Sau Doha, nước Mỹ có thay đổi?

Dù hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Doha, Qatar (COP18) kết thúc ngày 8/12/2012 mà không có cam kết mới của Mỹ về cắt giảm phát thải khí thải carbon hay viện trợ chống biến đổi khí hậu, một số nước vẫn cảm thấy nhẹ nhõm khi nước Mỹ - quốc gia phát thải nhiều thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc – đã không làm cho thỏa thuận về khí hậu vốn dĩ đã yếu này càng trở nên yếu hơn.

Nhiều nước đang quan sát chính quyền của Tổng thống Obama, ở nhiệm kỳ mới, sẽ định hướng ra sao về biến đổi khí hậu và liệu có những nỗ lực mới nhằm cắt giảm lượng khí phát thải của nước Mỹ, và mở đường cho các mục tiêu tham vọng hơn như việc thông qua một hiệp ước mới về khí hậu toàn cầu trong năm 2015 .

Cuộc đàm phán trong hai tuần tại Doha kết thúc với việc kéo dài thời hạn của Nghị định thư Kyoto, vốn sẽ hết hạn vào tháng 12 năm 2012, tới năm 2020. Nhưng giờ đây các nước tham gia cam kết chỉ chiếm có 15% tổng lượng khí phát thải toàn cầu, vì một số nước phát triển, bao gồm cả Nhật Bản và Canada, đã không tham gia việc gia hạn Nghị định thư Kyoto. Nước Mỹ thậm chí còn chưa bao giờ phê chuẩn Nghị định thư này.

Thành viên Ủy ban Khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), bà Connie Hedegaard phát biểu hôm Chủ nhật, ngày 9 tháng 12 rằng các nhà đàm phán Mỹ đã “cẩn thận để không gây trở ngại cho các cuộc đàm phán diễn ra”  tuy nhiên bà thêm rằng “vẫn chưa thể biết họ, nước Mỹ, liệu có thực sự đầu tư vào việc xây dựng một thỏa thuận quốc tế mới.”

Và trong một bình luận được gửi qua email cho hãng thông tấn AP, bà Hedegaard cho biết bà đã hy vọng Tổng thống Obama “sẽ ủng hộ không chỉ một chính sách chống biến đổi khí hậu trong nước mà còn là tăng cường sự tham gia cũng như cam kết của nước Mỹ cho thỏa thuận khí hậu của quốc tế.”

Có một thực tế là cả hai phía, các nước phát triển giàu có, và các nước đang phát triển, từ lâu đã cáo buộc nước Mỹ gây cản trở các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, hiện tượng mà các nhà khoa học coi là nguyên nhân làm nâng cao mực nước biển, đe dọa các vùng trũng thấp và các quốc đảo, chuyển đổi các mô hình thời tiết có ảnh hưởng đến nạn hạn hán, lũ lụt và tần số của các cơn bão có tác hại tàn phá.

Và cũng chỉ có mình nước Mỹ, trong số các quốc gia công nghiệp phát triển, bác bỏ Nghị định thư Kyoto năm 1997, hiệp ước ràng buộc duy nhất của quốc tế về giảm lượng khí thải CO2 và các khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính khác. Chính quyền Tổng thống Bush, thời kỳ đó cho rằng Nghị định thư này sẽ làm hại nền kinh tế và nó không công bằng bởi vì không ràng buộc các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Những hy vọng vào sự thay đổi của nước Mỹ trong các cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng thống Obama đã tiêu tan khi dự thảo luật về lượng khí phát thải bị chặn lại tại Hạ viện. Nhưng kỳ vọng lại tăng lên trong năm 2012 sau khi cơn bão Sandy, gây thiệt hại ước tính tới 20 tỷ USD cho nước Mỹ, đã đưa chủ đề về biến đổi khí hậu quay lại các cuộc tranh luận chính trị trong nước Mỹ.

Càng hy vọng hơn vì sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama nói về “sức mạnh hủy diệt của một hành tinh đang nóng lên,” và cho biết ông hy vọng sẽ có một cuộc thảo luận tầm quốc gia về vấn đề này.

“Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đã thấy từ các hành động của nước Mỹ tại Doha là cả hai mặt tích cực và tiêu cực“ Alden Meyer, nhà khoa học từ  Liên hiệp các nhà khoa học quan ngại (Union of Concerned Scientists) cho biết.

Ông nói rằng Hoa Kỳ, một mặt vẫn là “trở ngại lớn” trong các cuộc đàm phán nhằm tăng viện trợ khí hậu để giúp các nước nghèo chuyển sang năng lượng sạch và thích ứng với hiện tượng mực nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu.

