Ranh giới cho những khả thể của con người

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và TS nguyễn Thị Từ Huy trò chuyện chung quanh các câu hỏi: vì sao nói triết học là khoa học của mọi khoa học, sứ mệnh của triết học là gì, sự hoài nghi có ích lợi cho triết học và cho đời sống nhân loại nói chung hay không...

Nguyễn Thị Từ Huy (NTTH): Hai từ “triết học” đối với em, thời đại học, là một nỗi kinh hoàng. Em từng thấy nó trừu tượng, khó hiểu và xa rời cuộc sống. Hình ảnh triết gia được hình dung như những người khô khan, chỉ biết có lý tính mà thôi. Rồi đột nhiên, khi vào một môi trường đại học khác, liền ngay lập tức em bị triết học cuốn hút cho dù biết rằng mình không thể hiểu hết nó, và khám phá ra rằng triết gia là những người có niềm đam mê mãnh liệt, có tâm hồn cao thượng.

Còn anh, chắc chắn triết học đối với anh có một ý nghĩa đặc biệt?

Bùi Văn Nam Sơn (BVNS): Vâng, cũng lạ! Ít có môn học nào khiến người ta dằn vặt như môn triết, bởi có quá nhiều đường vào và cách gặp. Những triết gia lớn – qua tiểu sử của họ – đến với triết học từ nhiều chân trời rất khác nhau, có khi từ những sự cố gây chấn động trong tâm tư. Người ta thường nhắc đến Descartes với hai cơn mơ nổi tiếng thời trẻ, đến Rousseau với sự bàng hoàng, xúc động lạ thường khi gặp hai câu hỏi do Viện Hàn lâm Dijon treo giải thưởng…

Với người bình thường như chúng ta, “cái thuở ban đầu lưu luyến” khi mới tiếp xúc với triết học giữ phần quan trọng trong việc xa rời hay gắn bó với nó. Anh có phần may mắn vì được hưởng khá trọn vẹn bầu không khí triết học “đầy thao thức” khi bước chân vào khoa triết Đại học Văn khoa Sài Gòn những năm 1964-1968, và ngay sau đó, được chứng kiến và ít nhiều hòa mình vào cao trào triết học “thế hệ 68” sôi động ở Tây Âu, thế hệ “vàng” đã tạo ra những “trường phái Frankfurt”, triết học hậu-hiện đại và triết học hậu cấu trúc với vô số những biến thể phức tạp và phong phú của nó. Là người đến từ phương Đông, nạn nhân của chiến tranh và nghèo đói, bên cạnh sự tò mò cố hữu muốn biết người Tây phương “nghĩ gì trong đầu”, nề nếp học thuật ở đó dạy cho biết rằng muốn biết điều ấy thì phải dày công và thực sự không dễ dàng! Sự say mê chỉ là điều kiện ban đầu…

NTTH: Anh có thể giải thích một cách giản dị và dễ hiểu về mệnh đề này: “triết học là khoa học của mọi khoa học”? Liệu thế giới có thể có các thành tựu ngày nay mà không có triết học không? Nghĩa là nếu không có triết học thì liệu có thể có khoa học không?

BVNS: “Triết học là khoa học của mọi khoa học” hay triết học như “khoa học phổ quát” là tiêu ngữ của thời cổ đại và trung đại Tây phương. Lý do lịch sử: các ngành khoa học riêng lẻ chưa tách rời khỏi triết học và chưa định hình thành những khoa học độc lập. Lý do hệ thống: triết học cung cấp cơ sở siêu hình học (bản thể học – thần học) và cơ sở nhận thức luận cho mọi lĩnh vực.

Từ thời cận đại, các khoa học riêng lẻ lần lượt trưởng thành ít nhiều tự phát (ví dụ: vật lý học Newton vẫn còn mang danh là “triết học” như cuống rốn chưa lìa!) từ lòng mẹ triết học như từ một cái dạ con khổng lồ ngày càng trống rỗng dần. Cả hai (triết học và khoa học) đều trải qua cơn khủng hoảng của sự trưởng thành, nghĩa là với sự cực đoan từ cả hai phía. Khoa học (nhất là khoa học tự nhiên) muốn đoạn tuyệt với triết học hoặc giản lược triết học thành phương pháp luận và khoa học luận; ngược lại, triết học vẫn muốn tiếp tục giữ vững vai trò “phổ quát” của mình với sự hình thành các hệ thống tư biện đồ sộ từ Descartes, Leibniz, thuyết duy tâm Đức (Fichte, Schelling, Hegel…) kéo dài đến tận Husserl (“triết học như là khoa học chặt chẽ”) và Heidegger (“bản thể học nền tảng”).

