Sáng nghiệp doanh nghiệp CNTT

Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang làm thay đổi cơ bản cuộc sống con người trong suốt hơn nửa thế kỷ qua với tốc độ ngày càng nhanh chóng và len lỏi vào từng ngóc ngách nhỏ nhất trên quy mô toàn cầu. Ở nước ta, CNTT đã và đang được đầu tư phát triển mạnh. Là một nước được đánh giá cao về tốc độ phát triển viễn thông, Việt Nam có số lượng người sử dụng Internet vào loại lớn nhất trong khu vực Asean với gần 30% dân số và hơn 151 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 90% là thuê bao di động.

Từ những con số này có thể nhận thấy một thị trường rộng lớn đang mở ra trước mắt doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ được sinh ra trong thời đại của nền kinh tế tri thức. Trong một thời gian dài CNTT là một thứ mốt, một phong trào, một ngành đầu tư hấp dẫn hứa hẹn tiềm năng lớn, tuy nhiên lĩnh vực này có những yếu tố rất riêng và liên quan mật thiết đến khoa học công nghệ (KHCN) cho nên không phải dễ thành công. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số yếu tố quan trọng khi sáng nghiệp đối với doanh nghiệp CNTT có nghiên cứu khoa học công nghệ.

Điều đầu tiên cần nói đến chính là con người và quản lý con người. Thông thường các doanh nghiệp KHCN xuất phát từ những nhóm nghiên cứu khoa học có thành tựu. Ở đây chúng tôi không nói đến những nhóm bán đi thành tựu của mình cho các doanh nghiệp đã tồn tại mà nói đến những nhóm muốn tự mình sáng nghiệp. Nhóm đó thường có một vài người có ước mơ lớn, có “máu kinh doanh” và thuyết phục được cả nhóm tham gia mạo hiểm cùng. Lúc ban đầu các nhóm này thường không có gì ngoài tri thức và thành tựu công nghệ, mà hai thứ này lại phụ thuộc vào yếu tố con người rất mạnh. Nếu không bảo toàn được nhóm cộng tác thì sẽ khó thành công lớn. Giả sử doanh nghiệp khởi đầu thuận lợi, mở rộng ra thì việc quản lý con người trong công tác nghiên cứu công nghệ lại càng quan trọng hơn. Lúc này việc bảo vệ tài sản trí tuệ, tài sản công nghệ, tài sản vô hình trong sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào việc làm công tác quản lý nhân sự có tốt hay không. Chúng tôi đã trải nghiệm điều này rất rõ tại Naiscorp. Tám năm trước (năm 2002) chúng tôi là những sinh viên cùng học, cùng nghiên cứu, và chúng tôi đã có được thành tựu ngay khi còn ở trên ghế nhà trường. Một năm trước khi ra trường, chúng tôi cảm thấy sản phẩm của chúng tôi có thể giúp ích cho cuộc sống của rất nhiều người, và cần tiếp tục nghiên cứu nhiều nữa. Do vậy chúng tôi quyết định lập công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Đến nay nhóm 5 người chúng tôi vẫn đầy nhiệt huyết với sứ mệnh mang thông tin đến cho người Việt Nam.


Ban lãnh đạo Naiscorp tại trụ sở của Google (Mỹ)

