Phía trong vòng tròn niềm tin

LTS: Hơn nửa năm sau cú sốc tạo ra cặp bé gái chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới, nhà nghiên cứu He Jiankui (Trung Quốc) vẫn là một con người bí ẩn và câu chuyện về việc anh ta thực hiện thí nghiệm này như thế nào vẫn còn chưa được tiết lộ. Phóng viên Science Jon Cohen đã cất công lần theo dấu vết, đi gặp hầu hết những người liên quan với He tại Mỹ và Trung Quốc, truy ngược bằng được dấu vết He bằng nhiều cách thức rồi cố gắng phục dựng câu chuyện. Tia Sáng giới thiệu với độc giả phóng sự này.

 

Cú sốc vào tháng 11/2018 ở Hong Kong bắt nguồn từ một chuyến đi của một cặp vợ chồng tới trường Đại học KH&CN miền Nam (SUSTech) vào thứ 7 ngày 10/6/2017 ở Thâm Quyến, Trung Quốc, để thảo luận việc tham gia một thí nghiệm mà không một nhà nghiên cứu ngành y nào dám thực hiện. Họ không phải là cặp vợ chồng duy nhất, còn có những người như họ tới gặp gỡ He Jiankui, nhà sinh lý học của SUSTech, người đã trở thành một nhà khoa học – doanh nhân có tiếng trong nước từ năm 33 tuổi.

Thí nghiệm của He hướng đến những cặp đôi với người chồng nhiễm virus HIV và đang dùng thuốc kháng virus – những cặp vợ chồng đang phải chịu sự kì thị và phân biệt đối xử của xã hội do HIV và muốn con cái của mình sinh ra khỏe mạnh. Để làm được điều đó, He sẽ cùng với đồng nghiệp thực hiện quy trình IVF (thụ tinh nhân tạo) để tạo ra những đứa trẻ không bị mắc HIV. 

He dành phần lớn thời gian để giải trình tự DNA và đưa ra giải pháp tiềm năng bằng CRISPR, một công cụ chỉnh sửa bộ gene có thể thay đổi bộ gene trong phôi IVF với khả năng bất hoạt protein CCR5 trên bề mặt tế bào miễn dịch. Là thụ thể giúp virus HIV truyền bệnh, việc bất hoạt CCR5 khiến HIV không thể xâm nhập vào tế bào. “Kỹ thuật này có thể giúp tạo ra một em bé IVF với hệ miễn dịch tự nhiên kháng AIDS”, anh nói. 

Mặt khác, các đột biến gene của những em bé CRISPR này cũng có thể được truyền cho thế hệ tương lai, giúp chúng vĩnh viễn thoát khỏi căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS. Triển vọng của sự thay đổi di truyền này là lí do tại sao kể từ sự ra đời, CRISPR khiến chỉnh sửa phôi người, trứng hoặc tinh trùng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Vấn đề cốt lõi là liệu việc chỉnh sửa dòng tế bào mầm như vậy có vượt qua ranh giới đạo đức hay không, vì suy cho cùng nó có thể gây ra sự thay đổi gene của loài người. Ở một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, công nghệ này vẫn còn bị cấm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cặp bé gái Nana và Lulu mở ra một sự thật: việc kiểm soát công nghệ CRISPR đã thất bại. 

Thật khó giải thích được những hành động của He, rất nhiều đồng nghiệp và những người bạn thân của anh cũng đã từ chối trả lời Science. Ryan Ferrell, một chuyên gia quan hệ công chúng mà He thuê, đã lập danh mục 50 người tuy không tham gia nghiên cứu nhưng đã biết hoặc cảm thấy nghi ngờ những việc He đã làm trước khi được công khai và gọi nó là “vòng tròn niềm tin” (circle of trust) của He. Vậy họ gồm những ai, có thật sự đáng tin cậy? Thực ra, đó là các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ hàng đầu lĩnh vực của mình –  trong số họ có một người từng đoạt giải Nobel, giám đốc điều hành kinh doanh, một doanh nhân kết nối với các nhà đầu tư mạo hiểm, các tác giả của báo cáo NASEM, một chuyên gia IVF người Mỹ đã thảo luận về việc mở một phòng khám chỉnh sửa gene với He, và ít nhất một chính trị gia người Trung Quốc. Theo đánh giá của nhà di truyền học George Church – người không thuộc nhóm vòng tròn, He có mối liên hệ chằng chịt và phức tạp với rất nhiều tổ chức khác nhau. Chính điều đó làm nên thí nghiệm của anh.