Từ giữa sau thế kỷ 20, trước thực tế rằng triết học không còn đứng “trên”, trái lại, bình đẳng và song hành với khoa học và các loại diễn ngôn khác, tư tưởng hậu-hiện đại xét lại triệt để tham vọng cố hữu này của triết học. Một cuộc khủng hoảng thứ hai diễn ra ở mức độ còn trầm trọng hơn trước, nhưng là một khủng hoảng có tác động giải tỏa khỏi nhiều định kiến và ảo tưởng đã ít nhiều làm xơ cứng tư duy triết học.

Tuy nhiên, tính “phổ quát” của triết học không vì thế mà mất đi, trái lại, nhờ thế mà được đặt lại trên những cơ sở mới. Triết học phổ quát hiểu như “hệ thống triết học” không còn lý do tồn tại, nhưng “triết học có hệ thống” tỏ ra cần thiết hơn lúc nào hết, bởi kho dự trữ những điểm chung giữa các “văn hóa khoa học” khác nhau cũng chưa bao giờ phong phú đến thế. Mọi sự giản lược muốn quy cái này vào cái kia đều không thích hợp trong việc hợp nhất các bộ môn khoa học. Sự lai tạp, hay đúng hơn, sự nối mạng giữa các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật với các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn có thể dẫn đến chỗ hội tụ thành một văn hóa-khoa học duy nhất. Có người gọi đó là cái khung lý thuyết triết học. Khung lý thuyết triết học có tính phức hợp rất cao. Xét như cái toàn bộ, nó bao hàm nhiều khung lý thuyết đặc thù, hiểu như các cấp độ của tiến trình hình thành khung lý thuyết hoàn chỉnh, có hệ thống.

Với khái niệm “khung lý thuyết”, triết học có thể giữ trở lại vai trò của một “khoa học phổ quát”, theo nghĩa là lý thuyết về các cấu trúc phổ quát của thế giới diễn ngôn vô giới hạn (universe of discourse) như cách nói ưa chuộng hiện nay. Một sự “thay đổi hệ hình tư duy” đang ló dạng, vừa chia tay với thuyết lạc quan ngây thơ của thời kỳ trước “hậu-hiện đại”, vừa vượt qua cái “Zeitgeist” (“tâm thức thời đại”) có tính thảm họa của tư duy hậu-hiện đại. Nhưng đó là câu chuyện rất phức tạp, có lẽ nên dành cho một buổi nói chuyện khác, khi thử “sơ kết” những thành tựu lý thuyết của tư duy hậu-hiện đại.

Tóm lại, triết học và khoa học cần đến nhau, nếu mượn cách nói của Kant: triết học mà không có khoa học thì trống rỗng; khoa học mà không có triết học thì mù quáng. Tuy nhiên, triết học vẫn có thể giữ vững đặc thù riêng của mình: chịu đựng được sự trống rỗng của cái dạ con “tất cả và không là gì cả”, đồng thời không đánh mất cái toàn thể.

NTTH: Kundera từng nói rằng tiểu thuyết “chống lại sự lãng quên con người”, nó nhắc cho chúng ta phải nhớ đến con người trong cái thân phận cụ thể của nó, cái con người cá nhân với các giá trị cá biệt, bản thân nó có giá trị ngang với toàn bộ thế giới còn lại, cái con người cần được bảo vệ để không bị nghiền nát bởi các cỗ máy, dù đó là cỗ máy chiến tranh hay ý hệ… Nhưng phải chăng triết học hiện sinh cũng làm chính cái việc đó: nhắc cho con người nhớ rằng nó là con người, nó cần phải được hạnh phúc trong đời sống này, phải chịu trách nhiệm về chính nó và về mọi thứ có liên quan?

