Tái thiết quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Cần quy trình tham dự
Thiết kế lại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là cơ hội cải thiện không gian công cộng mà còn là dịp áp dụng quy trình tham dự cấp tiến, hướng tới phát triển bền vững với tầm nhìn trăm năm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Jan Gehl, bậc thầy về không gian công cộng, từng khẳng định: “Trước tiên là hoạt động sống, rồi đến không gian công cộng, rồi mới tới công trình. Trình tự ngược lại sẽ thất bại”. Liệu quy trình thiết kế lại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và các không gian công cộng quan trọng khác có phần âm thầm và gấp gáp hiện nay có tham chiếu nguyên lý này?
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sở hữu vị trí đặc biệt, là điểm giao thoa giữa Phố Cổ, Hồ Gươm và khu Phố Pháp—những không gian có niên đại, cảnh quan và lối sống rất riêng. Dù muốn hay không, khu vực lịch sử này đang hội nhập quốc tế sâu sắc, trở thành một không gian “glocal” (vừa địa phương vừa toàn cầu). Việc cải tạo quảng trường là một phần trong kế hoạch chỉnh trang tổng thể khu vực Hồ Gươm nhằm tăng cường không gian công cộng. Theo thành phố, bước đầu tiên là phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập”—quyết định đang gây nhiều tranh luận. Tiếp theo là việc tổ chức không gian mở mới, xây dựng không gian ngầm với lối lên xuống, cải tạo tòa Hồng Vân-Long Vân, và xây dựng “tháp ánh sáng” thay thế đài phun nước.

Điều khiến dư luận băn khoăn là liệu có những phương án nào được xem xét và so sánh? Viễn cảnh tổ chức không gian sau phá dỡ sẽ ra sao? Quy trình thiết kế lại sẽ được thực hiện như thế nào và do ai đảm nhiệm? Để giải quyết được những câu hỏi này, cần phải nghiên cứu nhiều phương án và thấu hiểu cảm xúc cộng đồng-những người đang luyến tiếc chia tay một công trình gắn liền với ký ức về giai đoạn sau Đổi Mới. Để minh họa cho các hướng tiếp cận, tôi đã đề xuất ba phương án, bao gồm cả phá dỡ lẫn cải tạo.
Dù theo phương án nào, không gian mở mới cũng sẽ có diện tích ít nhất 400m², hoặc lớn hơn nếu giải tỏa được rộng hơn. Một bài toán thiết kế đô thị sẽ đặt ra, từ tổ chức luồng người, lối lên xuống không gian ngầm, bố trí tiểu cảnh, tiện ích đô thị, nghệ thuật công cộng đến sân khấu biểu diễn. Ngoài ra, bức tường lộ ra của tòa nhà lân cận cũng cần được thiết kế lại, trong khi mặt phố Cầu Gỗ—vốn ở phía sau—sẽ trở thành mặt tiền mới hướng ra Hồ Gươm, đòi hỏi chỉnh trang ít nhiều.
Vậy, tầm nhìn nào sẽ dẫn dắt công cuộc tái thiết này? Quy trình chỉnh trang quan trọng này sẽ được thực hiện theo cách nào? Đây là những câu hỏi cần sớm có lời giải để đảm bảo chiến lược dài hạn và sự đồng thuận cao từ cộng đồng.
Một giấc mơ và một nỗi lo
Tôi có một giấc mơ: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ được tái thiết với tầm nhìn trăm năm, trở thành một không gian đô thị nổi tiếng trong và ngoài nước, tiêu biểu cho hình ảnh “vị nhân sinh” của thủ đô. “Đô thị vị nhân sinh” là tựa đề tiếng Việt của cuốn “Cities for People” nổi tiếng của Jan Gehl. Năm 2019, ông tới Hà Nội dự lễ ra mắt cuốn sách, và tôi có vinh dự được ngồi cạnh ông dùng bữa tối cùng một số chuyên gia và lãnh đạo quận. Khi tôi hỏi ấn tượng về Hà Nội từ góc nhìn “đô thị vị nhân sinh”, ông cười và nói khu vực chúng tôi đang ngồi – Khu Phố Cổ và cách không xa là Hồ Gươm – thật tuyệt vời và tiêu biểu nhất.

Nhưng tôi cũng có một nỗi lo. Thói quen làm việc theo quy trình “truyền thống” có thể dẫn đến những quyết định vội vã, mang tính “top-down” (từ trên xuống), thiếu tham vấn rộng rãi và sự tham gia của cộng đồng và nhiều bên liên quan. Và có khả năng cũng không có một cuộc thi cho việc tái thiết không gian quan trọng này.