Khổng tước ngày về và bệ phóng sáng giá

He sinh năm 1984 và lớn lên ở một ngôi làng ở huyện Tân Hóa, Hồ Nam. Tại trường trung học, theo hồ sơ của một cơ quan báo chí Trung Quốc, gia đình làm nông của anh nghèo đến mức không có tiền để mua sách cho con nên anh thường phải tới một hiệu sách địa phương để đọc “ké”. Nhưng vào thời điểm trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế, He đã trở nên giàu có nhờ những điều học hỏi được ở Mỹ cùng với những mối quan hệ thật thiết với các nhà khoa học xuất sắc.

Khi còn ở Trung Quốc, nhờ học giỏi mà He có được học bổng ngành vật lý tại trường Đại học KH&CN Hợp Phì. Năm 2007, giống như nhiều sinh viên tốt nghiệp với điểm số xuất sắc ở Trung Quốc, He được tới Mỹ, tham gia phòng thí nghiệm của Michel Deem tại Đại học Rice ở Houston, Texasvới học bổng nghiên cứu sinh ngành lý sinh. Họ cùng có công bố trên Physical Review Letters vào năm 2010 về một mô hình toán học cho phép tìm hiểu những đặc tính tiến hóa của hệ miễn dịch vi trùng CRISPR. Ngoài ra họ còn có một số công bố phân tích về mạng lưới thương mại thế giới, các kế hoạch tiến hóa của cơ thể động vật, và các giải trình tự gene virus cúm…

Deem đã giới thiệu He với Stephen Quake, một bậc thầy về trình tự gene ở Stanford, nơi He chuyển tới làm postdoc vào năm 2011. Cùng năm đó, He đã trả lời tuyển dụng trực tuyến của SUSTech, một trường đại học mới nổi tại Thâm Quyến do nhà hóa học Zhu Qingshi, một người có tinh thần cải cách và từng là hiệu trưởng trường đại học của He, đang muốn thúc đẩy nghiên cứu đỉnh cao, sáng tạo và tinh thần doanh nhân. Zhu gặp He trong một chuyến tuyển dụng tại Mỹ và kết quả là cuối năm 2011, trên trang web của các nhà khoa học Trung Quốc, He bắt đầu thông báo là anh, trường SUSTech và Deem có thể sẽ khởi động một phòng thí nghiệm hợp tác với mục tiêu tìm những gene đặc hiệu có thể kiểm soát sự đáp ứng của hệ miễn dịch. Với kinh phí đầu tư từ Khổng tước Kế hoạch (Peacock Plan), một trong những chương trình thu hút các nhà nghiên cứu trẻ trở về nước, He đã thành lập một công ty tại SUSTech năm 2012. “Sự hào phóng có thể so sánh với Silicon Valley của Thâm Quyến trong khuyến khích các khởi nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư mạo hiểm, là nguyên nhân chính để tôi trở về,” He đã tiết lộ với Beijing Review. “Tôi không phải là một giáo sư theo kiểu truyền thống mà thích trở thành một nhà nghiên cứu – doanh nhân hơn”.

Sau khi tới Thâm Quyến, nơi có khoản đầu tư dành riêng cho startup này tới 6 triệu USD, He lập Direct Genomics và ngay lập tức được Quake, một công ty đầu tư công nghệ  rót vốn để giải trình tự các đơn phân tử của DNA. Quake từng đồng sáng lập công ty Helicos Biosciences để thương mại hóa công nghệ nhưng phá sản; giờ He muốn hồi sinh công nghệ này với một thiết bị giá rẻ để đưa nó trở thành một công cụ chẩn đoán ung thư hoặc chẩn đoán những điểm bất thường về di truyền trong phôi.

