Sputnik, Eisenhower, và các nhà khoa học

Ngày 4 tháng 10 năm 1957, cách đây đúng nửa thế kỷ, tên lửa SS-6 của Liên Xô đã đưa được một quả cầu nặng 84 kg lên quỹ đạo Trái Đất. Đó chính là Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, một tiến bộ khoa học kỹ thuật lớn lao của loài người. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, chính sự kiện lịch sử này cũng đã làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ giữa các nhà khoa học và chính phủ ở Mỹ.

Kể từ 1957, dưới thời của Dwight D. Eisenhower, các nhà khoa học Mỹ có thể đến gặp trực tiếp tổng thống hầu như vào bất cứ lúc nào. Và tổng thống cũng thường chủ động tìm đến sự cố vấn của các nhà khoa học. Trước đó, chưa bao giờ các nhà khoa học lại có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đối với giới quyền lực cũng như những chính sách của quốc gia như vậy.

 
Eisenhower, Rabi (giữa) và giáo sư khách mời Hideki Yukawa trong khu vực máy gia tốc ở Đại học Columbia.

Dưới thời của Harry Truman, ngay cả một nhà vật lý có ảnh hưởng lớn đến Thế chiến thứ II như Robert Oppenheimer cũng bị tổng thống khinh rẻ. Ngay sau một buổi gặp Oppenheimer trong văn phòng tổng thống, Truman đã quay sang nói với thư ký Dean Acheson rằng: “Tôi không muốn nhìn thấy tên khốn đó trong cái văn phòng này thêm một lần nào nữa.” Thực ra Oppenheimer đã quá ngây thơ và khờ dại khi đến thú nhận với một kẻ như Truman là ông rất ân hận về vai trò tội lỗi của mình đối với việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Chính Truman là kẻ ra lệnh hủy diệt Hiroshima và Nagasaki chứ không phải Oppenheimer. Và đối với ông ta, Oppenheimer không là cái gì hết, bất kể tài năng và tầm ảnh hưởng của nhà vật lý trong giới khoa học và công chúng. Truman không chỉ coi thường Oppenheimer mà còn coi thường toàn bộ giới khoa học nói chung.
Trong khi đó, ở Liên Xô, bối cảnh hoàn toàn khác, các nhà khoa học làm bom hạt nhân có thể dễ dàng gặp trực tiếp giới lãnh đạo. Và quả bom nguyên tử đầu tiên của họ đã được cho nổ vào tháng 8 năm 1949, chỉ 5 năm sau vụ thử Trinity. “Các nhà khoa học Liên Xô,” nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ gốc Áo Isaac Rabi kể, “có vị thế và ảnh hưởng đến giới cầm quyền lớn hơn chúng tôi. Họ có quyền đến gặp trực tiếp Stalin, trong khi đó không ai ở Mỹ có thể gặp Roosevelt hay Truman dễ dàng như vậy.”
Sự kiện Sputnik đã làm người Mỹ đã bị sốc thực sự. Nhiều người kết luận rằng, người Nga bây giờ đã kiểm soát được bầu trời. Một trong những “cha đẻ” của bom hydro, Edward Teller phát biểu trên truyền hình rằng “Nước Mỹ đã thua một trận chiến còn lớn hơn cả trận Chân Châu Cảng.” James Killian, người sau này trở thành cố vấn khoa học của Eisenhower đã mô tả phản ứng của công chúng trước Sputnik “giống như một trận cháy rừng.” Nhiều người tỏ ra băn khoăn rằng, nước Mỹ là một đất nước tự do mà sao khoa học lại thua Liên Xô như thế.
Eisenhower không phải là người dễ biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài. Thái bộ bình tĩnh của ông khiến nhiều người Mỹ đặt câu hỏi: không hiểu ông tổng thống có nhận ra sự nghiêm trọng của Sputnik hay không? Thực ra thì Eisenhower cũng thừa hiểu được rằng, bản thân Sputnik thì không phải là nghiêm trọng, mà chính những ẩn ý đằng sau Sputnik mới gọi là đáng sợ. Việc phóng được một vật thể nặng 84 kg lên quỹ đạo cũng có nghĩa là tên lửa SS-6 của Liên Xô đủ khả năng để phóng những đầu đạn sang tận Tây Âu, thậm chí còn xa hơn nữa.
Hai tháng sau Sputnik, Mỹ cũng cố gắng “đua đòi” khi tìm cách phóng lên một vật nặng 2 kg bằng tên lửa Vanguard. Quả tên lửa đã nổ ngay trên bệ phóng. Lúc này, Eisenhower ở trong một tình thế vô cùng khó xử. Ông biết nhiều hơn những gì ông có thể nói, nhưng vẫn phải “áo gấm đi đêm.” Thực ra Mỹ có hai chương trình nghiên cứu được thực hiện song song nhau. Một là chương trình vệ tinh để kỷ niệm Năm Quốc tế về Địa vật lý, được quảng bá rộng khắp trong công chúng. Hai là chương trình tên lửa đạn đạo, được giữ tối mật và tách biệt hẳn với chương trình vệ tinh. Sự day dứt của Eisenhower là ở chỗ, nếu hai chương trình này mà được kết hợp với nhau thì có khi Mỹ đã phóng được vệ tinh trước cả Liên Xô.     
