Thầy đã nghỉ ngơi

Gần 4 giờ chiều, nhận dòng tin ngắn ngủi của anh Văn Thành từ Tia Sáng: “Thầy Tụy ra đi rồi”.

Không hiểu sao, trong tôi lúc đó không phải là tâm trạng bàng hoàng, buồn đau như mỗi lần nghe tin dữ, mà lại hiện lên hình ảnh Thầy đang cười rất tươi, với ánh mắt thông minh, sắc sảo, như mỗi lần Thầy nói chuyện với chúng tôi. 

Sau sự ra đi vĩnh viễn của Cô Ngọc Anh, người bạn đã cùng Thầy đi suốt cuộc đời, sức khoẻ của Thầy giảm đi nhanh chóng. Hơn một năm nay, chúng tôi, những học trò và đồng nghiệp của Thầy, tuy không ai dám nói ra nhưng đều đã nghĩ sẽ có ngày Thầy ra đi. Tôi chợt nhận ra, dường như Thầy đã cố tình yếu đi như thế trong những tháng cuối đời. Để con cháu được chăm sóc, để học trò không bị đột ngột. Nhưng trong cuộc đời 92 năm, Thầy cũng chỉ dành hơn một năm để người ta được chăm sóc Thầy. Vẫn là Thầy, trước lúc đi xa đã kịp chuẩn bị chu đáo cho người khác, như thường lệ!

Thầy đã sống trọn đời mình với Khoa học và Giáo dục Việt Nam, sống trọn đời mình vì đất nước. Đã đến lúc Thầy được nghỉ ngơi. Với chúng tôi, “Thầy nghỉ ngơi” vẫn là cái gì đó có phần lạ lẫm, vì nói đến Thầy Hoàng Tụy là nói đến một người lao động miệt mài, không phút nào ngừng trăn trở vì đất nước.  Nhưng, chúng tôi không thể đòi hỏi gì hơn nữa ở Thầy, Cuộc đời này cũng không thể đòi hỏi gì hơn được nữa ở Thầy.

Một người Thầy lớn đã nghỉ ngơi, sau khi kịp kèm cặp, đào tạo nên những thế hệ học trò để họ nối bước Thầy.

Một Sĩ phu đã không còn cất lên tiếng nói. Nhưng cuộc đời này sẽ vẫn vang lên dõng dạc tiếng nói cương trực của Thầy, vì những điều Thầy nói đến từ lâu vẫn còn hiện hữu. Là “Sĩ phu thời nay”, như tên một cuốn sách viết về Thầy, Thầy đã không ngần ngại nói thẳng, dù biết tiếng nói của mình có được chấp nhận hay không. Kẻ sĩ có thể chết vì sự thật. 

Khi một ai đó ra đi, người ta thường nói “đã đi vào Lịch sử”. Thầy Tụy từ lâu đã là một phần của Lịch sử Toán học Việt Nam. 

Nay đã đến lúc Thầy được nghỉ ngơi. Những học trò của Thầy phải tiếp tục gánh vác việc Thầy còn dang dở.□

Tác giả