Công ty mới đã thiết lập nền tảng cho chính vòng tròn của anh. 

Bill Efcavitch, người phụ trách bộ phận R&D tại Helicos, kể lại sự hứng khởi của Quake về kế hoạch của He về Direct Genomics. “Bill, đây chính là cơ hội mang phượng hoàng trở lại từ đống tro tàn”, ông nhớ lại những điều Quake đã nói với mình. Efcavitch, hiện giờ là người phụ trách mảng khoa học của Molecular Assemblies ở San Diego, California, cũng từng bị He làm mê hoặc bởi nguồn năng lượng dồi dào, trí thông minh khác thường, tài ăn nói lưu loát và sự hài hước của anh. “He đã mang về nhà tinh thần doanh nhân nổi trội từ Mỹ. Tôi không nghĩ là anh ấy nói dối”.  

Cả Efcavitch, Deem, và Yu Jun, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), đồng sáng lập Viện nghiên cứu hệ gene Bắc Kinh – công ty giải trình tự DNA nổi tiếng ở Thâm Quyến, cùng tham gia hội đồng tư vấn khoa học của Direct Genomics. Tuy nhiên Efcavitch cũng thận trọng khi cho rằng thí nghiệm có thể gây tổn hại đến danh tiếng của He. “Tôi đã đặt câu hỏi cho anh ta, tại sao anh cảm thấy cần phải chấp nhận rủi ro cho sự nghiệp của mình?”. Cũng như Efcavitch, Quake cũng đã biết về kế hoạch chỉnh sửa phôi từ rất sớm, trong trả lời bằng văn bản với Science và trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The New York Times vào mùa xuân 2019, Quake cho biết mình không khuyến khích He theo đuổi thí nghiệm và khi thấy anh ta phớt lờ lời khuyên thì ông cũng cảnh báo cần phải tuân thủ các quy trình đạo đức và quy định thích hợp. 

Tháng 4/2018, He đã nói với Quake, Efcavitch và một vài người khác liên quan đến Direct Genomics rằng một người phụ nữ đã mang thai có phôi được chỉnh sửa CRISPR. Ngay lúc ấy, Efcavitch đã nghĩ những thí nghiệm của He là điên rồ.

Một thành viên khác trong hội đồng tư vấn khoa học của công ty, nhà khoa học đoạt giải Nobel Craig Mello của Đại học Y Massachusetts ở Worcester, lại có phản ứng khác. Mello nói với Science rằng ông đã được Li Weibo, một trong những nhà đầu tư lớn của Direct Genomics hỏi ý kiến. và khi He gửi mail thông báo về việc phôi đã phát triển, Mello hồi đáp: ”Tôi rất mừng cho anh [về thí nghiệm thành công] nhưng tôi không muốn liên quan đến chuyện này”.

Còn với Steve Lombardi, cựu CEO của Helicos, cho biết Quake đã giới thiệu ông với He để giúp tìm nhà đầu tư cho Direct Genomics và ông đã đưa He đến gặp gỡ những nhà tư vấn. He đã kể với Lombardi về tham vọng chỉnh sửa phôi và hỏi liệu Lombardi có thể tìm kiếm những nhà đầu tư cho một công ty về du lịch y tế di truyền mới thành lập lại Trung Quốc hay không. Vào thời điểm đó, công nghệ CRISPR vẫn còn quá thô sơ để có thể chỉnh sửa phôi một cách an toàn, tuy nhiên Lombardi cũng nghĩ rằng việc kiểm soát mầm bệnh bằng gene là điều không thể tránh khỏi. 

Một cố vấn khác của He là Jennifer Doudna ở trường ĐH California, Berkeley, một nhà nghiên cứu từng công bố bài báo đầu tiên về cách thực hiện CRISPR trên vi khuẩn như một công nghệ chinh sửa gene đa năng vào tháng 6/2012. Bà nhớ lại thời khắc gặp He vào tháng 8/2016 tại cuộc họp CRISPR thường niên được tổ chức tại phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (CSHL) ở New York. Sau đó anh chụp ảnh với bà và đưa lên blog của mình. 