Nhưng mặt khác, nước Mỹ thừa nhận rằng có nhiều việc phải làm để đáp ứng cam kết tự nguyện giảm khí phát thải thêm 17% vào năm 2020, so với mức của năm 2005.

“Ngoài ra, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, ông Todd Stern, cũng bày tỏ sẵn sàng thảo luận việc làm thế nào để chia sẻ một cách công bằng trách nhiệm giữa các nước để giảm đáng kể lượng khí thải từ sau năm 2020 để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu”, ông Meyer nói thêm. “Đây là hai tín hiệu tích cực cho vòng đàm phán Doha”.

Một số nước cảm thấy tích cực khi mà các nhà đàm phán Mỹ đã không ngăn chặn một đề xuất của các quốc gia đảo quốc nhỏ thảo luận về “mất mát và thiệt hại” liên quan đến thiệt hại do thiên tai từ nguyên nhân biến đổi khí hậu.

Các quốc gia đảo quốc nhỏ, bị đe dọa do mực nước biển dâng, đã vận động để có một số cơ chế có thể giúp họ đối phó với các thảm họa tự nhiên dạng này, nước Mỹ mặc dù không ngăn chặn thảo luận đã không ủng hộ do lo ngại trách nhiệm tài chính vì chính nước Mỹ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Tuy thỏa thuận Doha không thiết lập loại cơ chế trợ giúp này, nhưng có đề cập rằng các quốc gia đồng ý thảo luận về nó.

“Đó là một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ và đây là kết quả bất ngờ lớn cho Doha”, ông Iain Keith, từ nhóm hoạt động vì môi trường Avaaz.

Ông cho rằng về tổng thể có “sự thay đổi tinh tế nhưng đáng kể” về quan điểm của Mỹ trong các cuộc đàm phán.

“Nhiều bên có thể thất vọng rằng nước Mỹ không đến đây và cung cấp tài trợ về tài chính nhiều hơn” ông nói. “Tuy nhiên, với các cuộc tranh cãi về vực thẳm tài chính (fiscal cliff) ở Washington, họ đã bị trói tay” ông nói thêm, đề cập đến nguy cơ do sự kết hợp việc tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ vào đầu năm tới.

Thỏa thuận Doha có các câu chữ mơ hồ về việc các nước giàu sẽ mở rộng quy mô viện trợ khí hậu đến 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 – một mục tiêu đã được nhất trí ba năm trước đây. Với ngân sách bị căng thẳng do khủng hoảng tài chính, các nước phát triển chống lại lời kêu gọi của các nước đang phát triển trong việc cụ thể hóa các cam kết này.
“Tôi nghĩ rằng các nước phát triển, trừ một số trường hợp ngoại lệ, không ở hoàn cảnh thuận lợi để có thể cam kết, do nhiều nguyên nhân trong đó có những thách thức tài chính mà chúng ta đang phải đối mặt ở Mỹ và châu Âu”, ông Stern, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ nói.

Trong cuộc họp báo tại Doha, các đại biểu Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh những gì chính quyền Mỹ đã thực hiện như: tăng tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu cho xe ô tô và xe tải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và đầu tư vào năng lượng xanh.
Wael Hmaidan, một nhà hoạt động Lebanon và là giám đốc của Mạng lưới hành động về khí hậu, cho biết ông rất thất vọng với việc Hoa Kỳ không hỗ trợ nhiều hơn tại Doha, đặc biệt là về tài chính cho các nước nghèo.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có một số chuyển động sau cuộc bầu cử Mỹ,” ông nói. “Chúng tôi biết sẽ không có bất kỳ sự thay đổi lớn nào nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có thêm sự linh hoạt và nhượng bộ của Mỹ, và điều này đã không được thể hiện”.

Một số người có thể đã quá kỳ vọng vào những bình luận của Tổng thống Obama về biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng chuyển thành hành động. Jake Schmidt, từ Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhận xét.

“Mọi việc đều cần thời gian để giải quyết tại Mỹ,” ông nói. “Nhưng tôi nghĩ người ta ngày càng cảm thấy rõ rằng biến đổi khí hậu là có thật, thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra ở Mỹ. Điều đó thể hiện trong tất cả các cuộc thăm dò.”

Schmidt cho biết chính quyền Mỹ có thể đạt được việc tiếp tục cắt giảm khí thải với các tiêu chuẩn mới cho các nhà máy nhiệt điện dùng than hiện đang hoạt động.

    Đức Phú dịch từ: http://science.time.com/2012/12/09/after-climate-talks-eyes-on-u-s-for-next-round/#ixzz 2EixoOK4G

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)