Sáng tạo công nghệ và kỹ thuật tại Olympic

Nhờ không ngừng cải tiến kỹ thuật và cải tiến chất lượng sợi thuỷ tinh của cây sào, nên Sergej Bubka vận động viên nhảy sào người Ukraina đã đạt kỷ lục 6,14 mét vào năm 1994 và duy trì cho đến tận ngày nay. Đó là một ví dụ điển hình về việc không ngừng đổi mới công nghệ và kỹ thuật trong cuộc đua tài ở các kỳ thế vận hội Olympic.

Nhảy cao
Mọi người đều lao lên phía trước để nhảy, riêng anh lại  nhảy lùi băng qua xà. Với cú nhảy “Flop”, Richard Douglas Fosbury một vận động viên nhảy cao người Mỹ, 21 tuổi đã đạt được một thành tích kỳ diệu và được huy chương vàng Olympic tại Mexico năm 1968. Có thể nói cú nhảy vượt xà bằng lưng là một trong nhiều cuộc “cách mạng” từng diễn ra trong lịch sử môn điền kinh nhẹ. Các đối thủ lắc đầu quầy quậy, khán giả trầm trồ, thán phục, tiếng hoan hô “Olé”, “Olé” trên sân vận động Olympic ở Mexico-City hôm  20. 10.1968 vang lên không dứt.
Trước đó Richard Douglas Fosbury, thường gọi là “Dick”, liên tục bị nhạo báng. Trong những năm sáu mươi các vận động viên nhảy cao thường chạy lấy đà, chân vọt lên, bụng úp xuống xà ngang. Fosbury cũng chỉ đạt thành tích trung bình với kỹ thuật nhảy cao kiểu này  do đó anh hoàn toàn không hài lòng với kỹ thuật này. Vì thế trong khi tập anh tìm cách thử nghiệm các kiểu chạy, nhảy khác nhau và cuối cùng anh đã sáng tạo ra một kiểu nhảy cao hoàn toàn mới và trở thành người nổi tiếng khắp thế giới: Fosbury lấy đà chạy về phía  xà ngang, tạo cua rồi xoay lưng  băng qua xà  ngang.
 

Hồi đó huấn luyện viên của anh là ông  Bernie Wagner  cũng không tin tưởng vào kỹ thuật mới của học trò mình, ông nói: “Cậu làm thế không ổn đâu, có lẽ cậu nên xin vào một rạp xiếc lắm khi lại hay hơn”. Ngay cả  ông Payton Jordan, trưởng đoàn Olympia của Mỹ năm 1968 cũng tỏ ra băn khoăn lo lắng về cái kiểu nhảy  cao không giống ai này, ông nói: “Nếu bọn trẻ con bắt chước Fosbury nhảy,  thì có nguy cơ cả một thế hệ vận động viên nhảy cao sẽ bị xoá sổ, vì bọn chúng sẽ bị gẫy cổ cả lượt”. Nhưng cuối cùng cả  Fosbury đạt kỷ lục Olympic  về nhảy cao là 2,24 mét và được huy chương vàng. Kỹ thuật nhảy cao của anh được tất cả các vận động viên nhảy cao trên thế giới chấp nhận và noi theo.
Sau thắng lợi huy hoàng này một nữ phóng viên hỏi  Fosbury về tên kiểu nhảy mới của anh là gì. Fosbury bỗng nghĩ đến tiêu đề trên một tờ báo là: “Fosbury flops over the bar” (Cú nhảy qua xà của Fosbury). Anh lấy tên kiểu nhảy này là “Fosbury-Flop”.
Sau kỹ thuật nhảy cao mới, một loạt đổi mới trong các môn điền kinh nhẹ đã ra đời.