He đã gửi email cho Doudna và hỏi xem liệu họ có thể gặp nhau trong chuyến thăm sắp tới của anh đến Vịnh San Francisco hay không. Anh viết, “Tôi đang nghiên cứu về công nghệ để nâng cao hiệu quả và sự an toàn của việc chỉnh sửa bộ gene phôi người ở Trung Quốc.” Thật trùng hợp, Doudna và Hurlbut đã tổ chức một cuộc họp vào khoảng thời gian He đề nghị đến để thảo luận về khía cạnh đạo đức và xã hội của việc chỉnh sửa gene. Mặc dù những người tham dự đã thống nhất không tiết lộ xem về cuộc họp, nhưng He cũng đã viết trên blog về nó, tiết lộ Giáo hội đã ở đó, cùng học giả tế bào gốc nổi tiếng Pei Duanqing, Viện trưởng Viện Y sinh và Sức khỏe Quảng Châu, và là tác giả của báo cáo NASEM về chỉnh sửa gene người sẽ ra mắt sau đó.

Thật kỳ lạ là He đã nhấn mạnh rằng nhiều vấn đề tồn tại với CRISPR, bao gồm cả việc cắt DNA với những nguy hiểm tiềm tàng vô tình được thực hiện ở vị trí sai trong bộ gene. Trước khi giải quyết các vấn đề an toàn quan trọng này, bất kì việc chỉnh sửa tế bào sinh sản hoặc tạo ra con người được chỉnh sửa gene sẽ là hành vi cực kỳ vô trách nghiệm.

Doudna nhớ lại, phần trình bày của He có nói về một vài nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã chỉnh sửa phôi người nhưng không thành công, phôi không phát triển được, trong đó có một nhóm đã xuất bản nghiên cứu về chỉnh sửa CCR5 bằng CRISPR. “Tôi không nghĩ rằng anh ta đang lập kế hoạch sử dụng [CRISPR] trong lâm sàng”, bà nói. 

Thí nghiệm bí mật

Được làm việc với nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu về công nghệ CRISPR, He đã tiến bộ nhanh chóng và vào 7/3/2017, He nộp đơn xin phê duyệt y đức cho bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em HarMoniCare ở Thâm Quyến,  trong đó phác thảo kế hoạch CCR5 chỉnh sửa phôi người để cho ra đời những em bé kháng HIV cũng như bệnh đầu mùa và bệnh tả (vì theo một số nghiên cứu, đột biến CCR5 tự nhiên có thể  được chọn vì nó giúp người mang nó sống sót khỏi mầm bệnh đầu mùa và bệnh dịch hạch, nhưng chưa đề cập đến bệnh tả). Đây sẽ là một thành tựu khoa học kể từ khi công nghệ IVF được trao giải Nobel vào 2010, và hứa hẹn mang lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh di truyền. 7 người trong ủy ban đạo đức do Lin Zhitong, Giám đốc Direct Genomics và quản trị viên của HarMoniCarre, chủ trì, đã chấp thuận.

Trong tháng đó, He bắt đầu làm việc với Baihualin, một nhóm vận động phòng chống AIDS ở Bắc Kinh, tuyển dụng những ứng viên tiềm năng. Ba tháng sau, He gặp Hurlbut ở Standford, một bác sĩ và nhà sinh học thần kinh, từng có mặt trong Hội đồng đạo đức sinh học từ 2002 – 2009, ngay lập tức có cảm tình với He và coi anh ta như một người cần được hướng dẫn. “Chúng tôi đào tạo mọi người ở đây, đặc biệt là các postdocs nước ngoài mà không cung cấp bất kỳ bối cảnh thực tế nào và hướng dẫn về các vấn đề đạo đức liên quan đến công việc nghiên cứu họ thực hiện”, Hurlbut thừa nhận.