BVNS: Từ Huy đã tự trả lời rất hay cho câu hỏi! Chỉ xin nói thêm: với sự mẫn cảm của một nhà văn, Kundera không chỉ thực hiện trong văn chương cái “bước ngoặc nhân học” đã diễn ra từ khá lâu trong triết học, mà còn gợi lên sự nhức nhối liên quan đến thân phận con người thời đại. “Văn hóa điêu tàn trong cơn lũ ngôn từ, trong sự điên rồ của số lượng”. “Chỉ có những câu hỏi hồn nhiên nhất mới là thực sự nghiêm chỉnh. Đó là những câu hỏi không có câu trả lời. Một câu hỏi không có câu trả lời là một rào cản không tài nào vượt qua được. Nói khác đi, câu hỏi ấy đặt ranh giới cho những khả thể của con người, nói lên những giới hạn của kiếp người”. “Gánh càng nặng, đời ta càng gần gũi mặt đất, càng thực tồn, càng chân thật”. Những suy nghĩ ấy được Kundera nói lên trong tác phẩm với nhan đề được dịch sang tiếng Việt thật bóng bẩy: “Đời nhẹ khôn kham”. Tại sao sự nhẹ nhàng của kiếp nhân sinh lại “khôn kham”? Vì đó là trải nghiệm ngày càng nhiều về sự hưởng thụ hời hợt, mỏng mảnh, thiếu sức nặng, như là chỗ trú ẩn của con người khi chạy trốn khỏi những tra vấn nặng nề, nghiêm trọng của tồn sinh.

NTTH:Từ trong lòng tối đen và mòn vẹt của đôi giày, sự vất vả của những bước chân lao động còn ghi dấu. Trong sự nặng nề thô ráp của đôi giày chất chồng sự dẻo dai của bước đi chậm rãi xuyên qua những luống cày dằng dặc và đều đều của thửa ruộng, dưới cơn gió gắt. Trên lớp da giày là sự ẩm ướt và màu mỡ của đất đai. Dưới đế giày là nỗi cô đơn của con đường ruộng kéo lê trong chiều muộn. Trong đôi giày, rung rung tiếng gọi câm nín của đất, sự ban tặng âm thầm những hạt lúa đang chín dần và cả sự bất lực không thể giải tỏ của cánh đồng bị bỏ hoang trong mùa đông. Thấm đẫm trong vật dụng này là nỗi lo âu không chút thở than về sự ăn chắc của vụ mùa, là niềm vui không nói nên lời của việc lại vượt qua được cơn khốn khó, là sự sôi nổi khi đón ngày sinh nở hay sự run sợ trước cái chết đang đe dọa. Vật dụng ấy thuộc về Đất và được chở che trong Cõi Sống của người nông phu”. Ai đã viết đoạn văn đầy chất thơ và gây xúc động này? Đọc lên nghe như là lời của một nghệ sĩ, một nhà văn. Thế nhưng, những dòng này lại được viết ra bởi một triết gia nổi tiếng là khó: Heidegger. Em may mắn được đọc trước bản dịch mà anh chưa công bố. Em cũng đã từng đọc cuốn Tái diễn (Reprise) của Kierkegaard và thấy nó giống hệt một cuốn tiểu thuyết tự thuật, với bao cảm xúc, đam mê, giằng xé, tuyệt vọng và hy vọng. Vậy rốt cuộc triết gia là ai? Triết học và nghệ thuật có mối quan hệ với nhau như thế nào?

BVNS: Vâng, đó là một đoạn bình giải của Heidegger về bức tranh “Đôi giày” nổi tiếng của Van Gogh trong “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” (1936), một luận văn tương đối ngắn nhưng được đọc nhiều nhất sau tác phẩm chính “Tồn tại và Thời gian” của ông.

Người nữ nông phu mang đôi giày khi làm đồng như chúng ta sử dụng vô số vật dụng hàng ngày như một thói quen tự nhiên đến độ vô tâm. Vật dụng là thế giới ý nghĩa cơ bản của ta, nhưng ta hiếm khi có ý thức về chúng. Triết gia và nhà khoa học, với ý thức tỉnh táo, có thể lý giải về thế giới ấy, nhưng bằng những công cụ khái niệm trừu tượng. Dưới bàn tay của người nghệ sĩ, vật dụng, và quan trọng hơn, “cõi sống” gắn liền với nó, mới cất lên tiếng nói. Da giày, đế giày… không còn là “vật liệu” của người thợ đóng giày, không còn là “chất liệu/hình thức” trong bộ khung khái niệm trừu tượng của triết gia, trái lại, lần đầu tiên, chúng thật sự “là” chúng trong tác phẩm nghệ thuật.

