Phơi nhiễm bụi PM2.5: Rủi ro cho ai?

Trong những ngày mà chất lượng không khí ở mức thấp nhất trong năm, dù ở Hà Nội hay TPHCM, không ai có thể thoát khỏi sự đeo bám của những hạt bụi PM2.5. Thực tế này khiến chúng ta bất giác đặt câu hỏi “ai sẽ là người hứng chịu rủi ro nhiều nhất”?

Sống trong thế giới nối mạng, thông tin cập nhật hằng ngày hằng giờ, hẳn nhiều người có thể phần nào biết được rủi ro có thể đến từ PM2.5, ví dụ như những bệnh về đường hô hấp mà mức độ trầm trọng hơn ở người già và trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, PM2.5 và những chất ô nhiễm khác liên quan đến rất nhiều loại bệnh khác. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Current Pollution Reports vào năm 2020, dựa trên kết quả của 247 bài báo khoa học xuất bản trong vòng năm năm (2015–2019), bụi PM2.5 còn dẫn đến nguy cơ tử vong và bệnh tật cao do rối loạn hô hấp, tim mạch, rối loạn mạch máu não và tiểu đường, ngay cả khi phơi nhiễm nồng độ PM2.5 ở mức thấp1. 

Thậm chí, trên Vox, một tờ báo online của Mỹ, ngày 27/12/2021 còn đưa ra lời nhận xét dựa trên thông tin rút trích từ nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (WHO) “Bạn không thể thấy những hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micron. Nhưng chúng có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3,4 triệu người mỗi năm”2.

 

Đến đây, hẳn không ai còn cảm thấy bình thản trước câu chuyện về bụi PM2.5 nữa. Nhưng nguy cơ rủi ro ở Việt Nam như thế nào? Đi tìm câu trả lời này, từ gần 10 năm qua, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và đồng nghiệp trong và ngoài trường Y tế công cộng đã thực hiện nhiều nghiên cứu về đánh giá nguy cơ rủi ro với sức khỏe do bụi PM2.5. Báo cáo “Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”, công trình mới nhất của chị và đồng nghiệp thực hiện cho chúng ta thấy những dữ liệu đầu tiên về gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội3. “Trong nghiên cứu này chỉ tính ra phần quy thuộc về nguy cơ rủi ro, còn bằng chứng liên quan về bệnh tật do phơi nhiễm bụi đã được chứng minh ở nhiều quốc gia khác. Câu chuyện ở Hà Nội có khác không? Theo tôi, không khác biệt lắm”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung trao đổi như vậy tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu vào ngày 12/8/2021

 

Tìm dữ liệu để đo lường gánh nặng bệnh tật 

 

“Khi làm nghiên cứu sinh ở Thụy Sĩ vào năm 2014, tôi đã nghĩ đến việc thực hiện một nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của bụi đến sức khỏe con người tại Việt Nam và cố gắng tìm kiếm các nguồn dữ liệu, cả   mối quan hệ cá nhân, nhưng không thành vì không có đủ dữ liệu”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung đã cho biết như vậy khi nhìn lại cả quá trình theo đuổi hướng nghiên cứu này. Không khỏi nuối tiếc khi nghĩ đến việc nếu như đã làm một nghiên cứu đánh giá về gánh nặng bệnh tật với sự hỗ trợ của một nhóm nghiên cứu châu Âu nhiều kinh nghiệm thì ắt hẳn, đến bây giờ, vấn đề này sẽ được nhiều người ở Việt Nam, trong đó có cả nhà quản lý, quan tâm hơn.

