Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển điện tái tạo, Việt Nam nên tạo cơ hội cho những nhà đầu tư tư nhân thay vì để EVN nắm độc quyền toàn bộ thị trường điện như trước. Nhưng bằng cách nào? Tia Sáng đã có một buổi trao đổi với anh Tobias Cossen, Trưởng dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió tại Việt Nam/Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.

Thi công nhà máy điện gió ở Bạc Liêu.

Điện gió: đã có nhưng khó hoạt động

Theo anh, tiềm năng điện gió của Việt Nam như thế nào, và để dễ hình dung, nó có thể chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sản lượng điện quốc gia?

Tiềm năng điện gió của Việt Nam là rất lớn do Việt Nam có đường bờ biển dài. Theo nghiên cứu bản đồ gió của World Bank thì công suất lắp đặt của điện gió ở Việt Nam vào khoảng 501 GW (để dễ so sánh, công suất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nguồn cung cấp điện chính cho toàn miền Bắc chỉ vào khoảng hơn 1 GW). Tỉ trọng của điện gió so với tổng sản lượng điện quốc gia chỉ phụ thuộc vào việc các bạn xác định mục tiêu phát triển điện gió là bao nhiêu.

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tiềm năng, cần phải tính toán đến cả những yếu tố về thị trường nữa. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, họ có rất ít tài nguyên cho năng lượng, người dân phải trả rất cao cho giá điện nhưng đây vẫn là một nơi rất hấp dẫn để các nhà đầu tư bỏ tiền vào các dự án điện, bởi vì Chính phủ Nhật có cơ chế đảm bảo rằng, các nhà đầu tư sẽ không bao giờ phá sản khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Quy hoạch điện VII, chính phủ có đưa ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió của Việt Nam là 800MW. Điều này có khả thi hay không?

Chúng tôi đã tham gia tư vấn cho rất nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ, chẳng hạn như Lào hay Campuchia, họ nói rằng họ muốn phát triển năng lượng tái tạo, nhưng tất cả chỉ thế thôi, họ không đi sâu vào chi tiết. Còn Chính phủ Việt Nam không chỉ nói rằng chúng tôi muốn có năng lượng tái tạo mà còn đề ra mục tiêu vào năm 2020, công suất lắp đặt của điện gió Việt Nam là 800 MW. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng đó là một mục tiêu tham vọng bởi vì bây giờ con số đó mới chỉ là 160 MW.


Quy hoạch điện VII đối với năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Để tạo ra một thị trường thúc đẩy năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, là một vấn đề rất phức tạp. Đức phải mất 20 năm để có thể đạt tới ngày hôm nay. Nếu tôi là Chính phủ Việt Nam, tôi sẽ dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng những gì mình đang có, xác định mình muốn gì, muốn theo mô hình của nước nào và làm thế nào để áp dụng mô hình này vào Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng họ có thể sao chép mô hình của Thái Lan hoặc Philippines và áp đặt vào Việt Nam. Nó sẽ không hiệu quả, đặc biệt là bối cảnh chính trị của Việt Nam hiện giờ rất khác họ.

Hiện nay GIZ đang tư vấn cho Tổng cục Năng lượng/ Bộ Công Thương những kịch bản mà Việt Nam có thể theo đuổi, đồng thời tìm phương án tốt nhất để triển khai tại Việt Nam.

Anh có biết cơ sở nào để Chính phủ Việt Nam đưa ra con số 800MW đó không?

Con số đó được đưa ra bởi các cơ quan chức năng của Việt Nam, đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi có thể làm điều đó nhưng nhiệm vụ của dự án này (dự án Mở rộng Quy mô Điện gió tại Việt Nam – Up-scaling wind energy project) chỉ là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quy mô của năng lượng gió.

Dự án đầu tiên về điện gió của chúng tôi bắt đầu vào năm 2009 và kết thúc năm 2011. Năm 2011 giá bán điện gió2 (feed in tariff) được ban hành, với mỗi kWh điện gió kết nối với lưới điện quốc gia, người bán sẽ nhận được một khoản tiền là 7.8 US cent/kWh. Chúng tôi gợi ý một con số cao hơn để khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư vào điện gió. Vì sao ư? Bởi vì có lẽ ai cũng đồng ý với quan điểm rằng, sẽ thật khó khăn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi cứ mãi độc quyền trên thị trường và làm tất cả mọi thứ như hiện nay. Họ đã quá tải rồi và trách nhiệm cũng nên được san sẻ.

