Sử gia Nguyễn Thế Anh với Việt học quốc tế

Trong hệ thống hành chính giáo dục Pháp quốc, Ông được vinh danh là Giáo sư ưu tú (Directeur d’études émérite) của Trường Cao học thực hành (EPHE), một cơ sở nghiên cứu uy tín của Pháp về khoa học cuộc sống-trái đất, khoa học lịch sử-ngữ văn và khoa học về các tôn giáo. Trong trật tự của đội ngũ chuyên gia Việt sử và lịch sử Á Đông, Ông được tin tưởng là sử gia hàng đầu. Có thể xác thực điều này ở nhiều nhà sử học đương thời như Philippe Papin (Pháp), Keith Weller Taylor, Olga Dror (Mỹ)…

Giáo sư Nguyễn Thế Anh tại Văn khố hải ngoại (ANOM), Aix-en-Provence, Pháp.  Đây là một trong những trung tâm lưu trữ mà ông đã miệt mài tham khảo để thực hiện rốt ráo các nghiên cứu sử học của mình.

Sinh năm 1936 trên xứ sở Vạn Tượng, Ông thân sinh quê gốc Hưng Yên và bà thân sinh quê gốc Nam Định, trong suốt thời thơ ấu, Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã chỉ có vài tháng dừng chân ở Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội khoảng năm 1941-1942, trong khi theo cha mẹ bôn ba nhiều hơn khắp đất Lào, đất Thái. Biến động xã hội toàn khu vực Á Đông khiến việc học bị gián đoạn một thời gian dài; sau khi từ Thái Lan trở lại Lào, Nguyễn Thế Anh vào trường Pháp học Pháp văn, Latin thay vì tiếng mẹ đẻ. Anh ngữ cũng được đồng hành sử dụng trong học thuật và đời riêng. Thế mà, sau 8 thập kỷ chừng như thiên di định số, tiếng Việt xứ Bắc vẫn nguyên vẹn trong giọng nói của Ông.

Năm 20 tuổi giành tài trợ tới du học Pháp, Ông từng muốn theo ngành hóa học là một mối say mê buổi đầu đời. Giáo sư Nguyễn Dương Đôn (1911-1999), Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo Dục của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đương thời, người bằng hữu với ông thân sinh của Nguyễn Thế Anh, đã có lời khuyên sâu sắc rằng, đương thời quá thiếu các giáo sư lịch sử. Thật may, Ông cũng có hứng thú với sử, và không riêng sử Việt, bởi Việt sử trong suốt hành trình của đời ông đã không bị tách rời khỏi khu vực, khỏi thế giới. Sử Việt với cách nghiên cứu của ông đã trở thành một điểm nhấn đáng giá trên bản đồ nghiên cứu lịch sử thế giới, được học giới Tây-Đông trân trọng công nhận.

Ấn phẩm sử học: Thành tựu toàn cầu của Việt sử

Năm 1967, Bibliographie critique sur les relations entre le VietNam et l’Occident [Thư mục phê bình về các mối quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây][1], đã được Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp quốc và học giới chào đón. Đây là quả ngọt của quá trình Nguyễn Thế Anh theo học nghiên cứu với sử gia kinh tế Frédéric Mauro (1921-2001). Nguyễn Thế Anh đã trải nhiều quốc gia và miệt mài trong nhiều thư khố Âu châu để biên soạn nên thư mục các tài liệu bằng văn tự latin phản ánh lịch sử quảng giao của Việt Nam. Hiện tại, có nơi muốn tái bản có bổ sung đối với thư mục đắc dụng cho nghiên cứu này, song còn bỏ ngỏ đáp án: ai là người đủ năng lực kế thừa để cập nhật thành quả của người tiền bối!

Công trình nghiên cứu Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam (1875-1925). Le crépuscule d’un ordre traditionnel [Chế độ quân chủ và sự kiện thuộc địa ở Việt Nam (1875-1925): Buổi hoàng hôn của một trật tự truyền thống][2] là ấn phẩm tinh túy từ luận án tiến sĩ cấp nhà nước của Nguyễn Thế Anh được thực hiện tại Pháp. Sử gia người Canada về Trung Quốc và Đông Nam Á là Alecxandrer Wooside đánh giá đây là nghiên cứu xuất sắc về triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam. Nghiên cứu tập trung vào giai đoạn trị vì của vua Tự Đức tới vua Khải Định, bắt đầu từ khi Việt Nam chính thức phụ thuộc cả chính trị vào người Pháp cho tới khi đến cả ngân sách chi tiêu hằng năm của Nam triều cũng phải thuộc quyền quyết định của nhà nước thuộc địa. Nghiên cứu này là sự nhất mực tiếp nối thái độ khách quan nhất có thể của nhà sử học đã được thể hiện từ hai thập kỷ trước, trong các công trình  Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn[3], Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ[4], Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân[5]. Thảng hoặc, có tiếng nói cho rằng Nguyễn Thế Anh quá lạnh lùng trong thể hiện sử kiện, song có lẽ chính nhận xét này vô tình thể hiện mong muốn phi chuyên nghiệp khi đòi hỏi dù chỉ nhỏ nhoi cảm xúc yêu ghét sân hận… của ngòi bút viết sử. Điều này là không thể, nhất là không thể trong tác phẩm của sử gia Nguyễn Thế Anh. Song, nếu đối thoại trực tiếp, người nghe sẽ thấy xúc động trước tấm lòng cảm thông, thấu hiểu của người hậu sinh đối với tình thế khó khăn không tiền khoáng hậu của những vị Hoàng đế năm xưa. Chỉ biết rằng, ba ấn phẩm được viết bằng Việt văn này tại Sài Gòn vẫn thường được độc giả nhiều lứa tuổi tìm đọc để nhận thức lịch sử và nương tựa để tiếp tục khảo cứu lịch sử.

