Sahara từng là nhà của những sinh vật biển lớn nhất hành tinh

Nhờ việc sử dụng hóa thạch được tìm thấy tại đường biển cổ đại ở phía Bắc CH Mali, các nhà khoa học đã tái lập cấu trúc của một số loài sinh vật biển đã bị tuyệt chủng. Nghiên cứu mới đăng trên Bulletine of American Museum of Natural History đã có bằng chứng sống động về một số loài cá da trơn và rắn biển lớn nhất thế giới đã từng sống ở vùng biển là sa mạc Sahara ngày nay.


Một số sinh vật biển từng sống dưới nước tại nơi là sa mạc Sahara ngày nay. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ 2019.

Vùng biển này từng sâu 50 mét, bao phủ một diện tích rộng lớn 3,000 km2. Trầm tích biển để lại chứa đầy những mẩu hóa thạch giúp các nhà khoa học xây dựng được một bức tranh cho khu vực một thời đầy sức sống này. Theo nhà cổ sinh vật học Maureen O’Leary và là trưởng nhóm nghiên cứu, trong khoảng từ 100 triệu đến 50 triệu năm về trước, vùng đất phía Bắc Mali cằn cỗi ngày nay “trông giống như một hòn đảo Puerto Rico hiện đại” – mặt trời tỏa nắng trên những khu rừng ngập mặn đầu tiên của thế giới và các loài động vật thân mềm nằm dưới đáy biển nông. 
Lần đầu tiên đưa khu vực này lên bản đồ địa chất, nghiên cứu này cho thấy biển đã chảy và rút đi như thế nào trong 50 triệu năm tồn tại, đồng thời tích lũy thêm thông tin về ranh giới kỷ Phấn trắng-Cổ cận (K-Pg), dấu mốc địa vật lý của một trong năm sự kiện tuyệt chủng lớn của Trái đất khi các loài khủng long có lông vũ không thuộc chim (non-avian dinosaur) biến mất.
Thông qua các mẫu cá da trơn dài 1,6m, rắn biển dài 12,3m và cá pycnodont – một loại cá trong Liên lớp cá xương (bony fish) dài 1,2 m, Maureen O’Leary và các nhà khoa học khác đã phát triển ý tưởng: vào thời kỳ cuối kỷ Phấn trắng và đầu thế Cổ tân, các loài động vật này đã trải qua quá trình khổng lồ hóa kích cỡ. 
Từ lâu, các nhà sinh vật học tiến hóa đã nói về hiện tượng “khổng lồ trên đảo”, nơi các loài sống trên các đảo nhỏ đôi khi có thể phát triển kích thước cơ thể rất lớn – nguyên nhân có thể do có nhiều nguồn tài nguyên hơn hoặc tại đây có ít động vật săn mồi tấn công hơn, hoặc cả hai. Maureen O’Leary cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là có lẽ hiện tượng này liên quan đến những đảo nước. Nếu luôn có hiện tượng nước di chuyển ra vào, một vùng biển có thể để lại những túi chứa nước có các tham số mới có thể ảnh hưởng đến kích thước cơ thể”. 
Ngày nay, mặc dù Sahara trở thành sa mạc nhưng vẫn có sự hiện diện của con người – những người đã quen với ý niệm nơi đây từng tồn tại sinh vật biển cổ đại. Nhóm nghiên cứu đã khám phá ra điều này trong những cuộc thám hiểm vào năm 1999, 2003 và 2009. “Người dân địa phương ở đây biết rằng biển đã từng xuất hiện. Họ nói về những chiếc vỏ sò họ nhặt được và biết chúng là sản vật của biển”, Maureen O’Leary chia sẻ.
Nghiên cứu trên được xây dựng dựa trên những công trình thám hiểm của người Anh đến Mali vào những năm 1980. Trong số rất nhiều thứ khám phá có một chiếc mai rùa lớn và một bộ sưu tập hóa thạch quan trọng. Các hóa thạch thu thập được vẫn là tài sản thuộc về đất nước Mali nhưng đang cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ mượn để nghiên cứu.
Việc Sahara từng chìm trong nước cho thấy tiền lệ của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Nó sẽ khiến những người phủ nhận biến đổi khí hậu phải suy nghĩ lại. “Hy vọng bằng cách hiểu những ví dụ lịch sử, những chứng tích lịch sử ở tầm rộng lớn cho thấy hành tinh đã từng thay đổi, mọi người có thể chấp nhận những gì các nhà khoa học đang nói là đúng”, O’Leary nói. “Có lẽ việc nói về biến đổi khí hậu là kết quả do con người gây ra khiến mọi người nhầm lẫn bởi đã có rất nhiều biến đổi trong lịch sử Trái đất. Việc hiểu những ví dụ trên có thể khiến cho vấn đề này trở nên dễ tiếp thu hơn và khiến mọi người có thể thiết lập những kì vọng khác đi.”□

Ngô Hà dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2019/jul/12/sahara-was-home-to-some-of-largest-sea-creatures-study-finds?fbclid=IwAR0O5WR258Pn3gpstXvaxXx3nmvpYy374fBuiq1N6E7dpJBR6hXb-7Yn-dc

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)