Quy trình truyền thống và quy trình tham dự
Jan Gehl là một trong những người tiên phong chỉ trích mô hình quy hoạch truyền thống ở châu Âu nửa đầu thế kỷ 20, vốn áp dụng cách tiếp cận áp đặt “từ trên xuống” (top-down), dẫn đến những không gian công cộng vô hồn, thiếu hợp lý, hiệu quả thấp và không đáp ứng nhu cầu thực tế. Tư tưởng đổi mới mang tính cách mạng của Gehl đã đặt nền móng cho quy trình quy hoạch thiết kế tham dự. Tuy nhiên, mô hình truyền thống vẫn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việc chưa công bố phương án thực hiện và viễn cảnh tái thiết quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho cảm giác cách làm này có thể vẫn đang được áp dụng.
Câu danh ngôn của Gehl có thể hiểu rằng quy trình quy hoạch thiết kế nên bắt đầu từ việc thấu hiểu cách con người sinh hoạt, tương tác, sau đó phối hợp với các bên liên quan để tạo ra không gian công cộng hỗ trợ các hoạt động đó, và cuối cùng mới thiết kế công trình để vận hành các chức năng đô thị khác. Đây là nền tảng tư tưởng cho quy trình quy hoạch thiết kế tham dự (Participatory Planning & Design). Với hai từ khóa “thấu cảm” và “tham dự”, quy trình này nhấn mạnh sự tham gia của người sử dụng trong suốt quá trình thiết kế và triển khai. Các bên liên quan rất đa dạng, bao gồm chính quyền, cộng đồng địa phương, cư dân đô thị, du khách, doanh nghiệp, chuyên gia, nghệ sĩ và nhà hoạt động môi trường. Cách tiếp cận hiệu quả là mời đại diện các bên lập nhóm làm việc, xác định lộ trình thực hiện và tìm kiếm nguồn tài chính, trong đó có hợp tác công-tư (PPP). Cơ chế này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho chính quyền mà còn tạo điều kiện để khu vực tư nhân đồng hành, đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao.
Tôi có một giấc mơ: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ được tái thiết với tầm nhìn trăm năm, trở thành một không gian đô thị nổi tiếng trong và ngoài nước, tiêu biểu cho hình ảnh “vị nhân sinh” của thủ đô.
Quy trình quy hoạch thiết kế tham dự được du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 2000 qua một số tổ chức quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến, chủ yếu áp dụng trong các dự án phát triển cộng đồng. Năm 2005, tôi may mắn tiếp cận từ khá sớm khi tham gia dự án thí điểm “Phát triển bền vững và bảo tồn Khu Phố cổ Hà Nội” (một cấu phần của dự án HAIDEP do JICA tài trợ). Nhiều năm sau, với kinh nghiệm thực tiễn về tiếp cận tham dự qua Ư6 năm làm việc tại Singapore, tôi tham gia khởi xướng và đồng chủ trì dự án Làng Nghệ thuật Cộng đồng Tam Thanh, TP Tam Kỳ – dự án được UN-Habitat trao “Giải thưởng Cảnh quan Châu Á” năm 2017. Từ năm 2019, khi được mời chấm giải ASHUI Awards – một giải thưởng uy tín trong kiến trúc và xây dựng – tôi đề xuất thêm hạng mục giải “Dự án chung tay của năm” (Joint Effort of the Year). Dù số lượng đề cử chưa nhiều so với các hạng mục khác, đây vẫn là giải thưởng hiếm hoi trong nước vinh danh những dự án có sự chung tay của cộng đồng.
“Ngọn hải đăng” từ “giao lộ của thế giới” Times Quare
Trên thế giới, nhiều dự án đã áp dụng quy trình cấp tiến để tái thiết đô thị. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là cải tạo Quảng trường Thời Đại (Times Square), nơi đón khoảng 50 triệu lượt khách mỗi năm. Dù chỉ chiếm 0,1% diện tích New York, nơi đây đóng góp 10% việc làm và 15% doanh thu của thành phố. Quảng trường là điểm hội tụ của nhà hát Broadway, sàn chứng khoán Nasdaq danh tiếng cùng vô số văn phòng, khách sạn, cửa hàng và trung tâm giải trí.