Một vấn đề khác nữa là quy trình, giấy phép cần thiết để triển khai một dự án điện gió. Các dự án xây dựng nhà máy điện gió với công suất lắp đặt tối đa là 30 MW sẽ cần phải xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh. Nếu với công suất lớn hơn, dự án phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, đã có khung quy định chung về phát triển đầu tư dự án, tuy nhiên, mỗi tỉnh lại áp dụng một cách khác nhau thành ra quy trình thủ tục mất rất nhiều thời gian và có lúc không được rõ ràng và mình bạch. Mới đây, với sự cộng tác chặt chẽ của Tổng cục Năng lượng và các Sở Công Thương cũng như các bên liên quan, cuốn sổ tay Hướng dẫn Phát triển và Đầu tư Điện gió tại Việt Nam đã được xây dựng và ban hành. Với nỗ lực này, chúng tôi hy vọng giúp các nhà đầu tư và phát triển dự án có thông tin đầy đủ và rõ ràng hơn.

Như anh vừa nói thì giá bán điện gió là rất thấp, vậy tại sao trên thực tế vẫn có những nhà đầu tư chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực này?

Nếu bạn nói về những người đầu tư điện gió ở Việt Nam, bạn nên nhớ hiện nay chỉ có bốn nhà máy điện gió đã hoạt động ở Việt Nam chứ không phải là hàng trăm nhé: REVN, nhà máy điện gió đầu tiên ở Việt Nam; Công Lý, nhà máy lớn ở phía Nam và Phú Lạc, được đầu tư bởi Ngân hàng Tái thiết Đức và một dự án rất nhỏ không nối lưới trên đảo Phú Quý. Bốn dự án đang được hưởng những chính sách giá và cơ chế ưu đãi rất khác nhau. Chẳng hạn như dự án Phú Lạc, EVN là nhà đầu tư nắm phần lớn cổ đông và nhận được vốn ưu đãi từ Chính phủ Đức, có giá bán điện thực chất là 6.8 US cent/kWh (theo kì vọng, họ được bán với giá 7.8 US cent/kWh với 1 US cent hỗ trợ từ chính phủ nhưng cuối cùng họ không nhận được hỗ trợ này) còn dự án Công Lý có giá bán điện là 9.8 US cent/kWh (trong khi thời kỳ đầu là 7.8 US cent/kWh)

Nhưng tôi biết, hiện nay, có rất nhiều người muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn chờ đợi những cơ chế ưu đãi rõ ràng hơn từ chính phủ.

Điều gì là khó khăn lớn nhất trong việc tạo ưu đãi cho những người đầu tư vào điện gió hiện nay ở Việt Nam?

Khó khăn lớn nhất vẫn là xác định đúng giá bán điện gió. Có ba mức giá bán điện gió: trên bờ, gần bờ và xa bờ. Trên bờ hiện nay là 7.8 US cent/kWh và gần bờ là 9.8 US cent/kWh. Điều quan trọng là làm sao để nâng giá bán điện lên một mức nào đó đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nhưng, câu hỏi đặt ra là thế nào mới là hấp dẫn? Vả lại, cũng cần nhớ rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nên khả năng chi trả cũng có hạn. Chúng tôi đưa ra ba trường hợp: Nếu dự án được đầu tư bằng vốn ODA, nếu bằng tiền của nhà đầu tư chiến lược và nếu bằng tiền của nhà đầu tư thương mại hoàn toàn.

Nếu dự án được đầu tư bằng vốn ODA, dĩ nhiên bạn không cần lợi nhuận cao, tỉ suất lợi nhuận mà vốn ODA đòi hỏi gần như là 0. Dự án được đầu tư bởi nhà đầu tư chiến lược cũng không đòi hỏi lợi nhuận cao vì họ đầu tư dài hạn, hàng chục năm mới cần thu lại vốn. Còn với nhà đầu tư thương mại, họ chỉ muốn bỏ tiền vào dự án trong một vài năm rồi ngay lập tức muốn bán cổ phần và thu lợi nhuận. Chúng tôi chọn lựa phương án ở giữa vì sẽ đến lúc Việt Nam không được nhận ODA nữa và do Việt Nam là một nước đang phát triển nên không để trông đợi vào việc có ai đó sẵn lòng mua điện với giá cao của nhà đầu tư thương mại.

