Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc

Theo trang web chính thức của Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc (http://www.nsfc.gov.cn), trong hơn 20 năm hoạt động (từ 1986), Quỹ đã dùng 18 tỷ NDT từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho 100.000 đề tài khoa học cơ bản, đã "đạt nhiều thành tích, thúc đẩy tiến bộ khoa học, đặc biệt trên các lĩnh vực mới như nghiên cứu gene, nano, quang học lượng tử..."

Một thành quả nữa của Quỹ là “đào tạo và bồi dưỡng nhân tài”: Tài trợ cho hơn 13 nghìn người thông qua “Quỹ Khoa học Thanh niên”, cho gần 1.500 người thông qua “Quỹ Thanh niên kiệt xuất”, cho 118 tập thể thông qua “Quỹ tập thể sáng tạo”. Ngoài ra, Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc còn tài trợ cho hơn 500 học giả trẻ ở Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao. Ngoài hợp tác với các Bộ, chính quyền địa phương, viện nghiên cứu… Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc còn hợp tác với 55 quỹ khoa học quốc tế.
7 lĩnh vực được Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc đầu tư lần lượt là: Toán-Lý, Hóa học, Khoa học Sự sống, Khoa học trái đất, Khoa học vật liệu, Tin học, Khoa học Quản lý. Nguyên tắc xét duyệt của Quỹ là: “Dựa vào chuyên gia, phát huy dân chủ, tuyển chọn ưu tú, hợp lý công bằng” (Y khao chuyên gia, phát dương dân chủ, trạch ưu chi trì, công chính hợp lý)
 Tất nhiên không chỉ có suôn sẻ. Trong công trình nghiên cứu năm 2006 “Các vấn đề Chính sách quản lý của Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc” (http://www.paper.edu.cn), các tác giả đã chỉ ra một loạt vấn đề của Quỹ này:
-Nặng số lượng, nhẹ chất lượng: Nhiều trường đại học ở Trung Quốc có chính sách coi việc “lôi” được tài trợ từ Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia là điều kiện để phong giáo sư hay phó giáo sư, có trường thưởng cho người xin được tài trợ, thậm chí có trường coi đề cương xin tài trợ Quỹ là điều kiện bắt buộc để làm tiến sĩ.  Chính vì vậy mà mấy năm nay, số lượng đề cương xin tài trợ tăng vọt, năm 2000 là 21.000; đến 2005, số lượng đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 50.000. Nếu như trước đây, một đề cương được 5 chuyên gia xét duyệt thì hiện chỉ còn 3, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng xét duyệt. Mặt khác, số lượng đề cương ngày một nhiều, song rất ít những đề cương có tư duy và phương pháp nghiên cứu độc đáo; thiếu tính dự báo và tính sáng tạo. Đó là chưa kể đến các đề cương “học thuật hủ bại”, giả mạo, cắt xén gửi đến cũng ngày một nhiều.
-Nặng đề cương, nhẹ quản lý: Nhiều chủ nhiệm thường dồn hết tinh lực vào làm đề cương để được tài trợ; khi được rồi thì xem nhẹ các thủ tục quản lý. Nói chung họ thường không chấp hành khâu báo cáo đánh giá tiến độ hằng năm; không phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; đến khi hết thời gian thì vội vã ứng phó.
-Nặng đẳng cấp, nhẹ kết quả:  Vì Quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản nên tiêu chí đánh giá chủ yếu là (1) Tình hình công bố nghiên cứu; (2) Kết quả nghiên cứu có tính sáng tạo hay không; (3) Giải thưởng cho kết quả các hạng mục nghiên cứu; (4) Hiệu quả và sự phổ biến của kết quả các hạng mục; (5) Đào tạo nhân lực. Có 5 mức để đánh giá các tiêu chí: Xuất sắc, tốt, khá, trung bình, kém. Trong 5 tiêu chí trên, chỉ có các tiêu chí 1, 3, 5 là có thể lượng hóa và đánh giá được tương đối chính xác. Vì thế hầu hết các đề tài đều nhấn mạnh các tiêu chí 1, 3, 5: nào là đã công bố được bao nhiêu, đào tạo được bao nhiêu; song tính sáng tạo và sự  phổ biến của nghiên cứu lại không đủ.
– Nhiều kết quả, ít tinh hoa: Xem tổng kết nhiều đề tài chỉ thấy nói đã đào tạo bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ nghiên cứu sinh, đã công bố bao nhiêu bài báo; song đăng ở các báo trong nước thì nhiều, ở các tạp chí quốc tế uy tín thì ít. Tìm hiểu chi tiết thì không mấy bài báo có tác giả thứ nhất là chủ nhiệm đề tài, điều này cho thấy nghiên cứu chủ yếu do học sinh thực hiện. Chủ nhiệm đề tài không toàn tâm toàn ý nghiên cứu, giải quyết vấn đề cốt yếu, thậm chí đóng vai “ông chủ”.

Chú thích ảnh: Cơ cấu Quỹ khoa học tự nhiên Quốc gia Trung Quốc

TRẦN ANH

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)