Tuy nhiên, vào những năm 1980, dưới những mặt tiền hào nhoáng và biển quảng cáo rực rỡ, nơi này từng là một khu vực nguy hiểm với tỷ lệ tội phạm cao, giao thông hỗn loạn khi các luồng xe cơ giới giao cắt với dòng người đi bộ lên tới 330.000 người mỗi ngày. Chính quyền thành phố quyết định cải tạo quảng trường theo hướng lấy con người làm trung tâm, từ bỏ cách tiếp cận áp đặt và bắt đầu bằng việc thấu hiểu nhu cầu của người dân, người đi làm, du khách và chủ kinh doanh. Các cuộc khảo sát chi tiết cho thấy mong muốn chung: một quảng trường an toàn, hấp dẫn, có nhiều không gian giao lưu và thư giãn.
Quy trình quy hoạch thiết kế nên bắt đầu từ việc thấu hiểu cách con người sinh hoạt, tương tác, sau đó phối hợp với các bên liên quan để tạo ra không gian công cộng hỗ trợ các hoạt động đó, và cuối cùng mới thiết kế công trình để vận hành các chức năng đô thị khác. Đây là nền tảng tư tưởng cho quy trình quy hoạch thiết kế tham dự (Participatory Planning & Design)
Nhóm dự án mời các bên liên quan tham gia tìm giải pháp, biến nơi đây thành một “living lab” (phòng thí nghiệm đô thị) để thử nghiệm các ý tưởng táo bạo. Họ tạm thời cấm xe để quan sát phản ứng của người đi bộ, lắp đặt ghế nghỉ cơ động với nhiều cách bố trí linh hoạt để theo dõi cách mọi người tương tác, đưa nghệ thuật công cộng và sân khấu biểu diễn vào để xem phản ứng, rồi liên tục thu thập phản hồi để điều chỉnh.
Sau nhiều vòng thử nghiệm thành công, thành phố triển khai chính thức các sáng kiến: đóng đường hoàn toàn tạo khu đi bộ 24/7, bố trí quầy lưu động và cà phê ngoài trời, bổ sung các tiện ích công cộng và sân khấu sau khi đã tối ưu hóa. Kết quả là sau 8 năm cải tạo, Quảng trường Thời Đại hồi sinh mạnh mẽ, lượng người đi bộ tăng vọt, tỷ lệ tội phạm giảm, không khí trong lành hơn. Du khách thích thú tự do dạo chơi, kết nối, thư giãn giữa bầu không khí sôi động, đầy giá trị tinh thần và văn hóa.

Câu chuyện về Quảng trường Thời Đại trở thành “ngọn hải đăng” truyền cảm hứng cho quá trình chỉnh trang đô thị kiểu cấp tiến trên toàn cầu, chứng minh rằng thiết kế dựa trên sự đồng cảm, các vòng thử nghiệm-điều chỉnh và sự tham gia cộng đồng có thể tạo ra những không gian công cộng độc đáo, bền vững và giàu ý nghĩa xã hội.
Gần đây, TP Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ biến không gian trước chợ Bến Thành thành một quảng trường mang âm hưởng Quảng trường Thời Đại, mở rộng không gian công cộng cho người dân và du khách, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế – văn hóa.
Tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dù phố đi bộ cuối tuần đã tạo không gian cho nhiều hoạt động, nhưng vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn xung đột giao thông, chưa có khu đi bộ 24/7 hay không gian thư giãn thực sự như Quảng trường Thời Đại. Việc phá dỡ hoặc cải tạo làm trống hai tầng trệt tòa nhà Hàm Cá Mập có thể mở ra cơ hội tạo nên một không gian tương tự, dù diện tích hạn chế chưa được như mong muốn.
Quy trình tham dự cho tái thiết quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Bước khởi động bắt đầu từ việc xác định và mời gọi các bên liên quan tham gia, đồng thời lập dự án và tìm nguồn tài chính như đã trình bày. Khâu triển khai có 5 bước cơ bản dưới đây. Trong quy trình này tôi có tham khảo cả một số phương pháp luận tiên tiến như Design Thinking (Tư duy Thiết kế) và chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Act), trong đó nhấn mạnh những vòng kiểm tra để hoàn thiện giải pháp.
