Phát triển các phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy
Khác với ung thư vú và ung thư đại tràng, hiện vẫn chưa có xét nghiệm tiêu chuẩn nào giúp phát hiện sớm các ca ung thư tuyến tụy - trước khi tế bào ung thư lan rộng - để can thiệp kịp thời.
Mặc dù ung thư tuyến tụy hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng số ca ung thư hằng năm ở Mỹ, nhưng đây là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ ba và được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai vào cuối thập kỷ này.
Trong bối cảnh đó, các nhóm nghiên cứu đang nỗ lực tìm kiếm phương thức phát hiện sớm các ca mắc, trong đó nhiều nhà khoa học đang đi theo hướng xét nghiệm sinh thiết lỏng dựa trên máu.
“Về cơ bản, phương pháp này nhằm tìm ra các dấu hiệu trong máu cho thấy sự hiện diện của khối u – và có nhiều cách khác nhau để làm điều đó. Một khối u xâm nhập vào máu có rất nhiều đặc trưng riêng”, TS Brian Wolpin, Giám đốc Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa tại Viện Ung thư Dana-Farber, nơi có phòng thí nghiệm đang thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này, chia sẻ.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học đã trình bày nghiên cứu của mình tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, trình bày chi tiết về một quy trình xét nghiệm sinh thiết lỏng có thể phát hiện 97% ung thư tuyến tụy giai đoạn I và giai đoạn II ở hàng trăm tình nguyện viên. Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ung thư Toàn diện thành phố Hy vọng và các tổ chức khác trên thế giới.
Nghiên cứu của họ đã khảo sát 984 người tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, có những người khỏe mạnh và cũng có những người khác mắc bệnh ung thư tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu máu từ mỗi người và kiểm tra biểu hiện của một tập hợp gene nhỏ được gọi là microRNA trong máu. Những gene này được bao bọc trong các exosome – những “túi” ngoại bào do cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh trong máu tiết ra.
“Các tế bào ung thư có xu hướng giải phóng nhiều exosome hơn so với các tế bào khỏe mạnh, vì các tế bào khỏe mạnh không nhân lên nhanh như tế bào ung thư,” TS. Ajay Goel, tác giả chính của nghiên cứu và là chủ nhiệm Khoa Phân tử, cho biết. “Và một khi các exosome từ các tế bào khối u này được giải phóng, chúng sẽ lưu thông trong máu của chúng ta.”
TS. Goel và các đồng nghiệp của ông đã xác định được 8 microRNA trong exosome rời ra từ các tế bào ung thư trong tuyến tụy và 5 microRNA trong máu. Họ đã sử dụng những dấu hiệu trên để phát triển phương pháp hòng xác định liệu exosome của một người có liên quan đến ung thư tuyến tụy hay không.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phương pháp sinh thiết lỏng của họ đã phát hiện 93% trường hợp ung thư tuyến tụy ở các tình nguyện viên Mỹ trong nghiên cứu của họ, 91% trường hợp ung thư tuyến tụy ở nhóm Hàn Quốc và 88% trường hợp ung thư tuyến tụy ở nhóm Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành lại các thử nghiệm, và lần này không chỉ sử dụng các dấu hiệu dựa trên exosome mà còn xét nghiệm một loại protein quan trọng được gọi là CA19-9 – có liên quan đến ung thư tuyến tụy. Khi kết hợp phương pháp của mới với xét nghiệm CA19-9, họ có thể phát hiện chính xác 97% bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn I và giai đoạn II ở các tình nguyện viên Mỹ.
“Bệnh nhân nên được chẩn đoán sớm nhất có thể, khi bệnh còn ở giai đoạn I hoặc II”, Goel nhận định. |Cách chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy không phải là hóa trị hay thuốc mà là loại bỏ ung thư.”
Cho đến hiện tại, Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USPSTF) khuyến cáo không nên sàng lọc ung thư tuyến tụy ở những người trưởng thành không có triệu chứng, nhất là khi chưa có phương pháp hoặc xét nghiệm nào được hoàn thiện có khả năng phát hiện sớm căn bệnh này trong dân số nói chung. Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà khoa học nhằm phát triển một phương pháp mới giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy sẽ “mang lại nhiều tác động” đối với bệnh nhân, TS. Wolpin nhận định.
“Hiện tại, gần 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyến tụy qua đời vì căn bệnh này”, ông chia sẻ. “Việc phát hiện bệnh ung thư sớm hơn sẽ là một cách hiệu quả để thay đổi con số này.”□
Anh Lưu lược dịch