Heidegger dùng lối nói “văn chương” không phải ngẫu nhiên, trái lại, muốn cho thấy sự “bất lực” của triết học, hay đúng hơn, thừa nhận nghệ thuật như một cách tiếp cận khác với thực tại. Nghệ thuật và triết học như hai đỉnh núi, dùng phương tiện khác nhau, nhưng chung một cội nguồn. Cả hai dùng ngôn ngữ đánh thức con người ra khỏi nhịp điệu nhàm chán, vô hồn của nếp sống thường ngày, làm cho họ thấy “khôn kham” cái “đời nhẹ” như cách nói tuyệt diệu của Kundera ở trên.

NTTH: Nietzsche, Marx và Freud là ba “bậc thầy hoài nghi”. Họ đã hoài nghi cái gì? Sự hoài nghi của họ có ích lợi cho triết học và cho đời sống nhân loại nói chung?

BVNS: Một sự trùng hợp thật thú vị! F. Lyotard, “cha đẻ” của triết học hậu-hiện đại cũng xuất phát từ “ba bậc thầy hoài nghi” ấy (một sự liên tưởng khá lạ lùng nhưng trúng đích!). Lyotard đề cao tinh thần hoài nghi này, nhằm vượt bỏ những chiến lược sai lầm khi thực hiện các giá trị của Hiện đại (tính chủ thể tự do và sự bình đẳng) suốt mấy thế kỷ nay, chứ không hề bác bỏ các giá trị ấy, và xem đó là đặc trưng của tư duy hậu-hiện đại.

Nietzsche “đại nghi” về tính phổ quát và tất yếu của những giá trị luân lý và quy điều xã hội ước thúc “năng lượng” của con người. Tín niệm khoa học của Marx là “hãy nghi ngờ tất cả!” (De omnibus dubitandum est!), không lùi bước trước việc vạch trần sự lừa mị và huyễn hoặc của những gì nhầm tưởng là “tự nhiên”, “đương nhiên”, nhất là trong quan hệ giữa người với người. Freud không tin vào ý thức minh nhiên, đi tìm phần ẩn khuất, lắng sâu trong tâm hồn con người. “Đại nghi” có dẫn đến “đại ngộ” hay không, hoặc phải luôn đi “con đường phủ định” (viva negativa) trong suy tưởng? Đó mãi mãi là lời mời gọi và thách thức, trong triết học cũng như trong đời sống.

Trong mọi trường hợp, hoài nghi là thái độ lành mạnh của đầu óc còn lành mạnh. Nó giúp ta biết giữ khoảng cách với chính ta và với thực tại, điều kiện tiên quyết của hoạt động tinh thần. Biết giữ khoảng cách thì niềm vui, nỗi buồn của riêng ta mới thành niềm vui, nỗi buồn phổ biến, có thể trao đổi và cảm thông. Triết học, nói riêng, nhờ đó, trở thành “ba trong một”: khoa học khai minh, giúp xóa bỏ những ảo tưởng, định kiến; khoa học điều hòa, giúp cân đối mọi lối nhìn, và khoa học hành động, giúp định hướng cho mọi lựa chọn, quyết định.

NTTH: Lịch sử triết học được bắt đầu cùng với nỗi oan khuất lớn lao của Socrates. Cái chết của ông đã giúp người phương Tây đi tới những nhận thức căn bản nào?

BVNS: Thật khó nói về ý nghĩa của một cái chết, khi người ấy… đã chết! Nhưng quả thật, cái chết bi tráng của Socrates (và sau này của Giêsu Kitô) luôn tra vấn lương tâm Tây phương. Không ai trả lời hay hơn Plato, người môn đệ chứng kiến cái chết ấy: chân lý là cực kỳ nguy hiểm, nhưng cũng là cái đáng cho ta hiến dâng mạng sống. Cái chết ấy ám ảnh Plato trọn đời, vì thế, ông dành hết tâm sức để tìm tòi một hình thức tổ chức xã hội nào giảm thiểu được nguy cơ. Con đường thật gian nan, nhưng những thành quả có được ngày nay về nhân quyền và dân quyền không khỏi mang ơn sự trăn trở và tìm tòi ấy.