Bước 1: Thấu cảm – Thấu hiểu địa điểm và người sử dụng
Thấu cảm là yếu tố cốt lõi của quy trình cấp tiến, thường bị bỏ qua trong quy trình truyền thống. Khảo sát địa điểm và đời sống cộng đồng thì có rất nhiều phương pháp. Thí dụ, Gehl đã đúc kết trong cuốn sách “Cẩm nang nghiên cứu đời sống công cộng” (How to Study Public Life) mà tôi đang hoàn thiện bản dịch tiếng Việt các thủ pháp như quan sát và đo đếm từ xa, đi theo quan sát, lập bản đồ hành vi, GPS các thiết bị, bảng câu hỏi, phỏng vấn,… nhằm trả lời các câu hỏi chính: “Ai? Với ai?”, “Bao nhiêu người?”, “Ở đâu?”, “Làm gì?”, “Trong bao lâu?”, “Tần suất sử dụng?”. Khảo sát cần thực hiện vào các khung giờ và điều kiện thời tiết khác nhau để có bức tranh toàn diện. Một số dự án còn sử dụng hộp thư ý kiến hoặc “cây ước nguyện” – nơi mọi người viết mong muốn của mình lên thẻ gỗ màu và treo lên để mọi người cùng đọc và nhóm dự án tham khảo. Có thể vận dụng thêm một số công cụ khoa học như “Empathy map” (Bản đồ thấu cảm) hay “User journey map” (Bản đồ hành trình người sử dụng) của môn Design Thinking.
Khác với quy trình truyền thống, quy trình cấp tiến mời đại diện cộng đồng và chuyên gia tham gia đóng góp qua nhiều vòng họp các bên liên quan và các workshop chung tay thiết kế (co-design). Các ý tưởng giải pháp được đề xuất, phản biện và điều chỉnh dựa trên phản hồi của cộng đồng.
Tóm lại, Bước 1 giúp xác định rõ các vấn đề tồn tại, giá trị hiện có và cơ hội cải thiện. Nếu thành phố chưa thực hiện nghiên cứu này thì rất nên tiến hành ngay khảo sát trước và sau khi phá dỡ “Hàm cá mập”. Đối tượng khảo sát cần đa dạng tối đa để thấu cảm với mọi thành phần.
Bước 2: Đặt vấn đề – Xác định đầu bài
Bước này xác định các vấn đề cần giải quyết như xung đột luồng giao thông, thiếu không gian công cộng và tiên ích đô thị,… Cần tránh việc xác định vấn đề sai do chủ quan suy diễn mà cần phỏng vấn người sử dụng để đảm bảo tính chính xác. Có thể vận dụng một loạt công cụ khoa học, như phân tích SWOT, “Mind map” (bản đồ tư duy), hay các công cụ “5 Whys” (5 câu hỏi Tại sao) và “Fish bond diagram” (sơ đồ xương cá) trong môn Design Thinking để giúp phân tích sâu và tìm ra gốc rễ vấn đề. Các câu hỏi sẽ được đào sâu để đóng góp tốt nhất những cơ sở khoa học cho việc đề xuất giải pháp.
Bước 3: Chung tay – Các bên liên quan cùng tìm phương án quy hoạch-thiết kế
Khác với quy trình truyền thống, quy trình cấp tiến mời đại diện cộng đồng và chuyên gia tham gia đóng góp qua nhiều vòng họp các bên liên quan và các workshop chung tay thiết kế (co-design). Các ý tưởng giải pháp được đề xuất, phản biện và điều chỉnh dựa trên phản hồi của cộng đồng. Càng vào sâu thì quá trình đòi hỏi nghiên cứu kỹ tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường để đảm bảo thiết kế không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn bền vững, do đó sự đóng góp của các chuyên gia đa ngành là yếu tố then chốt.
Lấy Medellín (Colombia) làm ví dụ—một thành phố mà trị an từng tệ nhất thế giới. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm chính trị và quy trình cấp tiến, Medellín đã lột xác, trong đó khâu chung tay thiết kế nổi bật thành công. Các công viên và quảng trường công cộng được tái thiết với sự tham gia của cộng đồng, biến nơi đây thành không gian an toàn, thân thiện, thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Thành công của Medellín đã được vinh danh qua nhiều giải thưởng quốc tế, trở thành một trong những hình mẫu về phát triển đô thị bền vững và điểm đến để học hỏi kinh nghiệm.

Bước 4: Thử nghiệm – Làm nguyên mẫu nhỏ để thăm dò
Quy trình truyền thống thường bỏ qua bước thử nghiệm và triển khai ngay trên toàn quy mô. Điều này tiềm ẩn rủi ro: nếu thiết kế kém hoặc sai sót, sẽ khó sửa chữa và dễ bị chỉ trích. Ngược lại, thử nghiệm cho phép triển khai ở quy mô nhỏ với chi phí thấp, thu nhận phản hồi từ người sử dụng để điều chỉnh. Qua nhiều vòng lặp “thăm dò – điều chỉnh” , thiết kế cuối cùng mới đạt tối ưu, đảm bảo thẩm mỹ, hợp lý và hiệu quả.