Trở lại Thâm Quyến, He đã tổ chức một cuộc họp, đưa ra bản cập nhật về chỉnh sửa CCR5 của mình, kết thúc bằng một slide của bài báo của New York Times năm 1999 : “Cái chết của công nghệ sinh học của Jesse Gelsinger” kể lại một bi kịch trị liệu gene nổi tiếng. He nói: “Việc chỉnh sửa gene bệnh của con người sẽ sớm diễn ra trong tương lai, vì vậy chúng ta nên làm điều này một cách từ từ và thận trọng, bởi vì chỉ cần một lần thất bại là có thể bóp chết toàn bộ lĩnh vực”, tuy nhiên không nhắc về việc thí nghiệm đang tiến hành của mình

Vào tháng 1/2018, sau thất bại chuyển phôi đã chỉnh sửa lần đầu, He cùng với một thành viên phòng thí nghiệm đã trở lại Stanford và gặp Matthew Porteus, một bác sĩ ung thư nhi khoa, người từng tham gia viết báo cáo chỉnh sửa bộ gene NASEM vào 2017. Khi thấy He nói hội đồng đạo đức đã phê duyệt kế hoạch của mình trong nghiên cứu chỉnh sửa mầm bệnh, Porteus hết sức tức giận: “Tôi đã dành nửa giờ tiếp theo nói với họ về tất cả các lý do sai lầm, tôi đã cố can ngăn anh ta”. He ngồi im lặng, mặt đỏ bừng. “[He] rõ ràng thất vọng, và tôi đoán, là có lẽ hơi ngạc nhiên bởi chưa có ai phản đối trực diện như vậy”. Tuy nhiên, điều mà cả Hurlbut và Porteus đều không nhận ra là He đang tìm kiếm lời khuyên. Cuộc thử nghiệm đang diễn ra tốt đẹp, và He đang nghĩ về việc xây dựng chiến công của mình. 

Cú sốc ở Hong Kong

Nhiều tuần trước khi tin tức nổ ra, He đã phải vật lộn lựa chọn thời điểm tiết lộ tin tức. Trong một tin nhắn tới Science, He nói rằng anh ta đã thảo luận với vợ mình và Zhang, một thành viên trong phòng lab, cùng với “thị trưởng Xie” – Xie Bingwen, Phó thị trưởng và Phụ trách KH&CN ở quận Nanshan của Thâm Quyến (Xie không trả lời email hoặc điện thoại). 

Vào sáng ngày 26/11/2018 ở Thâm Quyến, một ngày trước khi hội nghị về chỉnh sửa gene bắt đầu ở Hồng Kong, công việc chuẩn bị quảng bá đã hoàn tất. Các em bé chỉnh sửa gene đã sinh trước đó một tháng. Sáng đó theo giờ Trung Quốc, MIT Technology Review đã đưa tin phôi người đang được chỉnh sửa và cấy ghép, sau khi phóng viên Antonio Regalado phát hiện ra các mô tả về dự án trong một đăng kí thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc mà He đã đăng lên mạng. He đã cho phép AP đăng thông tin hai bé gái sinh đôi Lulu và Nana đã chào đời. Ferrell và He cũng đăng thêm 5 video trên Youtude chưa hoàn thành và giải thích về cuộc thí nghiệm chưa từng có này.

Bản thân He rất căng thẳng. Anh tuyệt vọng gửi email cho Doudna. “Trong chớp mắt hạ cánh xuống sân bay, tôi đã nhận được cả tấn email của He: Tôi có chuyện muốn nói với bà ngay lúc này, mọi thứ thực sự đã vượt khỏi tầm kiểm soát”, Doudna kể. Dẫu biết He hơn hai năm nhưng Doudna chỉ mới biết về thí nghiệm của He vào đầu tuần trước đó khi anh gửi cho bà một email thông báo với một bản thảo đính kèm. Doudna ngỡ đó chỉ là một trò đùa.



Khi Doudna cùng ngồi xuống với He vào 26/11/2018, vài giờ sau khi tin tức về những đứa trẻ được tung ra. He thậm chí còn hỏi Doudna liệu anh có nên thảo luận về các em bé được chỉnh sửa gene trong bài nói chuyện của anh hay không. Trong bữa ăn tối với He, Doudna và các nhà tổ chức hội nghị khác đã hỏi He thông tin. He trông có vẻ buồn. Đến ngày nói chuyện theo lịch trình của He, ban tổ chức vẫn lo lắng rằng anh ta sẽ không xuất hiện và không khí căng thẳng bao trùm Hội trường lớn của Đại học Hồng Kông trước dự kiến về bài thuyết trình của He. 

