Rất cần biết mực nước biển dâng thực tế

Liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất và đời sống của người dân tại đồng bằng sông Cửu Long, trên từng vùng cụ thể, mực nước biển dâng phải biết là mực nước biển dâng thực tế (effective sea level rise).

Một cập nhật cần thiết

Tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) đã công bố “Kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam”1 trong đó dự báo nước biển sẽ dâng theo ba kịch bản phát thải như sau:

Đây là lần đầu tiên đất nước có một dự báo về biến đổi khí hậu, và đặc biệt nước biển dâng, sử dụng các dữ liệu và mô hình mà các nước và các tổ chức quốc tế đã đo đạc và tính toán.

Bảng mực nước biển dâng (MNBD) trên đây được áp dụng suốt dọc 3.260 km bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Mũi Nai.

Từ khi MNBD được công bố chính thức nhiều đề tài khoa học phục vụ công tác quy hoạch ngành và tổng thể, đã lấy đó làm cơ sở để tính toán việc truyền triều và xâm nhập mặn vào bên trong đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong các thập niên tới đây theo các kịch bản MNBD khác nhau.

Tuy nhiên, MNBD được công bố có một nhược điểm không nhỏ nếu được áp dụng ven bờ. Bờ biển Việt Nam rất dài, đi qua nhiều vĩ độ, lực Coriolis khác nhau đáng kể giữa Hòn Dấu và Năm Căn. Có nơi bờ biển mở, có nơi được che chắn một phần. Chế độ triều, dòng triều khá khác nhau suốt dọc 3.260 km bờ biển, Trong vùng cận duyên châu thổ sông Mêkông lực ma sát đáy khó có thể bỏ qua. Trong bài “Mực nước biển dâng nào cho đồng bằng sông Cửu Long”2, tôi có nhận xét như vậy và đề nghị MNBD cần được cân nhắc, tính toán sát hợp hơn nữa, có đối chiếu với thực tế của biển Việt Nam.

Tháng 3/2012, một kịch bản mới đã được Bộ TN-MT công bố3. Lần này bờ biển Việt Nam được chia ra 7 khu vực và MNBD được dự báo cho mỗi khu vực ứng với ba kịch bản phát thải B1 (thấp), B2 (trung bình) và A1FI (cao).

Đây là một cập nhật cần thiết, được mong đợi. Một kết luận gây chú ý là tại khu vực Mũi Cà Mau – Hà Tiên, MNBD tăng cao nhất trong cả ba kịch bản.

Kết luận khá đặc biệt này đáng lý ra cần được thuyết trình. Trong ấn phẩm không có thông tin gì khác có liên quan nên các nhà khoa học, những người tác nghiệp ở địa phương và những người quan tâm đến biến đổi khí hậu rất mong được giải đáp.

Chúng tôi xin cung cấp một số tài liệu, trích từ các công bố của IPCC, có liên quan đến mực nước biển dâng suốt dọc đất nước, và một số kết quả tính toán dựa trên các số liệu thủy văn thực đo tại các trạm ở cửa sông ĐBSCL trong 21 năm (1988-2008), khả dĩ làm sáng tỏ vấn đề, cho phép xác nhận, không đồng ý hoặc dè dặt với kết luận trên.

Hình 1 trích ra kết quả đo đạc và tính toán của IPCC về xu hướng của nhiệt độ biển bề mặt và mực nước biển tại Đông Nam Á. Đáng chú ý là xu hướng mực nước biển tăng ở Nam Trung Bộ và giảm trong Vịnh Thái Lan.


Hình 1. Xu hướng tại địa phương của nhiệt độ biển bề mặt và mực nước biển

Hình 2 trích ra kết quả tính toán của AR4, WG1 (2007) về các xu hướng trên.


Hình 2. Xu hướng tại địa phương của nhiệt độ biển
bề mặt và mực nước biển. Nguồn: AR4-WG1 2007

Hình 3 thể hiện sự biến đổi của mức nước và biên độ triều tại các trạm thủy văn ở các cửa sông lớn dọc Biển Đông và Vịnh Thái Lan (1988-2008). Sự biến đổi về mức nước rất thấp ở trạm Rạch Giá và xu hướng thay đổi của biện độ triều tại đây là âm.


Hình 3. Thay đổi mức nước và biên độ triều tại ĐBSCL (1988-2008)
Nguồn: MDDRC, 2010, NNTrân, NVĐăng, LXThuyên

Mực nước biển dâng nào?

Cụm từ “nước biển dâng” được tài liệu của Bộ TN-MT giải thích: “Nước biển dâng là sự dâng mực nước của đại dương trên toàn cầu, trong đó không bao gồm triều, nước dâng do bão… Nước biển dâng tại một vị trí nào đó có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình toàn cầu vì có sự khác nhau về nhiệt độ của đại dương và các yếu tố khác.”