Năm 2008, để vinh danh sử gia Nguyễn Thế Anh, đồng nghiệp và môn sinh của ông trên toàn cầu hợp sức góp bài nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều góc cạnh, thành ấn phẩm Monde du Viêt Nam : Hommage à Nguyên Thế Anh[6]. Tác giả của các bài viết ấy, có người là học trò, có người ở cùng lứa, và có cả người tiền bối của Nguyễn Thế Anh – Giáo sư Léon Vandermeersch (1928-nay). Học giới bằng cách ấy để nhấn mạnh sự mở đường và tầm vóc đáng kể của những vấn đề sử học mà Ông đã khởi xướng và phát triển. Cùng năm, Parcours d’un historien du Viêt Nam : Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh [7] bao gồm 99 bài viết của Nguyễn Thế Anh, được chia thành 9 chủ đề lớn, bao quát nhiều vấn đề của Việt sử và lịch sử Đông Á được biên soạn bởi người học trò và cũng là người kế nhiệm ông ở EPHE – Giáo sư Philippe Papin. Trong hơn một ngàn trang sách tập đại thành này, thảng hoặc tìm được một vài bài viết bằng Việt văn giữa phần lớn các bài viết bằng Pháp ngữ và Anh ngữ được ông viết mới hoặc sưu tầm bài viết cũ từ những nguồn tư liệu hiếm ở Sài Gòn trước năm 1975. Tập san Nghiên cứu Huế do nhà trí thức ở Huế là Nguyễn Hữu Châu Phan thực hiện nhiều năm trước đã được dịch và công bố một số nghiên cứu hiện diện trong Recueil này. “Village versus State: The Evolution of State-Local Relations in Vietnam until 1945” [Làng đối diện Nhà nước: Tiến trình quan hệ Làng-Nước ở Việt Nam trước năm 1945] với giá trị là một nghiên cứu hệ thống về cách thức tồn tại cùng nhau của làng xã và quốc gia trong chiều dài lịch sử Việt Nam, « Japanese Food Policies and the 1945 Great Famine in Indochina » [Chính sách lương thực của Nhật Bản và nạn đói lớn năm 1945 tại Việt Nam] về nạn đói năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam trong tương quan với hiệu ứng của sự kiện 19 tháng Tám… là đơn cử một vài nghiên cứu đáng giá của Nguyễn Thế Anh trong đó.

Đã có sự nuối tiếc bởi rất nhiều nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh viết bằng ngôn ngữ nước ngoài chưa được học giới ở Việt Nam biết tới để tận dụng. Thực tế, chỉ đơn giản là tác phẩm vẫn đương chờ những dịch giả đủ tri thức Pháp văn, Anh văn và kiến thức sử học để thành tựu của Việt học, đã được công nhận nơi trời Âu-Mỹ, có thể đến được với người Việt mình.


Viện trưởng các Viện Đại học miền Nam Việt Nam gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson năm 1967. Trong hình, hàng ngồi, từ trái qua phải: Ông Bùi Xuân Bào, GS Ban Pháp Văn (ĐH Văn Khoa Sài Gòn), Linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện ĐH Đà Lạt, Bác sĩ Trần Quang Đệ, Viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn, Ông Lyndon Johnson, Tổng Thống Hoa kỳ, Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện ĐH Vạn Hạnh, Ông Bùi Diễm, Đại sứ VNCH tại Washington. GS Nguyễn Thế Anh, Viện trưởng Viện ĐH Huế là người trẻ nhất, đeo kính, đứng ngay sau Tổng thống Hoa Kỳ.