Rút cục He đã có một buổi nói chuyện dài 20 phút, sau đó là 40 phút để trả lời các câu hỏi. Các nhà khoa học trong khán phòng và hơn 1 triệu người xem truyền hình trực tiếp đã chú ý phân tích các dữ liệu trong slide của He và cho thấy rằng các chỉnh sửa gene đã được thực hiện trên một em bé mục tiên. Một em bé khác, theo He, không được chỉnh sửa trong cả hai gene của cha và mẹ và do đó sẽ không được bảo vệ khỏi virus HIV. Tiết lộ giật gân nhất mà anh đưa ra là hiện đang có một người phụ nữ khác mang thai em bé được chỉnh sửa CRISPR.

Sau cuộc nói chuyện, He lập tức lái xe trở lại Thâm Quyến, vòng tròn niềm tin của anh ta bắt đầu bị tan rã. He không có bất kì buổi nói chuyện công khai kể từ đó. Ferrell không nghĩ rằng He có thể lấy lại hình ảnh của mình bằng cách PR, không ai muốn làm việc cùng anh ta nữa. 

Bị quay lưng

Sau khi He trở về Thâm Quyến, nếu còn quay cuồng đầu óc với những cuộc thảo luận ở Hong Kong thì nó vẫn không là gì so với những công kích từ cộng đồng. Ngay lập tức, SUSTech đã tuyên bố không biết gì về dự án nghiên cứu và bản chất của nó, một thành viên ủy ban sinh học của trường đã kết luận He đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật và quy tắc ứng xử. HarMoniCare cho biết bệnh viện của họ không bao giờ tham gia vào bất kì hoạt động lâm sàng nào liên quan đến sự cố trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gene, các em bé không được sinh ra ở đó, không có cuộc họp liên quan nào của Ủy ban Đạo đức Y khoa của bệnh viện và trên thực tế, các chữ kí trong phê duyệt đã bị nghi ngờ là giả mạo. Hơn 100 nhà khoa học Trung Quốc đã kí một tuyên bố trực tuyến và gọi nghiên cứu này là điên rồ.

Sau vụ việc, nhiều người đã quay lưng lại với He Jiankui, trong đó có Quake.

Có nhiều tin đồn thất thiệt xảy ra, ví dụ như anh đã mất tích, đang bị theo dõi hoặc đang chuẩn bị đối mặt với án tử hình. Vào tháng 1/2019, He bất ngờ gửi email đến Hurlbut thừa nhận “Tôi nhận ra rằng mình đã đẩy quá nhanh việc nghiên cứu lâm sàng mà không có bất kì đối thoại nào với các nhà quản lý, cộng đồng khoa học và công chúng”.

Thái độ phản ứng của những người trong vòng tròn của He cũng khác nhau: người thì chỉ trích gay gắt, số khác hoặc ủng hộ hoặc chỉ giữ im lặng, số khác né tránh He như Deemvà Yu Jun. Các luật sư của Deem nói rằng ông chưa từng gặp gỡ bố mẹ của những đứa bé chỉnh sửa CCR5, hoặc bất kì ai khác có phôi đã được chỉnh sửa, dù trước đó, Deem đã tiết lộ sự ra đời của những đứa trẻ trên hãng thông tấn AP, kể mình đã có mặt ở Trung Quốc khi những ứng cử tiềm năng đã tham gia thí nghiệm này và cho nghĩ rằng họ hoàn toàn ý thức được rủi ro sẽ gặp phải. 

Yu thừa nhận đã tham dự cuộc họp cùng với Deem, nhưng không biết gì về kế hoạch của He.