Đường chạy Tartan

Một phát minh nữa  cũng có ý nghĩa cách mạng tại Mexico là đường chạy mới.
Lần đầu tiên các vận động viên không chạy trên đường băng rải xỉ mà chạy trên đường băng Tartan ra đời ở Mỹ đầu những năm 1960.
Sau khi sử dụng đường băng rải xỉ nhiều chục năm, chất liệu này đã trở thành lạc hậu vì thế các nhà khoa học nghiên cứu một chất liệu mới thay cho xỉ. Họ sử dụng Tartan, một loại chất giẻo tổng hợp. Tartan ở dạng lỏng, có mầu đỏ hồng, được láng lên bề mặt nền cứng tạo thành đường chạy. Đường chạy Tartan có nhiều ưu điểm, nhờ cấu trúc đặc biệt, có tính ổn định cao giúp cho vận động viên tăng tốc dễ dàng hơn. Do đó các vận động viên chạy nhanh hơn. Vận động viên chạy tốc độ  người Mỹ James Hines đạt thành tích 9,95 giây đo bằng đồng hồ điện tử, phá cái mốc 10 giây tồn tại trong một thời gian rất dài  không ai vượt qua nổi. 
Cũng nhờ loại đường băng này nên một loạt kỷ lục thế giới đã được tạo ra ở Mexico. 
Việc áp dụng Tartan làm đường băng  cho các môn chạy có thể coi là một  trong ba cuộc cách mạng lớn về chất liệu trong môn điền kinh, đầu tiên là việc bắt đinh vào giày trong những năm ba mươi và đưa vào xử dụng  tấm lấy đà xuất phát, thay vì trước đó người ta thường lấy xẻng khoét một lỗ xuống đường băng. Những sáng kiến này được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình phát triển, duy có một điều từ Thế vận hội đầu tiên tổ chức năm 1896 ở Athen cho đến nay vẫn hoàn toàn không thay đổi: đó là việc trọng tài dùng súng để phát lệnh xuất phát.

Phóng lao

Mũi lao được coi là  loại vũ khí lâu đời nhất của nhân loại và nó  có mặt từ các thế vận hội thời cổ đại và tồn tại cho đến tận ngày nay. Nhưng hôm 20.7.1984 vận động viên Uwe Hohn xuýt nữa phóng lao diệt người – Tại một cuộc thi thể thao quốc tế trên sân vận động Olympic ở Berlin vận động viên CHDC Đức này đã lập một kỷ lục mới: phóng lao tới 104,80 mét và và mũi lao của anh đã rơi xuống ngay gần đường chạy, nơi đang tổ chức thi nhảy cao, nhảy xa. Cả khán giả lẫn trọng tài bị một phen thót tim.
Những người có trách nhiệm của Liên đoàn Điền kinh quốc tế lo ngại cho vấn đề bảo vệ sức khoẻ các vận động viên nên quyết định thay đổi quy chế. Trọng tâm của mũi lao được dịch lên phía trước 4cm do đó mũi lao vọt lên cao rồi lao thẳng xuống với tốc độ cao. Quy định này làm cho đường bay của mũi lao bị cản và mũi lao không thể bay xa.
Loại mũi lao mới này được áp dụng từ ngày  1.4.1986. Klaus Tafelmeister, một vận động viên điền kinh của Cộng hòa Liên bang Đức  đã phóng lao  xa  85,74 mét trong một cuộc thi diễn ra ngày 20.9.1986, kỷ lục này kém kỷ lục của Hohn tới 20 mét. Những năm sau kỷ lục này liên tục tăng lên, năm 1996  vận động viên  điền kinh người Cộng hòa Séc lập kỷ lục thế giới là 98,48 mét – tuy vậy độ xa này còn lâu mới đến được đường chạy.

