Quy hoạch không gian xanh cho các đô thị

Ngoài chức năng cảnh quan, việc phát triển không gian xanh trong các đô thị ở Việt Nam còn là một giải pháp quan trọng để ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí đang gia tăng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Tuy nhiên, làm thế nào để biến các không gian xanh trong các bản quy hoạch trở thành hiện thực là bài toán vẫn đang chờ lời giải.
Những con đường vắng bóng mát trong nắng hè ở Hà Nội khiến nhiều người nhớ tiếc những hàng cây xanh trước đây. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, cây xanh còn có ý nghĩa đặc biệt hơn cả việc che mát hay làm đẹp cảnh quan: “Cây xanh ven đường là một phần của không gian xanh đô thị, có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, điều hòa nhiệt độ, giảm bớt tiếng ồn, tăng sự đa dạng sinh học, tạo bản sắc cho mỗi đô thị,…”, TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh trong tọa đàm “Bảo vệ không gian xanh đô thị” do tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức vào cuối tháng bảy vừa qua.
Giá trị của cây xanh càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Khi các đợt nắng nóng xảy ra thất thường và khắc nghiệt hơn trên toàn thế giới, chúng ta có thể thấy rõ khu vực đô thị sẽ nóng bức hơn nhiều do các vật liệu xây dựng như bê tông, đường nhựa hấp thụ nhiệt tốt (hiện tượng đảo nhiệt đô thị – urban heat island). Tuy nhiên, các không gian xanh có thể làm giảm hiện tượng này. Thậm chí theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc gần đây, các khoảng xanh nhỏ như tán cây, thảm cỏ cũng có thể góp phần giảm nhiệt độ bề mặt ở khu vực này xuống khoảng 6oC trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt. Ngoài nắng nóng, một số quốc gia còn thiết kế các không gian xanh để ứng phó với ngập lụt. Đơn cử như vào năm 2018, Thái Lan đã triển khai dự án xây dựng Công viên Thế kỷ Đại học Chulalongkorn tại thủ đô Bangkok có thể chứa được khoảng 3,7 triệu lít nước mưa, nhằm giải quyết vấn đề ngập lụt sau mưa.
Do vậy, không gian xanh (urban green space – những không gian được phủ xanh bởi cây cối và các vùng mặt nước như ao, hồ, sông, suối chảy qua đô thị) luôn là một phần thiết yếu trong quy hoạch đô thị. Những con đường rợp bóng cây xanh hay rừng cây giữa lòng thành phố ở nhiều quốc gia mà nhiều người hằng ước ao đều là kết quả từ các chính sách phát triển không gian xanh từ lâu. Chẳng hạn ngay từ thế kỷ 17, thành phố London (Anh) đã thành lập một Ủy ban về công trình xây dựng để giám sát sự phát triển của Lincoln’s Inn Fields – một trong những không gian xanh được quy hoạch đầu tiên ở Anh. Đến nay, nơi đây đã trở thành một công viên xanh nổi tiếng ở London.
Dù đi sau so với thế giới song các chính sách về xây dựng không gian xanh ở Việt Nam khá đầy đủ. “Trong quy hoạch đô thị bắt buộc phải có quy hoạch về không gian xanh. Công trình xây dựng tối đa chỉ 40-50%, còn lại phải dành cho diện tích cây xanh khoảng 30-40% tùy loại công trình”, ThS. Trần Thị Thanh Ý, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị cho biết. “Các nội dung về không gian xanh đã được luật hóa trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng hay Luật Bảo vệ môi trường mới nhất vào năm 2020,… Trong đó đưa ra các quy định yêu cầu các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên và đảm bảo tỉ lệ không gian xanh, diện tích cây xanh, mặt nước phải đảm bảo theo quy chuẩn đã ban hành”, TS. Nguyễn Thế Đồng nói thêm.
“Độ chênh” giữa quy hoạch và thực tế
Những chính sách về phát triển không gian xanh ở Việt Nam càng lý tưởng bao nhiêu thì thực tế càng khiến người ta “vỡ mộng” bấy nhiêu: “Theo quy chuẩn hiện nay, các đô thị đặc biệt như Hà Nội phải đảm bảo diện tích cây xanh là 9m2/đầu người, nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ đạt 2m2/đầu người. Một con số rất đáng buồn với thủ đô Hà Nội và Việt Nam, trong khi chúng ta vốn được coi là một quốc gia ‘xanh’ từ xưa đến nay. Việc đáp ứng tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch mới đảm bảo được mức cơ sở, tức là mức thấp. Nhưng hiện nay, chúng ta còn ở dưới mức thấp nhiều lần”, TS. Nguyễn Thế Đồng nói. Và không riêng Hà Nội, đây là bài toán mà nhiều thành phố đang phải đối mặt trong xu hướng đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay.
