Tan nát cõi lòng

Trong khi nhiều tổ chức Y tế trên thế giới đang lên tiếng báo động về tầm nguy hại khó lường, như trái bom nổ chậm, của bệnh tiểu đường ở Châu Á, thì các bác sỹ phương Tây hiện phải trăn trở với căn bệnh chẳng khác nào cơn đại dịch âm thầm phủ màu xám thê lương trên khắp Châu Âu: Bệnh trầm uất!

Điều đáng nói đầu tiên về căn bệnh này chính là tính chất “nghịch lý”. Trái với lý luận thông thường, bệnh trầm uất không gắn liền với nghèo đói, với cơ cực. Thống kê ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong hai cuộc thế chiến vừa qua, cho thấy trầm uất chiếm tỷ lệ không đáng kể khi con người phải tập trung đối đầu với chiến tranh, thiên tai… Trầm uất rõ ràng không có chỗ đứng khi mục tiêu sống còn được đặt lên hàng đầu. Ngược lại, trầm uất, khác với loại bệnh dịch như H5N1, tuy âm thầm nhưng có thể đốn ngã từng người một trên các quốc gia phát triển với cuộc sống rõ ràng đã đi vào ổn định. Nhận định nào cũng có giá trị tương đối, nhưng một số nhà phân tâm đã không quá lời khi xếp loại trầm uất vào nhóm “bệnh chứng thời đại”, khi khoảng cách giữa “no cơm ấm áo” và “no cơm rửng mỡ” càng lúc càng được thu ngắn.

Kế  đến, trầm uất có mối liên hệ hai chiều vô cùng mật thiết với bệnh tim. Phía sau của không dưới 1/3 số bệnh nhân rõ ràng có vấn đề với huyết áp, với nhịp tim, với triệu chứng hụt hơi, choáng váng, thậm chí đột quỵ khi gắng sức là chiếc bóng lảng vảng của căn bệnh trầm uất. Vấn đề chỉ là vì nhiều thầy thuốc dễ chú ý đến điểm nghẽn nào đó trên mạch vành hơn điểm kẹt trong tâm tư của người bệnh.

Con đường từ trầm uất sang bệnh tim không có gì khúc khuỷu khi:
 Người phải sống trong cảnh trầm uất chẳng khác gì người chịu áp lực liên tục của stress. Huyết áp vì thế dễ dao động với khuynh hướng tăng dần để cuối cùng khó trở lại định mức bình thường.
 Người trầm uất lâu ngày dễ mất khả năng bù trừ của trái tim. Suy tim vì thế là hậu quả khó tránh ở người trầm uất dù là cơ tim, màng tim, van tim không bị thương tổn trước đó.
 Người đã đi vào cảnh trầm uất thì hệ thần kinh thực vật khó ổn định chức năng. Hồi hộp, rối loạn nhịp tim, không sớm thì muộn cũng là bạn đồng hành của người lỡ mất niềm vui trên đường đời.
 Người đã bị trầm uất rất dễ uống rượu, hút thuốc để giải sầu. Thêm vào đó, lại ít vận động nên có khuynh hướng trở nên béo phì. Càng sầu càng mập là thế. Thể trạng của người trầm uất, vì thế, là môi trường lý tưởng cho bệnh tim mạch.

Do đó, không lạ gì khi con số người bệnh trầm uất vướng thêm bệnh tim cao gấp đôi số người đau tim nhưng không biết buồn. Không dừng lại ở đó, bệnh trầm uất rõ ràng trầm trọng hơn nhiều về mặt tiên lượng khi đi kèm với bệnh tim, theo kết quả nghiên cứu trên 2847 người bệnh ở Hoa Kỳ. Tệ hơn nữa, tỷ lệ nhồi máu cơ tim trên người trầm uất bao giờ cũng cao hơn nhóm chưa chịu gục đầu trước cuộc sống. Ngay cả tỷ lệ tử vong cũng thế. Theo thống kê mới nhất ở Hoa Kỳ, số người mất mạng vì bệnh tim do trầm uất đã qua mặt con số tử vong vì xơ vữa mạch máu do rối loạn biến dưỡng chất béo. Chưa hết, 25% số người đã bị nhồi máu cơ tim sau đó bị trầm uất vì không thích ứng với cuộc sống mới với đủ loại giới hạn, từ chế độ ăn uống cho đến hình thức sinh hoạt. Vòng luẩn quẩn cứ thế mà xoay tròn trên nỗi đau của người bệnh.

Điểm éo le chính là ở chỗ trầm uất không phải là bệnh nan y. Trái lại là khác. Trầm uất là bệnh trị được với tỷ lệ thành công rất cao. Tuy vậy số người bệnh vẫn rất đông và sẽ tiếp tục tăng cao theo nhịp văn minh của thế kỷ 21, vì chỉ 1/5 số người bệnh chịu đến thầy thuốc. Lý do không chỉ vì người bệnh ngại nói sự thật. Nhiều bệnh nhân cho dù biết rõ vấn đề của chính mình, vẫn không dám đối đầu với sự thật vì ngại tiếng thị phi, vì sợ phản ứng phụ của thuốc an thần. Nguyên nhân cũng không vì thầy thuốc quá bận rộn nên bỏ sót. Trầm uất sở dĩ phức tạp vì bệnh núp kín rất kỹ dưới nhiều thể dạng trung gian như mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, biếng ăn, suy sinh dục… trước khi lộ diện rõ rệt vào một thời điểm quá muộn cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc.

Trầm uất là căn bệnh hiện không hiếm thấy ở nước ta. Trầm uất cần được nhận diện thật sớm, không chỉ vì bản thân căn bệnh, mà còn để phòng ngừa bệnh tim, nguyên nhân đã và đang tiếp tục đứng đầu về tỷ lệ tử vong. Tuy biết rõ về cơ chế bệnh lý của chứng trầm uất nhưng khi bước vào điều trị thì lại không đơn giản chút nào khi con người là một tổng thể quá đỗi phức tạp về tâm sinh lý. Chọn phương pháp nào là quyết định tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm cá biệt của thầy thuốc. Nhưng có một điều chắc chắn: Không thể điều trị trầm uất với vài viên thuốc gọi là an thần hay chống trầm uất một khi người bệnh còn tiếp tục lẫn lộn về mục tiêu của cuộc sống.

Khách bộ hành thường quan niệm mục tiêu là điểm đến cuối đường. Không, mục tiêu chính là niềm vui khi cất bước lên đường.

P.V

Tác giả