Các hợp chất tạo mùi tiết lộ thông tin quan trọng về Ai Cập cổ đại

Phân tích mùi hương của những hũ thức ăn trong những ngôi mộ cổ Ai Cập có thể giúp tìm ra những gì từng được chứa trong đó.

Năm 1906 là một dấu mốc quan trọng đối với ngành Ai Cập học: phát hiện ngôi mộ còn nguyên vẹn của Kha và Merit ở nghĩa địa Deir el-Medina. Mộ của Kha – một ‘công trình sư’, hay kiến trúc sư – và Merit, vợ ông, đến nay vẫn là mộ cổ ngoài hoàng gia hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập. Ngôi mộ hơn 3.400 năm tuổi này tiết lộ thông tin quan trọng về cách các nhân vật cấp cao được đối xử sau khi qua đời.
Vào thời điểm đó, những nhà khảo cổ học thường không thể cưỡng lại tò mò và cám dỗ, họ sẽ mở bọc xác ướp và mở các lọ, bình, hũ xung quanh, làm hỏng tất cả mẫu vật trong khi không có công nghệ để phân tích những gì bên trong. Nhưng may mắn là nhóm nhà khảo cổ phát hiện mộ của Kha đã không làm như vậy, do đó các đồ tạo tác, bình, hũ, cốc, v.v… vẫn còn nguyên.
Để tìm hiểu những gì chứa bên trong mà vẫn giữ nguyên vẹn mẫu vật, nhà hóa học phân tích Ilaria Degano tại Đại học Pisa, Ý, và các đồng nghiệp dựa vào mùi hương. Nhóm Degano đặt nhiều đồ tạo tác khác nhau từ lăng mộ Kha – những chiếc lọ đậy kín và những chiếc cốc hở miệng chứa thực phẩm cổ đã thối rữa – bên trong túi nhựa trong vài ngày để thu thập các phân tử bay hơi từ đó. Tiếp theo, họ sử dụng khối phổ kế để xác định các thành phần mùi hương từ mỗi mẫu. Họ tìm thấy các aldehyde và các hydrocacbon mạch dài, biểu hiện của sáp ong; trimethylamine, liên quan đến cá khô; và các aldehyde khác thường gặp trong trái cây. Hai phần ba số đồ tạo tác đã cho kết quả về các thực phẩm ban đầu, theo Degano.
Những phát hiện này sẽ được đưa vào một dự án lớn hơn nhằm phân tích tổng thể ngôi mộ cũng như tục mai táng cho những người không thuộc hoàng tộc vào thời điểm đó ở Ai Cập cổ đại, khoảng 70 năm trước khi Vua Tutankhamun, người trị vì cuối cùng trong giai đoạn Tân Vương quốc Ai Cập kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên, lên ngôi.
Đây không phải là lần đầu tiên các hợp chất tạo mùi tiết lộ thông tin quan trọng về Ai Cập cổ đại. Năm 2014, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất các phân tử dễ bay hơi từ băng vải lanh có tuổi đời từ 6.300 đến 5.000 năm được sử dụng để quấn các thi thể trong một số nghĩa sớm nhất ở Ai Cập. Các phân tử xác nhận rằng người Ai Cập đã sử dụng các chất ướp xác có đặc tính kháng khuẩn, cho thấy họ đã thực hành ướp xác sớm hơn 1.500 năm so với giả thuyết trước đó.
Phân tích mùi hương vẫn là một lĩnh vực khảo cổ chưa được khám phá nhiều, theo Stephen Buckley, nhà khảo cổ học và nhà hóa học phân tích tại Đại học York, Anh, người tham gia vào nghiên cứu năm 2014. Nhưng “nếu bạn muốn hiểu về người Ai Cập cổ đại, phải tìm hiểu thế giới của mùi hương”, Buckley nói.
Ngọc Đỗ

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)