Tuy đầy đủ về vật chất và cơ sở hạ tầng hơn so với nông thôn song tình trạng thiếu không gian xanh đang khiến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị bị suy giảm nghiêm trọng: không khí nóng bức và ô nhiễm hơn, trẻ em thiếu chỗ vui chơi với thiên nhiên, ngập lụt thường xuyên hơn… “Chúng ta đều thấy trong những năm gần đây, cứ sau mỗi trận mưa lớn, Hà Nội và TP.HCM lại ngập trong biển nước – một điều trước đây rất ít xảy ra. Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa, tốc độ xây dựng quá nhanh đã lấp đi những ao hồ – các không gian xanh vốn là nơi thoát nước. Ngoài ra một số đoạn sông chảy qua thành phố được cống hóa cũng làm hạn chế dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước”, ThS. Trần Thị Thanh Ý giải thích.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến “độ chênh” giữa không gian xanh trong quy hoạch và thực tế? “Lời giải thích mà tôi thường nghe được từ nhiều bên là do quỹ đất eo hẹp nhưng nhu cầu lại lớn. Do vậy, họ đã điều chỉnh quy hoạch, giảm phần cây xanh để tăng diện tích xây dựng”, TS. Nguyễn Thế Đồng nói. Theo kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia của Dự án Thành phố sống tốt, tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, đây là câu chuyện quen thuộc của các công trình xây dựng hiện nay: “Nguồn quỹ đất chịu áp lực từ rất nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau. Do vậy, các chủ đầu tư thường chọn mảnh đất làm không gian xanh là mảnh đất xen kẹp, thừa lại hoặc không thể làm gì khác được thì mới để làm vườn hoa”.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu đất liệu có đủ sức thuyết phục? “Việc thiếu quỹ đất đúng là có, nhưng không phải là không có giải pháp khắc phục. Hiện nay trong quy hoạch của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 1259 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011 về quy hoạch chung xây dựng Hà Nội), chúng ta đã nội dung di dời một số trường học, nhà máy, cơ sở y tế không phù hợp ra ngoài. Lẽ ra chỗ đó phải dành cho không gian công cộng hoặc cây xanh, nhưng rất nhiều cơ quan di dời nhưng vẫn giữ lại trụ sở, hoặc mọc ra một tòa nhà cao tầng. Vì vậy, quỹ đất thiếu là do chính chúng ta chưa làm được đến nơi đến chốn”, ThS. Trần Thị Thanh Ý phân tích.
Cần sự tham gia của nhiều bên
Có thể thấy rõ, việc giám sát chặt chẽ hơn quá trình triển khai quy hoạch là biện pháp đầu tiên để giải quyết tình trạng “bản vẽ một đằng, thực tế một nẻo”. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình này sẽ hiệu quả và minh bạch hơn nếu có sự tham gia của cộng đồng. “Nhiều thành phố trên thế giới đã thành lập hội đồng phát triển cây xanh đô thị, đại diện cho người dân cũng như các bên liên quan đến phát triển không gian xanh, họ tham gia các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thậm chí là đầu tư xây dựng. Ở Việt Nam cũng đã có một số nơi phát triển các mô hình tương tự và đã cho thấy hiệu quả rõ ràng, chẳng hạn khi chúng tôi làm việc với Hội An, họ cũng có một tổ công tác về phát triển không gian công cộng. Họ đại diện cho rất nhiều ngành như văn hóa, du lịch, kinh tế,… cùng với các nhà quản lý và cư dân địa phương. Tổ công tác này chịu trách nhiệm tìm kiếm thông tin về những mảnh đất trong thành phố có khả năng phát triển thành không gian công cộng, không gian xanh, từ đó đề xuất phương án huy động nguồn lực. Tôi nghĩ các địa phương khác cũng có thể học hỏi mô hình này, giúp tăng sự kết hợp giữa cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước”, kiến trúc sư Đinh Đăng Hải đề xuất.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém là phải thay đổi suy nghĩ không gian xanh chỉ chiếm phần thứ yếu trong các quy hoạch. “Chúng ta cần có các quy định cụ thể hơn để đảm bảo rằng không gian xanh là một hạ tầng đô thị được ưu tiên, phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến các nhu cầu khác”, kiến trúc sư Hải nói. Nhưng liệu các chủ đầu tư có chịu đáp ứng nếu quy hoạch không gian xanh làm giảm diện tích xây dựng, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ? Thực ra, mục tiêu môi trường và kinh tế không phải lúc nào cũng mâu thuẫn với nhau. “Một điều dễ thấy là việc cắt giảm không gian xanh giúp tăng diện tích xây nhà nhưng chưa chắc đã giúp tăng giá khu đô thị đấy. Thực tế hiện nay, những nơi ưu tiên phát triển không gian xanh thì giá trị đất đai của khu vực đó tăng lên rất nhiều”, theo kiến trúc sư Đinh Đăng Hải.
Quá trình phát triển không gian xanh đô thị cũng gắn liền với việc đầu tư nghiên cứu: “Chúng ta tạo ra màu xanh là chưa đủ, mà phải nghiên cứu sao cho không gian xanh phải phát huy hiệu quả. Việc đầu tiên cần làm là đánh giá lại những thứ hiện có, xem cái gì cần bảo tồn giữ gìn, cái gì cần cải tạo. Khi định trồng bất cứ cây gì, chúng ta cũng phải nghiên cứu xem chọn giống cây gì phù hợp với địa điểm, thổ nhưỡng khí hậu… Chính vì động tác này chúng ta làm không bài bản nên gây ra phản ứng dư luận lớn, như việc trồng hàng cây phong ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội)”, ThS. Trần Thị Thanh Ý nhận xét. Ngoài ra, “trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, chúng tôi cũng nghiên cứu các mô hình vườn đứng, giúp tiết kiệm diện tích và phù hợp với điều kiện ở thành phố. Những màu xanh nhỏ ấy dồn lại sẽ góp phần tạo ra diện tích xanh lớn, kết hợp với những công nghệ mới và việc thay đổi quản lý, dần dần sẽ giải quyết được bài toán xanh trong không gian đô thị ở Việt Nam”.
Liên Khúc

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)