Sau Hội nghị thượng đỉnh giữa các bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhóm G7 vào tháng sáu, các quốc gia phát triển hàng đầu đang phối hợp để vừa thúc đẩy hệ thống khoa học mở, chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo an ninh nghiên cứu.
Những năm gần đây, G7 nỗ lực bảo vệ thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ khỏi bị các nước khác đánh cắp công nghệ. Đến bây giờ thì nhóm các nước G7 lại đang cố gắng chống lại một nguy cơ khác: các biện pháp bảo mật có thể gây hại cho nền khoa học của chính các quốc gia này, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới năng suất của phần lớn mạng lưới nghiên cứu trên thế giới – với hàng nghìn hợp tác R&D đang diễn ra giữa Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada và Anh, và mở rộng sang các đồng minh nhỏ hơn của họ từ Đan Mạch đến New Zealand – chiếm phần lớn trong số 2 nghìn tỷ USD mỗi năm mà thế giới chi cho R&D. Các hợp tác trải rộng trong nhiều lĩnh vực chưa từng có, những mối hợp tác điển hình như vaccine COVID-19, trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và công nghệ khí hậu chỉ là một vài trong số những hợp tác rộng khắp thế giới.
Rào cản gia tăng
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu phàn nàn, căng thẳng địa chính trị đang tạo thêm rào cản cho quá trình hợp tác khoa học và công nghệ. Tại Mỹ, chính quyền Trump truy tố một số nhà nghiên cứu bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật cho Trung Quốc. Tại Canada, người nộp đơn xin tài trợ bắt đầu phải thêm thông tin về rủi ro bảo mật về nhiều hoạt động hợp tác với nước ngoài . EU, trong khi thúc đẩy các đối tác quốc tế mới trong chương trình Horizon Europe trị giá 95,5 tỷ euro với thông điệp “Càng cởi mở càng tốt và càng an toàn càng tốt” cũng đang phát triển chính sách an ninh khoa học riêng. Và sau đó cuộc chiến ở Ukraine, khiến hầu hết các chính phủ các nước phương Tây hạn chế hợp tác khoa học và công nghệ với Nga.
Đối với nhiều nhà nghiên cứu, xu hướng này thật đáng buồn. Thomas Schuelke, chủ tịch chi nhánh tại Mỹ của hãng công nghệ khổng lồ Fraunhofer, nhớ lại vào năm 2017 hãng của ông đã quyết định từ bỏ một hợp tác xuyên Đại Tây Dương về công nghệ kim cương đã lên kế hoạch vì quá khó để mà cân bằng giữa yêu cầu kiểm soát an ninh về khoa học và công nghệ và xuất khẩu. Và, mặc dù sau đó Tổng thống Trump đã hết nhiệm kỳ, nhưng vấn đề hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là về nghiên cứu ứng dụng, vẫn còn là vấn đề cho đến ngày nay. “Không có sự khác biệt cho dù đó là Trump, Obama hay Biden. “Trong 10 năm qua, chúng tôi đã thấy có xu hướng gia tăng trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát” góp phần gây ra những khó khăn trong hợp tác xuyên biên giới. “Chúng ta đang ngăn cản lẫn nhau để hợp tác hiệu quả”, Schuelke nói.
Thay vào đó, điều giới nghiên cứu khoa học công nghệ mong muốn là một hệ thống hợp tác nghiên cứu mới “sẽ mang lại kết quả tích cực cho mọi người và mọi người đều có thể tham gia miễn là họ tuân theo các quy tắc”.
Một bước tiến tới một hệ thống như vậy đã được thực hiện vào tháng trước tại Frankfurt, khi các bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhóm G7 gặp nhau để thảo luận về hợp tác nghiên cứu. Thông cáo chính thức sau cuộc họp đã được tuyên bố rộng rãi rằng, “Chúng tôi tin rằng tính mở là nền tảng, an ninh là cần thiết và tự do và liêm chính là rất quan trọng”.
Tiến trình của Mỹ
Một đại diện của phái đoàn Mỹ cho biết muốn nhấn mạnh là tự đóng cửa không phải là giải pháp mà giải pháp phải rõ ràng – đưa bất kỳ rủi ro, xung đột hoặc vấn đề đạo đức có thể xảy ra ngay từ trước khi xây dựng mối hợp tác.
Đây là điều mà giới quản lý khoa học công nghệ ở Mỹ cũng đang làm rõ. Vào tháng một, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Nhà Trắng đã ban hành một tài liệu hướng dẫn các cơ quan tài trợ về việc cần sửa đổi các biểu mẫu đăng ký tài trợ để làm rõ hơn những loại xung đột và rủi ro mà một nhà nghiên cứu phải làm rõ khi xin tài trợ.
Mục đích của hướng dẫn này không chỉ là để ngăn cản nguồn tài trợ có liên quan tới Trung Quốc hoặc hợp tác của Nga. Chính phủ Mỹ muốn các nhà nghiên cứu tiết lộ rõ ràng hơn các cam kết khác – có thể cho một nhà tài trợ khác hoặc một đối tác công ty mà họ đã ký thỏa thuận không tiết lộ – điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nghiên cứu mà họ đang tìm kiếm tài trợ.
Rebecca Keizer, phụ trách bảo mật nghiên cứu tại NSF, cho biết trong năm nay NSF đã tham khảo ý kiến của các cơ quan tài trợ khác về việc phối hợp và làm rõ các yêu cầu công khai thông tin. Các cơ quan tài trợ đang hướng tới xây dựng một bộ dữ liệu chuẩn hóa cho những người nộp đơn xin tài trợ – có đầy đủ thông tin về sơ yếu lý lịch, xung đột quyền lợi, cam kết – với tất cả các cơ quan tài trợ liên bang, để sau đó các công ty phần mềm tư nhân có thể phát triển các công cụ để khai báo thông tin thân thiện với người dùng. Keizer cho biết: “Chúng tôi muốn loại bỏ khả năng mắc những lỗi đơn giản” trong các ứng dụng. Bà hy vọng, các nỗ lực này sẽ làm giảm các thủ tục khai báo thông tin.
Thông tin chi tiết về hệ thống mới sẽ được công bố vào cuối mùa hè này để lấy ý kiến giới chuyên môn. Đồng thời, Keizer cũng cho biết thêm NSF đã yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia tổ chức một hội thảo để đánh giá rà soát các yêu cầu về việc bảo mật thông tin khoa học, dán nhãn thông tin mật trong bối cảnh cần phải phát triển khoa học mở hiện nay.
Nỗ lực của nhóm G7
Cuộc họp nhóm các bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhóm G7 ở Frankfurt vào tháng sáu vừa qua đã nêu bật những nỗ lực tương tự mà tất cả đều đang thực hiện nhằm xác định cách thức để vừa đảm bảo tính mở trong khoa học vừa đảm bảo an ninh nghiên cứu. Các bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhất trí về một quy trình ba bước do một tiểu ban về an ninh khoa học của G7 thực hiện.
Bước đầu tiên là thống nhất, đưa ra một định nghĩa rõ ràng về tính bảo mật và tính toàn vẹn của nghiên cứu – về bản chất, dựa trên các nguyên tắc là nghiên cứu tốt, có đạo đức và an toàn nên được tiến hành.
Thứ hai là một khóa học mà EU sẽ xây dựng, để đào tạo cho các nhà nghiên cứu về các nguyên tắc nghiên cứu.
Và thứ ba là một bộ công cụ về an ninh nghiên cứu: một bản tóm tắt các chính sách và thủ tục ở quốc gia khác nhau để đảm bảo an ninh trên toàn G7.
Các nhà quản lý cho biết bộ nguyên tắc đã gần hoàn thành, công cụ dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Ngô Thành
(Visited 1 times, 1 visits today)