Chúng tôi đề xuất giá bán điện sẽ vào khoảng 10.4 US cent/kWh, hiện nay thì EVN đang bán cho người dân với giá thấp hơn 10.4 US cent/kWh. Vậy thì ai sẽ trả khoản tăng thêm đó?

Chúng tôi đưa ra hai phương án, hoặc là nhà nước trợ giá toàn bộ, hoặc người dân sẽ cùng trả thêm một khoản phí, điều mà ở rất nhiều nước khác đang áp dụng. Ngoại trừ những người thu nhập thấp, mỗi hộ dân sẽ trả thêm để Việt Nam có 800MW điện gió.

Không phải là phép màu nhưng điện tái tạo sẽ giảm áp lực thiếu điện

Tỷ trọng điện gió nói riêng và điện tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia là không đáng kể vì vậy nếu phải trả thêm tiền điện bây giờ sẽ có rất nhiều người phản đối, đặc biệt là các nhà máy, xí nghiệp vốn tiêu thụ rất nhiều điện.

Chúng tôi đã tính toán, với 800 MW điện gió ở Việt Nam thì giá tăng thêm cho mỗi số điện (1 kWh) chỉ vào khoảng 3.5 đồng3 (để dễ hình dung, một hộ gia đình bốn người dùng một tháng khoảng 400 số điện chỉ phải trả thêm 1,200 đồng), một con số không đáng kể.

Mùa hè năm nay, Việt Nam sẽ thiếu điện, sẽ có tình trạng mất điện ở nhiều nơi vì một số nhà máy nhiệt điện không được hoàn thiện và nối lưới như kế hoạch. Đó là tình huống EVN đang rất lo lắng. Dĩ nhiên, năng lượng tái tạo không phải là một phép màu để có thể giải quyết toàn bộ vấn đề này ngay, nhưng nếu chính phủ có chính sách khuyến khích khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng này thì sẽ giảm được một chút áp lực cho việc thiếu điện.

Vả lại, Việt Nam không thể theo con đường nhiệt điện nữa, bởi vì sẽ phải nhập khẩu than và than ngày càng đắt. Bạn muốn trả cho cái gì? Muốn trả cho than nhập khẩu từ Indonesia, thậm chí là Trung Quốc, hay bạn muốn trả cho năng lượng tái tạo được sản xuất ở việt Nam?

Nếu tỉ trọng điện tái tạo lớn hơn thì người dân có phải trả thêm tiền không?

Có, nhưng cũng còn phụ thuộc vào cơ chế nữa. Hiện nay điện than được nhà nước trợ giá nhưng điện tái tạo thì không. Điện than có những ưu đãi mà hiện nay điện tái tạo không có, chưa kể giá điện than không tính vào đó phí môi trường hay phí xả thải CO2. Đó là một cuộc cạnh tranh không công bằng.

Về giá điện, không thể kỳ vọng giá điện tái tạo rẻ ngay từ đầu. Nó có thể cao trong giai đoạn đầu nhưng sẽ giảm theo thời gian. Khi chính phủ và những nhà đầu tư tư nhân có nhiều kinh nghiệm hơn (chính phủ cho các nhà đầu tư một sự đảm bảo rằng họ có khả năng thu hồi vốn thì họ cũng không nóng vội đòi hỏi lợi nhuận cao. Đó là cách mà Chính phủ Đức thúc đẩy năng lượng tái tạo trong một thời gian dài), giá điện tái tạo sẽ giảm dần. Chẳng hạn như giá điện mặt trời ở Đức đã giảm khoảng 10 lần trong thập kỷ qua, thậm chí còn rẻ hơn cả điện than.

Bên cạnh bốn dự án điện gió đang hoạt động, tình hình các dự án điện mặt trời hay điện sinh khối ở Việt Nam ra sao?

Không có nhiều dự án điện sinh khối lắm và chúng chiếm một thị phần rất nhỏ so với điện gió và điện mặt trời. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành giá bán điện sinh khối nhưng vẫn quá thấp nên các dự án này không thấy có lãi.

Hiện nay chỉ có một dự án điện mặt trời nhưng công suất lắp đặt chưa đến 1 MW và vì chưa có giá bán điện mặt trời chính thức nên dự án này phục vụ cho nhu cầu cá nhân chứ không bán được điện.