Đẩy tạ
Đối với môn đẩy tạ thì nguyên liệu làm quả tạ không thay đổi nhưng kỹ thuật đẩy tạ lại thay đổi nhiều.
Đầu những năm năm mươi thường các vận động viên  hơi nghiêng thân về phía trước rồi đẩy tạ. Cho đến khi O’Brien là người đã phát hiện và áp dụng lực đòn bẩy để thực hiện việc  đẩy tạ. Anh quay lưng về hướng bay của quả tạ, hạ người xuống gần như tư thế ngồi xổm, xoay nửa vòng rồi duỗi toàn thân thật mạnh để đẩy quả tạ đi thật xa. Với kỹ thuật mới này O’Brien đã dành được huy chương vàng ở Thế vận hội Olympic năm 1952 ở Helsinki. Năm 1953 anh là vận động viên đẩy quả tạ vượt  qua ngưỡng 18 mét. Ba năm sau, 1956,  anh lại đoạt huy chương vàng Olympic lần thứ hai ở  Melbourne và là người đầu tiên phá ngưỡng 19 mét. Trong khoảng thời gian từ  1952 đến 1956 O’Brien đã liên tiếp dành  116 trận thắng. Alexander Baryschnikow, một vận động viên đẩy tạ của Liên xô cũng là người tìm ra một kỹ thuật mới trong môn đẩy tạ, lập kỷ lục  thế giới  là 22 mét. Tuy nhiên anh không liên tiếp dành được thắng lợi như O’Brien bằng kỹ thuật xoay vòng – đẩy của mình. Nhờ xoay một vòng rưỡi  vận động viên chuyển  được gia tốc từ thân thể vào quả tạ , do đó tạo được lực đẩy rất lớn ;  một tháng sau khi đạt  kỷ lục 22 mét anh tham gia thế vận hội ở Montreal nhưng chỉ đạt mức đẩy xa 21 mét, xếp hàng thứ ba. Nói chung kiểu đẩy tạ của  Baryschnikow đòi hỏi vận động viên phải phối hợp mọi động tác hết sức thuần thục,  nhưng kỹ thuật này không tỏ ra hơn hẳn kiểu đẩy tạ của O’Brien, ngày nay  vẫn có một số vận động viên đẩy tạ theo kiểu xoay-đẩy.
Thay đổi kỹ thuật và chất liệu dụng cụ trong môn nhảy sào cũng gây nhiều bất ngờ trong 150 năm qua.
Thời kỳ đầu, cây sào chưa  có độ giẻo và sức bật  như ngày nay, vận động viên băng qua xà không dựa mấy vào sức bật của cây sào mà  trong quá trình nhảy vận động viên phải  nhiều lần thay đổi vị trí tay nắm để leo sào băng qua xà  vì thế với kỹ thuật nhảy sào kiểu này người xuất sắc nhất cũng chỉ vượt được độ cao 3,50m. Đến năm 1912 vận động viên người Mỹ Marc Wright là người đầu tiên vượt ngưỡng 4 mét nhờ sử dụng cây sào bằng trúc. Kỷ lục này trong 40 năm “chỉ” nâng lên thêm được có 80cm. Vì thế người ta thấy cần một loại chất liệu mới để thay thế cây sào trúc.
Trong những năm bốn mươi đến năm mươi người ta xử dụng sào bằng nhôm sau đó  bằng thép nhưng kỷ lục cũng không được cải thiện  là bao. Chỉ đến khi người Mỹ sản xuất những cái sào bằng nhựa tổng hợp gia cố bằng sợi thuỷ tinh có độ giẻo lớn, độ uốn và sức bật cao thì môn nhảy sào mới đạt được tiến bộ cơ bản: Vận động viên George Davies (USA) sử dụng cây sào bằng sợi thuỷ tinh năm 1961 và đạt độ cao 4,83m, tăng ba cm so với kỷ lục đạt được vào năm 1960 bằng sào thép. Chỉ hai năm sau người đồng hương của Davies là Brian Sternberg  đã phá ngưỡng 5m. Nhờ không ngừng cải tiến kỹ thuật trong môn nhảy sào và cải tiến chất lượng sợi thuỷ tinh nên ngày nay kỷ lục môn nhảy sào  đã đạt tới mức 6,14m. Kỷ lục này do  Sergej Bubka vận động viên người Ukraina tạo nên từ năm  1994 và duy trì cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên thời gian giữ kỷ lục này so với hai môn điền kinh nhẹ khác chưa thấm vào đâu. Ở môn nhảy xa, kỷ lục 8,90m của vận động viên Mỹ Bob Beamon lập ngày 18.10.1968 tồn tại gần 23 năm, và bị phá bởi vận động viên người Mỹ Mike Powell ngày 30.8.1991 anh đã nhảy xa 8,95m. Cú nhảy đó được mệnh danh là “cú nhảy sang thiên niên kỷ mới”. Chỉ hai ngày sau khi chứng kiến kỷ lục tuyệt vời của Beamon khán giả ở Mêhicô lại được chứng kiến thành công của cuộc cách mạng kỹ thuật trong lịch sử điền kinh nhẹ do “Dick” Fosbury tạo nên.

Xuân Hoài theo Spiegel 8.8

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)