Trong khi đó, IPCC có đưa ra một số mực nước biển dâng như sau4:

“Mực nước biển dâng là sự gia tăng của mực nước trung bình của đại dương.

Mực nước biển trung bình là một độ đo của độ cao trung bình của mặt biển đại dương, ví dụ như đại lượng trung bình giữa đỉnh triều cao nhất bình quân và chân triều thấp nhất bình quân nhiều năm.

Mực nước biển dâng “eustatic”5 là sự gia tăng của mực nước biển toàn cầu do có sự thay đổi về thể tích của nước các đại dương.

Mực nước biển dâng tương đối xảy đến khi có một sự gia tăng mực nước của đại dương so với các biến động cục bộ của đất liền.”

IPCC có nhận xét: Các nhà nghiên cứu về mô hình khí hậu quan tâm đến sự thay đổi của mực nước biển dâng “eustatic”, còn các nhà nghiên cứu về tác động (của biến đổi khí hậu) chú trọng đến sự biến động mực nước biển dâng tương đối.

Như vậy, một câu hỏi được đặt ra: MNBD được công bố là MNBD gì, eustatic hay tương đối?

Một câu hỏi khác tiếp ngay theo đó: Khi khuyến nghị các ngành, các tỉnh, thành phố áp dụng MNBD được công bố (trang 35, 36 và 93 của tài liệu), liệu tính hiện thực của các kết quả đến mức độ nào?

Hai câu hỏi trên đây không lý thuyết hay kinh viện mà rất thực tế, có liên quan đến hiệu quả sử dụng hàng chục ngàn (thậm chí hàng trăm ngàn) tỷ đồng vốn từ ngân sách nhà nước trong những năm sắp tới, chi cho các công trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng!

Nhiều mô hình tính toán thủy lực và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong các năm 2009 trở lại đây đã lấy biên biển là mực nước tại trạm thủy văn cửa sông cộng chồng lên đó MNBD chính thức được công bố. Điều này chứng minh sự chính đáng của các câu hỏi vừa nêu.

Cần quan tâm mực nước biển dâng thực tế

Liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất và đời sống của người dân tại ĐBSCL, trên từng vùng cụ thể, mực nước biển dâng phải biết là mực nước biển dâng thực tế (effective sea level rise).

MNBD thực tế của cả châu thổ hoặc của từng vùng là MNBD tương đối trừ đi độ nâng cao bề mặt, từ phù sa hoặc từ nâng nền, cộng với độ sụt lún ở nơi đó6&7.

Có hai loại sụt lún: sụt lún tự nhiên của mặt đất do quá trình nén dẽ, canh tác và sụt lún do hoạt động khai thác nước ngầm, than bùn và các khoáng sản khác dưới lòng đất, cũng như do xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, phát triển đô thị.

Sự sụt lún quan trọng của thủ đô Bangkok trong nhiều năm đã buộc phải xây cống và đê chống ngập cho thành phố. Hệ thống này đã ngăn việc thoát lũ cho phía Bắc Bangkok trong nhiều tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Rõ ràng, biết MNBD thực tế là yêu cầu bức thiết đối với sản xuất và đời sống.

Ở ĐBSCL sự sụt lún tự nhiên là tất yếu. Lượng vật liệu trầm tích, có nguy cơ giảm đi do việc xây dựng các đập trên thượng nguồn, sẽ làm cho MNBD thực tế tăng lên. Sự sụt lún do việc khai thác thái quá nước ngầm, do việc xây dựng quá nặng trên nền đất yếu, chắc chắn sẽ làm MNBD thực tế tăng lên.

Mong rằng MNBD thực tế sẽ sớm được Nhà nước, các Bộ ngành chức năng và các địa phương quan tâm đúng mức, mà cụ thể là theo dõi mức độ sụt lún, để việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biên dâng đi vào thực chất và có hiệu quả.

1. Kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, tháng 6/2009.

2. NGUYỄN NGỌC TRÂN, “Mực nước biển dâng nào tại đồng bằng sông Cửu Long?” 12/02/2011, đăng trên các báo giấy và mạng sau đây: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=203697, http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=96507&Code=VFCFA96507, http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2610

3. Kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, NXB Tài nguyên-Môi trường và Bản đồ, 2012, www.imh.ac.vn

4. Third Assesment Report IPCC Terms.

5. Có tự điển Anh Việt dịch eustatic là chấn tĩnh. Chúng tôi xin giữ nguyên tiếng Anh vì đã có giải thích đi kèm.

6. Jason P. Ericson et al. Effective sea-level rise and deltas: Causes of change and human dimension implications, Global and Planetary Change 50 (2006) 63–82.

7. Irina Overeem, J. Syvitski, A. Kettner, E. Hutton, and B. Brakenridge, Singking Deltas due to Human Activities, Search and Discovery Article #70094 (2010).

 

 

  

Tác giả