Nhà sinh vật học William Hurlbut ở Đại học Stanford ở Palo Alto, California, người từng can ngăn He tiến hành thí nghiệm, nhận xét, nhiều người từng ủng hộ He đã quay lưng với He. Ví dụ một vài người ủng hộ He ở Trung Quốc đã bỏ rơi anh ta trong im lặng. Cựu chủ tịch SUSTech là Zhu, trước đã tuyển dụng He đã nghỉ hưu vào năm 2014. Theo tin tức trên Sina, ban đầu Zhu thấy công việc này rất ý nghĩa, nhưng sau đó ông đã dừng lại và cho rằng nó không phải là lĩnh vực mà ông theo đuổi. Science không thể tiếp cận ông. Còn chủ tịch của SUSTech hiện tại đổ hết tội lỗi cho Stanford, nói rằng Quake đã cũng cấp những chỉ dẫn để chuẩn bị và thực hiện thí nghiệm, xuất bản các bài báo, công bố tin tức và quảng cáo, và chỉ đạo chiến lược phản ứng sau khi tin tức được phát hành. Sau khi tiến hành đánh giá, các mối quan hệ của He với Quake, Hurlbut và Porteus, Stanford đã chấm dứt không rõ lí do. 

Chính phủ trung ương và các cơ quan điều tra khác vẫn chưa tiến hành cuộc điều tra minh bạch mà nhiều người mong muốn. SUSTech tuyên bố muốn thành lập một ủy ban độc lập để điều tra vụ việc này và công bố kết quả đến công chúng, tuy nhiên chưa có cuộc điều tra nào. Cuộc điều tra duy nhất được công bố là một thông báo trên Tân Hoa Xã không cung cấp tài liệu và liệt kê tên các nhà điều tra, chỉ ghi “He Jiankui đã bất chấp lệnh cấm của chính phủ và tiến hành nghiên cứu nhằm theo đuổi danh tiếng và lợi ích cá nhân”. Hình phạt sẽ dựa trên luật pháp và quy định, và bất cứ ai bị nghi ngờ là tội phạm sẽ được chuyển sang bộ phận an ninh công cộng.

Church, người đã có nhiều sự hợp tác về CRISPR ở Trung Quốc, thấy không thể tin được việc của He đã khiến Chính phủ Trung Quốc ngạc nhiên. Ông nói “Trung Quốc có hệ thống giám sát tối ưu nhất trên thế giới, họ hoàn toàn nhận thức được mỗi bước đi của anh ta, đặc biệt là vì anh ta không giữ bí mật về điều đó.”

Nhà khoa học tế bào gốc Pei mà He đã gặp tại cuộc họp Templeton, người đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hồng Kông và đồng tác giả viết báo cáo NASEM, cũng bị dính vào vụ này. Theo như hai nguồn tin mật cho biết, He đã nói đã thông báo cho Pei vài tháng trước khi hội nghị về cấy ghép và chỉnh sửa phôi được tổ chức. Pei sau đó đã gay gắt từ chối thảo luận về vấn đề này.

Benjamin Hurlbut, con trai của William và là một nhà sử học về y sinh tại Đại học bang Arizona ở Tempe, đã nói rằng các nhà khoa học hàng đầu nên xem xét kĩ hành động của họ. Ông nghĩ báo cáo NASEM 2017 đã giúp He bằng cách tiếp cận thiết lập để hướng dẫn khoa học: chỉ định một nhóm ưu tú để quyết định các nhà khoa học nên được quy định như thế nào. Benjamin Hurlbut, tác giả cuốn Thí nghiệm về Dân chủ tìm hiểu về quản trị nghiên cứu phôi thai và đạo đức sinh học, kêu gọi cần có một bộ phận theo dõi toàn cầu về chỉnh sửa gene để tổ chức các cuộc họp với các quan điểm khác nhau.

Doudna gợi ý rằng việc chỉnh sửa mầm bệnh là không thể tránh khỏi vào năm 2015, trước cả khi He bắt đầu thí nghiệm của mình .“Quyết định đó được đưa ra khi người đầu tiên bắt đầu làm việc với phôi người sử dụng CRISPR. Đối với tôi, câu hỏi được đặt ra hiện tại là, nó sẽ xảy ra như thế nào? Làm sao để kiểm soát nó? và điều gì sẽ tác động đến xã hội trong tương lai?” □

Ly Vũ lược dịch

Nguồn: Sciencema

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)