Chính Sputnik đã khiến giới cầm quyền ở Washington nhận ra tầm quan trọng của các nhà khoa học. Mối quan hệ của chính phủ với giới khoa học đã được khởi đầu bởi sự hiểu nhau giữa Eisenhower và Rabi. Eisenhower không phải là Truman và Rabi không phải là Oppenheimer. Khi được giới thiệu với Rabi, Eisenhower đã nói: “Tôi luôn thấy rất vui khi được gặp một trong những cán bộ của trường đại học.” Rabi trả lời: “Thưa Tổng thống, các giáo sư không phải là những cán bộ của trường đại học. Họ chính là trường đại học.” Eisenhower rất ấn tượng với phong cách của Rabi và họ đã nhanh chóng trở thành những người bạn.
Ngay trong tháng 10 năm 1957, Eisenhower đã triệu tập một cuộc họp bất thường với Hội đồng Cố vấn Khoa học (SAC) để hỏi ý kiến của các nhà khoa học. Sau cuộc họp đó, một hội đồng mới đại được thành lập, gọi là Hội đồng Cố vấn Khoa học của Tổng thống (PSAC), với Killian là cố vấn khoa học thứ nhất. 
Sputnik đã mở ra những cánh cửa mới cho các nhà khoa học. Một trong những vấn đề liên quan đến chính sách mà PSAC tham gia giải quyết là tính khả dĩ của một hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân trong bầu khí quyển. Trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Eisenhower, PSAC đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm cố vấn cho chính phủ, bao gồm các báo cáo như Ngăn chặn và Sống sót trong Thời đại Hạt nhân, Giới thiệu về Không gian ngoài vũ trụ, Củng cố nền Khoa học Mỹ, Vật lý Gia tốc Năng lượng Cao, Giáo dục trong Thời đại Khoa học, Tiến trình của Khoa học, các trường Đại học và Chính quyền Liên bang. PSAC đã thực sự tác động lên các chính sách quốc gia ở mức độ khá sâu sắc.
Đến thời tổng thống Kennedy, hệ thống cố vấn khoa học vẫn phát huy được hiệu quả, điều đó ít nhất cũng được thể hiện qua mối quan hệ gắn bó giữa tổng thống và người cố vấn khoa học Jerome Wiesner. Tuy nhiên, sau Kennedy, vai trò của cố vấn khoa học đối với chính sách quốc gia bắt đầu giảm sút. Việc kết nạp thêm các thành viên có chuyên môn về khoa học xã hội, y sinh và công nghiệp đã khiến PSAC mất đi tính gắn bó thống nhất mà nó từng có. Sự tan rã của PSAC xảy ra trong nhiệm kỳ của Richard Nixon. Những mâu thuẫn đỉnh điểm nảy sinh từ việc PSAC kịch liệt phản đối các chương trình chống tên lửa đạn đạo và vận tải siêu thanh của Nhà Trắng. Kết quả là đến đầu năm 1973, Nixon giải tán toàn bộ hệ thống cố vấn khoa học.
Vào tháng 5 năm 1976, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ được thành lập tại phòng điều hành của tổng thống Gerard Ford. Chủ tịch của nó có vai trò như cố vấn khoa học của tổng thống. Mặc dù văn phòng này vẫn tiếp tục tồn tại qua các đời tổng thống Jimmi Carter, Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, và George W. Bush nhưng tiếng nói của nó không mấy có trọng lượng và gần như bị “cho ra rìa.”
Theo Rabi, việc cố vấn khoa học không chỉ có ích, mà nó thực sự là một điều cần thiết. Nhưng các tổng thống nói chung là xa lạ với khoa học, xa lạ với các nhà khoa học và không hiểu gì về văn hóa khoa học. Họ thường “bỏ xó” các cố vấn khoa học của mình.
Eisenhower qua đời ngày 28 tháng 3 năm 1969. Một vài tháng trước đó, Killian đã đến thăm ông ở bệnh viện Walter Reed. Vị cựu tổng thống đã không ngừng nhắc đến những cố vấn khoa học và gọi họ bằng cụm từ “những nhà khoa học của tôi.” Ông nói với Killian: “Jim, ông biết đấy, những nhà khoa học của tôi bước vào Nhà Trắng là vì đất nước này chứ không phải vì bản thân họ đâu.”
Ít nhất là có hai lý do để lý giải cho ảnh hưởng lớn của các nhà khoa học Mỹ đối với chính sách quốc gia. Thứ nhất, các nhà khoa học không phải là những cá nhân tầm thường. Và thứ hai, quan trọng hơn, Eisenhower đã nhận ra được rằng ông cần lời khuyên của các nhà khoa học. Ông đã nghe họ và làm theo lời khuyên của họ. Ít vị tổng thống nào có tự tin để ngồi với các nhà khoa học – những cái đầu thông minh một cách đáng kính sợ, nhưng Eisenhower lại có được sự tự tin đó.    

TT lược dịch

Ảnh trên cùng: Eisenhower và các thành viên PSAC

John Rigden

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)