Hiện nay, Việt Nam nên tập trung vào loại năng lượng tái tạo cụ thể nào, hay là nên làm tất cả cùng một lúc?

Tôi e không có câu trả lời cho điều này. Nếu tập trung vào một thứ thì nếu nó thất bại, mọi thứ sẽ sụp đổ.

Chính phủ Việt Nam phải bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để có những kinh nghiệm riêng của mình, từ đó mới có thể đưa ra quyết định nên lựa chọn cái này hay cái kia. Chẳng hạn như Trung Quốc, ban đầu họ cũng đầu tư cho tất cả mọi loại năng lượng tái tạo rồi đột nhiên chuyển hướng đầu tư mạnh sang năng lượng mặt trời bởi họ nghĩ rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho họ và họ có thể sản xuất loại điện với giá rẻ nhất. Mười năm trước, khi nhìn vào 10 công ty sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới, có tám công ty của Đức và hai công ty của Trung Quốc. Hiện nay thì có chín công ty của Trung Quốc và một công ty của Đức.

Chính phủ Việt Nam tiếp nhận các góp ý của GIZ như thế nào?

Đó là một quá trình đầy thách thức. Vì sao lại thách thức? Chúng tôi làm việc thường xuyên với Tổng cục Năng lượng về các nội dung liên quan đến năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng trình các thông tin của chúng tôi đến Bộ Công Thương, Bộ Công Thương sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ…Tổng cục Năng lượng chỉ có bốn năm người chịu trách nhiệm toàn bộ về năng lượng tái tạo và đó quả là một trách nhiệm nặng nề với họ. Nếu có vài chục người phụ trách thì điều đó đã hoàn toàn khác. Đó sẽ là một quá trình dài sẽ có rất nhiều bên can thiệp và gây ảnh hưởng lên những lời khuyên của chúng tôi.

Một câu hỏi khác là các bạn muốn phát triển năng lượng tái tạo theo hướng nào? Theo hướng EVN vẫn nắm vai trò chính và thống lĩnh thị trường hay phát triển một thị trường điện tự do với nhiều nhà sản xuất điện tư nhân đóng góp vào việc phát triển năng lượng tái tạo? Câu trả lời cho điều này có lẽ mất hàng năm trời. GIZ đã ở đây từ năm 2009 và tám năm đã trôi qua. Nhiều lúc, tôi rất muốn quyết định sẽ được đưa ra nhanh hơn nhưng việc của chúng tôi không phải là đưa ra quyết định mà chỉ cung cấp lời khuyên thôi.

Sang năm, dự án của anh sẽ kết thúc, vậy đơn vị nào sẽ tiếp nối công việc dang dở của các anh?

Hiện nay có Hiệp hội điện gió Bình Thuận, anh Bùi Văn Thịnh, CEO công ty Phong điện Thuận Bình với dự án Phú Lạc là chủ tịch. Cùng với anh Thịnh và Ủy ban Năng lượng toàn cầu, chúng tôi cố gắng thành lập một hiệp hội năng lượng gió ở Việt Nam để khối tư nhân có một tiếng nói chung, đối thoại với chính phủ trong việc phát triển điện gió ở Việt Nam.

Một điều khác nữa là chúng tôi có hợp tác công nghệ giữa ba đại học ở Đức và vài đại học Việt Nam để xây dựng chương trình đào tạo cụ thể về năng lượng tái tạo. Đây là cách chúng tôi chuyển giao kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho Việt Nam. Các trường đại học và đơn vị đào tạo ở Việt Nam có thể cung cấp nhân lực cho thị trường năng lượng tái tạo trong tương lai.

Xin cảm ơn chia sẻ của anh!

Hảo Linh thực hiện
————–
1 Số liệu của World Bank là 50GW. Tuy nhiên, GIZ – đối tác thực hiện dự án này cùng với World Bank đưa ra con số thấp hơn và khả thi hơn với điều kiện của Việt Nam là 27 GW
2 Giá mà các nhà sản xuất điện nhận được khi bán một kWh điện
3 Theo quy hoạch điện VII, vào năm 2030, tổng công suất lắp đặt của điện gió Việt Nam là 6000 MW, chiếm 1% tổng sản lượng điện quốc gia. Khi đó, như GIZ tính toán số tiền mỗi kWh sẽ tăng thêm 5.3 VND so với hiện nay.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)