Một ví dụ điển hình về thử nghiệm bền bỉ là The High Line ở New York. Từ một tuyến đường sắt cũ, dự án đã biến nơi đây thành công viên trên cao, bảo tồn đường ray như một phần di sản công nghiệp. Khởi động từ năm 2004 với một cuộc thi thiết kế, dự án hoàn thành theo từng giai đoạn (2009, 2011, 2014) và liên tục thử nghiệm. Các giải pháp thiết kế cho tiện tích đô thị, thảm cỏ, cây xanh, nghệ thuật công cộng, hay thăm dò nguồn vốn tư nhân qua cơ chế PPP đều được “test” trước khi chính thức triển khai.
Trong trường hợp “Hàm Cá Mập”, nếu thành phố “y án” phá dỡ, câu hỏi đặt ra là: xử lý thế nào với khoảng không gian mở mới gần 400m² và bức tường nhà bên “phơi ra”? Khả năng là trước khi triển khai tái thiết sẽ có một khoảng thời gian trống, và khoảnh đất đó sẽ được tận dụng tạm thời cho đỗ xe sau khi chừa đường đi bộ.
Các chuyên đề thử nghiệm có thể đa dạng: ghế nghỉ công cộng, cây xanh, vật liệu và màu sắc lát đường, nghệ thuật đô thị như điêu khắc, cây nghệ thuật từ vật liệu tái chế, góc piano công cộng, sân khấu biểu diễn, hay vị trí lối lên xuống không gian ngầm.
Tôi đề xuất một chiến lược khác cho thời gian trống này: “Living Lab” và mỗi tuần một thử nghiệm. Ngay sau khi phá dỡ và làm phẳng sơ bộ khu đất để có thể qua lại, có thể treo biển song ngữ “Living Lab / Không gian thí nghiệm đô thị, từ…đến…”. Biển báo này không chỉ gây tò mò, thu hút sự quan tâm của công chúng và du khách, mà còn nhấn mạnh rằng mọi triển khai đều đang là thử nghiệm tạm thời. Nếu không quá gấp gáp, nên kéo dài thời gian này để tiến hành cẩn trọng. Còn nếu phải gấp, xin dành ít nhất hai tháng, trong đó 2-3 tuần đầu để nghiên cứu hành vi và nhu cầu người đi bộ trong không gian đó. Các tuần tiếp theo, lần lượt đưa vào những nguyên mẫu thiết kế (prototype) theo mô hình “pop-up” (mọc ra bất ngờ) để thử nghiệm các chuyên đề khác nhau. Dữ liệu thu thập từ quan sát, phỏng vấn trực tiếp, phản hồi qua QR code hay hộp thư góp ý sẽ giúp điều chỉnh phương án tối ưu.

Bước 5: Triển khai chính thức
Dựa trên kết quả thử nghiệm, bước cuối cùng là hoàn thiện thiết kế thi công và triển khai chính thức, có thể chia thành nhiều giai đoạn nếu cần. Ngân sách công và nguồn vốn tư nhân sẽ được huy động để bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện. Khác với quy trình truyền thống, một vài hạng mục có thể được cộng đồng tham gia thực hiện, như trồng cây, vẽ bích họa cộng đồng, thi công cây nghệ thuật từ vật liệu tái chế. Doanh nghiệp có thể tài trợ từng hạng mục và được gắn logo lên sản phẩm. Trong suốt quá trình, cần liên tục thu thập phản hồi để điều chỉnh kịp thời.
Thiết kế lại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như việc kiến tạo quảng trường 2ha mới ở phía đông, và khu vực tượng vua Lê ở phía tây của Hồ Hoàn Kiếm và nhiều không gian công cộng quan trọng khác không chỉ là cơ hội cải thiện không gian công cộng mà còn là dịp áp dụng quy trình tham dự cấp tiến, hướng tới phát triển bền vững với tầm nhìn trăm năm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, cùng với cơ chế tham vấn và phản hồi rộng rãi, đóng vai trò then chốt. Các chương trình tình nguyện và quá trình triển khai minh bạch sẽ tạo sự gắn kết, nuôi dưỡng cảm giác sở hữu chung—yếu tố quan trọng để cùng cộng đồng duy trì, bảo vệ và phát huy giá trị không gian sau này.
Với quy trình này, chúng ta có thể kì vọng không gian Hồ Gươm sẽ trở nên tuyệt vời và nổi danh hơn nữa, mang dáng dấp của “thành phố đáng sống như một bữa tiệc – nơi người ta cứ lưu luyến, chẳng muốn rời đi vì đang tận hưởng những phút giây tuyệt vời” (Jan Gehl). Và giấc mơ về một đô thị vị nhân sinh cho Hà Nội sẽ không còn xa vời.
* KTS Tô Kiên hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản.