Tấm huy chương hay “đồ trang sức”?
Kỳ thi Olympic Toán quốc tế là một kỳ thi dành cho cá nhân chứ không phải cho các quốc gia, chỉ có giải thưởng cho cá nhân mà không có giải đồng đội. Bảng thành tích của các đội chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy hướng vào tinh thần biến những kỳ thi HSG quốc gia thành ngày hội cho những học sinh yêu toán, nhằm thực hiện một cách tốt nhất yêu cầu phát hiện HSG toán.
Nhìn lại một kỳ thi
PGS.Phùng Hồ Hải, Viện Toán học và ĐH Essen-CHLB Đức |
Trong tất cả các kỳ thi, đáng nhớ nhất chính là kỳ thi lần thứ 16, kỳ thi mà đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham gia.
Năm 1974 chiến tranh vẫn chưa chấm dứt mặc dù quân Mỹ đã rút và hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Các học sinh trong đội tuyển thi Olympic Toán năm đó đã từng nhiều năm trời phải đi học ở những khu sơ tán để tránh máy bay Mỹ đánh phá. Với những thiếu thốn và khó khăn bộn bề của cuộc chiến, mục tiêu đặt ra cho đội tuyển Việt Nam rất khiêm tốn: chỉ cần có giải. Nhưng vươn lên trong khó khăn, các học sinh của chúng ta đã làm nên kỳ tích: 1 giải nhất (Hoàng Lê Minh), 1 giải nhì (Vũ Đình Hòa), 2 giải ba (Tạ Hồng Quảng, Đặng Hoàng Trung).
Có thể nói, kết quả xuất sắc mà các học sinh Việt Nam đạt được trong lần tham dự đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ này không phải là do may mắn. Tại miền Bắc Việt Nam, việc đầu tư phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là môn toán, đã được quan tâm từ rất sớm. Ngay từ đầu những năm 60, các kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc đã được tổ chức. Năm 1965, lớp chuyên toán đầu tiên được mở ra tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm sau là các lớp ở ĐHSP Hà Nội và ĐH Vinh. Rồi sau đó, mô hình này tiếp tục được nhân rộng ra các tỉnh. Năm 1965, báo Toán học và Tuổi trẻ ra số đầu tiên. Cần nhắc lại rằng, năm 1965-1968 là những năm Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc để thấy sự quan tâm cũng như cố gắng của Chính phủ trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Có thể nói, các kỳ thi học sinh toán và hệ thống các lớp bồi dưỡng HSG toán, đặc biệt là các thập kỷ 60, 70 đã rất thành công trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ góp một phần vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam ngày nay.
“Bồi dưỡng nhầm”?
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 đánh dấu “sự thoái trào” của Toán học Việt Nam. Với những khó khăn về kinh tế sau chiến tranh, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, việc chọn ngành toán trở nên quá xa vời đối với đa số sinh viên thời kỳ này, mặc dù toán vẫn là môn học chính trong nhà trường, vẫn là “cửa ải” quan trọng nhất phải qua hòng bước chân vào cánh của đại học, và mặc dù, việc dạy thêm, học thêm vẫn phát triển một cách chóng mặt. Không chỉ đối với học sinh thường mà ngay cả đối với những học sinh chuyên toán, “học toán” và “thi toán” trở thành phương tiện để đạt được những mục đích khác, thậm chí đôi khi rất “phi toán”. Chẳng hạn, có những năm đa số học sinh của một lớp chuyên toán có tiếng đăng ký thi ngành Ngoại thương hoặc Ngoại giao. Tình hình trở nên “nổi cộm” tới mức bộ GD-ĐT phải đóng cửa các lớp chuyên toán tại cấp trung học cơ sở theo đúng nguyên tắc “không quản được thì dẹp”. Thống kê theo những thông tin có được, trong số 76 học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic Toán quốc tế từ 1982-1995 thì chỉ có khoảng 20 học sinh tiếp tục con đường học toán và làm toán. Dù chúng ta hiểu rằng, một học sinh thi toán quốc tế không nhất thiết phải trở thành một nhà toán học, thì một tỷ lệ thấp như vậy trên tinh thần “phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi toán” vẫn gây cảm giác, dường như ta đã “bồi dưỡng nhầm”?