Nhưng cuộc sống không có chữ “nếu”. TS. Nguyễn Thị Trang Nhung đã phải chờ đến gần năm năm sau, cùng với PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ, ĐHQGHN), một nhà nghiên cứu chất lượng không khí bằng công cụ dữ liệu ảnh vệ tinh và học máy, và Live and Learn, một tổ chức NGO về môi trường ở Hà Nội, thì cơ hội mới sáng rõ. Dù đã nắm rất chắc hướng dẫn của WHO về đánh giá tác động của bụi PM2.5 lên sức khỏe với những yêu cầu về dữ liệu nền (dân số, nồng độ bụi, số liệu y tế…) và công cụ GEMM – một mô hình ước lượng nguy cơ tử vong, sự gia tăng của nguy cơ tử vong do sự gia tăng của ô nhiễm không khí tại tất cả các nước phát triển và chưa phát triển, trong đó có quốc gia có nồng độ ô nhiễm giống Việt Nam là Trung Quốc, nhưng cái khó là Việt Nam chưa có bản đồ nồng độ bụi. Đó là lý do để nhóm nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh “đi trước một bước”: vẽ bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 năm 2019 của Hà Nội chi tiết đến cấp quận huyện. “Mọi người có thể thấy trên biểu đồ, nơi có nồng độ bụi cao là hai quận nội thành Đống Đa và Ba Đình (39,52μg/m3) và nơi nồng độ bụi thấp nhất là huyện ngoại thành Ba Vì (22,9μg/m3)”, chị giới thiệu trong hội thảo.   

 

Dưới tác động của sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm gia tăng thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, tương đương 1,2% tổng số ca nhập viện do bệnh tim mạch của người dân Hà Nội, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp tại Hà Nội, tương đương 2,4% tổng số ca nhập viện do bệnh hô hấp. Nếu kiểm soát chất lượng không khí ở mức dưới quy chuẩn Việt Nam thì Hà Nội sẽ thu được hai lợi ích dễ thấy: 1.Tránh được 2.575 trường hợp tử vong/năm do các bệnh liên quan đến phơi nhiễm bụi, hay nói cách khác là giảm số ca tử vong lên tới 11% ở nhóm người trên 25 tuổi. 2. Số năm kỳ vọng sống của chúng ta có thể tăng 812 ngày tuổi, nghĩa là chúng ta tăng 2,22 tuổi”.

Đó là nền tảng để TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và cộng sự dựa vào khi tính nguy cơ rủi ro với sức khỏe của việc phơi nhiễm bụi với những thông số như số ca nhập viện, số ca tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi, tổng số năm sống khỏe mạnh bị mất của cả quần thể (Years of Life Lost), kỳ vọng sống bị mất (Loss of Life Expectancy) – trung bình tuổi thọ kỳ vọng của người mới sinh – của quần thể do phơi nhiễm dài hạn với bụi. Một trong những điểm mấu chốt để chị tính toán gánh nặng bệnh tật do phơi nhiễm quá mức với nồng độ bụi thực tế là xác định được điểm cơ sở. Ở đây, điểm cơ sở chính là nồng độ bụi thấp nhất ở Hà Nội theo đo lường của PGS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, 22,9μg/m3. “Ngoài ra, chúng tôi tính gánh nặng bệnh tật cho hai mức cơ sở khác nữa là mức tham chiếu theo quy chuẩn Việt Nam 25 microgram/m3 và theo mức khuyến cáo của WHO là 10μg/m3.  Ý nghĩa của nó là tìm hiểu xem nếu Hà Nội thực hiện các bước thực hiện kiểm soát mức bụi PM2.5 về các mức đó thì lợi ích sức khỏe thu được như thế nào”, chị giải thích. 

Những kết quả mà TS. Nguyễn Thị Trang Nhung có được trong tay có khiến mọi người giật mình? Suy cho cùng, đó là một sự thật mà nhiều người có thể mường tượng ra. “Tôi nghĩ mọi người biết đến nguy cơ có thể sẽ đến nhưng không rõ là mình sẽ thiệt mất bao nhiêu thời gian sống thôi”, chị nói.

Là người làm nghiên cứu, chị hiểu rõ ý nghĩa của những con số đó: “Bây giờ mình đã có đủ bằng chứng hiện hữu ở Việt Nam để chứng tỏ là ô nhiễm không khí có tác động thật sự đến sức khỏe chứ không đơn thuần lấy thông tin của Tây rồi suy ra ta”. 

 

Ai phải chịu rủi ro?

