San hô ở biển Đông đang biến mất nhanh chóng

Những hình ảnh chụp biển Đông từ vệ tinh cho thấy, các rạn san hô ở đây đang bị tàn phá với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng, song song với tiến trình biến môi trường sống nguyên thủy thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ Chương trình Minh bạch về biển ở châu Á của Liên hợp quốc, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) vừa công bố những hình ảnh chụp biển Đông từ vệ tinh. Kết quả cho thấy, một số rạn san hô được đánh giá có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới tại đây đang bị tàn phá với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng, song song với tiến trình biến môi trường sống nguyên thủy thành các tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

Phân tích về các hình ảnh này cho thấy hàng nghìn ha san hô đã biến mất trong vài năm gần đây – đây là tốc độ tàn phá san hô nhanh nhất trong lịch sử loài người. Giáo sư Terry Hughes, một chuyên gia về san hô, cho biết: “Xây dựng đảo nhân tạo trên những rạn san hô ở vùng biển nông đồng nghĩa với việc bóp nghẹt bầu không khí của chúng bằng các loại cặn bùn và biến nguồn nước sạch thành nước có bùn – sự thiệt hại về môi trường ở đây là rất lớn và chưa từng có về quy mô. Các rạn san hô ở vùng biển này vốn đã và đang bị đe dọa vì hoạt động đánh bắt cá quá mức và sự thay đổi khí hậu, và bây giờ chúng còn phải đối phó với những tác động của việc nạo vét biển để xây dựng tiền đồn quân sự mới. Chúng ta cần có một sự đột phá trong hợp tác nhằm bảo vệ các hệ sinh thái san hô đang tồn tại rất mong manh.”

Theo ước tính của chương trình trên, lượng cá ở biển Đông chiếm 10% lượng cá toàn cầu. Báo cáo của chương trình cũng chỉ ra, các rạn san hô ở đây là nơi cư ngụ của những loài cá có tầm quan trọng về mặt kinh tế, và đóng “một vai trò quan trọng trong việc thu hút và duy trì lượng cá ở biển.”

Trang Bùi dịch

Nguồn: theguardian.com

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)