Một mô hình kinh doanh tốt, với hình dung rõ ràng về thị trường, nhu cầu, khách hàng, vv… từ đó đề ra sứ mệnh và mục tiêu phù hợp cho công ty cũng là điều quan trọng không kém yếu tố con người. Nhiều khi do vốn kiến thức cơ sở thiên về kỹ thuật làm cho những người sáng nghiệp chỉ nghĩ đến sản phẩm mình làm là hay, là tốt mà không nghĩ ai sẽ cần đến nó, có phù hợp với nhu cầu của họ không. Điều này giống như nghiên cứu thuốc gây chán ăn cho người gầy và kết quả là họ không mua. Việc xây dựng được mô hình kinh doanh tốt từ đầu đối với một doanh nghiệp KHCN không phải là điều dễ dàng. Đừng ngạc nhiên và ngần ngại khi một doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, mục tiêu hoặc sứ mệnh, miễn là sự thay đổi đó tốt cho công ty, có thể cho đến khi thành công, một doanh nghiệp phải thay đổi đến 3 lần. Trong thời đại Internet, mô hình kinh doanh thường có yếu tố trực tuyến, doanh nghiệp cần hết sức tận dụng lợi thế của mạng thông tin toàn cầu, các công cụ trực tuyến, thư điện tử, website, vv… nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn, tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn.

Do có Internet, khách hàng có thể dễ dàng tìm ra được sản phẩm thay thế hoặc sản phẩm cạnh tranh, cho nên doanh nghiệp cần được tổ chức tốt, phản ứng nhanh với sự biến đổi của thị trường. Có một câu rất hay cho bất kỳ một người sáng nghiệp trong lĩnh vực CNTT nào là “nghĩ kỹ, khởi đầu đơn giản, mở rộng nhanh” (think smart, start small, scale fast). Với một số ngành, việc khởi đầu và cho ra sản phẩm thử nghiệm không dễ, có khi mất nhiều thời gian và chi phí lớn, nhưng với CNTT việc này đơn giản hơn đặc biệt với doanh nghiệp có nền tảng nghiên cứu tốt và nghiêm túc. Khi ra được sản phẩm, phải gặp gỡ khách hàng hoặc người sử dụng ngay, cho họ sử dụng miễn phí và ghi nhận phản hồi của khách hàng. Phản hồi của khách hàng chính là động lực, là mệnh lệnh đối với việc nghiên cứu công nghệ, nếu một sản phẩm chưa phù hợp chứng tỏ công nghệ còn cần phải điều chỉnh.

Đối với các doanh nghiệp KHCN thì hẳn nhiên phải có bí quyết công nghệ của mình. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong một hệ thống kinh doanh bền vững.

Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã được lập ra, và hàng chục ngàn doanh nghiệp mới mỗi năm, trong lĩnh vực CNTT con số này là hàng ngàn. Để thành công được trên thương trường, mỗi một doanh nghiệp đều phải có bí quyết riêng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ, có thể là marketing, sản phẩm, kênh phân phối, vv… Riêng đối với các doanh nghiệp KHCN thì hẳn nhiên phải có bí quyết công nghệ của mình. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong một hệ thống kinh doanh bền vững. Lấy ví dụ, trong 4-5 năm gần đây, có rất nhiều công ty được lập ra để kinh doanh dịch vụ trên Internet. Đến nay số lượng công ty tồn tại được chỉ còn vài phần trăm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chủ yếu đi copy, hoặc đi mua với chi phí bản quyền không nhỏ, dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu khách hàng theo sự vận động nhanh đến chóng mặt hiện nay. Một vấn đề nữa của việc không tự chủ mà đi copy sản phẩm của nước ngoài đó là không thích ứng được với thị trường, hay nói cách khác, thị trường không hấp thụ sản phẩm của công ty.

Với một thị trường mở và tương đối lớn như Việt Nam, doanh nhân còn nhiều “đất” để phát triển và đầu tư. Đứng từ quan điểm của một doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong khởi nghiệp, chúng tôi hết sức cổ vũ và ủng hộ việc thành lập các công ty KHCN nhằm đóng góp giá trị cho cộng đồng và đất nước. Còn rất nhiều điều cần thiết khác cho việc sáng nghiệp một doanh nghiệp KHCN, trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng tôi nêu ra mấy vấn đề trên. Hi vọng những thông tin trên có ích cho những ai có tham vọng sáng nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
.———
* Tổng giám đốc công ty cổ phần dịch vụ CNTT NAISCORP

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)