Phát hiện mới về hiến sinh người: Giúp củng cố quyền lực trong xã hội phân hóa giai cấp

Trước đây, hiến sinh người, vốn được cho rằng thường gắn với các xã hội nguyên thuỷ. Nhưng nghiên cứu mới do các nhà khoa học Úc và New Zealand công bố trên Nature đã chỉ ra, hiến sinh người phổ biến trong xã hội mới phân hóa giai cấp hơn so với trong xã hội nguyên thuỷ. Vì vậy nhóm nghiên cứu cho rằng hiến sinh người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và duy trì quyền lực.


Hình thức hiến sinh con người là đặc trưng trong nhiều xã hội loài người sớm như Đức, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Inuit, châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản, hay ở Bắc, Trung và Nam Mỹ nhưng tư liệu khảo cổ học không dễ phân biệt giữa người chết do hiến sinh với bất kỳ cái chết do bạo lực nào khác. Vì vậy, Joseph Watts ở Đại học Auckland, New Zealand và các đồng nghiệp tập trung nghiên cứu các nền văn hóa Nam Đảo, bởi các nền văn hóa này vốn cùng chung nguồn gốc, và đã có nhiều khảo sát kỹ lưỡng. Họ đã phân tích từ dữ liệu và các quan sát trên 93 nền văn hóa Nam Đảo, trải dài từ Đài Loan đến Madagascar, từ New Zealand, qua Hawaii đến đảo Phục Sinh.

Tôn giáo tín ngưỡng ở khu vực này rất đa dạng nhưng có điểm chung là nghi lễ hiến sinh được thực hành khá phổ biến – xuất hiện ở 43% các nền văn hóa này. Trong số các nền văn hóa Nam Đảo được khảo sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ 5 trong số 20 xã hội nguyên thủy có nghi lễ hiến sinh, còn tới 18 trong số 27 xã hội có phân hóa giai cấp có nghi lễ hiến sinh. Như vậy, càng ở các xã hội nguyên thủy, con người càng ít có khả năng bị chọn để hiến sinh. Trong khi đó, ở các xã hội phân hóa giai cấp, một cá nhân thuộc tầng lớp thấp rất có khả năng bị chọn làm nạn nhân cho nghi lễ hiến tế.

Từ thống kê trên, các nhà khoa học đi tới phân tích và xác thực giả thuyết rằng hiến sinh người góp phần “ổn định sự phân tầng xã hội mới hình thành, và thúc đẩy chuyển giao tới những hệ thống giai tầng kế cận”. Nhóm tác giả cho biết thêm: “Trong khi các lý thuyết tiến hóa của tôn giáo tập trung vào các chức năng mang tính đạo đức và hữu ích xã hội (prosocial) của tín ngưỡng, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên kết tàng ẩn giữa tôn giáo và sự tiến hóa của các xã hội phân tầng hiện đại”.

Ở đây có sự đan xen giữa vai trò của tôn giáo và ảnh hưởng của quyền lực chính trị, “ví dụ, ở Polynesia, thường có niềm tin rằng tù trưởng là hậu duệ của đấng tối cao. Nghi lễ hiến sinh thường được đại diện tầng lớp trên trong xã hội như tù trưởng hoặc các chức sắc tôn giáo tổ chức ra bằng cách chọn một người ở tầng lớp thấp trong xã hội như nô lệ hoặc tù nhân để hiến tế”, Watts nói.

“Một cái chết được coi là hiến sinh khi nó có yếu tố tôn giáo thúc đẩy. Tuy rằng khi hiến sinh không được sử dụng để kiểm soát (quyền lực) trong xã hội hiện đại nhưng các tôn giáo vẫn sử dụng chức năng này một cách rộng rãi. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng tôn giáo dễ dàng bị lợi dụng bởi các tầng lớp chức sắc trong xã hội và trở thành một công cụ xây dựng và duy trì kiểm soát xã hội – hiến sinh người được sử dụng như một phương tiện kiểm soát xã hội là minh chứng rùng rợn cho điều này”, Watts nhận định.

Mặc dù nghiên cứu rất có ý nghĩa với các hệ thống chính trị hiện đại, nhưng nghiên cứu này không tiến hành khảo sát những phán xử dưới thời vua Luis XIV. Ông  nói thêm: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi không tìm thấy dấu vết của các nghi lễ hiến sinh trong xã hội hiện đại, mặc dù đó thực sự là một vấn đề rất thú vị”.

Thu Quỳnh dịch theo TheGuardian
https://www.theguardian.com/science/2016/apr/04/study-shows-human-sacrifice-was-less-likely-in-more-equal-societies

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)