Đại học phi chính trị: Phẩm cách nhà sử học

Là nhà giáo đồng thời là nhà khảo cứu sử Việt, Nguyễn Thế Anh từng trải những giai đoạn thăng trầm khốc liệt trong môi trường đại học ở Huế và Sài Gòn. Năm 1964, ông được bổ nhiệm Giáo sư sử học của Viện Đại học Huế. Việt sử và lịch sử Ấn Độ là chuyên môn của Ông giai đoạn này. Năm 1966, Ông trở thành Viện trưởng của cơ sở sư phạm này. Có lẽ, tuổi 30 của vị tân Viện trưởng đã gây không ít xao động trong học giới đất cố đô. Kiên định trước sức ép của quyền lực và dư luận, Ông đã chèo chống ngôi trường và bảo toàn được quan điểm «tự trị đại học » nhất quán trong giảng đường của mình. Hơn thế, nhà sử học đích thân trải nghiệm sự kiện lịch sử đã khiến ông trở thành nhân chứng đáng tin cậy hơn cả về nhiều nghi án năm xưa.  Năm 1969, ông trút bỏ gánh nặng ở Huế, vào Sài Gòn gây dựng nên thành tựu của Ban Sử thuộc Đại học Văn khoa Sài Gòn[8]. Tháng 4 năm 1975, Nguyễn Thế Anh lại xa Việt Nam, tạo lập lại sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Pháp, cho đến khi ông chính thức trở thành Giám đốc nghiên cứu ở Trường Cao học thực hành (EPHE), Giáo sư giảng dạy ở Đại học Paris-Sorbonne, và từng là Giáo sư mời tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Singapore…

Từ sau năm 1975, Ông có đôi lần về Việt Nam theo lời mời với nội dung trao đổi khoa học. Năm 2007, trong Hội thảo quốc tế về Nho giáo do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác cùng Viện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ) tổ chức tại Hà Nội, bài viết của Giáo sư Nguyễn Thế Anh về những cố gắng cập nhật chính trị của vua Tự Đức hồi cuối thế kỷ XIX là một minh chứng cho thái độ khách quan của sử gia và tấm lòng tri ân của hậu thế với tiền nhân một thuở.

Năm 2013-2014, tại Paris diễn ra triển lãm quy mô lớn mang tên “Indochine: Des territoires et Des Hommes, 1856-1956” [Đông Dương: Đất và Người, 1856-1956]. Giáo sư Nguyễn Thế Anh được học giới Pháp quốc tín nhiệm là người đứng đầu hội đồng khoa học của sự kiện 100 năm Pháp-Việt này.

Đều đặn hằng tuần kể từ khi ông chính thức hồi hưu năm 2005, một nhóm độc giả thuộc nhiều quốc tịch, ở nhiều quốc gia, từ nhiều nghề nghiệp, mang nhiều số phận, nhận được từ ông, theo đường thư điện tử, những tư liệu Việt văn, Pháp văn, Anh văn về các vấn đề ở châu Á và nhất là Việt Nam. Đó là những bài viết khảo cứu, hoặc sáng tác, hoặc giải trí của nhiều thành phần tác giả mà ông cặm cụi góp nhặt hằng ngày, theo tiêu chí của nhà sử học, trước hết để đáp ứng nhu cầu cập nhật tin tức của bản thân, sau là chia sẻ với cộng đồng. Thế giới thông tin mênh mang dàn trải, nhãn quan của người làm sử thì nhạy bén và sâu lắng.

            Bằng thiên bẩm nhạy cảm và sâu sắc, một người Việt sống xa đất Việt hai phần ba đời người đã trở thành sử gia hàng đầu về sử Việt trên tầm quốc tế.
 

“Với lòng biết ơn đối với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thế Anh, những khảo luận trong tập sách này là để dành tặng ông và vinh danh ông, với hy vọng rằng, chúng tôi, dù còn thiếu sót, song vẫn là những người được chứng kiến sự hiện diện của một học giả lớn trong thế hệ chúng tôi.” Keith Weller Taylor. Lời giới thiệu của sách Monde du Viêt Nam: Hommage à Nguyên Thê Anh. 2008. Paris: Les Indes Savantes. Tr.11.

———————————-

[1] Paris : G.P Maisonneuve et Larose, 1967. 310 tr.

[2] [Paris; L’Harmattan, 1992].

[3] Sài Gòn : Trình Bày, 1968 ; Lửa Thiêng : 1970. Hà Nội : Văn học, 2008.

[4] Sài Gòn : Lửa Thiêng, 1970 ; Sài Gòn : Trung tâm học liệu : 1974. Hà Nội : Văn học, 2008.

[5] Sài Gòn : Bộ Văn hóa giáo dục và Thanh Niên, 1973. Hà Nội : Văn học, 2008.

[6]Paris : Les Indes Savante

[7]Paris : Les Indes Savantes, 2008.

[8] Để được chứng thực khí tiết của nhà giáo lịch sử Nguyễn Thế Anh, xin tham khảo bài viết của Giáo sư sử học Trần Anh Tuấn:

http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/bienkhao/193-trananhtuan/3040-nguyentheanhvadhvk (Đăng ngày 12 tháng 04 năm 2016).

Tác giả