Phóng tàu vũ trụ để giải mã bí ẩn đường chân trời phát sáng của Mặt Trăng

Hơn 40 năm sau ngày các nhà du hành vũ trụ trên tàu Apollo rời khỏi Mặt Trăng, giờ đây Cơ quan Thăm dò vũ trụ NASA của Mỹ quyết định sẽ phóng một tàu vũ trụ không người lái lên đó nhằm tìm hiểu một trong các phát hiện kỳ lạ nhất trên thiên thể này — dải ánh sáng trên đường chân trời của Mặt Trăng.

NASA cho biết ngày 6/9 (giờ địa phương) đã phóng Tàu Thăm dò Khí quyển và Môi trường Bụi Mặt Trăng (Lunar Atmosphere and Dust Environment Explorer, LADEE) lên Mặt Trăng bằng tên lửa vượt đại châu Minotaur V của Không quân Mỹ.

LADEE sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng nhằm thu thập các thông tin chi tiết về bầu khí quyển trên đó, các điều kiện gần bề mặt và ảnh hưởng của môi trường đối với bụi Mặt Trăng. LADEE sẽ giải quyết được những điều lâu nay còn chưa hiểu về Mặt Trăng và giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các hành tinh khác.

Sứ mạng thăm dò lần này là phân tích bầu khí quyển loãng trên Mặt Trăng và giải mã bí ẩn về đường chân trời phát sáng của nó (lunar glowing horizon).

Trước kia, tàu Surveyor phóng ngày 17/4/1967 từng phát hiện đường chân trời phát sáng chạy dọc theo đường phân cách vùng sáng và vùng tối trên Mặt Trăng (tức đường terminator); về sau các nhà du hành vũ trụ trên tàu Apollo khi bay vòng Mặt Trăng cũng nhìn thấy dải ánh sáng này. Ghi chép của Surveyor cho thấy đó là một dải ánh sáng mỏng. Tiến sĩ Paul Spudis, nhà khoa học nổi tiếng của Viện Mặt Trăng và Hành tinh Mỹ (Lunar and Planetary Institute) cho biết khi Surveyor phát hiện dải ánh sáng đó, nó dường như chỉ ở cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 1-2 mét. Nhưng các nhà du hành vũ trụ Apollo lại nói dải ánh sáng này ở độ cao vài trăm km so với bề mặt Mặt Trăng. Đây là một bí ẩn chưa có lời giải.

Nhiều năm qua, người ta cho rằng dải ánh sáng đó là sự phản quang của các hạt bụi Mặt Trăng. Nhưng tàu vũ trụ Clementine (1994) lại không phát hiện thấy dải ánh sáng này. Bởi vậy việc phóng tàu LADEE nhằm nghiên cứu xem dải ánh sáng đó thực tế có tồn tại không, hay chỉ là sự tưởng tượng của con người.

Từ 2007 tới nay, Mỹ đã liên tục phóng bảy tàu thăm dò Mặt Trăng nhưng đều không chú ý nghiên cứu bầu khí quyển trên thiên thể này. Việc phóng tàu LADEE nhằm bổ khuyết thiếu sót đó.

Bầu khí quyển Mặt Trăng có thể một phần cấu tạo bởi các chất khí phun ra từ bên trong Mặt Trăng, một phần là những chất khí sinh ra khi các sao băng nhỏ va chạm rồi bốc hơi, và các hạt mang điện trong gió Mặt Trời. Bầu khí quyển Mặt Trăng cực loãng: một xăngtimét khối khí quyển ở bề mặt thiên thể này chỉ chứa từ 100 nghìn cho tới 10 triệu phân tử, trong khi một xăngtimét khối khí quyển ở bề mặt Trái Đất chứa khoảng 100 tỷ tỷ phân tử.

Tàu vũ trụ robot LADEE trị giá 280 triệu USD, mang theo bốn thiết bị đo lường, không những chỉ quan sát bề mặt Mặt Trăng mà đồng thời còn quan trắc quỹ đạo của nó. Các nhà nghiên cứu cho rằng rất có thể đường chân trời phát sáng được cấu tạo bởi các hạt mang điện hút bụi. Những hạt bụi đó có thể có ảnh hưởng bất lợi đối với các tấm pin Mặt Trời và bộ tản nhiệt trên tàu vũ trụ. Vì thế việc nghiên cứu bụi Mặt Trăng là rất quan trọng.

Do loài người ngày càng tăng cường thăm dò Mặt Trăng nên các chất khí do tàu vũ trụ sinh ra rất có thể đã trở thành một phần của bầu khí quyển Mặt Trăng. Trên thực tế, những tàu hạ cánh thành công trên Mặt Trăng thì tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn những tàu bị rơi xuống đây. Điều đó có nghĩa là các chất khí do tàu thăm dò Mặt Trăng thải ra cũng sẽ trở thành một phần của bầu khí quyển Mặt Trăng.

Nguyễn Hải Hoành lược thuật

Tác giả