đến giới nghiên cứu khoa học nhằm từng bước phát triển khoa học. Các tập san khoa học còn là những diễn đàn khoa học để giới khoa học có cùng chuyên môn trao đổi và học hỏi với nhau. Phần lớn các tập san khoa học rất chuyên sâu về một bộ môn khoa học như American Heart Journal (chuyên về tim), American Journal of Epidemiology (dịch tễ học), Bone (xương), Blood (máu), Neurology (thần kinh học) … nhưng một số tập san lớn như Science, Nature, Proceedings of the National Academy of Science USA … công bố tất cả nghiên cứu từ bất cứ bộ môn khoa học nào.
Trên thế giới ngày nay, có khoảng 3000 tập san y sinh học được công nhận, và con số vẫn tăng mỗi năm. (Được công nhận ở đây có nghĩa là được nằm trong danh sách của tổ chức Index Medicus). Tiêu chuẩn mà các tập san này dựa vào để công bố hay không công bố một bài báo khoa học cũng rất khác nhau. Một số tập san như Science, Nature, Cell, hay Physical Reviews chỉ công bố những bài báo khoa học mà ban biên tập cho rằng thể hiện những cống hiến cơ bản, những phát hiện quan trọng, hay những phương pháp mới có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Do đó, các tập san này từ chối công bố hầu hết các bài báo khoa học gửi đến cho họ. Theo một báo cáo gần đây các tập san này chỉ công bố khoảng 1% những bài báo họ nhận được hàng năm. Nói cách khác, họ từ chối khoảng 99% bài báo. Trong y học, các tập san hàng đầu như New England Journal of Medicine, Lancet, và JAMA từ chối khoảng 95% các bài báo gửi đến, và chỉ công bố những bài báo quan trọng trong y khoa.
Hai chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá năng suất khoa học của một nước là số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt (peer reviewed journals), và số tác giả thuộc nước đó đứng tên đầu (hay tác giả chính) của bài báo. Trong vài năm gần đây, trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề hoạt động khoa học và năng suất nghiên cứu khoa học ở nước ta đang được đặt ra khá nhiều lần. Năm ngoái, giáo sư Phạm Duy Hiển tiến hành một phân tích thống kê các bài báo khoa học có nguồn gốc từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế, và kết quả rất đáng để cộng đồng khoa học nước ta phải suy nghĩ. Theo phân tích này, trong thời gian 10 năm (1995 đến 2004), các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 3.236 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nói cách khác, tính trung bình, mỗi năm cả nước chỉ công bố khoảng 320 bài báo khoa học, một con số rất khiêm tốn so với các nước trong vùng, và còn kém hơn cả một trường đại học trung bình ở Úc. Một con số giật mình khác khác là trong số trên ba ngàn bài báo đó, chỉ có chỉ có 798 bài (25%) là do “nội lực”, phần còn lại là đứng tên hay hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài [1].

GS. Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)