Nhìn vấn đề ở góc độ khác thì thấy rằng, mặc dù trải qua thời kỳ “thoái trào”, phong trào thi HSG toán trong thời kỳ này vẫn tìm ra được một số học sinh mà nay đã trở thành những nhà khoa học xuất sắc như Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường với thành tích đã dần vượt các thế hệ đàn anh. Rất tiếc, thực tế là danh sách những người này không nhiều và đều đang làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều cần khẳng định rằng, sự thành công của những người này chỉ phụ thuộc một phần nhỏ vào kết quả của họ tại các kỳ thi HSG. Điều quan trọng hơn cả chính là niềm đam mê toán học cũng như quyết tâm “dấn thân” vào con đường khoa học đầy chông gai của họ. Trường hợp Vũ Hà Văn là một điển hình. Hai năm “thi trượt” vào đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế, thi đỗ đại học với số điểm cao anh được gửi sang Hungary học về Điện tử. Tuy nhiên, không dứt được niềm say mê toán học, Vũ Hà Văn đã trở thành giáo sư Toán tại một trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ ở độ tuổi chỉ mới ngoài 30.
Huy chương không phải “tấm bình phong”
Trong những năm từ 1995 tới nay, đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công. Mặc dù số các nước tham gia tăng theo từng năm, đội tuyển Việt Nam vẫn thường xuyên giành vị trí rất cao trong bảng xếp hạng, đồng thời cũng đánh dấu sự xuống dốc “không phanh” của chất lượng giáo dục nước nhà. Với những điều kiện mới, chúng ta có nhiều trường đại học hơn, nhiều sinh viên hơn. Nhưng nếu đánh giá tổng thể, chúng ta hoàn toàn đánh mất “chất lượng”. Trong khung cảnh đó, thành tích của những cá nhân và đội tuyển HSG tại các kỳ thi quốc tế hay khu vực môn toán cũng như các môn khác luôn được dùng làm bình phong để che đậy yếu kém của ngành. Có vị lãnh đạo của một trường đại học lớn, khi phát biểu (trên vô tuyến) về thành tích của khoa học Việt Nam, đã nhắc tới thành tích thi Olympic Toán quốc tế. Những học sinh tham dự thi Olympic Toán quốc tế được gọi là “những nhà toán học trẻ”. Ở cấp thấp hơn, kết quả của các kỳ thi HSG toàn quốc được các sở giáo dục dùng để báo cáo thành tích. Nhiều học sinh, dù không muốn, vẫn phải đi thi vì thành tích của trường, sở. Cũng vì chạy theo thành tích nên đã xảy ra những chuyện tiêu cực rất đáng lên án trong các kỳ thi HSG. Chẳng hạn, các em HSG làm bài tập thể, dẫn đến gần như toàn bộ đội tuyển của một tỉnh bị hủy kết quả thi.
Xin được nhắc lại tiêu chí kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đó là phát hiện, động viên và khuyến khích HSG toán đồng thời quảng bá Toán học, tạo điều kiện cho học sinh các nước gặp gỡ trao đổi để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị. Cũng xin nói thêm là kỳ thi Olympic Toán quốc tế là một kỳ thi dành cho cá nhân chứ không phải cho các quốc gia, chỉ có giải thưởng cho cá nhân mà không có giải đồng đội. Bảng thành tích của các đội chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy hướng vào tinh thần biến những kỳ thi HSG quốc gia thành ngày hội cho những học sinh yêu toán, nhằm thực hiện một cách tốt nhất yêu cầu phát hiện HSG toán. Để làm được điều đó, quan trọng hơn cả, hãy coi thành tích trong các kỳ thi chính là bản thân những học sinh chứ không phải là của trường, của sở. Và nếu bỏ qua được những “gánh nặng thành tích” đó, các trường năng khiếu sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “bồi dưỡng năng khiếu “của mình, vì chắc chắn rằng “bồi dưỡng năng khiếu không phải là luyện thi”.