 

Quá trình tìm ra cái mới trong khoa học bao giờ cũng thú vị. Nhưng với những người làm về tác động của yếu tố ngoại cảnh lên sức khỏe con người, cái mới ấy lại đi kèm với lo âu, đặc biệt trong trường hợp này. Bởi họ sẽ là những người đầu tiên thấy được nguy cơ cho cả cộng đồng, khi bị phơi nhiễm chất độc hại trong thời gian dài. “Dù phơi nhiễm bụi và hút thuốc lá có thể có cùng nguy cơ dẫn đến một số bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư nhưng xét cho cùng, chỉ có khoảng 35% dân số hiện nay hút thuốc, còn bụi thì ngược lại, 100% dân số cùng trải nghiệm việc này”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung nói. 


Chị Nguyễn Mai Linh (phố Cửa Bắc, Hà Nội) cho biết, con chị đang bị viêm phổi nên khi biết không khí tại Hà Nội rất ô nhiễm đã mua thêm khẩu trang cho cả gia đình dùng. Nguồn: Infonet.

Nghĩa là 100% dân số Hà Nội, những người cùng hít thở một bầu không khí có nồng độ bụi PM2.5 dao động từ 22,9 μg/m3 đến mức 39,52 μg/m3 đều khó có khả năng tránh khỏi nguy cơ phơi nhiễm dài hạn. Ở đây, chúng ta có thể chú ý thêm một chi tiết, nếu mức 22,9 μg/m3 là mức thấp nhất trong năm 2019 đo được ở huyện Ba Vì thì mức nồng độ trung bình năm của bụi PM2,5 ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội là từ 28,15 μg/m3 đến 39,4μg/m3.

Sống trong bầu không khí với nồng độ bụi trung bình năm đều vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT là 25μg/m3, chúng ta sẽ phải hứng chịu điều gì? “Theo kết quả rút ra từ mô hình tính toán của chúng tôi thì việc bị phơi nhiễm ở các khu vực có nồng độ bụi cao hơn giá trị 22,9 μg/m3 sẽ dẫn đến nguy cơ gây ra 2.855 ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến bụi PM2.5. Và tính đến tỉ suất tử vong (số ca tử vong quy thuộc/100.000 dân) thì sẽ có khoảng 35,5 ca tử vong/100.000 dân do các bệnh này. Như vậy có thể nguy cơ tử vong do bụi ở những người dân Hà Nội trên 25 tuổi là 12%”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết trong hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu. Trong số 12 quận, 17 huyện và một thị xã của Thủ đô, đáng chú ý là hai quận nội thành Hoàn Kiếm và Ba Đình có tỷ suất tử vong sớm do phơi nhiễm bụi PM2.5 cao hơn với con số 59,8 và 55,3/100.000 dân, thấp nhất là huyện Ba Vì và quận Nam Từ Liêm với tỷ suất tử vong sớm lần lượt là 24,7 và 24,3/100.000 dân.

 

Nhưng rủi ro không chỉ có vậy, nó còn được hiển thị qua những con số khác – tổng số năm sống bị mất và kỳ vọng sống bị mất do phơi nhiễm bụi. Tính trên tổng dân số thì Hà Nội sẽ có nguy cơ mất đi 79.933 năm (992,5 năm/100.000 dân), đây là tổng năm sống khỏe mạnh bị mất, và kỳ vọng sống bị mất là 908 ngày. 

Ai cũng có thể “nhìn thấy” viễn cảnh có thể đến này, nếu như vẫn phải sống trong bầu không khí có nồng độ bụi PM2.5 là 22,9μg/m3. Nhưng chúng ta hãy nhớ một điều là những lá phổi của người dân nội đô còn luôn phải đón nhận những luồng không khí tệ hơn mức đó (28,15μg/m3 đến 39,4μg/m3). TS. Nguyễn Thị Trang Nhung giải thích thêm, “nói cách khác là kỳ vọng sống lúc sinh của người sống ở HN là giảm 2,49 tuổi do các bệnh liên quan đến bụi. Kỳ vọng sống hiện nay của người Hà Nội là 79 tuổi nhưng do các bệnh lý liên quan đến bụi nên sẽ bị giảm 2,49 tuổi. Điều đó nghĩa là nếu chất lượng không khí được cải thiện và nồng độ bụi ở dưới mức 22,9 thì kỳ vọng sống của người sống ở Hà Nội là khoảng 81 tuổi”.

Nếu tương lai Hà Nội kiểm soát tốt chất lượng không khí thì những lợi ích có thể thu nhận là gì? Dĩ nhiên, trong trường hợp này thì các quận trung tâm có mật độ dân số cao và nồng độ bụi cao như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình sẽ giảm được các ca tử vong, ví dụ Hoàn Kiếm giảm 55 ca/100.000 dân và ngay cả huyện Ba Vì cũng giảm còn 17 ca/100.000 người. 

Ai trong số những người đang sống ở Hà Nội sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro nhất? Có lẽ, khi nghĩ đến những nguy cơ có thể đến với người bị phơi nhiễm dài hạn với bụi, người ta thường quy về hai nhóm dễ bị tổn thương là người già và trẻ em. Không phải không có lý bởi năm 2017, TS. Lương Thị Mai Ly (Khoa Khoa học môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) và cộng sự đã phát hiện ra “Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí ở dạng hạt và việc nhập viện đường hô hấp ở trẻ nhỏ ở Hà Nội, Việt Nam” (“The association between particulate air pollution and respiratory admissions among young children in Hanoi, Vietnam) trên tạp chí Science of The Total Environment4. Khi kiểm tra hậu quả phơi nhiễm ngắn hạn (2010 -2011), các nhà nghiên cứu đã nhận thấy việc gia tăng 10μg/m3 của PM10, PM2.5 hoặc PM1 dẫn đến sự tăng nguy cơ nhập viện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ba năm sau, cũng trên tạp chí này, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, với đề tài do NAFOSTED tài trợ, đã xuất bản công bố “Exposure to air pollution and risk of hospitalization for cardiovascular diseases amongst Vietnamese adults: Case-crossover study” (Tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nguy cơ nhập viện vì các bệnh tim mạch ở người trưởng thành Việt Nam: nghiên cứu bệnh bắt chéo)5, trong đó chị phát hiện ra mối liên quan giữa nồng độ bụi PM2.5, PM1 với tần suất nhập viện ở ba tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ và hiệu ứng này mạnh hơn với người trên 65 tuổi và trong mùa đông. 

 

Có nên sống chung với bụi? 

 

Ít nhất trong bốn tháng 1, 2, 11 và 12 hằng năm, khu vực Hà Nội trên bản đồ online của PAMair – một mạng lưới chất lượng không khí tư nhân với hơn 400 điểm giám sát tại tất cả 63 tỉnh thành và có mật độ dày nhất ở Hà Nội – đều hiển thị những chấm đỏ và tím: biểu hiện của tình trạng ô nhiễm không khí ở mức xấu đến rất xấu. Trốn đâu khỏi bụi bây giờ.

Điều đó khiến chúng ta không khỏi âu lo về nguy cơ mà mình và người thân, bạn bè có thể mắc phải. Ở đây, tác động của việc phơi nhiễm bụi PM2.5 lên sức khỏe là một câu chuyện lạ lùng. Nó lạ ở chỗ dường như không gây ra cảm giác một cách rõ rệt ở người này người kia, không gây ra những căn bệnh ngay tức thì, ngoại trừ những cái hắt hơi khó chịu, nhưng nguy cơ rủi ro cuối cùng khó tránh khỏi, nếu phơi nhiễm đủ lâu. Đủ lâu là mất bao nhiêu thời gian? Liệu cơ chế phơi nhiễm bụi ở người Hà Nội, hay nói rộng ra là người Việt Nam, có khác so với người châu Âu, người Mỹ? “Để giải đáp một cách rốt ráo những câu hỏi này, các nhà nghiên cứu cần thời gian và cần được đầu tư”, một nhà nghiên cứu trả lời.

Nhưng nếu trong trường hợp Hà Nội có thể kiểm soát nồng độ bụi thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu nồng độ bụi PM2.5 trong không khí Hà Nội thấp hơn quy chuẩn Việt Nam, có thể nhiều người sẽ tránh nguy cơ tử vong sớm, nhiều căn bệnh sẽ lui ư? Dĩ nhiên là vậy, các nhà nghiên cứu cho biết. 

Lý tưởng hơn, nếu Hà Nội kiểm soát được nồng độ bụi PM2.5 mức dưới 10microgram/m3 như khuyến cao của WHO thì chúng ta có thể lạc quan cho tương lai? “Chúng tôi tính ra cho các lợi ích nếu Hà Nội kiểm soát được nồng độ bụi PM2.5 mức dưới 10microgram/m3 thì số ca tử vong tránh được là 4.222 ca/năm, nâng tuổi kỳ vọng sống lên 3,88 tuổi, tổng số năm sống bị mất của những người do liên quan đến phơi nhiễm bụi là 123.103 năm”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung trao đổi trong hội thảo. 

Điều đó có nghĩa, ngay cả khi chúng ta sống ở một vùng đất mà nồng độ bụi trong không khí nhỏ gấp nhiều lần so với hiện tại, nguy cơ rủi ro với sức khỏe khác của chúng ta vẫn còn hiện hữu. 

Nhưng biết đâu phơi nhiễm bụi lại có thể ít rủi ro hơn so với những nguy cơ khác mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống này? Không hẳn thế. Trong báo cáo “Air Quality life index” của trường Đại học Chicago công bố vào tháng 9/2021, hai nhà nghiên cứu Ken Lee và Michael Greenstone viết “Việc uống rượu làm giảm kỳ vọng sống xuống còn chín tháng; nước không đủ tiêu chuẩn và nhiễm mặn bảy tháng; HIV/AIDS bốn tháng; sốt rét ba tháng; xung đột và khủng bố bảy ngày. Theo cách đó, tác động của ô nhiễm bụi lên kỳ vọng sống có thể so sánh với tác động của hút thuốc, gấp ba lần với uống rượu, ma túy và nước không đủ tiêu chuẩn, gấp năm lần so với nhiễm HIV/AIDS, và 114 lần so với xung đột và khủng bố”6.

Quả thật, có quá nhiều nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến mạng sống con người, trong đó có cả chúng ta. Liệu chúng ta có thể tránh khỏi ô nhiễm? “Sống trên Trái đất này, chúng ta phải chịu rất nhiều tác động khác nhau, mỗi tác động đều có tính chất khác biệt nhưng tổng hợp lại thì lại lớn. Tuy nhiên có một vấn đề là nếu anh thường có thể tự quyết định hút thuốc lá hay uống rượu hay không…, nhưng với bụi thì không thể, anh buộc phải hít thở một bầu không khí do người khác tạo ra…”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung nhận xét.

Nghĩa là tất cả sẽ là vô vọng ư? Ồ không, nếu tất cả chúng ta cùng ngồi lại với nhau, cùng tìm cách giảm thiểu các nguồn phát, thay đổi thói quen giao thông, trồng nhiều cây xanh hơn… thì rất có thể đến lúc thấy ánh sáng cuối đường hầm. □

Khi ước lượng gánh nặng bệnh tật, có thể chúng tôi vẫn còn ước lượng thiếu và con số thực tế có thể sẽ còn cao hơn do một số nguyên nhân: kết quả của bản đồ nồng độ bụi PM2.5 là kết quả đầu vào để ước tính gánh nặng bệnh tật có thể có sai số; sổ tử vong A6 chỉ phản ánh 80% ca tử vong ở Hà Nội bởi số ca tử vong được ghi nhận là người được đăng ký thường trú tại Hà Nội nhưng tại Hà Nội cũng có những người bị phơi nhiễm bụi nhưng không đăng ký tử vong tại Hà Nội. Với số liệu các ca nhập viện thì chúng tôi cũng chỉ lấy những người sống Hà Nội mà không lấy số người không ghi sống ở Hà Nội” (TS. Nguyễn Thị Trang Nhung).

——————–

1. https://link.springer.com/article/10.1007/s40726-020-00155-3

2. https://www.vox.com/future-perfect/22691558/air-pollution-deaths-mortality-pm-25-soot-particulate

3. “Báo cáo Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” do Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN thực hiện. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ Dự án Chung tay vì Không khí Sạch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) điều phối.

4. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0048969716316965?via%3Dihub#!

5. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0048969719346285?via%3Dihub

6. https://aqli.epic.uchicago.edu/wp-content/uploads/2021/08/AQLI_2021-Report.EnglishGlobal.pdf

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)