NTTH: Ngày 25.05.2012 vừa qua, ở Athens, Hy Lạp, đã diễn ra phiên tòa tượng trưng gồm nhiều thẩm phán quốc tế xử lại vụ án và tuyên bố Socrates vô tội. Anh nghĩ gì trước tin vui ấy?

BVNS: Một cử chỉ đẹp, không phải để chiêu tuyết cho triết gia cho bằng để phục hồi danh dự cho Hy Lạp trong cơn khốn khó hiện nay! Aristoteles cũng từng phải rời bỏ Athens trong cơn biến loạn vì không muốn quê hương mình “phạm tội ác lần thứ hai đối với triết học”. Bài học ấy, tiếc thay, không phải nơi đâu và lúc nào cũng được học thuộc.

NTTH: Chúng ta sẽ kết thúc cuộc trao đổi này bằng một vài phát biểu của Socrates. Câu này em đọc được trong Phaedo (Đối thoại Socratic I): “Không có tai ương nào lớn hơn là sự thù ghét lý luận, và nó có cùng một căn nguyên là bệnh oán ghét con người”. Vì sao sự thù ghét lý luận lại có cùng một nguyên nhân với sự căm ghét con người?

BVNS: “Lý luận”, trong nguyên nghĩa Hy Lạp, là sự nhìn ngắm vô tư (theoria). Ai ghét sự vô tư, tất ghét “lý luận”! Bản tính của nó màu xám, biểu trưng của lao động trí tuệ. Ghét màu xám của lý luận không khác gì chê bò trắng răng! Hình tròn theo định nghĩa của hình học và “khuôn trăng đầy đặn” của Thúy Vân vẫn có thể chung sống bên nhau! Xin đừng ngộ nhận câu thường hay trích dẫn: “Bạn yêu ơi! Mọi lý thuyết đều là màu xám; chỉ có cây vàng của cuộc đời là mãi mãi tươi xanh”. Câu này do Goethe viết ra (câu 240 trong kịch Faust nổi tiếng), nhưng đó không phải là lời của Goethe, mà của quỷ Mephisto để lung lạc và dụ dỗ Faust! Mephisto thù ghét con người vì lo sợ phần tinh anh trong hồn người và năng lực giải ảo tiềm ẩn trong lý thuyết. Nhưng, Mephisto cũng chính là mặt trái của con người! Nên chàng ta đắc ý:

“Cứ để hắn coi khinh khoa học và lý trí,

Là sức mạnh tối cao của con người trần thế,

Cứ để quỷ Dối lừa làm hắn thêm vững tin

Vào hào nhoáng bên ngoài, vào ma thuật bí huyền,

Và thế là, ta đã tóm được hắn một cách vô điều kiện!”…

         (Faust, Quang Chiến dịch, câu 1850-55)

Hoàn toàn không phải là sự trốn chạy hay viễn mơ khi Aristoteles xem “cuộc sống trong lý thuyết” (bios theoretikos) là “thiên phúc đệ nhất”, và Hegel tâm niệm rằng “tham dự càng sâu và càng nghiêm chỉnh vào triết học thì càng cô đơn trong nội tâm và càng tĩnh lặng đối với bên ngoài” và “càng ồn ào bao nhiêu thì càng ít thích hợp với công việc này bấy nhiêu” (Lời Tựa 3, Bách Khoa Thư 1).

NTTH: Và cuối cùng, ta dừng lại ở niềm tin mà Socrates bộc lộ trước tòa, trước những vị thẩm phán đã kết tội ông: “Vì vậy, thưa quý thẩm phán, cả quý bạn nữa cũng nên giữ hy vọng trước cái chết, và lấy chân lý làm điều tâm niệm: không ác quả nào có thể xảy đến với người thiện, dù trong đời này hay sau khi chết, vì thần thánh không bao giờ bỏ rơi họ”. (Socrates tự biện). Anh có tin rằng, kể cả khi không còn thần thánh thì người thiện cũng không bị bỏ rơi?

BVNS: Theo kinh nghiệm của Socrates và theo lời khuyên khôn ngoan của Pascal, có lẽ không nên đặt ra một “giả thuyết” như thế!

Tác giả