Phát hiện bảy ngoại hành tinh có thể có sự sống

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện nhiều hành tinh có kích thước tương đương với Trái đất cùng quay quanh một ngôi sao như vậy.


Hình ảnh minh họa bảy hành tinh quay quanh sao Trappist-1, theo thứ tự khoảng cách đến sao này, so với hệ Mặt trời.

NASA vừa công bố trên Nature về việc phát hiện một nhóm bảy ngoại hành tinh, có kích thước tương đương Trái đất, có khả năng có nước và sự sống, quay xung quanh một ngôi sao thuộc chòm sao Bảo Bình.

Ngôi sao mà bảy hành tinh này quay quanh là sao lùn có tên Trappist-1, cách Trái đất 39 năm ánh sáng. Trappist-1 chỉ nhỉnh hơn sao Mộc một chút, và ánh sáng của nó yếu hơn so với Mặt trời 2.000 lần.

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do GS Michaël Gillon tại Đại học Liège, Bỉ, dẫn dắt, đã phát hiện ba hành tinh cỡ Trái đất quay quanh một sao lùn bằng phương pháp Transit Photometry (tạm dịch là trắc quang kinh tuyến, phương pháp được cho là hiệu quả nhất hiện nay để phát hiện các ngoại hành tinh) với hỗ trợ của kính viễn vọng Trappist tại Đài quan sát La Silla ở Chile. “Ngôi sao này [Trappist-1] nhỏ và lạnh nên bảy hành tinh có khí hậu ôn hòa, nghĩa là chúng có thể có nước ở dạng lỏng và nói rộng ra, là sự sống, trên bề mặt”, theo GS Michael Gillon.

Tiếp nối khám phá của kính viễn vọng Trappist, kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA đã quan sát sao Trappist-1 trong 21 ngày và, với dữ liệu từ các trạm quan sát khác, cho thấy toàn bộ bảy hành tinh xoay quanh nó. Kích thước của mỗi hành tinh (ở trong khoảng từ nhỏ hơn 25% đến lớn hơn 10% so với kích thước Trái đất) được suy luận từ lượng ánh sáng bị nó che khuất, trong khi khối lượng được ước tính từ cách nó bị đẩy và kéo bởi các hành tinh khác trong cùng hệ.

Điểm nổi bật nhất của các hành tinh trong hệ Trappist-1 là chúng ở rất gần ngôi sao trung tâm. Sao Thủy, hành tinh trong cùng của hệ Mặt trời, cũng cách Mặt trời một khoảng xa gấp sáu lần so với khoảng cách từ hành tinh ngoài cùng đến Trappist-1. Từ hành tinh thứ năm, nơi được xem là có khả năng có sự sống cao nhất, Trappist-1 sẽ hiện ra lớn gấp 10 lần so với vầng thái dương trên bầu trời của chúng ta. Các hành tinh mất từ khoảng từ ngày rưỡi đến 20 ngày để quay quanh ngôi sao. Ở khoảng cách gần như vậy, hầu hết các hành tinh, nếu không phải là tất cả, sẽ bị “khóa thủy triều”, có nghĩa là chúng sẽ chỉ hướng một mặt về phía Trappist-1, như chỉ một phía của Mặt trăng luôn luôn hướng về phía Trái đất.

Giờ đây các nhà nghiên cứu đang tập trung vào việc tìm hiểu liệu các hành tinh này có khí quyển hay không bởi nó có thể tiết lộ những chỉ dấu về sự sống trên bề mặt các hành tinh. Họ hi vọng trong vòng mười năm nữa sẽ có câu trả lời, theo Amaury Triaud thuộc Viện Thiên văn học, ĐH Cambridge.

Trạng thái của các hành tinh trong hệ Trappist-1 rất gần với trạng thái của sao lùn, nơi phóng ra những bùng nổ tia X và tia cực tím, vốn không phải là điều kiện thuận lợi nhất cho sự sống. Nhưng khi Mặt trời tắt trong vài tỷ năm tới, Trappist-1 sẽ vẫn là một ngôi sao trẻ. Nó đốt hydrogen chậm đến mức sẽ tồn tại thêm 10 nghìn tỉ năm nữa, nghĩa là lâu hơn 700 lần so với lịch sử vũ trụ cho đến nay, vì thế vẫn còn rất nhiều thời gian cho sự sống phát triển – nhà vật lý thiên văn tại Đài quan sát Leiden, Hà Lan, viết trong bài báo đi kèm trên Nature.

Nhàn Vũ lược dịch

Nguồn:
https://www.theguardian.com/science/2017/feb/22/thrilling-discovery-of-seven-earth-sized-planets-discovered-orbiting-trappist-1-star

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)